Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường TP. Hải Phòng, trong những năm qua, từ khi Luật Thú y 2015 có hiệu lực, TP. Hải Phòng đã chủ động ban hành 27 văn bản quy phạm pháp luật cấp tỉnh để cụ thể hóa và hướng dẫn thi hành Luật Thú y.

Hải Phòng dành nhiều nguồn lực cho phòng, chống dịch bệnh động vật thời gian qua. Ảnh: Đinh Mười.
Song song đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được đẩy mạnh với 42 hội nghị tập huấn cho gần 3.400 lượt người và hàng chục ngàn tờ rơi, tài liệu được phát hành, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ và người dân.
Một trong những ưu tiên hàng đầu của Hải Phòng là công tác phòng, chống dịch bệnh động vật. Ngân sách thành phố đã bố trí tổng kinh phí lên đến 144 tỷ đồng cho kế hoạch phòng, chống dịch bệnh hàng năm.
Đặc biệt, trước những diễn biến phức tạp của các dịch bệnh nguy hiểm như: Cúm gia cầm và dịch tả lợn Châu Phi, thành phố đã chi 483 tỷ đồng để hỗ trợ công tác khống chế và thanh toán dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi. Con số này thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của chính quyền thành phố trong việc bảo vệ sản xuất và sinh kế của người dân.
Cũng theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Hải Phòng, để Luật Thú y tiếp tục phát huy hiệu quả, Hải Phòng xác định cần có sự chung tay hơn nữa từ các cấp, các ngành liên quan đến chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật, cũng như có hướng dẫn cụ thể về chức năng, nhiệm vụ của hệ thống thú y các cấp.

Tiêu độc khử trùng tại khu vực xảy ra dịch tả lợn Châu Phi tại xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy. Ảnh: Đinh Mười.
Dù thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác tiêm phòng từ năm 2018, Hải Phòng vẫn dành ngân sách đáng kể hỗ trợ tiêm vaccine phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Hàng trăm triệu liều vaccine cúm gia cầm, hàng triệu liều vaccine lở mồm long móng, dịch tả lợn đã được sử dụng, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng bình quân đạt trên 70%, tạo lá chắn miễn dịch quan trọng cho tổng đàn gia súc, gia cầm lên tới hàng trăm triệu con và đàn thủy sản trên diện tích hơn 10,7 tỷ m2.
Bên cạnh đó, thành phố Hải Phòng cũng dành nguồn lực cho công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, dù đây vẫn là lĩnh vực còn nhiều thách thức. Việc duy trì Trạm Kiểm dịch động vật cố định tại cầu Đá Bạc và nỗ lực kiểm soát tại 06 cơ sở giết mổ tập trung là những cố gắng đáng ghi nhận.
Những đầu tư mạnh mẽ về kinh phí, cơ sở vật chất cùng sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền đang từng bước tạo nên một hành lang pháp lý vững chắc, thúc đẩy ngành chăn nuôi địa phương phát triển theo hướng an toàn, hiện đại và bền vững.
"Sự đầu tư của thành phố Hải Phòng không chỉ dừng lại ở kinh phí trực tiếp chống dịch mà còn tập trung vào việc nâng cao năng lực hệ thống thú y. Trạm Chẩn đoán xét nghiệm và Điều trị bệnh động vật đã được đầu tư hơn 50 thiết bị máy móc hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn ISO/IEC 17025, với khả năng thực hiện đến 38 phép thử khác nhau. Đây là công cụ then chốt giúp các địa phương giám sát dịch bệnh chủ động và chẩn đoán chính xác, kịp thời", ông Vũ Bá Công, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hải Phòng nêu trong báo cáo.
Trong giai đoạn 2015-2024, tại Hải Phòng có tổng số 33 lượt xã, phường và 26 lượt huyện, quận xảy ra dịch bệnh động vật thủy sản. Thiệt hại do dịch bệnh thủy sản gây ra được quy đổi giá trị là 404 tỷ đồng. Diện tích/kinh phí đã hỗ trợ để khôi phục nuôi trồng thủy sản sau dịch bệnh là 13.500 m2. Đáng lưu ý, giai đoạn này không xảy ra dịch bệnh cho thủy sản nuôi nghiêm trọng đến mức Hải Phòng phải ban hành quyết định công bố dịch bệnh động vật thủy sản cấp tỉnh.