| Hotline: 0983.970.780

Người chăn nuôi nhỏ lẻ thiếu ý thức trong phòng chống dịch bệnh

Thứ Sáu 16/05/2025 , 21:32 (GMT+7)

Hà Tĩnh Không ít hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vứt xác lợn ốm chết xuống sông suối, ao hồ khiến công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi gặp nhiều thách thức.

Từ đầu năm đến nay, dịch tả lợn Châu Phi phát sinh, lây lan ở nhiều huyện, thị, thành phố tại Hà Tĩnh, gây thiệt hại khá nặng nề cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, tâm lý chủ quan, thiếu ý thức trong phòng chống dịch vẫn tồn tại âm ỉ ở không ít hộ dân.

Không ít hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vứt xác lợn ốm chết xuống kênh mương. Ảnh: Thanh Nga.

Không ít hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vứt xác lợn ốm chết xuống kênh mương. Ảnh: Thanh Nga.

Đơn cử, giữa tháng 4/2025, chị C.T.H, trú xã Cẩm Dương, huyện Cẩm Xuyên phát hiện một con lợn nái trong chuồng có biểu hiện sốt cao, bỏ ăn, nổi ban. Thay vì báo cáo với chính quyền địa phương, chị H. đã tự mua thuốc về điều trị. Tuy nhiên, sau 4 ngày không thấy bệnh thuyên giảm, chị mới báo lên thú y xã để hỗ trợ tiêu hủy lợn. Khi lấy mẫu xét nghiệm, cơ quan thú y xác định vật nuôi mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Cán bộ phụ trách lĩnh vực nông nghiệp xã Cẩm Dương, huyện Cẩm Xuyên thông tin, từ tháng 12/2024 đến nay, dịch tả lợn Châu Phi phát sinh liên tục trên địa bàn toàn xã, khiến hơn 140 con lợn buộc phải tiêu hủy. Mặc dù chính quyền, cơ quan chuyên môn các cấp tăng cường tuyên truyền, song nhiều người dân còn chần chừ trong khai báo dịch bệnh, giấu dịch, tự xử lý xác lợn chết theo cách thủ công, không đảm bảo kỹ thuật, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường và phát tán mầm bệnh.

Theo ghi nhận, chỉ trong 1 tháng (2 - 3/2025), xã Thạch Trị, TP Hà Tĩnh đã phát hiện 2 vụ xác lợn chết vứt trôi nổi trên kênh N9 đoạn qua địa bàn với tổng trọng lượng hơn 3,5 tấn.

“Đây là kênh hạ lưu, nên không loại trừ xác lợn bị ném từ vùng đầu nguồn trôi về. Người dân tự ý vứt xác lợn chết bừa bãi vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh tại địa phương”, ông Nguyễn Văn Ninh, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Trị nhấn mạnh.

Đây là một trong những nguyên nhân khiến dịch tả lợn Châu Phi lây lan diện rộng, khó kiểm soát. Ảnh: Thanh Nga.

Đây là một trong những nguyên nhân khiến dịch tả lợn Châu Phi lây lan diện rộng, khó kiểm soát. Ảnh: Thanh Nga.

Sự thiếu hợp tác của người dân trong công tác phòng chống không chỉ khiến dịch kéo dài dai dẳng mà còn tạo áp lực rất lớn lên chính quyền cơ sở cả về nhân lực lẫn kinh phí. Khi dịch bệnh bùng phát, các xã, phường, thị trấn phải huy động nhiều lực lượng để điều tra, lấy mẫu, tiêu hủy, phun hóa chất khử trùng, xử lý môi trường. Trong những đợt cao điểm, nhiều địa phương còn phải huy động lực lượng dân quân tự vệ, cán bộ bán chuyên trách và cả phương tiện cơ giới để thực hiện tiêu hủy lợn, tổ chức tiêu độc khử trùng trên diện rộng.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng phòng Thú y (Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi Hà Tĩnh) cho hay, theo Luật Chăn nuôi năm 2018, người chăn nuôi giữ vai trò trung tâm trong công tác phòng chống dịch bệnh. Người chăn nuôi có trách nhiệm phải thực hiện nghiêm các quy định: phát hiện và khai báo kịp thời khi có dấu hiệu dịch bệnh; không giấu dịch, không bán chạy, không làm lây lan dịch bệnh; chấp hành nghiêm hướng dẫn của cơ quan thú y khi có dịch xảy ra. Đồng thời, thường xuyên chăm sóc, theo dõi đàn vật nuôi, thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin; duy trì vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng định kỳ; kiểm soát việc ra vào khu vực chăn nuôi;…

Người chăn nuôi phải cùng đồng hành chống dịch với chính quyền và ngành chuyên môn thì công cuộc dập dịch mới thực sự đạt hiệu quả. Ảnh: Thanh Nga.

Người chăn nuôi phải cùng đồng hành chống dịch với chính quyền và ngành chuyên môn thì công cuộc dập dịch mới thực sự đạt hiệu quả. Ảnh: Thanh Nga.

“Trong bối cảnh dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trên cả nước nói chung, tỉnh Hà Tĩnh nói riêng đang diễn biến khó lường, chúng tôi cần sự phối hợp, nâng cao ý thức về tiêm phòng vacxin, chủ động báo cáo về tổng đàn, sức khỏe vật nuôi khi có biểu hiện bất thường… Nếu người chăn nuôi không thay đổi tư duy, vẫn xem phòng dịch là việc của Nhà nước, không phải trách nhiệm của mình thì dịch bệnh sẽ còn tiếp diễn dai dẳng, khó kiểm soát và người chịu thiệt hại không ai khác chính là bà con”, ông Nam nhấn mạnh.

Xem thêm
Nuôi thỏ lợi nhuận không nhỏ

THANH HÓA Tự tay gây dựng trang trại, rồi đứng lên sau những lần thất bại là hành trình đầy tâm huyết của anh Nguyễn Công Tùng với con thỏ trên đất xứ Thanh.

Chăn nuôi an toàn không dịch bệnh là 'chìa khóa' cho sinh kế bền vững

TUYÊN QUANG Chăn nuôi an toàn dịch bệnh không chỉ là giải pháp bảo vệ đàn vật nuôi mà còn là chìa khóa ổn định sản xuất, giữ vững sinh kế cho người dân ở Tuyên Quang.

Bắc Kạn: Bí xanh chết hàng loạt

Khoảng 10ha cây bí xanh tại huyện Ba Bể bị chết, 80ha nhiễm bệnh, nguy cơ không cho thu hoạch.

Hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ canh tác sầu riêng

ĐẮK LẮK Chiều 12/5, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên và Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk ký hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong canh tác sầu riêng.

Tối ưu vận hành liên hồ chứa bằng công nghệ và dữ liệu

Khi tài nguyên nước trở nên khan hiếm và biến động khó lường, ngành thủy lợi chủ động tái cấu trúc cách thức quản lý dựa trên nền tảng công nghệ và dữ liệu.

Đồng Tháp tập huấn về AI cho cán bộ và người dân

Đồng Tháp tổ chức tập huấn AI nhằm nâng cao nhận thức chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân trên địa bàn tỉnh.

Hải Phòng xử lý 34 tàu cá vi phạm

Lực lượng chức năng vừa xử phạt vi phạm hành chính 34 trường hợp tàu cá tại thành phố Hải Phòng với tổng số tiền gần 353 triệu đồng.

Cải thiện điều kiện sống cho voi nuôi nhốt

Đắk Lắk 14 trong tổng số 35 cá thể voi nhà tại Đắk Lắk đã được cải thiện điều kiện sống, trong đó 11 cá thể đang tham gia mô hình du lịch không cưỡi voi.