Tàu chúng tôi cập đảo Đá Tây nấp bão nhưng không thể vào gần vì nước cạn. Phải neo tàu ngoài này rồi xuống thúng để vào đảo. Hải trình chỉ khoảng 300 mét nhưng cơ cực quá đỗi. Trong chiếc thúng chòng chành, tôi bị sóng nhồi đến mềm người.
>> Dậy sóng
>> Đi tìm cây trôi và bọt trắng
>> Cưỡi sóng đạp gió
>> Ký sự biển Đông
Tình cảm lính đảo
Hình như tôi bén duyên với chuyến biển này hay sao mà mọi dự định thực hiện đề tài đều diễn ra suôn sẻ. 8 giờ sáng, tôi và tài công Nguyễn Minh Vương cùng 2 ngư dân đặt chân lên đảo Đá Tây trong lúc ở đây đang diễn ra nhiều sự kiện quan trọng. Lực lượng đóng quân trên đảo đang làm thủ tục thay quân, bàn giao cả 3 chức vụ: đảo trưởng, đảo phó và chính trị viên.
Cùng sáng nay, 2 cán bộ của Đoàn 6 thuộc Đoàn đo đạc nghiên cứu hải đồ (đóng ở Hải Phòng) ra đảo thực hiện chuyến công tác dài ngày. Một cuộc hội tụ ngẫu nhiên đầy ý nghĩa. “Bộ Quốc phòng và Bộ NN-PTNT vừa phối hợp tổ chức chuyến khảo sát để thực hiện kế hoạch quy mô hóa đảo Đá Tây. Đây sẽ trở thành hòn đảo nổi hoành tráng nhất tại khu vực Trường Sa. Theo quy hoạch, đảo Đá Tây sẽ là khu dịch vụ dân sự hóa hoàn toàn nhằm phục vụ cho bà con ngư dân tốt hơn”, chính trị viên - thiếu tá Hoàng Anh Tuấn cho biết.
Không khí bàn giao và tiếp khách của anh em lính đảo thêm phần trang trọng khi đã lâu lắm rồi các anh nuôi mới ra tay thịt mấy con vịt xiêm được nuôi trên đảo. Còn tàu của ngư dân ghé vào đây tránh bão ai cũng có chút quà mọn tặng anh em lính đảo. Này là vài chục con cá tươi, cây thuốc lá. Kia là vài chục con mực đã kịp phơi khô. Mặc dù bận tíu tít nhưng anh em lính đảo không bỏ chúng tôi bơ vơ, vẫn dành thời gian đón tiếp những người khách như đón tiếp người thân lâu ngày mới gặp.
Tác giả chụp ảnh lưu niệm cùng đảo trưởng Phùng Mạnh Dũng |
Trong lúc đợi ban chỉ huy đảo hoàn thành thủ tục thay quân và bàn giao, tiếp nhận nhiệm vụ, tôi được một chàng lính trẻ dắt ra khu nhà vệ sinh để rửa mặt cho tỉnh táo trước khi làm việc với “chúa đảo”. Tôi trầm trồ: “Khu nhà vệ sinh của lính đảo tiện nghi quá, chẳng khác nào ở khách sạn 3 sao”. “Lính đảo được dành nhiều ưu ái lắm anh à!”, chàng lính trẻ nhỏ nhẹ.
Khi quay về khu nhà làm việc tôi mới hay không chỉ chúng tôi mà còn có hàng chục ngư dân khác của các tàu câu mực xà của ngư dân Quảng Ngãi cũng đang tụ tập về đây. Đông vui quá, một điều tôi không dám nghĩ sẽ có trước khi đi chuyến biển này.
Vào phòng làm việc của đảo trưởng Phùng Mạnh Dũng, tôi thành thật “khai báo”: “Tôi vừa "tham ô" của lính đảo một ít nước ngọt để tắm”. Vị chỉ huy 34 tuổi quê Gia Lâm (Hà Nội) cười cởi mở: “Bác cứ thoải mái, khách của đảo ai cũng là “thượng đế” cả”. Rồi Dũng xởi lởi nói thêm: “Mọi năm, giờ này trên đảo đã hết nước ngọt, 3 ngày anh em mới được tắm 1 lần. Anh em ở những điểm đảo còn cực hơn, 10 ngày mới được tắm. Năm nay, tháng nào cũng có mưa nên nước ngọt dồi dào lắm".
Nhà thơ của đảo Đá Tây
Bữa tiệc thêm rôm rả nhờ những ly rượu làm quà cho lính đảo được gửi ra từ đất liền. Rượu thật ngon, Bàu Đá chính hiệu. Nhấp một ngụm nghe ấm cả người. Anh em vừa cụng ly vừa trải lòng. Buồn, vui của những người lính đảo lần lượt trở thành những tâm sự được giãi bày.
“Mỗi lần tàu ngư dân ghé vào đảo anh em ở đây mừng ghê lắm, như được gặp người nhà. Suốt ngày ngoảnh ra thấy biển, ngoảnh vào chạm những gương mặt gặp nhau mỗi ngày. Giờ có anh em ngư dân lại có nhà báo ghé thăm, niềm vui nhân đôi. Nào, mời tất cả cùng cụng ly chào mừng”, đại úy đảo trưởng Phùng Mạnh Dũng hứng khởi hô hào.
Ngồi cạnh tôi, thiếu tá chính trị viên Hoàng Anh Tuấn bộc bạch: “Là lính đảo, gian khổ anh em không ngại. Chỉ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ giữ yên biển trời quê hương để ngư dân yên tâm bám biển. Chúng tôi mong đảo Đá Tây sớm được nâng tầm, dịch vụ hậu cần ở đảo phong phú hơn để phục vụ ngư dân tốt hơn”.
Nghe nhắc đến “dịch vụ hậu cần phục vụ ngư dân”, đảo trưởng Phùng Mạnh Dũng liền khoe: “Đảo Đá Tây “sinh” được một nhà thơ đấy bác à”. Rồi đảo trưởng Dũng hào hứng: “Yêu cầu nhà thơ đọc tặng nhà báo bài thơ về dịch vụ hậu cần phục vụ ngư dân đi”. Không khí bữa liên hoan sôi động hẳn lên.
Tác giả tập thơ “Làng Đá Tây”, thiếu tá Phan Khắc Hành |
Thiếu tá Phan Khắc Hành chính là người được lính đảo gọi yêu là nhà thơ của đảo Đá Tây. 18 tháng nhận nhiệm vụ tại đảo, một thời gian không dài nhưng cũng đã kịp cho tâm hồn nhạy cảm của người lính cơ yếu dâng muôn chiều cảm xúc. Rồi anh đọc, giọng đọc của chàng trai xứ Nghệ khiến những câu thơ thêm mượt mà.
Sự quan tâm của những sỹ quan trong Ban chỉ huy đảo Đá Tây dành cho những bài thơ của thiếu tá Phan Khắc Hành khiến tôi thấy thật cảm phục. Những lúc rảnh rỗi, thiếu tá Nguyễn Văn Quảng, thiếu tá Hoàng Anh Tuấn và đại úy Phùng Mạnh Dũng ngồi lại, tuyển từ hàng trăm bài thơ của anh Hành chọn ra 31 bài để làm thành tập thơ mang tên “Làng Đá Tây”. Tuy chỉ là ấn phẩm làm vi tính trông rất giản đơn nhưng chứa đựng đầy ắp tấm tình của những người lính đảo. |
Tình yêu biển trời quê hương được anh thể hiện bằng những câu thơ mộc mạc nhưng đầy hào khí: “Chúng tôi những người lính/ Canh giữ nơi đảo xa/ Không cùng mẹ sinh ra/ Nhưng cùng chung chí hướng... Gạt hết mọi vấn vương/ Quyết ra nơi gian khó/ Nhận khó khăn về mình/ Tuổi trẻ Hồ Chí Minh/Sống hiến dâng cao cả”.
Đảo Đá Tây được Phan Khắc Hành xem như là quê hương ruột thịt của mình. Bởi đó, anh đã gọi đảo là “làng Đá Tây”: “Giữa biển cả bao la/ Giữa trùng dương sóng vỗ/ Mọc lên ngôi làng nhỏ/ Gọi là làng Đá Tây”. Cả những hạt mưa nhỏ nhoi cũng làm tâm hồn người lính reo vui: “Ơn trời cho hạt mưa sa/ Để cho bộ đội Trường Sa hứng dòng/ Nhanh nhanh chuẩn bị xô thùng/ Hứng hứng đầy nước để dùng dài lâu”.
Những cơ cực của ngư dân đang đánh bắt trên biển Đông cũng đeo bám tâm hồn nhạy cảm của người lính bám đảo: “Trường Sa xa bến xa bờ/ Ngư dân hết gạo biết nhờ cậy ai/ Trường Sa xa lắc xa lơ/ Mỗi khi dầu cạn vào bờ khó khăn...”.
Những lời thơ chân chất của một tâm hồn đa cảm trong người lính đảo dạn dày sóng gió đã khiến tôi cảm phục.