Trong bối cảnh ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, đặc biệt là xu hướng phát triển nuôi biển theo chủ trương, chính sách của Nhà nước, việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho cộng đồng nuôi trồng thủy sản trở thành yếu tố then chốt để đảm bảo sự phát triển bền vững.

Ngành nuôi biển nước ta đang có bước chuyển mình từ nuôi truyền thống sang nuôi công nghệ cao. Ảnh: Phương Chi.
PGS.TS Võ Văn Nha, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III cho biết, trong 5 năm trở lại đây, ngành nuôi biển đã có những bước tiến đáng kể từ phương pháp truyền thống sang ứng dụng công nghệ tiên tiến.
“Chủ trương phát triển nuôi biển đã tạo ra một luồng gió mới, định hướng rõ ràng cho các địa phương, doanh nghiệp và người dân ven biển. Minh chứng rõ ràng nhất là sự gia tăng đáng kể số lượng đơn xin cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển tại các tỉnh trọng điểm như Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận, Quảng Ninh, Kiên Giang… Điều này cho thấy chính sách đã đi vào cuộc sống, khơi dậy tiềm năng và sự hưởng ứng của cộng đồng”, PGS.TS Võ Văn Nha nói và cho biết, sự xuất hiện của nhiều mô hình thí điểm tiên tiến từ các doanh nghiệp, hợp tác xã và địa phương đã cho thấy những tín hiệu tích cực trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi biển, hứa hẹn một tương lai phát triển hiệu quả hơn.
PGS.TS Võ Văn Nha nhận định, so với hơn một thập kỷ trước, nhận thức về bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản đã có những chuyển biến đáng kể, đó là dễ dàng nhận thấy sự khác biệt trong cách người dân bảo vệ môi trường xung quanh.
Tuy nhiên, sự thay đổi này vẫn chưa thực sự bền vững và cần được duy trì, củng cố thường xuyên thông qua các hoạt động nâng cao nhận thức. Thực tế vẫn còn tồn tại tình trạng xả trực tiếp ra biển các chất thải từ hoạt động nuôi trồng như vỏ tôm lột, thức ăn dư thừa, thậm chí cả rác thải sinh hoạt.

Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi biển đang được các địa phương chú trọng để gia tăng hiệu quả. Ảnh: Phương Chi.
Để giải quyết triệt để vấn đề này, cần có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn nữa. Việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cần được thực hiện một cách thường xuyên, liên tục và đi sâu vào từng khía cạnh của hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển.
Trong đó, cần chỉ cho người dân thấy rõ tác hại của việc ô nhiễm môi trường không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân họ mà còn đến cả cộng đồng nuôi biển. Mỗi hành động gây ô nhiễm dù nhỏ nhất cũng có những hệ lụy khôn lường đến môi trường sống và sinh kế của chính họ.
“Thức ăn dư thừa trong quá trình nuôi lồng bè nếu không được thu gom kịp thời sẽ phân hủy, tạo ra các chất thải tích tụ dưới đáy lồng, gây ô nhiễm môi trường nước và buộc người nuôi phải di chuyển lồng bè sau một thời gian. Cho nên, việc hướng dẫn người dân về tác hại cụ thể và cách xử lý thức ăn dư thừa đúng cách sẽ giúp họ nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường”, PGS.TS Võ Văn Nha cho hay.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc nâng cao ý thức cộng đồng, thực hiện nhiệm vụ được Bộ NN-PTNT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) giao, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III đã triển khai các chương trình tập huấn hàng năm, tập trung vào các đối tượng trực tiếp tác động đến môi trường nuôi biển.
Điểm đặc biệt của các lớp tập huấn không chỉ trang bị kiến thức cho người tham gia mà còn biến họ trở thành những hạt nhân tích cực, tuyên truyền và vận động người thân, hàng xóm cùng thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường.
Việc lựa chọn những người có uy tín trong cộng đồng như chủ nhiệm hợp tác xã, tổ trưởng tổ cộng đồng tham gia tập huấn đã cho thấy hiệu quả rõ rệt trong việc lan tỏa thông điệp.

PGS.TS Võ Văn Nha, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III trực tiếp về cơ sở tập huấn kiến thức nâng cao ý thức bảo vệ môi trường nuôi trông thủy sản cho người dân. Ảnh: Phương Chi.
Trong hai năm vừa qua, Viện III đã thực hiện ít nhất 5 lớp tập huấn và ghi nhận những chuyển biến tích cực. Sau 3 - 4 tháng quay trở lại các địa phương được tập huấn, chúng tôi nhận thấy rõ sự chuyển biến tích cực trong ý thức bảo vệ môi trường của người dân và các hộ nuôi lồng bè tại khu vực Nam Trung Bộ trong thời gian qua.
“Qua trò chuyện, trao đổi với người dân, có thể thấy rằng sự quan tâm, đồng hành thường xuyên của các nhà khoa học và chính quyền địa phương đã tạo được sự tin tưởng và thay đổi trong nhận thức của người nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi biển”, PGS.TS Võ Văn Nha chia sẻ.
Tuy nhiên, hành trình nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản là một quá trình liên tục và đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học, doanh nghiệp và cộng đồng người dân để xây dựng một môi trường nuôi trồng thủy sản xanh, sạch và bền vững, góp phần vào sự phát triển chung của ngành và bảo vệ tài nguyên biển quý giá của đất nước.