| Hotline: 0983.970.780

Mong manh đai rừng ven biển ĐBSCL

Thứ Sáu 25/04/2025 , 13:46 (GMT+7)

Đến cuối năm 2024, diện tích rừng phòng hộ và tỷ lệ che phủ rừng của các địa phương ven biển ĐBSCL đều ở mức thấp so với yêu cầu bảo vệ bờ biển dài.

Xói lở gây mất đất gần 300 ha/năm

Những ngày đầu tháng 4/2025, nhóm chuyên gia của Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam thực hiện chuyến khảo sát tại 5 tỉnh ven biển ĐBSCL, gồm: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng và Bạc Liêu.

Một vấn đề báo động được các chuyên gia chỉ ra là tình trạng sụt lún đất đang diễn ra trên diện rộng, với tốc độ trung bình từ 10-30 mm/năm, cục bộ có nơi lên đến 20-30 mm/năm.

Sụt lún đất làm trầm trọng thêm tác động của nước biển dâng, tăng độ sâu ngập úng và đặc biệt là đẩy nhanh quá trình xói lở bờ biển.

Hiện trạng đê biển tại một số địa phương ven biển ĐBSCL. Ảnh: Kim Anh.

Hiện trạng đê biển tại một số địa phương ven biển ĐBSCL. Ảnh: Kim Anh.

Ông Trần Quang Thọ, chuyên gia từ Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam thông tin, khoảng 50% trong tổng số 720 km đường bờ biển ở ĐBSCL đang bị xói lở, gây mất đất trung bình gần 300 ha/năm và xu thế này được dự báo sẽ còn gia tăng. Trong đó, có hơn 70 km bờ biển bị xói lở với tốc độ rất nhanh, từ 20-50 m/năm, với 17 điểm xói lở nghiêm trọng.

Hệ quả tổng hợp từ các tác động trên dẫn đến tình trạng suy thoái rừng ngập mặn - vốn là tuyến phòng thủ tự nhiên quan trọng của các địa phương ven biển ĐBSCL.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, rừng ngập mặn đang bị suy thoái và thu hẹp nghiêm trọng ở nhiều nơi. Khoảng 242 km bờ biển có rừng ngập mặn bị xói lở từ 10-40m/năm, chiều rộng rừng còn lại dưới 500m, không đủ để giảm sóng hiệu quả và đe dọa đến an toàn đê biển bên trong.

Theo Quyết định công bố hiện trạng rừng năm 2024 của 5 địa phương trên và thực trạng khảo sát hiện trường, Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam kết luận, đến cuối năm 2024, diện tích rừng phòng hộ ven biển và tỷ lệ che phủ rừng của các địa phương đều ở mức thấp so với yêu cầu bảo vệ bờ biển dài.

Tính riêng năm 2024, tổng diện tích rừng bị mất do sạt lở và các yếu tố tự nhiên liên quan tại Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng và Tiền Giang gần 131ha. Đây là số liệu chứng minh, xói lở trở thành mối đe dọa hiện hữu và liên tục đối với sự tồn tại của rừng phòng hộ ven biển.

Một trong những đoạn đê biển ở tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Kim Anh.

Một trong những đoạn đê biển ở tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Kim Anh.

Thực tế tại Trà Vinh, đã ghi nhận khoảng 750m kè bảo vệ bờ biển ở khu vực ấp Cồn Trứng, xã Trường Long Hòa (thị xã Duyên Hải) có hiện tượng lún nhẹ, xuất hiện các khe hở từ 5-7cm.

Khu vực biển Gò Công (tỉnh Tiền Giang) cũng bị xói lở mạnh, nhất là ở khu vực ấp Phước Cùng (xã Tân Thành), ấp Mới (xã Tân Điền), biển xâm thực vào tận chân đê, trung bình mỗi năm địa phương mất khoảng 15 ha rừng.

Tại Bến Tre, hiện có 19km trong tổng số 65km bờ biển bị xói lở nghiêm trọng. Tốc độ xói lở bình quân 20-25m/năm. Trong đó, huyện Thạnh Phú và Bình Đại chịu ảnh hưởng nặng nề nhất về diện tích đất và rừng bị mất.

Còn tại Sóc Trăng, tuyến đê biển Vĩnh Châu, thuộc địa bàn xã Lai Hòa, giáp ranh tỉnh Bạc Liêu cũng đang xảy ra tình trạng xói lở nghiêm trọng. Sóng biển gây sạt lở sát thân 27 đê. Rừng phòng hộ hiện không còn hoặc có nhưng chiều dày rất mỏng. Địa phương đã xây dựng kè ly tâm hai hàng cọc với cao trình đỉnh trên 2,8m để hấp thụ sóng, gây bồi tạo bãi.

Trồng mới và bảo vệ diện tích rừng hiện có, là giải pháp phi công trình đang được thực hiện phổ biến ở ĐBSCL. Ảnh: Kim Anh.

Trồng mới và bảo vệ diện tích rừng hiện có, là giải pháp phi công trình đang được thực hiện phổ biến ở ĐBSCL. Ảnh: Kim Anh.

Đối với tỉnh Bạc Liêu, phần lớn các công trình kè đã hoàn thành. Tuy nhiên, một số dự án lớn như kè ngầm ở Nhà Mát và Hòa Bình, vẫn đang trong quá trình thi công. Có một số lo ngại về khả năng sạt lở mái đối với một vài đoạn kè bờ biển khi gặp điều kiện thời tiết khắc nghiệt do thiếu công trình bảo vệ phía trước.

Tiếp tục phục hồi, trồng rừng phòng hộ ven biển

Trước những thách thức trên, các địa phương ven biển đang tập trung bảo vệ bờ biển, phục hồi rừng ngập mặn gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, đảm bảo sinh kế cho người dân.

Đai rừng phòng hộ ngoài đê đang trong tình trạng mong manh, chịu áp lực lớn từ xói lở và các hoạt động của con người. Ảnh: Kim Anh.

Đai rừng phòng hộ ngoài đê đang trong tình trạng mong manh, chịu áp lực lớn từ xói lở và các hoạt động của con người. Ảnh: Kim Anh.

Giải pháp cụ thể, các địa phương đang tập trung trồng mới, khoanh nuôi tái sinh và bảo vệ diện tích rừng ngập mặn hiện có, thông qua sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ các dự án quốc tế.

Đồng thời, các tỉnh cũng đang nghiên cứu, tính toán đến khả năng ứng dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên như: phát triển các mô hình nông - lâm - ngư nghiệp kết hợp; sử dụng các cấu trúc mềm hoặc sinh thái để giảm sóng và gây bồi; sử dụng kè rỗng giảm sóng để gián tiếp hỗ trợ phục hồi rừng tự nhiên phía trong…

Các giải pháp dựa vào thiên nhiên được chuyên gia đánh giá có tiềm năng lớn trong bảo vệ bờ biển bền vững và mang lại hiệu quả về chi phí. Tuy nhiên, việc triển khai trên quy mô lớn còn rất hạn chế. Do thiếu quy hoạch không gian tích hợp, xung đột lợi ích, nhất là vướng mắc về quyền sử dụng đất đã cấp cho nuôi trồng thủy sản, thiếu cơ chế chính sách khuyến khích đủ mạnh, hạn chế về kỹ thuật và nhận thức của cộng đồng.

Rừng đã hình thành trên bãi phía bên trong đê ngầm ở xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Kim Anh.

Rừng đã hình thành trên bãi phía bên trong đê ngầm ở xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Kim Anh.

Do đó, Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam kiến nghị các địa phương tiếp tục đầu tư phục hồi, trồng bổ sung rừng phòng hộ ven biển.

Các cơ quan chức năng cần giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan đến giao đất, mặt nước, thuế, xác định địa giới hành chính... tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX và người dân.

Nâng cao năng lực và tăng cường hỗ trợ về kỹ thuật sản xuất bền vững, cung cấp kịp thời các thông tin cảnh báo về chất lượng nước, dịch bệnh, diễn biến thời tiết cực đoan, thông tin thị trường đến người dân.

Đặc biệt, cần có một nghiên cứu để đánh giá toàn diện các tác động môi trường tại vùng cửa sông - ven biển để xác định nguyên nhân biến động của độ mặn, phù sa, xói lở đáy.... Đây sẽ là cơ sở đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp với đặc thù từng vùng.

Xem thêm
Thịt vịt suối xóm Nhàng da vàng như da gà

'Dù có bị bịt mắt nhưng em vẫn nhận ra được miếng thịt vịt suối xóm Nhàng, xã Kim Thượng', Hà Thị Yến, Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn, người gốc Kim Thượng khẳng định.

Không để việc sắp xếp bộ máy ảnh hưởng đến phòng, chống dịch bệnh

HÀ TĨNH Đó là một trong những chỉ đạo mới nhất của UBND tỉnh Hà Tĩnh nhằm khống chế dịch tả lợn Châu Phi và một số dịch bệnh đang xảy ra trên đàn vật nuôi.

Doanh nghiệp cạn vốn

ĐIỆN BIÊN Doanh nghiệp cạn vốn, người dân thiếu quyết tâm, kiên trì nên dù tiềm năng lớn nhưng con đường phát triển cây mắc ca ở huyện Điện Biên còn lắm chông gai.

Tổ khuyến nông cộng đồng 'gần dân, sát ruộng, am hiểu thực tiễn'

TRÀ VINH Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, khuyến nông cộng đồng, hợp tác xã là lực lượng nòng cốt trong triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Đắk Nông chuyển đổi cơ cấu cây trồng để chống hạn

ĐẮK NÔNG Trước tình trạng nắng hạn ngày càng gay gắt, ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Nông chủ động định hướng người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Khởi động dự án áp dụng giải pháp phân hủy rơm rạ trên đồng ruộng

CẦN THƠ Dự án nhằm phát triển các giải pháp phân hủy rơm rạ trên đồng ruộng, tăng cường sức khỏe đất và giảm phát thải trong canh tác lúa.

Nữ tỷ phú cá tra ở vùng đất Đồng Tháp Mười

Đồng Tháp Vượt qua khó khăn, bà Nguyễn Thị Lý trở thành tỷ phú nhờ liên kết doanh nghiệp và nguồn vốn hỗ trợ ngân hàng, xây dựng quy trình nuôi cá tra xuất khẩu.