Một khảo sát mới nhất của Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam cho thấy, vùng ven biển ĐBSCL, đặc biệt tại 5 tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng và Bạc Liêu đang đối mặt với hai thách thức lớn là: tình trạng xói lở bờ biển ngày càng nghiêm trọng và ô nhiễm nguồn nước tại các vùng nuôi trồng thủy sản.
Mặc dù thời gian qua, các cơ quan trung ương và địa phương đã xây dựng và triển khai nhiều chương trình, quy hoạch và nghiên cứu để bảo vệ đê biển, phát triển rừng và nuôi trồng thủy sản bền vững. Tuy nhiên, nhiều điểm vẫn chưa đồng bộ, thiếu tính kết nối dài hạn.

Tuyến đê biển xã Vĩnh Hải (TX Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) thường bị sóng biển đánh, gây sạt lở sát chân đê, phía ngoài đã thi công kè ngầm giảm sóng, gây bồi. Ảnh: Kim Anh.
Riêng đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản vốn là thế mạnh của vùng, nhưng hiệu quả sản xuất của hộ nuôi lại đang giảm dần do nguồn nước ngày càng bị ô nhiễm. Việc tiêu thoát nước ở các khu vực ven biển gặp nhiều khó khăn do hệ thống kênh mương thiếu đồng bộ, khiến ô nhiễm tích tụ qua thời gian, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và chất lượng nuôi trồng.
Tại Hội thảo “Hiện trạng bảo vệ bờ biển và khả năng ứng dụng giải pháp dựa vào thiên nhiên hỗn hợp” do Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam phối hợp với Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) tổ chức ngày 24/4, tại TP Cần Thơ, các chuyên gia đã đề xuất hướng tiếp cận mới là thực hiện giải pháp dựa vào thiên nhiên kết hợp (Hybrid NbS).
Một trong những hành động nổi bật là nghiên cứu dùng nước biển ven bờ cấp cho vùng nuôi trồng, sau đó tận dụng nước thải để trồng rừng. Giải pháp này hướng đến xây dựng một mô hình tuần hoàn, vừa bảo vệ môi trường, vừa giúp khôi phục và phát triển dải rừng ven biển.

Ông Đỗ Đức Dũng – Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam chia sẻ về giải pháp sử dụng nước biển đưa vào nuôi trồng thủy sản và trồng rừng. Ảnh: Kim Anh.
Theo ông Đỗ Đức Dũng – Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, nguồn nước biển ven bờ tại ĐBSCL có chất lượng tốt, phù hợp nuôi trồng thủy sản. Mô hình sẽ tạo nên một giải pháp tuần hoàn nguồn nước, vừa bảo vệ môi trường, vừa duy trì sản xuất bền vững. Nhưng cần thêm thời gian để kiểm chứng, dự kiến có thể đánh giá rõ ràng hơn vào cuối năm 2025.
TS Nguyễn Nhứt - Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II chia sẻ thêm, việc phát triển rừng ngập mặn là điều kiện tiên quyết để đảm bảo nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững.
Ông Nhứt phân tích, ngay cả khi sử dụng năng lượng tái tạo hay bản thân quá trình sản xuất, từ thức ăn đến con giống, đều phát thải khí các bon. Do đó, để trung hòa, bắt buộc phải có rừng.
Ngoài ra, rừng còn mang lại giá trị sinh học to lớn. Đơn cử, lá đước đang được nghiên cứu để chữa bệnh đốm trắng trên tôm hoặc ứng dụng trong y học. Mỗi hecta rừng đước có thể thu hoạch đến 5 tấn trái mỗi năm. Tương tự, để sản xuất 1 kg cá dứa cần đến 7 kg lá mắm – loại nguyên liệu được nhiều doanh nghiệp săn đón. Tuy nhiên, hiện nay theo quy định, việc khai thác các sản phẩm từ cây rừng chưa được phép.
“Muốn phát triển rừng, phải coi đây là tài sản sinh lợi trực tiếp cho người dân, họ phải được quyền thu hoạch, chế tạo, khai thác hoạt tính sinh học từ rừng, một cách có kiểm soát”, ông Nhứt đề xuất.

Một số mô hình nuôi tôm tuần hoàn kết hợp trồng rừng ngập mặn. Ảnh: IUCN.
Cũng trong hội thảo, ông Nguyễn Thanh Phong - Đại diện IUCN đưa ra hướng tiếp cận cụ thể hơn là phát triển mô hình Hybrid NbS trên nền đất “sổ đỏ”, tức cho phép trồng rừng trên đất của người dân.
Theo ông Phong, với các thách thức của ĐBSCL như thiếu phù sa, xói lở, nước biển dâng… không thể chỉ giải quyết bằng giải pháp công trình kè, đê mà cần kết hợp với thiên nhiên, như: kè chắn sóng bên ngoài, trồng rừng bên trong vừa bảo vệ, vừa tạo sinh kế và tăng khả năng hấp thụ carbon.
Để hỗ trợ người dân chuyển đổi, IUCN đề xuất chuyển từ nuôi tôm thâm canh sang đầu tư nuôi công nghệ cao để giảm diện tích, tăng hiệu quả. Đồng thời, dư ra quỹ đất để trồng rừng.
“Rừng trong mô hình này không chỉ là hàng rào xanh bảo vệ bờ biển, mà là một phần trong hệ thống xử lý nước thải tuần hoàn, không lấy nước từ bên ngoài vào, giảm rủi ro dịch bệnh, hướng tới nuôi trồng sạch, bền vững”, ông Phong nhấn mạnh.
Hiện giải pháp Hybrid NbS đang được IUCN thí điểm và đặt mục tiêu khôi phục 18ha rừng tại Bạc Liêu và Sóc Trăng, kỳ vọng tác động đến 500 nông dân và hấp thụ hơn 3.000 tấn CO2.