| Hotline: 0983.970.780

Nghiên cứu giải pháp hỗn hợp dựa vào thiên nhiên ở vùng ven biển ĐBSCL

Thứ Tư 23/04/2025 , 19:31 (GMT+7)

ĐBSCL Tập trung đánh giá tiềm năng của các giải pháp bảo vệ bờ biển, nhất là các giải pháp hỗn hợp dựa vào thiên nhiên để vùng ven biển ĐBSCL phát triển bền vững.

Biến đổi khí hậu, sự suy giảm nghiêm trọng lượng phù sa từ thượng nguồn sông Mekong, cùng với tình trạng sụt lún do khai thác nước ngầm phục vụ nuôi trồng thủy sản đang gây ra những tác động tiêu cực đối với ĐBSCL, nhất là vùng ven biển. Đây là nhận định của Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam trong bối cảnh toàn vùng đang đối mặt với những thách thức ngày càng gia tăng về môi trường và tài nguyên.

Tình trạng xói lở bờ biển và suy giảm rừng ngập mặn ngày càng nghiêm trọng ở vùng ven biển ĐBSCL. Ảnh: Kim Anh.

Tình trạng xói lở bờ biển và suy giảm rừng ngập mặn ngày càng nghiêm trọng ở vùng ven biển ĐBSCL. Ảnh: Kim Anh.

Thêm vào đó, tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường do các hoạt động nuôi trồng thủy sản thiếu bền vững, nhất là các mô hình thâm canh không được quản lý chặt chẽ về nước thải, tạo áp lực lớn lên các hệ sinh thái ven bờ.

Hệ quả, tình trạng xói lở bờ biển và suy giảm rừng ngập mặn ngày càng nghiêm trọng, làm mất hàng trăm hecta đất và rừng mỗi năm.

Từ ngày 7-11/4 vừa qua, Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam phối hợp cùng Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) Việt Nam đã tổ chức chuyến khảo sát thực địa và tham vấn tại 5 tỉnh vùng ven biển, gồm: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng và Bạc Liêu.

Kết quả khảo sát cho thấy, ĐBSCL đang đối diện với nhiều thách thức hiện hữu. Điển hình, hệ thống đê biển ở nhiều nơi tuy đã được đầu tư nâng cấp, song còn nhiều đoạn chưa hoàn thiện. Các công trình bảo vệ bờ có hình thức đa dạng nhưng hiệu quả chưa đồng đều.

Đặc biệt, rừng phòng hộ ven biển bị suy thoái nặng nề, nhiều nơi đai rừng quá mỏng, không đủ chiều dày để bảo vệ tuyến đê, trong khi công tác phục hồi rừng còn gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, vùng ven biển hiện vẫn thiếu các mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững, dẫn đến áp lực gia tăng lên môi trường sinh thái và hệ thống phòng chống thiên tai hiện hữu.

Những tồn tại này đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với các cơ quan quản lý từ trung ương đến địa phương, phải triển khai các giải pháp tổng thể, tích hợp và hài hòa giữa công trình kỹ thuật và các biện pháp dựa vào thiên nhiên.

Cần tập trung đánh giá tiềm năng của các giải pháp hỗn hợp dựa vào thiên nhiên (Hybrid NbS) để mở ra cơ hội gắn kết với các mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: Kim Anh.

Cần tập trung đánh giá tiềm năng của các giải pháp hỗn hợp dựa vào thiên nhiên (Hybrid NbS) để mở ra cơ hội gắn kết với các mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: Kim Anh.

Ông Đỗ Đức Dũng, Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam cho biết, đơn vị sẽ tập trung xác định các định hướng và đề xuất nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý. Đồng thời, nhận diện rõ các nhu cầu và lỗ hổng cần được giải quyết. Đây sẽ là những đóng góp thiết thực vào mục tiêu phát triển bền vững cho vùng ĐBSCL.

Cũng theo ông Dũng, các giải pháp cần hướng tới mục tiêu là rà soát, đánh giá hiện trạng hệ thống đê biển và các công trình bảo vệ đê; xác định nhu cầu và giải pháp phát triển dải rừng ngập mặn ngoài đê, nhằm nâng cao khả năng bảo vệ tuyến đê trước các tác động bất thường của thời tiết.

Đặc biệt, cần tập trung đánh giá tiềm năng của các giải pháp bảo vệ bờ biển, nhất là các giải pháp hỗn hợp dựa vào thiên nhiên (Hybrid NbS). Việc này không chỉ giúp tăng hiệu quả bảo vệ bờ mà còn mở ra cơ hội gắn kết với các mô hình sinh kế thích ứng, khai thác tiềm năng hệ sinh thái ven biển và cơ hội mới như tín chỉ carbon.

Xem thêm
Ngoại giao đóng vai trò kiến tạo xuyên suốt các giai đoạn lịch sử

Chủ tịch nước Lương Cường đánh giá vai trò kiến tạo hoà bình của ngoại giao Việt Nam, thể hiện xuyên suốt các giai đoạn lịch sử, từ đấu tranh đến xây dựng đất nước.