| Hotline: 0983.970.780

Phục hồi hệ sinh thái và nâng cấp hạ tầng chống chịu thiên tai

Thứ Hai 14/04/2025 , 13:27 (GMT+7)

SƠN LA Đó là mục tiêu quan trọng mà tổ chức UN-Habitat của Liên hợp quốc triển khai tại Sơn La, nhằm ứng phó trước biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai.

Những năm gần đây, thiên tai đã gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với tỉnh Sơn La. Chỉ riêng hai cơn bão số 2 và số 3 trong năm 2024 đã khiến địa phương thiệt hại hơn 500 tỷ đồng, ảnh hưởng nặng nề tới đời sống, nhà ở, cơ sở hạ tầng và sản xuất nông nghiệp của bà con trên địa bàn tỉnh.

Nhiều ngôi nhà của người dân tại Sơn La ngập trong biển nước sau cơn bão số 2 năm 2024. Ảnh: Quang Dũng.

Nhiều ngôi nhà của người dân tại Sơn La ngập trong biển nước sau cơn bão số 2 năm 2024. Ảnh: Quang Dũng.

Là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn thứ ba cả nước, chỉ sau Nghệ An và Gia Lai, Sơn La có đến 3/4 diện tích là đồi núi cao, bị chia cắt bởi hệ thống sông Đà và sông Mã. Chính đặc điểm địa hình này khiến địa phương luôn phải đối mặt với nguy cơ từ lũ và sạt lở đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.

Nâng cấp hệ thống cảnh báo sớm

UN-Habitat với sự hỗ trợ của Chính phủ và nhân dân Nhật Bản triển khai dự án JSB hướng tới mục tiêu tăng cường thể chế và nâng cao năng lực chống chịu của cộng đồng trước các rủi ro thiên tai (lũ quét và sạt lở). Thông qua việc xây dựng và lồng ghép các kế hoạch có sự tham gia của cộng đồng, các giải pháp giảm sẽ tập trung vào phục hồi hệ sinh thái và xây dựng cơ sở hạ tầng chống chịu. Thời gian thực hiện dự kiến từ tháng 4/2025 đến tháng 3/2026.

Đoàn công tác của UN-Habitat phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường đi khảo sát một số địa điểm thực hiện dự án tại huyện Mai Sơn. Ảnh: Đức Bình.

Đoàn công tác của UN-Habitat phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường đi khảo sát một số địa điểm thực hiện dự án tại huyện Mai Sơn. Ảnh: Đức Bình.

Trong khuôn khổ dự án, nhiều giải pháp sẽ được triển khai đồng bộ nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Việc cải thiện hạ tầng phục vụ cảnh báo sớm và kế hoạch ứng phó khẩn cấp được đặc biệt chú trọng.

Dự án sẽ hỗ trợ, nâng cấp hệ thống thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất thời gian thực, tích hợp những mô đun giám sát, phân tích, xử lý dữ liệu, kết nối dữ liệu đa nguồn phục vụ hỗ trợ nghiệp vụ cảnh báo và truyền tin nguy cơ lũ quét, sạt lở; đồng thời lắp đặt các thiết bị cảm biến bổ sung tại những khu vực có nguy cơ cao. Qua khảo sát thực địa, chuyên gia sẽ phối hợp với cấp chính quyền lập bổ sung các bản đồ xác định điểm nóng, đánh giá rủi ro tại từng khu vực để lên kế hoạch ứng phó chi tiết.

Nhà cộng đồng chống chịu thiên tai được xây dựng và nâng cấp phù hợp vào tình hình của địa phương, đảm bảo có hệ thống điện và bể thu nước mưa để phục vụ sinh hoạt trong trường hợp khẩn cấp.

Ngoài ra, các công trình bảo vệ sườn dốc cũng sẽ được thiết kế tại những khu vực có độ dốc lớn nhằm giảm thiểu nguy cơ sạt trượt đất đá, đặc biệt là trong mùa mưa bão. 

Dự án sẽ tập trung vào những khu vực có nguy cơ cao bị trượt, sạt. Ảnh: Đức Bình.

Dự án sẽ tập trung vào những khu vực có nguy cơ cao bị trượt, sạt. Ảnh: Đức Bình.

Bà Vũ Minh Hằng, quản lý dự án Biến đổi khí hậu, UN-Habitat, đại diện nhóm dự án JSB chia sẻ, bên cạnh việc đầu tư vào hạ tầng cứng, chúng tôi cũng tập trung cải thiện khả năng phục hồi của hệ sinh thái. Việc bảo tồn rừng và củng cố thảm phủ bề mặt đóng vai trò quan trọng nhằm tăng khả năng giữ nước tự nhiên, hạn chế tình trạng xói mòn và sạt lở đất.

Phương pháp giảm thiểu rủi ro thiên tai dựa vào hệ sinh thái (Eco-DRR) sẽ được áp dụng để phục hồi và gia cố các vùng đất bị xói mòn, dự án sẽ đánh giá dựa trên 3 yếu tố: chất lượng đất, hệ thực vật hiện có và hình thái sạt trượt, để đưa ra phương án phục hồi.

Chiến lược dài hạn

Không chỉ tập trung vào các giải pháp kỹ thuật và môi trường, chương trình còn hướng tới nâng cao năng lực phòng chống thiên tai cho chính quyền địa phương và người dân. Với tôn chỉ lấy người dân làm trung tâm của UN-Habitat, cộng đồng sẽ tham gia vào mọi hoạt động, từ đánh giá và lập bản đồ rủi ro, xây dựng kế hoạch tích hợp.

Các lớp tập huấn sẽ được tổ chức nhằm giúp người dân hiểu rõ cách chuẩn bị, ứng phó và phục hồi sau thiên tai, cuộc thảo luận nhóm tập trung được tổ chức định kỳ để thu thập ý kiến phản hồi.

Theo bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Sơn La, toàn tỉnh hiện có hơn 300 xã, trong đó trên 70 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Với địa hình phức tạp và điều kiện kinh tế còn nhiều hạn chế, các nguồn lực từ xã hội hóa hay viện trợ từ tổ chức nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai các dự án ứng phó với thiên tai.

Hệ thống dự báo, cảnh báo sớm là yếu tố then chốt trong phòng chống thiên tai. Ảnh: Đức Bình.

Hệ thống dự báo, cảnh báo sớm là yếu tố then chốt trong phòng chống thiên tai. Ảnh: Đức Bình.

Một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay là hệ thống cảnh báo sớm. Mặc dù Sơn La đã có các trạm thủy văn đi vào vận hành, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu giám sát và dự báo thiên tai. Do đó, việc cải thiện hạ tầng này sẽ giúp nâng cao độ chính xác của thông tin cảnh báo, từ đó giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.

Để đảm bảo tính bền vững của dự án, bà Hằng đề nghị các thành viên tham gia phải phối hợp chặt chẽ với UN-Habitat để theo sát tình hình thực tế, đảm bảo tính phù hợp khi nâng cấp hoặc bổ sung những hệ thống thiết yếu, chú trọng nâng cao trình độ kỹ thuật trong công tác quản lý. Sau khi chuyển giao, các hệ thống đảm bảo hoạt động ổn định, trở thành mô hình điểm để nhân rộng nhiều địa bàn trong tỉnh.

Việc đầu tư vào hạ tầng cảnh báo sớm, phục hồi hệ sinh thái và nâng cao năng lực ứng phó của người dân không chỉ giúp giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định sinh kế và phát triển kinh tế bền vững cho tỉnh. Sở Nông nghiệp và Môi trường Sơn La kỳ vọng dự án JSB không chỉ là giải pháp ngắn hạn, mà là nền móng cho hệ thống phòng chống thiên tai hiệu quả hơn trong tương lai.

Chương trình định cư con người của Liên hợp quốc (UN-Habitat) là cơ quan chuyên trách về đô thị và các khu đinh cư; được thành lập tại Việt Nam từ năm 2007, UN-Habitat cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn chính sách, đào tạo nâng cao năng lực và thí điểm can thiệp hạ tầng trong lĩnh vực quy hoạch, quản lý phát triển đô thị, ứng phó biến đổi khí hậu.

Xem thêm
Nghệ An dự kiến giảm còn 130 đơn vị cấp xã sau sắp xếp

Ban Chỉ đạo tỉnh Nghệ An thống nhất tỷ lệ giảm đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh là gần 68,5%, tương đương còn khoảng 130 xã.