Việc của ai người nấy lo, thói quen họp mặt cuối tuần của gia đình họ cũng thưa thớt dần. Mới đây, hai đứa con của vợ chồng anh Thành bỗng dở chứng đua đòi theo chúng bạn.
Đứa lớn nằng nặc đòi anh chị phải sắm điện thoại mới để không thua kém bạn bè, đứa nhỏ thấy vậy cũng đòi mua sắm áo quần mới cho bằng chị của nó. Do đầu tắt mặt tối vì công việc, chị Nguyệt hết la rầy con đến cằn nhằn chồng thiếu quan tâm đến con cái. Bực mình vì vợ không chịu thông cảm, anh Thành giận dỗi bỏ nhà đi mấy ngày mới về.
Trong thời đại ngày nay, sự thân mật, gần gũi gia đình có khuynh hướng bị đe dọa nghiêm trọng do văn hóa cạnh tranh và những thay đổi công nghệ với tốc độ chóng mặt.
Nhiều gia đình đang phải đối mặt với những vấn đề như li dị, rối loạn kỷ cương nề nếp, thói sống ích kỷ và xảy ra bạo lực gia đình trong một số gia đình. Khi các thành viên gia đình chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng theo đuổi hạnh phúc bên ngoài, mỗi cá nhân sẽ cảm thấy bất hạnh. Đã đến lúc chúng ta cần bắt đầu hình thành một gia đình hội đủ hai yếu tố là hạnh phúc và tinh thần theo cách đúng nghĩa nhất.
Bản sắc gia đình luôn quan trọng: Để tạo thói quen lành mạnh cho gia đình, mỗi lần cần bàn luận chuyện gia đình, vợ chồng anh Huy chị Bích đều cho các con cùng tham gia, đóng góp ý kiến, nếu thấy đề tài phù hợp.
Với họ, điều này giúp kết nối các thanh viên trong nhà theo hướng tích cực nhất. Anh Huy chia sẻ: “Việc tạo ra một bản sắc riêng cho gia đình đem lại sự gắn kết của các thành viên và mục đích chung đúng nghĩa như một gia đình”.
Bạn cũng có thể bắt đầu bằng việc tìm ra một phương châm mà mỗi thành viên gia đình có cơ hội được đóng góp, cho dù là bằng lời, ý tưởng hoặc suy nghĩ. Phương châm của gia đình bạn là gì, nên viết ra cho mọi người cùng biết, diễn tả những mục tiêu và ước mơ của chung gia đình, đồng thời những điều mà cả gia đình muốn làm.
Tinh thần đồng đội: Vợ chồng anh Lợi chị Thu muốn làm việc gì cũng đồng vợ đồng chồng, mỗi người phụ một tay cho đến khi làm xong việc. Anh Lợi vốn khỏe mạnh nên đảm nhận những phần việc nặng trong nhà, trong khi chị Thu vốn lanh lợi, khéo léo, nên bất cứ công việc gì phù hợp với sở trường của mình chị đều làm thay cho chồng. Nhờ vậy mà vợ chồng họ sống rất hạnh phúc và hiếm khi thất bại trong những công việc chung của gai đình. Hai người cùng có chung ý kiến là: “Một gia đình hạnh phúc không thể thiếu yếu tố tinh thần đồng đội”.
Để làm tốt điều này, mỗi thành viên gia đình nên cảm nhận rằng mình có một phần trong việc mong muốn có được một cuộc sống gia đình hạnh phúc, từ đó đưa ra những hướng dẫn làm cách nào để cùng nhau thực hiện như một đội hình gắn kết. Bạn có thể khởi đầu từ những việc đơn giản rồi khó hơn, như cùng nhau lên kế hoạch cho kỳ nghỉ hè và học hỏi từ nhau những điều mới mẻ.
Cha mẹ cũng đừng quên giáo dục con cái bằng những điều tích cực. Bước đầu tiên để dạy con trở thành người cứng cỏi là bồi dưỡng cho con các giá trị tinh thần tích cực. Giá trị quan trọng nhất là tình yêu, sự hiểu biết, kỷ luật bản thân, bình an nội tâm và hạnh phúc. Bạn có thể giải thích với trẻ, tài sản tình yêu là biết sống tốt cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, khuyến khích trẻ sống vì hạnh phúc của những người thân yêu và biết phát triển hạnh phúc cho chính bản thân của trẻ.