
Cảng cá Cửa Hội chưa phát huy hết công năng như kỳ vọng. Ảnh: Việt Khánh.
Sở NN-PTNT Nghệ An (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) đã ban hành Công văn số 649/SNN-KHTC lý giải nguyên nhân Cảng cá Cửa Hội sử dụng không hết công năng dù được đầu tư nguồn kinh phí “khủng”.
Theo đó, Cảng cá Cửa Hội nằm trên địa bàn phường Nghi Hải, thành phố Vinh, công trình này thuộc sự quản lý của Ban quản lý Cảng cá Nghệ An. Cảng được đầu tư, xây dựng từ năm 1999, đến năm 2014 tiếp tục được nâng cấp theo Quyết định số 4462/QĐ-BNN-TCTS của Bộ NN-PTNT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường).

Những năm gần đây số lượng tàu thuyền cập cảng giảm mạnh. Ảnh: Việt Khánh.
Cảng cá Cửa Hội chính thức hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2019 với tổng diện tích 34.600m2, bao gồm nhiều hạng mục đáng chú ý như: 1 cầu cảng dài 220m; 1 kè loại 1 kết hợp bến cập tàu dài 203m cho tàu nhỏ; 1 kè loại 2 bảo vệ bờ dài 265m; trạm cấp nước; cân điện tử 80 tấn; nhà phân loại hải sản quy mô hơn 1.000m2… tính ra, tổng kinh phí xây dựng, duy tu, sửa chữa của công trình này hơn 124 tỷ đồng.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, thời gian đầu đưa vào sử dụng Cảng cá Cửa Hội đã phát huy tốt công năng, là bến đỗ “sầm uất” cho tàu cá trong và ngoài tỉnh bốc dỡ hàng hóa thủy sản, đồng thời cung cấp các dịch vụ hậu cần nghề cá thiết yếu cho các phương tiện vào ra, đặc biệt là tàu khai thác xa bờ.
Từ thực tế trên, đến năm 2020, Cảng cá Cửa Hội được công bố mở cảng loại II theo Quyết định số 4120/QĐ-UBND ngày 18/11/2020 của UBND tỉnh Nghệ An, là cảng cá chỉ định hội tụ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác theo Quyết định số 214/QĐ-BNN-TCTS của Bộ NN-PTNT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường).

Các loại hình dịch vụ trong cảng cũng bị ảnh hưởng theo. Ảnh: Việt Khánh.
Từng bước tạo lập được vị thế cảng cá hàng đầu của tỉnh Nghệ An, nào ngờ những năm kế tiếp, gió đã đổi chiều chóng vánh, diễn tiến chung ngày một tuột dốc thê thảm. Dù không muốn nhưng phải thừa nhận, bấy lâu Cảng cá Cửa Hội chưa phát huy tối đa công năng như kỳ vọng. Lý giải điều này, Sở Nông nghiệp và Môi trường đưa ra một số nguyên nhân trọng tâm sau:
Luồng lạch vào cảng ngày càng bị bồi lắng trầm trọng gây cản trở quá trình xuất, nhập của các tàu công suất lớn, nhiều thời điểm phải chờ thủy triều lớn mới có thể ra vào, điều này vô hình trung làm lỡ các chuyến biển quan trọng.
Qua nắm bắt, các tàu cá của thành phố Vinh, hay huyện Nghi Lộc không mặn mà vào cảng Cửa Hội mà thường cập bến tư nhân hoặc neo đậu, bốc dỡ ở các bến địa phương gần nhà để tiện bán sản phẩm (do các chủ nậu, thương lái có thói quen mua bán tại các điểm cố định) cũng như thuận lợi cho việc sửa chữa, bảo quản ngư, lưới cụ.
Sau nữa, hoạt động khai thác thủy sản ở địa phương ngày càng ít do nguồn lợi trên biển hao hụt thấy rõ, thu nhập không đảm bảo thôi thúc ngư dân chuyển đổi hình thức nghề nghiệp, số đông chấp nhận bỏ nghề để đi xuất khẩu lao động, làm việc ở các nhà máy, khu công nghiệp, điều này cũng góp phần dẫn đến thực trạng buồn tại Cảng cá Cửa Hội.
Trong nỗ lực cứu vãn tình hình, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã chỉ đạo Ban quản lý Cảng cá Nghệ An chủ động khâu nối với chính quyền địa phương, lực lượng biên phòng tuyến biển tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, đối thoại với ngư dân, chủ tàu thuyền, chủ thu mua để thông tin những khía cạnh thuận lợi khi cho tàu vào cảng bốc dỡ hàng hóa. Tiếc thay, đến nay mọi việc cơ bản dậm chân tại chỗ.

Hơn 2 năm qua, chỉ duy nhất tàu cá của ông Nguyễn Sỹ Thiết neo đậu cố định tại Cảng cá Cửa Hội. Ảnh: Việt Khánh.
Liên quan đến nội dung này, trước đó, Báo Nông nghiệp và Môi trường đã có bài viết phản ánh “Nghịch lý tại cảng cá Cửa Hội: Chỉ có 1 tàu cá neo đậu”.
Bài viết đã nêu rõ thực trạng phú quý giật lùi của công trình “ngốn” ngân sách hơn 120 tỷ đồng - từ vị thế điểm neo đậu “hot” bậc nhất của tỉnh Nghệ An, được phương tiện nghề cá trong và ngoài tỉnh ưu tiên chọn lựa. Lúc đỉnh điểm, tàu thuyền ra vào như trẩy hội, tình hình sản xuất, kinh doanh xuôi chèo mát mái đã tạo cho các loại hình dịch vụ đi kèm phát triển rầm rộ.
Tuy nhiên, số lượng tàu thuyền cập Cảng cá Cửa Hội thưa thớt dần qua từng năm. Trong vòng 2 năm trở lại đây, cảng chỉ là nơi “quá giang” của một số phương tiện vừa và nhỏ vào tiếp nhiên liệu, ngược lại chỉ độc nhất tàu cỡ lớn của ông Nguyễn Sỹ Thiết còn bám trụ.
Nhằm phát huy nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, Sở Nông nghiệp và Môi trường Nghệ An đã báo cáo, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương phối hợp triển khai khảo sát, đánh giá, tìm giải pháp khắc phục, đồng thời có phương án nạo vét để tàu cá thuận lợi ra vào, từ đó tăng năng lực, công suất của cảng Cửa Hội. Đây cũng là tiền đề quan trọng trong công tác kiểm tra, kiểm soát chống khai thác IUU của Nghệ An.