| Hotline: 0983.970.780

Lũ về 'tặng' phù sa, bãi dâu xanh ngút ngát

Thứ Hai 09/06/2025 , 11:35 (GMT+7)

Cơn lũ lịch sử năm trước mang theo lượng lớn phù sa màu mỡ về bồi đắp những cánh đồng, cây dâu tằm vươn lên mơn mởn giúp người dân có mùa vụ bội thu.

Sau cơn lũ khủng khiếp tàn phá, những cánh đồng dâu ở Yên Bái lại xanh tốt bời bời. Ảnh: Thanh Tiến.

Sau cơn lũ khủng khiếp tàn phá, những cánh đồng dâu ở Yên Bái lại xanh tốt bời bời. Ảnh: Thanh Tiến.

Dâu tốt mơn mởn, kén tằm đầy nong

Hơn 8 tháng đã trôi qua kể từ ngày cơn thịnh nộ của đất trời trút xuống, gieo rắc kinh hoàng bằng trận đại hồng thủy lịch sử, ký ức về những ngày tang thương ấy có lẽ vẫn chưa thể phai mờ trong tâm trí người dân huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.

Thế nhưng, giữa những lớp bùn non còn sót lại, những cánh đồng dâu tằm giờ đây lại vươn mình xanh ngút ngàn trên vùng bãi bờ từng tàn tạ ngày nào.

Tạo hóa cũng thật công bằng, trận đại hồng thủy mang theo sức tàn phá ghê gớm ấy, khi rút đi, đã hào phóng để lại những lớp phù sa màu mỡ bồi đắp cho những cánh đồng xác xơ. Sau những nỗ lực cải tạo ruộng đồng của bà con, những diện tích đất bị bồi lấp từ vài chục cm đến cả mét, cây dâu lại vươn lên mạnh mẽ, lá to bản, dày và xanh thẫm hơn hẳn những năm trước.

Vụ này, người dân không cần phải tốn nhiều công chăm sóc, bón phân như thường lệ mà cây dâu vẫn cứ mơn mởn, ngời ngời sức sống.

Người dân hái lá nuôi tằm. Ảnh: Thanh Tiến.

Người dân hái lá nuôi tằm. Ảnh: Thanh Tiến.

Dọc theo những bờ đê uốn lượn quanh co bên dòng sông Hồng, không khí lao động thật khẩn trương, tấp nập. Dưới những ruộng dâu um tùm, cao quá đầu người, hàng chục nông dân đang thoăn thoắt hái lá, tranh thủ từng giờ, từng phút để kịp mang thức ăn về cho những lứa tằm đang trong kỳ ăn rỗi. Từng đoàn xe máy, xe ba gác nối đuôi nhau xếp hàng đứng chờ những bao tải đầy ắp lá dâu vừa được thu hái.

Khệ nệ vác tải lá dâu nặng trĩu từ dưới ruộng lên, bà Trần Thị Liên ở thôn Lan Đình, xã Thành Thịnh, mồ hôi lấm tấm trên gương mặt sạm nắng. Bà Liên dừng tay, quệt vội những giọt mồ hôi, giọng hồ hởi: “Đúng là trong cái rủi lại có cái may chú ạ! Ông trời không lấy hết của ai bao giờ. Sau đợt lũ nước đỏ ngầu, đất phù sa mới được bồi về, đất mát, màu mỡ hẳn lên nên những luống dâu cứ thế vươn lên mơn mởn, lá vừa to vừa dày, đàn tằm ăn không xuể”.

Bà con tất bật trong vụ tằm ăn rỗi. Ảnh: Thanh Tiến.

Bà con tất bật trong vụ tằm ăn rỗi. Ảnh: Thanh Tiến.

Bà Liên nhẩm tính, “Từ đầu vụ đến giờ mới khoảng một tháng rưỡi thôi mà gia đình tôi đã nuôi được 4 lứa tằm rồi đấy. Nhà chỉ có mỗi mình làm chính, các con thì đi làm ăn xa nên mỗi lứa cũng chỉ dám nuôi 5 nong tằm giống. Mỗi đợt thu được từ 50 - 60kg kén. Tính ra chưa đầy 2 tháng cũng đã có nguồn thu hơn 40 triệu đồng”.

Cách đó không xa, hai vợ chồng bà Trần Thị Tuyết ở thôn Trúc Đình cũng đang tất tả thu hái lá dâu trong buổi sáng. Hôm nay, nhà bà phải đảm bảo đủ lượng lá cho lứa tằm ăn rỗi đang độ lớn nhanh như thổi. 

Bà Tuyết chia sẻ: “Ba lứa đầu, gia đình tôi đã thu hoạch được hơn 2 tạ kén. Trừ chi phí đã thu nhập hơn 40 triệu đồng bỏ túi. Lứa thứ tư này đang chuẩn bị lên né, nhìn đàn tằm ăn khỏe, lớn nhanh, dự kiến sẽ thu được gần 1 tạ kén nữa. So với đi làm thuê thì công lao động ở nhà với con tằm, cây dâu này còn cao hơn nhiều mà lại được chủ động thời gian”.

Năm nay, thời tiết thuận lợi, giá kén ổn định ở mức cao, nông dân rất phấn khởi. Ảnh: Thanh Tiến.

Năm nay, thời tiết thuận lợi, giá kén ổn định ở mức cao, nông dân rất phấn khởi. Ảnh: Thanh Tiến.

Giá kén lên đỉnh

Vụ tằm xuân năm nay ở Yên Bái diễn ra thuận lợi, thời tiết mát mẻ đã tạo điều kiện lý tưởng cho cây dâu, con tằm sinh trưởng và phát triển. Tình trạng tằm bị bệnh giảm đi đáng kể so với mọi năm. Do đó, sản lượng kén năm nay vượt trội, chất lượng kén, độ trắng, độ bóng của sợi tơ cũng được cải thiện rõ rệt.

Niềm vui của những nông dân một nắng hai sương ở Yên Bái như được nhân lên gấp bội khi giá thu mua kén của Công ty Cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái (đơn vị thu mua chế biến kén tằm) cũng duy trì ở mức cao và ổn định.

Hiện tại, giá kén thu mua dao động trung bình từ 190.000 - 200.000 đồng/kg. Vào thời điểm đầu vụ, giá có lúc lên tới 215.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất trong vài năm trở lại, giúp hàng ngàn hộ dân trong huyện có cuộc sống sung túc hơn.

Người dân nuôi gối lứa, có thể thu 2 - 3 lứa kén/tháng. Ảnh: Thanh Tiến.

Người dân nuôi gối lứa, có thể thu 2 - 3 lứa kén/tháng. Ảnh: Thanh Tiến.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đức Tiến, Chủ tịch UBND xã Báo Đáp (huyện Trấn Yên) cho biết, toàn xã hiện có hơn 500 hộ gia đình gắn bó với nghề trồng dâu nuôi tằm, với tổng diện tích gần 200 ha. Diện tích dâu tập trung nhiều ở các thôn như Đình Xây, Đồng Sâm, Đồng Gianh, Đồng Bưởi và Đồng Trạng.

Năm trước, sản lượng kén của xã giảm khoảng 50% bởi thiên tai, cả vụ thu hoạch người dân gần như không thể nuôi tằm mà chỉ tập trung khắc phục ruộng đồng, trồng lại diện tích dâu chết do ngập úng, đất bồi lấp sâu. Sau những mất mát nặng nề do thiên tai gây ra, năm nay sự phục hồi mạnh mẽ và nhanh chóng của nghề trồng dâu nuôi tằm có ý nghĩa lớn đối với đời sống của các hộ dân có thu nhập chính từ nghề tằm dâu. Không khí tươi vui đã trở lại các xóm làng, người dân tấp nập nuôi tằm, bán kén, riêng trong vụ xuân này, dự kiến sẽ có nhiều hộ dân có thu nhập cả trăm triệu đồng.

Những bao kén tằm trong kho lạnh của nhà máy ươm tơ. Ảnh: Thanh Tiến.

Những bao kén tằm trong kho lạnh của nhà máy ươm tơ. Ảnh: Thanh Tiến.

Nhộn nhịp ươm tơ, cung ứng cho bạn hàng nước ngoài

Chúng tôi có mặt tại Nhà máy ươm tơ của Công ty Cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái, thời điểm này, hàng chục bao kén lớn được xếp cao chất ngất trong kho lạnh. Những giàn máy ươm tơ đang hối hả chạy hết công suất để có sản phẩm cung ứng cho các bạn hàng nước ngoài.

Các giàn máy ươm tơ hoạt động nhộn nhịp trong vụ kén. Ảnh: Thanh Tiến.

Các giàn máy ươm tơ hoạt động nhộn nhịp trong vụ kén. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Vũ Xuân Trường, Giám đốc Công ty Cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái chia sẻ, từ đầu vụ xuân, nhà máy đã thu mua được gần 150 tấn kén từ các hợp tác xã và người dân trong vùng. Chúng tôi luôn cố gắng duy trì mức gia thu mua tốt nhất cho nông dân, trung bình khoảng 200.000 đồng/kg. Với mức giá này, sẽ giúp bà con có lợi nhuận cao, từ đó thêm phấn khởi, yên tâm gắn bó và đầu tư mở rộng sản xuất.

Hiện nay, nhà máy đã lắp đặt 6 giàn máy với công nghệ hiện đại, công suất 150 tấn tơ/năm, tương đương với 1.200 -13.000 tấn kén nguyên liệu. Sản phẩm tơ tằm sau chế biến sẽ được xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ, Nhật Bản và các nước châu Âu.

Sản phẩm tơ sẽ được xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Ảnh: Thanh Tiến.

Sản phẩm tơ sẽ được xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Ảnh: Thanh Tiến.

Vụ trước ảnh hưởng bởi mưa bão, nhà máy có nhiều tháng phải dừng hoạt động do thiếu nguyên liệu. Năm nay, sản lượng kén tằm đã đáp ứng được nhu cầu sản xuất nhưng lại thiếu lao động nên không hoạt động tăng ca được. Công ty đang tiếp tục tuyển dụng lao động, hỗ trợ dạy nghề để tăng sản lượng tơ xuất khẩu. Ngoài vùng nguyên liệu kén tằm tại Yên Bái, công ty đang tiếp tục mở rộng thu mua tại các tỉnh khác như Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang…

Những chuyến xe tải chở đầy những bao kén trắng vẫn ngày ngày lăn bánh từ khắp các vùng quê hướng về nhà máy ươm tơ. Sau thiên tai, cây dâu, con tằm lại khẳng định vai trò là nguồn sinh kế vượt trội so với lúa, ngô và những cây rau màu khác. Chính dâu tằm là đòn bẩy kinh tế quan trọng, góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng những thôn làng trù phú phát triển.

Xem thêm
Kiến nghị Bộ Tài chính thống nhất cách tính thuế VAT với thức ăn chăn nuôi

Các hội và hiệp hội vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính, đề nghị áp dụng thống nhất quy định về thuế giá trị gia tăng đối với sản phẩm thức ăn chăn nuôi.

Bị xử phạt 5,5 triệu đồng do vứt xác lợn chết ra môi trường

TUYÊN QUANG Từ 19 đến 22/7, tỉnh Tuyên Quang buộc phải tiêu hủy 5.481 con lợn mắc dịch tả lợn Châu Phi tại 376 hộ thuộc 114 thôn, 22 xã, với tổng trọng lượng hơn 304 tấn.

Nhà máy đường An Khê mở rộng thêm 2.000 hecta mía nguyên liệu mỗi vụ

GIA LAI Theo kế hoạch, mỗi vụ sản xuất Nhà máy đường An Khê sẽ mở rộng diện tích vùng nguyên liệu mía thêm 2.000 hecta.

Thiếu dữ liệu, nông hộ cà phê khó đáp ứng quy định EUDR

Hơn 600.000 nông hộ cà phê Việt Nam đối mặt thách thức lớn khi EU siết yêu cầu truy xuất và chống mất rừng từ cuối năm 2025.

Tiết kiệm hơn 30% chi phí phân bón nhờ phương pháp dúi phân

SƠN LA Phương pháp bón dúi phân kết hợp kỹ thuật cấy hàng rộng - hàng hẹp giúp giảm thất thoát, giảm số lần bón phân, chi phí phân bón giảm khoảng 30%, hạn chế sâu bệnh.

Chứng nhận MarinTrust: Cánh cửa giúp bột cá Việt vượt rào cản IUU

TP.HCM Sáng 24/7, Chi hội Bột cá, dầu cá Bà Rịa - Vũng Tàu và Phân viện Nghiên cứu Hải sản phía Nam tổ chức tập huấn chứng nhận MarinTrust và thực hành IUU.

Trồng rừng bền vững, gặt lợi đa tầng

Vĩnh Long Với người dân, rừng không chỉ là 'lá chắn' gió biển, mà còn là sinh kế thiết thân của những phận đời miệt biển.

Bình luận mới nhất