Thứ Năm, 3/7/2025 21:37 (GMT +7)

| Hotline: 0983.970.780

Lên Tây Nguyên thưởng rượu gia truyền 'Vân hương mỹ tửu'

Thứ Tư 13/07/2016 , 09:31 (GMT+7)

Sử sách chép rằng: Vào năm 1703, sau khi nếm thử món rượu gia truyền do các bô lão trong làng tiến dâng, vua Lê Hy Tông...

Sử sách chép rằng: Vào năm 1703, sau khi nếm thử món rượu gia truyền do các bô lão trong làng tiến dâng, vua Lê Hy Tông (năm Chính Hoà thứ 24) hết lời khen ngợi và phong cho thứ rượu quý này là “Vân hương mỹ tửu”. Đó là rượu Làng Vân, Việt Yên, Bắc Giang.

Trải bao thăng trầm thời cuộc, cứ ngỡ thứ rượu quý này đã thất truyền, nhưng không phải…

1. Chuyến công tác về thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng của tôi mặc dù khá vất vả nhưng những người dân tôi gặp lại rất thân thiện, hiếu khách. Cảm giác như thân từ lâu lắm. Nam Ban hầu hết là người miền Bắc đi làm kinh tế mới từ những năm sau giải phóng miền Nam.

Buổi chiều, sau một ngày làm việc căng thẳng, ông Lưu Thành Vui, sinh năm 1957, ở thôn 3, xã Mê Linh nằng nặc mời tôi về dùng bữa tối.

“Chú đến nhà anh, dùng bữa cơm đạm bạc với gia đình, anh sẽ mời chú món đặc sản”, ông Vui nói. Tôi gật đầu và hỏi lại: “Đạm bạc mà có đặc sản?”. Ông cười tiếp nhưng không trả lời mà bảo: “Chú cứ đến sẽ biết”.

Trong cái se lạnh miền sơn cước, chúng tôi quây quần bên mâm cơm với các món “cây nhà lá vườn” gồm cá diếc kho, rau lang, canh măng hầm xương… và một chai rượu bằng gốm sứ Bát Tràng. Ông Lưu bảo, toàn bộ đồ ăn trên mâm đều do gia đình sản xuất, không phải mua.

“Trong số này món nào là đặc sản anh?”, tôi cười hỏi. Ông Vui cầm chai rượu lên nói: “Đặc sản đây. Tý nữa chú thưởng thức sẽ biết. Đảm bảo không đâu có”.

17-17-40_nh-1
Một góc hầm rượu đang ủ của ông Vui

 

Tôi cầm chai rượu lên ngắm nghía mới biết, đây là rượu Làng Vân, loại rượu nổi tiếng thơm ngon của xứ Kinh Bắc xưa. “Anh mang từ Bắc Giang vào?”, tôi hỏi.

Ông Vui cười, lắc đầu: “Anh nấu ngay tại đây chứ. Ngoài quê bây giờ cũng thất truyền công thức, người ta nấu rượu kinh doanh, chứ không làm được thứ rượu nguyên bản theo công thức của các cụ xưa như thế này đâu”.

Ông Vui vừa nói vừa rót rượu ra chiếc ly “mắt trâu” cũng bằng gốm Bát Tràng. Tôi cầm ly rượu có màu hơi vàng, và sánh, đưa lên mũi, một mùi thơm dịu, ngọt lan tỏa khiến tôi chưa nhấp thử đã phải… nuốt nước miếng. Dù không phải người “sành” rượu, nhưng tôi cũng cảm nhận được đây là loại rượu ngon.

Sau khi uống, vị ngọt của rượu còn đọng rất lâu ở đầu lưỡi, trong cổ họng. Sau khi uống vài ly, cơ thể bắt đầu ấm lên, các mạch máu như đang chạy rần rần từ đầu xuống đến bàn chân.

17-17-40_nh-4
Ông Vui và chai rượu Làng Vân thành phẩm

 

“Đây là rượu gia truyền, rất khó làm, đúng không ạ?”, tôi hỏi. Ông Vui đáp: “Đúng rồi. Muốn làm được rượu này, cần rất nhiều yếu tố. Đầu tiên là phải có công thức bí truyền. Công thức này bao gồm nguyên liệu phải là gạo nếp cái hoa vàng, men nấu rượu được chắt lọc từ các loại lá thuốc lấy từ vùng rừng núi phía Bắc, gọi là men lá.

Nước dùng để nấu rượu cũng phải là loại nước ngầm tinh khiết. Sau khi đạt các yêu cầu trên, công đoạn quan trọng hơn là công thức ủ men, điều chỉnh lửa khi nấu, nhiệt độ ủ men… Một yếu tố quan trọng khác là trong quá trình nấu rượu, nếu tâm không tĩnh thì nguy cơ hỏng nồi rượu cũng rất cao”.

Tôi hỏi: “Sao rượu có vị ngọt và màu vàng, có phải anh pha mật ong?”. Ông Vui cười to: “Làm gì có mật ong. Màu vàng là do rượu được “hạ thổ” từ tối thiểu 100 ngày trở lên mới mang ra dùng. Vì thế mới có tên là rượu “bách nhật”. Càng hạ thổ lâu, màu càng vàng đậm, uống càng ngon hơn. Còn vị ngọt là do tinh chất đường trong gạo nếp thôi”.

2. Ông Vui cho biết, công thức nấu rượu Làng Vân này do mẹ ông là cụ Nguyễn Thị Chuông, năm nay đã ở cái tuổi “bách niên giai lão”, chỉ dạy. Cụ Chuông vốn là dâu xứ Kinh Bắc, là một trong 2 người được truyền cho bí quyết nấu loại rượu này là con trai và con dâu.

“Mẹ anh là một trong số ít những người cao tuổi còn nhớ và lưu giữ bí quyết nấu rượu này. Cách đây 3 năm, chính mẹ anh là người thuyết phục anh làm. Sau khi anh đồng ý, bà từ quê vào tận đây ở 3 tháng để chỉ bí quyết và theo dõi quá trình ra sản phẩm. Sau khi thử, thấy đạt yêu cầu bà mới trở ra Bắc”, ông Vui nói.

17-17-40_nh-5
Dây chuyền nấu rượu theo kỹ thuật truyền thống của ông Vui

 

Dẫn tôi xuống tham quan 2 hầm rượu của gia đình nằm cách mặt đất khoảng 5 mét. Một hầm đang ủ, gồm hàng chục thùng inox loại 1.000 lít, bên trong là cơm rượu đang ủ lên men. Cách đó không xa la hầm chứa rượu thành phẩm đang được “hạ thổ” với hàng trăm hũ sành chứa rượu tinh chất. Ước tính 2 hầm rượu này có khoảng vài chục nghìn lít rượu.

Ông Vui cho biết, để có nguyên liệu là nếp cái hoa vàng, ông phải về tận Thái Bình làm hợp đồng bao tiêu với người dân để trồng loại nếp này.

“Hiện nay nếp cái hoa vàng năng suất thấp, người dân ít trồng, nên tôi phải đặt mua với giá cao hơn và bao tiêu toàn bộ, ứng tiền trước họ mới làm. Để làm ra một lít rượu loại này, phải có 2 ký gạo nếp. Trong khi đó, còn nhiều chi phí khác như bao bì, vận chuyển, nhân công, chưa tính đầu tư ban đầu lên đến vài tỷ đồng. Trong khi đó, 1 chai rượu này giá sỉ chỉ có 150 ngàn đồng. Thực ra chẳng có lời lãi bao nhiêu”.

“Vậy sao anh còn làm?”, tôi hỏi. "Rượu Làng Vân là loại mỹ tựu, đặc sản quý. Nhưng từ mấy chục năm nay, người ta chạy theo hướng kinh doanh, nấu rượu bằng sắn, ngô, dùng men kém chất lượng, chẳng theo công thức truyền thống gì, thậm chí nhiều nơi làm giả rượu Làng Vân.

Vì thế, rượu Làng Vân thứ thiệt gần như không có. Cho nên, tôi làm phần vì sắp tới, nơi này sẽ là một điểm du lịch, có nhiều khách nước ngoài ghé thăm, tôi muốn quảng bá rượu Làng Vân cho khách trong, ngoài nước, phần nữa là theo tâm nguyện của bà cụ, không muốn bí quyết của ông cha bị thất truyền.

Mẹ tôi là người có khiếu trong nghề nấu rượu gia truyền, cụ không cần nếm, chỉ cần nghe âm thanh rượu nhỏ từng giọt từ ống nứa ra chén sành cũng có thể đoán được rượu nặng bao nhiêu độ”, ông Vui đáp.

“Rượu Làng Vân có từ thời nào?”, tôi hỏi. “Không ai biết. Nhưng theo mẹ tôi kể lại thì người từ thời cụ tổ, làng Vân đã có tục thờ Thánh sư nghề nấu rượu. Tổ nghề được thờ là bà Nghi Điệt.

17-17-40_nh-6
Giấy phép cơ sở đủ điều kiện VSATTP

 

Tương truyền bà là chính thất của Vũ Vương, vì Vũ Vương thích rượu ngon, nên bà đã tìm cách pha chế ra một loại men quý để chưng cất rượu. Sau đó bà truyền nghề cho dân làng. Hàng năm cứ vào ngày mùng 7 tháng Giêng âm lịch, người làng Vân lại ra đình thờ tổ nghề làm lễ Miêng Thệ tức tục Ăn thể để giữ bí quyết nghề nấu rượu.

Thời xưa, một trong những điều răn đối với bà con trong làng là “ăn ngay ở thẳng, không gian dối, không truyền nghề cho bên ngoài, không dạy nghề cho con gái, chỉ truyền nghề cho con dâu và con trai”, ông Vui nói rồi cao hứng ngâm: Trời mưa cho ướt lá khoai/ Đố ai lấy được con trai Thổ Hà/ Trời mưa cho ướt lá cà/ Đố ai lấy được đàn bà làng Vân”.

Rồi ông ca tiếp: “Vân hương ta là làng có tiếng/ Thủa tiền triều rượu tiến dâng vua/ Ấy là nghề tổ để cho/ Làm ăn buôn bán ấm no muôn đời”.

“Rượu này uống êm, nhưng say lúc nào không biết, có khi đầu óc còn rất tỉnh táo mà thể xác đã say. Chỉ cần anh uống say cỡ nào, nhưng khi thức dậy không bị nhức đầu, không “háo” nước. Đó là 2 tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá chất lượng.

Sản phẩm của tôi ra đời chưa lâu, hiện chưa nhiều người biết, nhưng đã làm không kịp bán. Tết vừa qua, tôi bán hơn 3.000 lít. Chủ yếu là bạn bè, người thân”, ông Lưu Thành Vui, chủ nhân thương hiệu rượu Bách Nhật.

 

Xem thêm
Người tiêu dùng không tiếp tay, không tiêu thụ hàng giả, hàng nhập lậu

Tỉnh uỷ Nghệ An chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Bình luận mới nhất