| Hotline: 0983.970.780

Hơn 20 năm canh chụp những cánh chim trời

Thứ Năm 22/05/2025 , 05:48 (GMT+7)

NAM ĐỊNH Giữa Vườn quốc gia Xuân Thủy, ông Dũng vẫn ngày ngày lặng lẽ ghi lại những cánh chim di cư về đây bằng ống nhòm và điện thoại, để gìn giữ sự sống của cánh rừng ngập mặn.

Trên vai là chiếc ống nhòm viễn vọng dài ngoằng màu đen, đặt trên chiếc tripod trông như một khẩu đại bác nhỏ, ông Lê Tiến Dũng xuất hiện ở bất cứ nơi nào trong Vườn quốc gia Xuân Thủy, từ cồn Mờ đến đầm Lạch Giang, như thể đó là một phần cơ thể của mình.

Ông Lê Tiến Dũng, cán bộ bảo tồn của Vườn quốc gia Xuân Thủy say mê với công việc bảo tồn đa dạng sinh học. Ảnh: Bảo Thắng.

Ông Lê Tiến Dũng, cán bộ bảo tồn của Vườn quốc gia Xuân Thủy say mê với công việc bảo tồn đa dạng sinh học. Ảnh: Bảo Thắng.

Chiếc ống nhòm đặc biệt có thể “chạm” tới cánh chim từ khoảng cách 2 km, nhưng điều quý giá nhất ông giữ lại không phải là hình ảnh, mà là khoảnh khắc. Mỗi lần phát hiện đàn chim từ xa, ông phải thao tác thật nhanh, rút điện thoại, căn nét, chụp lấy khoảnh khắc chỉ tồn tại vài giây trước khi bầy chim vụt bay. Có được bức ảnh, ông mới mời du khách đến xem. Nếu không kịp quan sát, ông nhẹ nhàng đưa ra bức hình vừa chụp: “Nó đấy, vừa ở đây thôi”, kèm hình ảnh trong cuốn sổ tay về mấy trăm loài chim thường xuất hiện tại vườn đã bị sờn 4 góc để khách soi chiếu.

Vật bất ly thân ấy không chỉ là công cụ làm việc, mà còn là “con mắt thứ ba” của người gắn bó trọn đời với sự nghiệp bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ rừng ngập mặn và đàn chim trời. Hễ gặp khách, ông lại vồn vã chào hỏi, nụ cười lúc nào cũng trực sẵn, rồi chẳng mấy chốc đã kể cho họ nghe về niềm vui của người làm bảo tồn, một công việc vừa lặng lẽ vừa vất vả, nhưng cũng đầy tự hào.

Ở nơi sông Hồng hòa vào Biển Đông, giữa vùng đất bồi ven cửa biển, ông Dũng đã có mặt từ khi Vườn chính thức thành lập năm 2003. Hơn hai mươi năm trôi qua, ông chưa từng rời bước khỏi mảnh đất này. Với ông, Xuân Thủy không chỉ là nơi làm việc, mà là ngôi nhà, là thế giới sống, là nơi ông gửi gắm thơ ca, tình yêu và cả ký ức.

Ông Dũng giới thiệu về lịch sử Vườn quốc gia Xuân Thủy. Ảnh: Bảo Thắng.

Ông Dũng giới thiệu về lịch sử Vườn quốc gia Xuân Thủy. Ảnh: Bảo Thắng.

Từ kỹ thuật viên đến người giữ hồn vùng đất

Không khó để bắt gặp hình ảnh người đàn ông dáng cao gầy, da ngăm nâu vì nắng gió, tay cầm sổ tay, vai đeo ống nhòm, chân đi dép nhựa, lặng lẽ bước trên các đê bùn hay trạm canh chim. Ông có thể nhận ra các loài chim từ rất xa, chỉ bằng một âm thanh thoảng qua, có thể dẫn đoàn khách đi xuyên qua những vùng đầm nước và chỉ tay nói: "Kìa, cò thìa", khi phần lớn người khác chỉ thấy một đốm trắng giữa bùn.

Mỗi mùa đông, từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau, hàng chục nghìn cá thể chim di cư đổ về đây, có những loài còn nán lại tới tận tháng 5. Trong số hơn 200 loài chim từng ghi nhận tại Vườn, nhiều loài nằm trong Sách đỏ quốc tế. Cò thìa, biểu tượng sống động nhất của vùng đất này, có năm về tới gần 100 cá thể, nay vẫn ổn định quanh mức 40. "Chim muông là thước đo sức khỏe hệ sinh thái. Có chim, nghĩa là nơi này còn lành lặn", ông nói.

Trong tâm thức ông Dũng, mỗi cánh chim không thể tách rời khỏi những cánh rừng ngập mặn, những con đầm, những làn nước lợ luân chuyển theo triều. Vì thế, hành trình bảo tồn của ông không chỉ dừng lại ở việc theo dõi đàn chim, mà mở rộng sang việc bảo vệ toàn bộ hệ sinh thái, từ cây sú, cây vẹt đến sinh kế của cư dân ven đầm.

Các dự án mà ông Dũng tham gia không chỉ nhằm bảo tồn chim hoang dã, mà còn để thiết lập các mô hình sống hài hòa cho cộng đông. Vài năm trở lại đây, ông cùng cán bộ Ban quản lý Vườn quốc gia Xuân Thủy đã hỗ trợ các nhóm ngư dân thí điểm chuyển từ đánh bắt tự nhiên sang nuôi trồng có kiểm soát, như nuôi ngao, tôm sinh thái, hay khai thác rau câu, mật ong từ rừng ngập mặn. Nhờ đó, nhiều hộ gia đình đã có thêm thu nhập, trong khi vẫn duy trì được quần thể sinh thái tự nhiên quý giá.

Khách du lịch say sưa ngắm nhìn Vườn quốc gia từ trên cao. Ảnh: Bảo Thắng.

Khách du lịch say sưa ngắm nhìn Vườn quốc gia từ trên cao. Ảnh: Bảo Thắng.

Vườn quốc gia Xuân Thủy có tổng diện tích khoảng 15.000 ha, gồm vùng lõi (7.000 ha), vùng đệm (8.000 ha) và khu hành chính - trung tâm điều phối các hoạt động nghiên cứu, bảo tồn và du lịch. Vùng đất này hình thành từ phù sa sông Hồng đan xen với cồn cát ven biển, tạo nên hệ sinh thái đất ngập nước tiêu biểu của châu thổ Bắc Bộ. Các cồn Lu, cồn Ngạn, cồn Mờ là những vùng sinh cảnh điển hình, nơi hội tụ của nước ngọt, nước lợ, thủy triều và gió biển.

Từ khu hành chính ra vùng lõi, du khách sẽ đi ngang qua các đầm nuôi tôm, cua, bãi rau câu chỉ vàng, nguyên liệu làm nên thạch Long Hải. Xen giữa là rừng ngập mặn với sú, vẹt, bần chua, những loài cây tạo nên hệ thống chắn sóng tự nhiên.

“Rừng ngập mặn ở đây có thể giảm 50% chiều cao sóng triều và hấp thụ tới 50% năng lượng của sóng, thậm chí có thể làm suy giảm hoàn toàn các đợt sóng thần cao tới 15m”, ông Dũng dẫn lại một nghiên cứu, như một lời khẳng định về giá trị vô hình mà thiên nhiên đang âm thầm bảo vệ con người.

Gieo thơ giữa rừng, giữ lại hơi thở đầm phá

Là một hướng dẫn viên đặc biệt, ông Dũng không chỉ đưa khách đi tham quan mà còn gieo cho họ tình yêu với thiên nhiên. Trên tay luôn có sách nhận diện chim, cuốn sổ ghi chép, và ánh mắt lúc nào cũng rực sáng khi kể về đời sống của từng loài chim. Ông dặn khách mặc đồ tối màu, giữ im lặng, di chuyển khẽ, bởi chỉ một âm thanh lạ cũng khiến bầy chim hoảng sợ.

Hiện nay, khu vực có 2 tàu du lịch phục vụ khách tham quan, với đầy đủ tiện nghi. Nhưng ông Dũng không mấy quan tâm đến con số khách: “Quan trọng là họ có cảm được vẻ đẹp ở đây không. Có thấy mỗi cánh chim là một thông điệp về sự sống mong manh cần được gìn giữ không”.

Sau những chuyến đi, ông lại trở về căn phòng nhỏ, nơi có những chồng sổ tay, những bản đồ đầm phá và hàng trăm bài thơ. Ông viết về chim, về sóng, về những ngư dân ven đầm. “Tôi viết cho chính mình. Cho những ngày triều cạn, đứng một mình giữa cồn cát, thấy một con cò lặng lẽ hạ cánh, tự dưng thấy lòng dậy sóng”, ông Dũng trải lòng.

Tại Vườn quốc gia Xuân Thủy, người dân đang phát triển đa dạng sinh kế bằng nghề nuôi tôm, nuôi ong. Ảnh: Bảo Thắng.

Tại Vườn quốc gia Xuân Thủy, người dân đang phát triển đa dạng sinh kế bằng nghề nuôi tôm, nuôi ong. Ảnh: Bảo Thắng.

Một lần, ông đọc thơ cho đoàn sinh viên tình nguyện. Thơ có mấy câu nhưng khiến cả nhóm lặng đi hồi lâu. Nhiều năm trôi qua, ông Dũng cũng chẳng nhớ nổi lúc tức cảnh sinh tình ấy, bản thân chính xác đã ngân nga những gì. Đại ý là: “Cò trắng rủ nhau bay/ Không ai hay mình khóc/ Mùa chim đi qua đây/ Bỏ lại chiều sũng nước”.

Mấy người bạn ngỏ ý tặng ông chiếc máy ghi âm bỏ túi, để lúc nào cũng có thể ghi lại những vần thơ ngẫu hứng. Ông cười xòa. Thơ, với ông, như cánh chim: Bay đi lúc này, nhưng nếu đất lành, ngày mai sẽ lại về.

Tương lai của Xuân Thủy vẫn dài, như những dòng thủy triều chưa từng ngưng chảy. Và ở đó, vẫn sẽ có một người đàn ông, vai mang ống nhòm, mắt nhìn xa về phía chân trời - người đi, lắng nghe và lưu giữ những điều nhỏ bé nhất trong thiên nhiên bằng thơ, bằng câu chuyện và bằng cả cuộc đời.

Ông là Lê Tiến Dũng, người không chỉ gìn giữ rừng mà còn giữ gìn hồn vía của một vùng đất đang hồi sinh từng ngày.

Ông Vũ Quốc Đạt, Phó giám đốc Vườn quốc gia Xuân Thủy cho biết, vùng đệm 8.000 ha là khu vực được nơi người dân được phép phát triển kinh tế gắn với bảo tồn. Tuy nhiên, có những điều không thể vi phạm: không chặt cây, không bắt chim, không xả thải. Những mô hình như ao ươm ngao tự nhiên, nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn, thu hoạch mật ong từ rừng sú… đang góp phần nâng cao thu nhập cho người dân mà vẫn giữ nguyên giá trị sinh thái.

Xem thêm
Người nuôi heo có lời nhưng vẫn dè dặt tái đàn

ĐBSCL Giá heo hơi tại ĐBSCL tăng mạnh, giúp nhiều hộ nuôi có lãi khá, tuy nhiên, lo ngại dịch bệnh và chi phí cao khiến nhiều người không dám mạnh dạn tái đàn.

Chuyện thú y cơ sở: [Bài cuối] Lo lắng vẫn còn

QUẢNG BÌNH Lượng thú y cơ sở tại Quảng Bình mới được tái lập chưa tròn một năm, nay đứng trước những thách thức mới khi chủ trương bỏ cấp huyện được triển khai trên toàn quốc.

Lúa xuân đồng bằng sông Hồng hứa hẹn thắng lợi

Với nhiều tín hiệu tích cực, vụ xuân 2025 ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng hứa hẹn thắng lợi nhưng cần bám sát ruộng đồng để phòng trừ dịch hại cuối vụ như rầy nâu, đạo ôn.

Hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ canh tác sầu riêng

ĐẮK LẮK Chiều 12/5, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên và Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk ký hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong canh tác sầu riêng.

Tối ưu vận hành liên hồ chứa bằng công nghệ và dữ liệu

Khi tài nguyên nước trở nên khan hiếm và biến động khó lường, ngành thủy lợi chủ động tái cấu trúc cách thức quản lý dựa trên nền tảng công nghệ và dữ liệu.

Những giống cây trồng biến bất lợi thành lợi thế

Trong bối cảnh nông nghiệp Nam Trung bộ đang gặp bất lợi do biến đổi khí hậu, ASISOV đã chọn tạo nhiều giống cây trồng thích ứng, biến bất lợi thành lợi thế.

Cảnh báo nắng nóng ảnh hưởng sức khỏe thủy sản nuôi

Khánh Hòa Tỉnh Khánh Hòa đang xảy ra nắng nóng khiến nhiệt độ nước tăng, thủy sản nuôi dễ bị sốc, giảm sức đề kháng và mắc bệnh.