| Hotline: 0983.970.780

Hiện đại hóa hệ thống thủy lợi ở Hải Phòng: [Bài 3] Trong vòng vây ô nhiễm

Thứ Năm 17/07/2025 , 05:52 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Hàng loạt kênh tưới tiêu nông nghiệp đang bị ô nhiễm bởi rác và nước thải sinh hoạt, công nghiệp, đe dọa an ninh nguồn nước và sản xuất của thành phố Cảng.

Thực trạng báo động

Hiện nay, dọc các tuyến kênh mương thủy lợi ở TP. Hải Phòng, không khó để chúng ta nhìn thấy hình ảnh mặt nước đặc quánh bèo tây, rác thải. Nhiều nơi hai bên bờ, hàng quán tạm bợ, điểm giết mổ gia cầm xả thẳng chất thải xuống dòng nước đen ngòm, bốc mùi.

Những tuyến kênh, mương thủy lợi đen sì, bốc mùi hôi thối tại khu vực Phù Liễn (Kiến An cũ). Ảnh: Đinh Mười.

Những tuyến kênh, mương thủy lợi đen sì, bốc mùi hôi thối tại khu vực Phù Liễn (Kiến An cũ). Ảnh: Đinh Mười.

Đơn cử như tại hệ thống thủy lợi Đa Độ, được xem như là “xương sống” hệ thống thủy lợi của thành phố, dài gần 50 km. Hệ thống thủy lợi này không chỉ phục vụ tưới tiêu cho gần 30.000 ha nông nghiệp mà còn là nguồn nước thô quan trọng nhưng cũng đang bị đe dọa bởi hàng trăm điểm xả thải.

Theo Công ty TNHH MTV KTCTTL Đa Độ (Công ty Đa Độ), trên hệ thống hiện có 3 “điểm nóng” ô nhiễm cấp bách. Đầu tiên là khu vực quận Kiến An, nơi toàn bộ nước thải từ các khu công nghiệp, hàng loạt bệnh viện lớn (Nhi Việt Đức, Đa khoa Kiến An, Lao...), làng nghề và khu dân cư đang đổ thẳng vào kênh Đò Vọ, kênh Thắng Lợi. Lưu lượng xả thải rất lớn, nước thải đa phần chưa qua xử lý khiến các tuyến kênh này ô nhiễm nặng, nước đen đặc, hôi thối chảy trực tiếp vào sông trục chính Đa Độ.

Điểm nóng thứ hai là khu vực Cầu Nguyệt, nơi có nhiều hộ dân sinh sống sát mép sông. Nước thải sinh hoạt từ thôn Nguyệt Áng và khu dân cư xã Mỹ Đức (cũ) chưa qua xử lý, xả trực tiếp ra sông Đa Độ. Và điểm nóng thứ ba là khu vực xã Kiến Thụy hiện nay, nơi tập trung nhiều cơ quan hành chính, bệnh viện và khu dân cư đông đúc, nước thải từ đây cũng tập kết rồi xả thẳng ra sông.

Dù cơ quan chức năng và Công ty Đa Độ đã có nhiều nỗ lực, triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn tuy nhiên tình trạng này chưa được cải thiện là bao. Việc xả thải ra hệ thống thủy lợi vẫn cứ tiếp diễn vì người dân chẳng còn phương án nào khác.

Nước thải ở khu dân cư không thể kiểm soát đang đầu độc hệ thống thủy lợi ở Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Nước thải ở khu dân cư không thể kiểm soát đang đầu độc hệ thống thủy lợi ở Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Tại hệ thống thủy lợi Thủy Nguyên, tình trạng xả thải cũng đang trong hoàn cảnh tương tự khi hai huyết mạch là hồ Sông Giá và kênh Hòn Ngọc đang phải tiếp nhận nước thải từ 29 cơ sở sản xuất, hai làng nghề làm bún và phần lớn khu dân cư qua 102 “cửa xả” tự do, không thể kiểm soát.

Nguồn gây ô nhiễm được xác định rõ, nổi cộm là các làng nghề sản xuất bún ở Thiên Hương, Thủy Sơn, nơi nước thải giàu chất hữu cơ của hàng trăm hộ dân được xả thẳng ra kênh Hòn Ngọc. Cùng với đó, các khu dân cư đông đúc khu vực phường Thủy Nguyên hiện nay (thị trấn Núi Đèo, xã Tân Dương, Minh Tân cũ),... cũng góp phần không nhỏ để khiến những con kênh mương ngày càng ô nhiễm.

Tại hệ thống thủy lợi An Hải, nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh, vấn đề lại nằm ở sự thiếu đồng bộ của hạ tầng. Ông Vũ Xuân Hạnh - Phó Tổng Giám đốc Công ty KTCTTL An Hải, cho biết bất cập lớn nằm ở các khu vực ven đô, nơi hệ thống thoát nước chưa được đầu tư để tách riêng nước thải sinh hoạt và nước mưa.

“Toàn bộ lượng nước thải này, trên thực tế, đang đổ thẳng vào các kênh thủy lợi do chúng tôi quản lý. Điều này không chỉ gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước tưới mà còn làm tăng chi phí duy tu, bảo dưỡng và ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả vận hành của toàn hệ thống”, ông Hạnh nói.

Bên cạnh ô nhiễm, hạ tầng lạc hậu cũng là một thách thức lớn, tại hệ thống thủy lợi Tiên Lãng, ông Phạm Văn Là, Tổng Giám đốc Công ty KTCTTL Tiên Lãng xác nhận, toàn bộ 61 cống thủy lợi vẫn vận hành thủ công. Công nhân phải đến tận nơi để quay tay, đóng mở cống mỗi khi có lệnh điều tiết. “Điều này không chỉ làm tăng chi phí, tốn nhân lực mà còn thiếu linh hoạt trong việc ứng phó với các tình huống thời tiết cực đoan, bão lũ, thiên tai”, ông Là nhấn mạnh.

Những "nút thắt" cần sớm được tháo gỡ

Về căn nguyên, theo ông Vũ Xuân Hạnh - Phó Tổng Giám đốc Công ty KTCTTL An Hải, một “điểm nghẽn” cố hữu khi các tuyến kênh nhánh do địa phương quản lý, sau đó lại giao cho Công ty Thoát nước đó là, đơn vị này không có kinh phí để tách riêng nước thải và nước mưa ở khu vực nông thôn và toàn bộ nước thải đổ hết vào hệ thống thủy lợi.

Nước thải các nhà hàng, khu dân cư ở đây sẽ xả thẳng ra sông Đa Độ, vì không còn phương án khác. Ảnh: Đinh Mười.

Nước thải các nhà hàng, khu dân cư ở đây sẽ xả thẳng ra sông Đa Độ, vì không còn phương án khác. Ảnh: Đinh Mười.

Và nghịch lý xảy ra là Công ty thoát nước được thu kinh phí liên quan đến vấn đề này trong khi phía công ty thủy lợi phải thực hiện tiêu thoát nước thì lại không được hưởng. Khi có sự cố, người dân và chính quyền lại kiến nghị lên công ty thủy lợi, dù họ không quản lý và cũng không có kinh phí.

“Phí thì phía công ty thoát nước được hưởng nhưng hậu quả ô nhiễm thì bên thủy lợi phải gánh, cứ úng hay ngập, thoát nước không kịp là người dân cứ đè đầu chúng tôi để phản ánh” ông Vũ Xuân Hạnh nói.

Sự chồng chéo và thiếu đồng bộ này cũng là câu chuyện chung tại các hệ thống thủy lợi khác ở Hải Phòng. Đơn cử như tại hồ Sông Giá, ngoài Công ty thủy lợi Thủy Nguyên, hiện nay có nhiều đơn vị cùng quản lý ở các lĩnh vực khác nhau như: UBND các xã, phường sở tại, Trung tâm Giống và nuôi trồng thủy sản, Trạm Quản lý đường sông,... Việc phân định chức năng không rõ ràng dẫn đến quản lý không thống nhất, chồng chéo, gây cản trở lẫn nhau. Vòng luẩn quẩn “cha chung không ai khóc” khiến cho công tác bảo vệ nguồn nước vốn đã khó càng thêm khó.

Và một "nút thắt" lớn nữa để nâng tầm hệ thống thủy lợi đó chính là giá dịch vụ thủy lợi vẫn áp dụng theo nghị định từ năm 2012. Hơn một thập kỷ, mọi chi phí đã tăng phi mã nhưng nguồn thu vẫn "dậm chân tại chỗ", nhiều doang nhiệp nguồn thu về chỉ đủ trang trải vận hành tối thiểu, không có nguồn để tái đầu tư.

Ông Đỗ Văn Trãi, Chủ tịch Công ty Đa Độ cho biết, Luật Thủy lợi 2018 yêu cầu chuyển từ phí sang giá dịch vụ, đảm bảo thu đủ bù chi. Tuy nhiên, đến nay đơn vị vẫn phải áp dụng đơn giá theo một nghị định từ năm 2012. Trong khi đó, các yếu tố đầu vào như lương, nguyên vật liệu, tiền điện đều tăng, việc áp dụng giá cũ gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Kênh mương thủy lợi bị xâm phạm tràn lan, gây ô nhiễm ảnh hưởng đến chức năng tưới tiêu. Ảnh: Đinh Mười.

Kênh mương thủy lợi bị xâm phạm tràn lan, gây ô nhiễm ảnh hưởng đến chức năng tưới tiêu. Ảnh: Đinh Mười.

Tương tự, giá cấp nước thô cho các nhà máy nước sạch vẫn giữ mức 900 đồng/m³ từ hơn 10 năm qua, trong khi giá nước sinh hoạt bán cho người dân đã tăng gấp nhiều lần. Nguồn thu eo hẹp chỉ đủ trang trải chi phí vận hành tối thiểu, không thể tích lũy để tái đầu tư quy mô lớn.

Đây chính là một phần lý do chính khiến các kế hoạch nâng cấp, xử lý ô nhiễm chi tiết, ví dụ như 10 điểm cấp bách tại hệ thống thủy lợi Thủy Nguyên với các giải pháp cụ thể (xây mới cống, trạm bơm, lắp đặt hàng nghìn mét đường ống HDPE,...), hay kế hoạch nâng cấp hệ thống thủy lợi Tiên Lãng để ứng phó xâm nhập mặn,... vẫn phải nằm trên giấy chờ nguồn vốn.

Để giải quyết triệt để vấn đề, Hải Phòng cần một chiến lược đồng bộ. Trước hết, cần tái cấu trúc cơ chế quản lý, phân định rõ trách nhiệm của từng đơn vị, đặc biệt là trong việc sử dụng phí bảo vệ môi trường, đảm bảo nguồn thu được đầu tư đúng mục đích.

Quan trọng hơn, thành phố cần xem việc nâng cấp, xử lý ô nhiễm hệ thống thủy lợi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Cần khẩn trương bố trí ngân sách để triển khai các dự án trọng điểm, đặc biệt là việc tách riêng hệ thống thoát nước thải và kênh tưới tiêu.

Cuối cùng, cần sớm xem xét điều chỉnh đơn giá dịch vụ thủy lợi để các doanh nghiệp có thể tự chủ tài chính, tái đầu tư và thúc đẩy nhanh hơn quá trình hiện đại hóa. Song song với đó, Hải Phòng cần một hành động quyết liệt để nâng cấp các huyết mạch thủy lợi, tránh những hệ lụy không mong muốn về an ninh nguồn nước và môi trường trong tương lai gần.

“Nếu được duyệt các đơn giá dịch vụ thủy lợi khác theo cơ chế thị trường, doanh thu của công ty sẽ tăng lên, giúp giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước hỗ trợ dịch vụ công ích. Khi đó, doanh nghiệp sẽ có nguồn lực để tái đầu tư, nâng cấp, và tiến tới tự chủ tài chính”, ông Đỗ Văn Trãi - Chủ tịch Công ty Đa Độ bày tỏ mong muốn.

Xem thêm
Lời giải công nghiệp hóa ngành chăn nuôi: [Bài cuối] Cú hích tự động hóa mở lối chăn nuôi xanh

Với dây chuyền sản xuất tự động hóa hiện đại, tiết kiệm năng lượng tối đa, CPV Food Bình Phước đang mở lối cho ngành chăn nuôi xanh, hiệu quả và phát triển bền vững.

Dịch tả lợn Châu Phi lan rộng 21 xã ở Phú Thọ

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Trần Duy Đông đã ra văn bản khẩn chỉ đạo cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ ứng phó với dịch tả lợn Châu Phi.

Tìm hướng đột phá tạo sự khác biệt cho cà phê Sơn La

Sơn La phấn đấu đến năm 2030 tái canh 9.800 ha cà phê, phát triển 5.950 ha cà phê đặc sản, 80 - 90% diện tích trồng mới sử dụng giống chuẩn.

Chàng trai 22 tuổi mỗi tháng ẵm 20 triệu đồng nhờ nuôi ong chúa giống

CẦN THƠ Hiện mỗi con ong chúa giống do Tạo sản xuất có giá từ 200.000 đồng. Trung bình mỗi tháng Tạo cung cấp ra thị trường khoảng 800 con, thu nhập gần 20 triệu đồng.

Nông nghiệp Hải Phòng kỳ vọng đột phá sau sáp nhập

HẢI PHÒNG Sau hợp nhất, thế mạnh về biển của Hải Phòng và nông nghiệp công nghệ cao của Hải Dương hứa hẹn sẽ tạo ra cực tăng trưởng mới, giúp phát huy được các tiềm năng.

Tuyển chọn được 5 giống khoai lang bản địa ưu tú nhất

Từ hơn 500 giống khoai lang bản địa, các nhà khoa học đã sàng lọc, chọn ra được 5 giống ưu tú nhất theo tiêu chí chất lượng, năng suất, khả năng chống chịu.

Kiểm ngư Vùng 5: Không có vùng xám trong chống khai thác IUU

Lực lượng Kiểm ngư Vùng 5 quyết liệt tuần tra, xử lý vi phạm trên biển, khẳng định không có ngoại lệ, không có vùng xám trong chống khai thác IUU.

Lộ trình phát triển 20ha dược liệu dưới tán rừng FSC

Hà Tĩnh Thiên niên kiện, lim xanh và mây là các loại dược liệu được trồng dưới tán rừng đã có chứng chỉ FSC để nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường.

Bình luận mới nhất