* Vì sao có hiện tượng biến đổi giọng nói hay còn gọi là “vỡ giọng” ở tuổi vị thành niên?
Đặng Xuân Hòa, Nam Trực, Nam Định
Ở trẻ vị thành niên nam, sự thay đổi giọng thường xuất hiện ở khoảng 12 - 14 tuổi, cùng lúc với sự phát triển nhanh của cơ thể và kéo dài từ 6 tháng đến một năm. Do kích thước thanh quản lớn lên và dây thanh dài thêm khoảng 1cm nên làm cho giọng nói trẻ lúc trầm lúc bổng đôi khi không kiểm soát được.
Ảnh minh họa
Trong suốt thời kỳ dậy thì (quãng thời gian thay đổi từ một cậu bé thành một người đàn ông), mức hormon sinh dục nam sẽ tăng lên mạnh mẽ và khiến cho thanh quản phát triển và thay đổi hình dạng. Dây thanh trở nên to hơn và dày hơn và vì thế nó rung lên từ từ ở tần số thấp hơn khi không khí đi qua chúng. Tần số thấp hơn đem lại cho các cậu giọng nói trầm hơn.
* Ai cũng biết câu "Yêu cho roi cho vọt, Ghét cho ngọt cho bùi". Liệu áp dụng câu đó để dạy dỗ con cái có đúng không?
Lê Hồng Nga, Nho Quan, Ninh Bình
Chẳng nhẽ mỗi khi thấy con ngoan thì dúi ngay kẹo hay lạc vào tay chúng à? Câu ấy chỉ có nghĩa khuyên phụ huynh chớ quá nuông chiều con cái quá để cho chúng hư hỏng. Cũng như câu cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư. Đánh con, đánh học trò là những hành vi thiếu văn hóa, rất ít tác dụng, nếu không nói là phản tác dụng. Trẻ sẽ nhờn đòn, sẽ có ác cảm với bố mẹ, thầy cô, từ đó để tránh đòn roi thường sinh ra dối trá để che giấu tội lỗi của mình. Roi vọt là chuyện xa xưa, thời phong kiến.
Bây giờ ở các nước phát triển thì đánh con là phạm tội hình sự. Điều 18 của Luật Hôn nhân và gia đình quy định: Cha mẹ không được hành hạ con cái, không được đối xử tàn tệ với con dâu, con nuôi, con riêng. Mục 3 điều 72 của Luật Giáo dục 2009 quy định Nhà giáo phải giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự của nhà giáo; tôn trọng nhân cách của người học đối xử công bằng với người học, bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của người học.
Điều 14 của Luật Bảo vệ và chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định: Trẻ em được gia đình, Nhà nước và xã hội tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự. Như vậy mọi hành vi đánh đập. mắng chửi nặng nề đều là xúc phạm đến thân thể, nhân phẩm và danh dự của trẻ em, cũng có nghĩa là vi phạm pháp luật và đi ngược lại với tinh thần của Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em...
* Có phải loài dơi xác định đường bay bằng tai?
Lý Xuân Phúc, Bắc Hà, Lào Cai
Chúng ta biết loài dơi có cái đầu giống chuột. Nó treo ngược thân mình trong hang, ngày ngủ, đêm đi kiếm môi. Dơi là loài thú có ích, nó có khả năng bắt bướm và muỗi trong bóng đêm, làm giảm thiệt hại cho cây trồng và sức khỏe con người. Điều kì lạ là dơi có thể bay lượn thoải mái trong bóng đêm và có thể bắt được mồi, ngay cả trong hang tối. Cả đàn dơi bay lượn trong bóng đêm mà không va vào nhau, hoặc va vào vách đá, vật cản.
Mắt dơi không nhìn thấy gì trong đêm tối. Trong một gian phòng có vây lưới đánh cá, mắt lưới còn nhỏ hơn sải cánh của dơi, dơi phải thu mình mới có thể chui qua mắt lưới. Mặc dù đã bị bịt mắt, dơi vẫn bay lượn thoải mái mà không bị vướng lưới. Thực hiện tiếp bằng cách bịt tai dơi lại và cho nó mở mắt bay trong phòng tối. Lần này, dơi như bị mù, thỉnh thoảng lại lao vào lưới, có lúc rơi xuống đất. Dơi xác định đường bay nhờ vào tai. Nếu bịt mồm dơi lại khiến chúng không phát ra âm thanh (tai ta không nghe thấy) thì chúng lại va vào các vật cản ngay. Rõ ràng là dơi dùng đồng thời cả miệng và tai để xác định hướng bay.
Chúng đã phát ra sóng siêu âm với tần số trên 20.000Hz. Miệng của dơi là một thiết bị phát sóng siêu âm, cứ cách quãng, một khoảng thời gian lại phát ra một lần. Sóng siêu âm gặp vật cản sẽ phản xạ trở lại. Tai của dơi là một dạng thiết bị bắt sóng siêu âm cực nhạy, nó sử dụng sóng siêu âm để phân biệt xem con mồi có phải là loài côn trùng ăn được hay không...