"Cỗ máy đẻ trứng" cho nhà nông
Vịt Huba là giống vịt đặc sản của Hungary được đưa về Việt Nam vào năm 2019 trong khuôn khổ cho chương trình hợp tác theo Nghị định thư giữa Chính phủ hai nước. Hiện, giống vịt Huba đang được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi gia cầm Vigova (thuộc Phân Viện Chăn nuôi Nam bộ) nghiên cứu khảo nghiệm phát triển và chuyển giao vào sản xuất.

TS Lê Thanh Hải (góc phải) và cộng sự đang đánh giá năng suất sinh sản của giống vịt Huba. Ảnh: LB.
Vịt Huba con mái trưởng thành có lông màu cánh xẻ, lông cánh màu xanh đen, có điểm lông màu trắng ở đầu cánh chân màu vàng nhạt, mỏ màu xám, đen và vàng nhạt. Con trống trưởng thành, thân có màu lông xám, đá lông cánh màu xanh cổ có khoang trắng, lông đầu màu xanh rất đẹp. Mỏ có màu xám hoặc vàng nhạt, chân màu vàng.
TS Lê Thanh Hải, Phân viện Chăn nuôi Nam bộ cho biết, vịt Huba có tỷ lệ nuôi sống đạt khoảng 98% đến 8 tuần tuổi. Tốc độ tăng trưởng của giống vịt này rất ấn tượng: con trống đạt trọng lượng khoảng 2,5 - 2,7 kg, trong khi con mái đạt khoảng 2,3 - 2,5 kg khi được 9 - 10 tuần tuổi. Tỷ lệ thân thịt đạt trung bình 71,6% (trống) và 70,7% (mái), cho thấy khả năng chế biến và thương mại hóa cao. Ngoài ra, vịt Huba có lông màu cánh sẻ, thịt thơm ngon, da mỏng và ít mỡ, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng hiện nay.
“Không chỉ có chất lượng thịt tốt, vịt Huba còn nổi bật với năng suất trứng đáng kinh ngạc. Mỗi con mái có thể đẻ từ 225 - 230 quả trứng/năm, với khối lượng trứng đạt 80 - 85g/quả. Đặc biệt, vịt Huba bắt đầu đẻ từ 22 - 23 tuần tuổi, sớm hơn nhiều so với một số giống vịt nội địa”, TS Hải thông tin.
Tạm tính, một trang trại nuôi 5.000 con vịt Huba có thể đạt lợi nhuận từ 300 - 400 triệu đồng/năm, tùy vào phương thức nuôi và giá thị trường. Đặc biệt, mô hình nuôi kết hợp giữa lấy trứng và bán thịt sau giai đoạn khai thác trứng có thể tối ưu lợi nhuận, giúp người chăn nuôi tận dụng tối đa giá trị của giống vịt này.

Vịt Huba được đánh giá phù hợp với tình hình chăn nuôi trong giai đoạn mới và mang lại nguồn thu nhập tốt. Ảnh: Lê Bình.
Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ thịt vịt và trứng vịt trên thị trường nội địa đang tăng mạnh. Theo thống kê, nước ta tiêu thụ trung bình hơn 200.000 tấn thịt vịt và gần 3 tỷ quả trứng vịt mỗi năm.
Ước tính, đàn vịt của Việt Nam là hơn 103 triệu con đứng thứ hai trên thế giới. Với những ưu điểm vượt trội về tốc độ sinh trưởng, năng suất trứng cao và chất lượng thịt thơm ngon, giống vịt Huba hoàn toàn có thể trở thành lựa chọn hàng đầu cho người chăn nuôi và mở ra cơ hội lớn cho ngành chăn nuôi gia cầm tại Việt Nam.
Phù hợp tình hình mới
Một trong những lợi thế của vịt Huba là khả năng thích nghi tốt với điều kiện môi trường tại Việt Nam. Giống vịt này rất thích nghi với khí hậu nhiệt đới của Việt Nam, có thể phát triển tốt ở các vùng sinh thái khác nhau, cả nông hộ và trang trại.
TS Lê Thanh Hải nhận định: “Giống vịt Huba có thể nuôi trong nhiều mô hình khác nhau, từ nuôi nhốt đến nuôi thả trên đồng ruộng, hồ nước đến chuồng lạnh, ứng dụng công nghệ cao. Nhờ sức đề kháng tốt, vịt ít mắc bệnh hơn, giảm chi phí thuốc thú y và rủi ro dịch bệnh”.

Vịt Huba được nuôi mô hình trên sàn lưới, trong chuồng lạnh tại tỉnh Tiền Giang. Ảnh: LB.
Qua kinh nghiệm nuôi khảo nghiệm và chuyển giao cho các hộ nông dân, vịt Huba có thể tận dụng nhiều nguồn thức ăn khác nhau, từ thức ăn công nghiệp đến thức ăn tự nhiên tại địa phương. Điều này giúp giảm chi phí đầu vào và tăng hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi. Ngoài ra, việc quản lý nhiệt độ chuồng trại, khối lượng vịt con và tuổi giết mổ cũng là những yếu tố quan trọng cần được chú ý để đạt năng suất tối ưu.
Hiện, triển vọng phát triển giống vịt Huba đang rất rộng mở. Trung những năm qua, Trung tâm Vigova đang triển khai chuyển giao giống vịt này vào sản xuất, bước đầu ở quy mô nông hộ và trang trại tại một số tỉnh như Tiền Giang, Bến Tre.
Anh Nguyễn Hoàng Khải (xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) thực hiện nuôi mô hình 1.000 con vịt Huba từ năm 2022. Sau một thời gian nuôi thử nghiệm, anh Khải cho biết giống vịt mới này cho kết quả rất khả quan. Vịt Huba nuôi trong môi trường tự nhiên lớn nhanh, tỷ lệ sống cao và đẻ trứng đều đặn. Giá bán thịt và trứng ổn định, mang lại lợi nhuận cao hơn so với một số giống vịt khác.
“Hầu hết khách hàng của tôi đều đánh giá thịt và trứng của vịt Huba đều có vị rất đặc biệt, thơm ngon. So với những giống vịt tôi đã từng nuôi thì chúng ăn ít hơn, không kén thức ăn. Đặc biệt, giống vịt có sức đề kháng rất tốt, ít bệnh tật ngay cả trong thời điểm giao mùa”, anh Khải chia sẻ.

Vịt Huba không chỉ có khả năng siêu thịt, siêu đẻ mà rất thích nghi với điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt. Ảnh: Lê Bình.
TS Hoàng Tuấn Thành, Giám đốc Trung tâm Vigova cho biết: “Trong thời gian tới, Vigova sẽ tiếp tục nghiên cứu, chọn tạo các dòng vịt Huba có năng suất và chất lượng cao hơn, phù hợp hơn với điều kiện Việt Nam”.
Ngoài thị trường trong nước, vịt Huba cũng có tiềm năng xuất khẩu. Một số doanh nghiệp chế biến thực phẩm đã bày tỏ sự quan tâm đến việc sử dụng vịt Huba để sản xuất các sản phẩm chế biến sẵn, như xúc xích, lạp xưởng vịt hoặc trứng vịt muối xuất khẩu.
Tuy nhiên, để giống vịt Huba phát triển bền vững, cần có chiến lược nhân rộng mô hình chăn nuôi khoa học, đảm bảo kiểm soát chất lượng giống, kỹ thuật chăn nuôi và đầu ra sản phẩm. Hiện, nhu cầu thịt vịt, đặc biệt là các giống vịt kiêm dụng như vịt Huba, rất lớn trên thị trường.
Do đó, cần có sự phối hợp giữa các trung tâm nghiên cứu, cơ quan khuyến nông và doanh nghiệp, hợp tác xã trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ để phát triển giống vịt này một cách hiệu quả. Ngoài ra, việc đảm bảo an toàn sinh học cũng là yếu tố then chốt để duy trì chất lượng và năng suất của đàn vịt.
“Vịt Huba có khả năng thích nghi tốt trong điều kiện sinh thái tại Việt Nam, tỷ lệ vịt nuôi sống cao. Có thể khai thác tốt nguồn gen quý này cho sản xuất tại Việt Nam. Thời gian tới, cần tăng quy mô đàn, tổ chức chọn lọc cải thiện di truyền một số tính trạng năng suất nhằm khai thác hiệu quả hai dòng vịt này cho sản xuất trong nước”, TS Lê Thanh Hải nhận định.