Kiểm kê khí thải để xác định “thủ phạm” gây ô nhiễm
Tại Hội thảo khoa học Quốc gia về Kiểm soát, cải thiện chất lượng môi trường không khí tại Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Môi trường (Bộ NN-MT) tổ chức ngày 24/4, các chuyên gia, nhà khoa học cho biết, nguyên nhân gây ô nhiễm lâu nay đã được chỉ ra, song việc kiểm kê để tìm ra “thủ phạm chính” mới là việc cần thiết để “trị đúng bệnh”.
PGS.TS Hồ Quốc Bằng - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, kiểm kê khí thải đóng vai trò như một công cụ “chẩn đoán” quan trọng để xác định nguyên nhân gây ô nhiễm. Thông qua việc thu thập và phân tích số liệu về các nguồn phát thải và lượng phát thải trong từng khu vực, công tác kiểm kê giúp theo dõi xu hướng phát thải theo thời gian, từ đó xây dựng bản đồ phát thải phục vụ quản lý hiệu quả.

Nguồn giao thông là nguồn phát thải lớn nhất gây ô nhiễm không khí. Ảnh minh họa.
Thống kê cho thấy, năm 2022, TP. Hà Nội có 8,4 triệu dân, 6.091.986 xe mô tô, 686.755 xe ô tô và gần 2.000 cơ sở sản xuất có phát sinh khí thải. TP. Hồ Chí Minh có gần 9 triệu dân, 7.339.522 xe máy, 637.323 ô tô và 2708 nhà máy phát sinh khí thải.
“Đối với giao thông đường bộ, xe máy được xác định là nguồn phát thải chủ yếu đối với hầu hết các chất ô nhiễm”, ông Bằng nhận định.
Theo phân tích của PGS.TS Hồ Quốc Bằng, tại Thủ đô Hà Nội, nguồn giao thông là nguồn phát thải lớn nhất, đóng góp 87%, 92%, 57%, 86%, 96% and 74% lần lượt các chất NOx, CO, SO2. Trong đó, các chất phát thải từ xe máy luôn chiếm tỷ lệ lớn nhất.
Tình trạng này tương tự như ở TP Hồ Chí Minh, khi xe máy là nguồn phát thải chủ yếu, đóng góp 97,8% CO, 42,9% NMVOC, 71,8% CH₄, 37,7% SO₂, 69,2% NOx và 18% PM2.5.
Sẽ siết chặt tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện giao thông
“Điểm mặt” những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, các nhà quản lý, nhà khoa học đã cùng bàn thảo để tìm giải pháp.

Phó Cục trưởng Cục Môi trường Lê Hoài Nam đề xuất nhiều giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại hội nghị. Ảnh: Khương Trung.
Về phía Bộ NN-MT, ông Lê Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Môi trường cho biết, đơn vị đang tích cực rà soát và tham mưu xây dựng các chính sách mang tính chiến lược, lâu dài, như triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí và Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh đã được phê duyệt.
Xây dựng, thiết lập mạng lưới các trạm quan trắc không khí tự động, liên tục đủ lớn, đảm bảo cho việc quan trắc, thu nhận, truyền dẫn số liệu giúp các cơ quan quản lý có thể theo dõi, giám sát, cảnh báo, dự báo được xu thế, diễn biến chất lượng môi trường không khí.
Trước mắt, đối với tình trạng ô nhiễm không khí do phương tiện giao thông, ông Nam thông tin: “Tiêu chuẩn khí thải trong giao thông đang được siết chặt. Cục đang xem xét xây dựng quy chuẩn khí thải cụ thể cho xe ô tô, xe gắn máy. Cùng với đó, thiết lập các khu vực hạn chế xe cá nhân trong giờ cao điểm, nhất là tại các khu vực đông dân cư và trung tâm thành phố, cũng là phương pháp quan trọng nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm”.
Ngoài ra, sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, giám sát các nguồn thải khí thải (đặc biệt là nguồn diện từ các điểm đốt mở, đốt rác thải, đốt sinh khối, đốt phụ phẩm nông nghiệp, rơm rạ, khu vực xây dựng; nguồn điểm từ các cơ sở sản xuất công nghiệp.

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hiền.
Đồng thời, các giải pháp xanh cũng cần được tính đến, như việc đẩy mạnh đầu tư và chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió và thủy điện nhỏ. Phát triển các "đô thị thông minh" với hệ thống giao thông và công nghệ tự động hóa để kiểm soát tốt hơn mức độ phát thải từ các hoạt động kinh tế - xã hội.
Để đảm bảo tính hiệu quả cho các giải pháp trên, theo bà Nguyễn Hoàng Ánh, đại diện thành viên Đoàn công tác, cần xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành, liên vùng.
“Đặc biệt, phải đưa vào quy chế của Chính phủ nhằm đảm bảo thực hiện đồng bộ, nhất quán. Đồng thời, việc quản lý chất lượng không khí cần dựa trên các công cụ khoa học - kỹ thuật để xác định nguyên nhân ô nhiễm, cũng như tăng cường sự kết nối giữa các nhà khoa học, hướng tới mục tiêu chung vì một môi trường không khí trong lành”, bà Ánh đề xuất.
Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cam kết phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhằm xây dựng khung chính sách và quy định về quản lý chất lượng không khí. Đồng thời, hỗ trợ các biện pháp kỹ thuật giám sát, dự báo và cảnh báo sớm chất lượng không khí và các dự án môi trường tại Việt Nam.