| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp mong cơ chế tín dụng ưu đãi riêng cho nuôi biển công nghệ cao

Thứ Ba 08/07/2025 , 09:33 (GMT+7)

Đây là một trong số những mong muốn mà Tổng Giám đốc STP Group Nguyễn Thị Hải Bình chia sẻ với PV Báo Nông nghiệp và Môi trường sau khi Nghị quyết 68-NQ/TW được ban hành.

Khi thể chế tốt, tư nhân sẽ mạnh dạn vượt sóng ra khơi

Nghị quyết số 68-NQ/TW (Nghị quyết 68) về phát triển kinh tế tư nhân là một văn bản quan trọng, được đánh giá là bước ngoặt, tạo động lực cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, hướng tới mục tiêu đưa kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. 

Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn STP Group chia sẻ, ngay sau khi Nghị quyết 68 được ban hành, STP Group đã cảm nhận được những tín hiệu chuyển động tích cực từ phía Nhà nước, đặc biệt ở 3 khía cạnh.

Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn STP Group, nhấn mạnh: 'Điều mà chúng tôi, từ phía doanh nghiệp tư nhân mong đợi nhất trong thời gian tới, là sự triển khai thực thi thật sự đồng bộ và quyết liệt từ Trung ương đến địa phương'. Ảnh: Duy Học.

Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn STP Group, nhấn mạnh: "Điều mà chúng tôi, từ phía doanh nghiệp tư nhân mong đợi nhất trong thời gian tới, là sự triển khai thực thi thật sự đồng bộ và quyết liệt từ Trung ương đến địa phương". Ảnh: Duy Học.

Một là, nhận thức chính sách đã rõ ràng hơn. Nuôi biển công nghệ cao được đưa vào nhóm ngành được ưu tiên phát triển. Một số địa phương ven biển đã bắt đầu chủ động cập nhật quy hoạch vùng nuôi, rà soát vùng biển tiềm năng và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư bài bản.

Hai là, sự vào cuộc của các ngân hàng chính sách và tổ chức tín dụng. Dù mới ở giai đoạn đầu, nhưng đã có những cuộc làm việc giữa doanh nghiệp và ngân hàng để xây dựng gói tín dụng phù hợp cho mô hình nuôi biển công nghệ cao - từ đầu tư lồng bè HDPE, hạ tầng cấp thoát nước, đến bảo quản và chế biến.

Ba là, khuyến khích nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Một số viện nghiên cứu thủy sản và trường đại học đang phối hợp với doanh nghiệp như STP Group để thử nghiệm mô hình mới. Chẳng hạn như mô hình nuôi kết hợp rong biển - nhuyễn thể - cá hay sử dụng vật liệu nổi thân thiện môi trường thay cho nhựa phế thải truyền thống.

Tuy nhiên, bà Bình nhấn mạnh: “Điều mà chúng tôi, từ phía doanh nghiệp tư nhân mong đợi nhất trong thời gian tới, là sự triển khai thực thi thật sự đồng bộ và quyết liệt từ Trung ương đến địa phương”.

Cụ thể, là có cơ chế tín dụng ưu đãi riêng biệt cho nuôi biển công nghệ cao, tương tự như cơ chế cho nông nghiệp công nghệ cao trên đất liền.

Thiết lập một quy trình đầu tư “một cửa liên thông”, giúp rút ngắn thời gian cấp phép vùng nuôi, thủ tục môi trường và đầu tư hạ tầng biển.

Ban hành các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho mô hình nuôi biển hiện đại, tạo nền tảng pháp lý để doanh nghiệp có thể huy động vốn và mở rộng quy mô.

Khuyến khích hình thành các cụm liên kết nuôi biển, nơi Nhà nước đóng vai trò đầu mối hạ tầng, còn doanh nghiệp tham gia vận hành và tạo giá trị gia tăng.

“STP Group tin rằng, khi thể chế tốt, tư nhân sẽ mạnh dạn vượt sóng ra khơi. Và chúng tôi sẵn sàng là người tiên phong - nếu được tạo điều kiện bằng một môi trường đầu tư minh bạch, ổn định và khuyến khích đổi mới”, Tổng Giám đốc STP Group nhấn mạnh.

Doanh nghiệp cũng cần củng cố nội lực

Theo PGS. TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, Nghị quyết 68 ra đời đã thắp lên kỳ vọng lớn cho kinh tế tư nhân. Dù chưa thể thấy ngay sự chuyển biến trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn, với việc xác định đây là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, khu vực tư nhân sẽ từng bước chuyển từ thế bị động sang vai trò chủ lực, không chỉ tham gia vào nuôi biển mà còn vươn lên dẫn dắt các chuỗi giá trị toàn cầu.

Cùng với đó, đây cũng là cơ hội thúc đẩy chuyển đổi từ mô hình sản xuất nhỏ lẻ, phân tán sang quy mô công nghiệp tập trung.

Tuy nhiên, PGS. TS Ngô Trí Long cho rằng, để tận dụng tốt cơ hội và thực sự bứt phá, bản thân doanh nghiệp cũng cần củng cố nội lực dựa trên 5 trụ cột quan trọng.

Doanh nghiệp cần chủ động đa dạng hóa nguồn vốn, không phụ thuộc hoàn toàn vào tín dụng ngân hàng. Ảnh: Duy Học.

Doanh nghiệp cần chủ động đa dạng hóa nguồn vốn, không phụ thuộc hoàn toàn vào tín dụng ngân hàng. Ảnh: Duy Học.

Đầu tiên, phải chủ động đầu tư công nghệ nuôi biển nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất.

Thứ hai, áp dụng mô hình nuôi hiện đại, minh bạch, bền vững và có chiến lược phát triển dài hạn, thay vì chạy theo lợi ích ngắn hạn.

Thứ ba, về tài chính, đây là rào cản lớn với nhiều doanh nghiệp. Do vậy, cần chủ động đa dạng hóa nguồn vốn, không phụ thuộc hoàn toàn vào tín dụng ngân hàng. Thay vào đó, có thể huy động vốn từ các quỹ đầu tư xanh, hình thức hợp tác công - tư, phát hành trái phiếu doanh nghiệp hoặc góp vốn liên kết.

Thứ tư, về quản trị, cần chuyển đổi mô hình hoạt động từ hộ gia đình sang công ty cổ phần hoặc hình thức liên kết hợp tác nhằm đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm và khả năng truy xuất nguồn gốc. 

Cuối cùng, cần thúc đẩy xây dựng chuỗi liên kết dọc, từ con giống, thức ăn, chế biến đến tiêu thụ; đồng thời phát triển các mô hình liên kết ngang hoặc liên kết phối hợp giữa các ngành liên quan, từ đó hình thành một hệ sinh thái nuôi biển hiện đại và hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc STP Group cho biết, STP Group đang hợp tác với 21 hợp tác xã tại Vân Đồn, Quảng Ninh để xây dựng một chuỗi khép kín từ vùng nuôi, sơ chế đến xuất khẩu. Việc liên kết này giúp nâng cao năng lực sản xuất, chia sẻ rủi ro và tạo ra lợi thế cạnh tranh theo cụm.

"Chúng tôi tin rằng, tương lai của ngành nuôi biển không nằm ở việc ai sản xuất nhiều hơn, mà ở việc ai xây dựng được chuỗi giá trị bền vững hơn. Và STP Group đang nỗ lực từng ngày để trở thành hình mẫu cho mô hình đó - nơi mà mỗi giá trị tạo ra không chỉ lợi nhuận, mà còn là đóng góp cho đại dương xanh và một nền kinh tế dài hạn”, Tổng Giám đốc STP Group nhấn mạnh.

Xem thêm
Người được dúi 'trả lương' mỗi tháng hơn 20 triệu đồng

'Vợ nhà nước trả lương, còn chồng thì được con dúi trả lương'. Bà con ở xã Tân Sơn mới, tỉnh Phú Thọ thỉnh thoảng lại tếu táo về anh Nguyễn Trung Nam như vậy.

Dịch tả heo Châu Phi tái bùng phát tại Gia Lai

GIA LAI Qua nhiều năm dịch tả heo Châu Phi được khống chế nhờ giải pháp phòng chống dịch của ngành chức năng, nay dịch bệnh này tái xuất hiện tại phường An Nhơn Đông.

Khẩn trương phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng

Tại các địa phương từ Nghệ An đến TP Huế, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng đang gia tăng do thời tiết thuận lợi cho sinh vật hại phát triển.

Chàng trai 22 tuổi mỗi tháng ẵm 20 triệu đồng nhờ nuôi ong chúa giống

CẦN THƠ Hiện mỗi con ong chúa giống do Tạo sản xuất có giá từ 200.000 đồng. Trung bình mỗi tháng Tạo cung cấp ra thị trường khoảng 800 con, thu nhập gần 20 triệu đồng.

Nâng tầm nông sản từ những mô hình trang trại bền vững

Hưng Yên đẩy mạnh mời gọi các nhà đầu tư phát triển trang trại theo hướng hữu cơ, liên kết sản xuất - tiêu thụ, tạo nền tảng vững chắc để nâng tầm giá trị nông sản.

Tuyển chọn được 5 giống khoai lang bản địa ưu tú nhất

Từ hơn 500 giống khoai lang bản địa, các nhà khoa học đã sàng lọc, chọn ra được 5 giống ưu tú nhất theo tiêu chí chất lượng, năng suất, khả năng chống chịu.

Phát triển bền vững dược liệu dưới tán rừng

Nếu thiếu quy hoạch và kỹ thuật, mô hình dược liệu dưới tán rừng rất dễ đi chệch hướng.

Bình luận mới nhất