Đồng bào Mông ở Mường Lát sinh sống chủ yếu ở các bản vùng biên giới giáp với nước bạn Lào. Nơi đây có nhiều đồng bào không biết chữ, nhưng bằng sự nhiệt huyết của những cán bộ, đảng viên đi gieo chữ mà đời sống người dân đang dần thay đổi.
Mẹ chồng nàng dâu học chung một lớp
Đồn biên phòng Quang Chiểu (Mường Lát - Thanh Hóa) chọn bản Pù Đứa để thực hiện mô hình điểm “Bản sáng vùng biên”, bởi đây là bản duy nhất ở xã Quang Chiểu chưa về đích nông thôn mới, tập quán canh tác còn lạc hậu, trong đó số hộ nghèo và cận nghèo chiếm tới 89,4%.
Một bộ phận người Mông còn trông chờ, ỉ lại vào nhà nước cấp gạo, vì thế để thay đổi Pù Đứa, Bộ đội Biên phòng Quang Chiểu nhận định việc đầu tiên là người dân phải viết, biết đọc, có như vậy mới tuyên truyền và để họ hiểu được những chính sách của Đảng, Nhà nước và vươn lên thoát nghèo.
Ngay sau đó, lớp học xóa mù chữ khẩn trương được triển khai ở bản Pù Đứa với mục tiêu xóa mù chữ cho đồng bào Mông.

Để vận động những người phụ nữ dân tộc Mông tới lớp, là cả hành trình của Đồn Biên phòng Quang Chiểu. Ảnh: Thanh Tâm.
Nhưng nói thì dễ, tới khi bắt đầu thực hiện, Đồn biên phòng Quang Chiểu mới nhận ra việc vận động người dân đi học không phải dễ. Hằng ngày công việc trên nương rẫy vất vả, tối đến chẳng ai muốn đến lớp. Cộng thêm sự tự ti, nhút nhát ngại giao tiếp vốn có của phụ nữ Mông, càng làm hành trình vận động đi học rơi vào bế tắc.
Đồn Biên phòng Quang Chiểu sau đó cử Thượng úy Thao Văn Chứ, Đội trưởng Đội vận động quần chúng, là người dân tộc Mông, Thượng úy Chứ hiểu được tiếng nói, hiểu được một phần tâm lý của họ.
Sau đó, Thượng úy Chứ đưa ra sáng kiến phải vận động vợ con của Đảng viên trong bản đi học, dù biết chữ bập bẹ cũng tới lớp, bởi vì đồng bào mình hay có câu “Đừng nói mà hãy làm”.
Quá trình vận động cũng rất khó khăn, nhưng khi vợ con của trưởng bản, tới những gia đình Đảng viên trong bản đi học, về kể việc biết viết, biết đọc tên mình ai cũng vui. Từ những đảng viên gương mẫu, nhiều người trong bản chưa biết chữ đã tự giác tìm tới nhà trưởng bản đăng ký đi học xóa mù.
Vậy là chỉ trong 2 tuần từ 5 người ban đầu, đã có 38 người ở bản Mông Pù Đứa đăng ký tham gia lớp học xóa mù chữ. Và rồi lớp học giữa đại ngàn biên giới Mường Lát đã ra đời, với nhiều thế hệ khác nhau.

Lớp học đặc biệt nơi biên giới, đã giúp nhiều phụ nữ dân tộc Mông vượt lên trên định kiến. Ảnh: Thanh Tâm.
Thượng úy Thao Văn Chứ nói, đáng chú là là trường hợp của bà Lâu Thị Ly (SN 1966 - mẹ chồng) và con dâu của bà đều không biết đọc, biết viết và không biết nói tiếng Kinh. Lúc đầu, hai mẹ con ai cũng xấu hổ và không dám đi học.
Sau đó, Thượng úy Chứ cùng với trưởng bản Pù Đứa xuống vận động, nhưng bà Ly và con dâu vẫn nhất quyết không tham gia. Thượng úy Chứ sau đó nảy ra ý kiến, rồi nói: “ Giờ đa số các gia đình đi nhận gạo hỗ trợ đều ký nhận, mà bác và con dâu vẫn điểm chỉ, thì khác biệt quá!”. Sau câu nói vui ấy, chỉ một đêm suy nghĩ, sáng mai cả hai mẹ con bà Ly xuống nhà trưởng bản từ tờ mờ sáng đăng ký đi học. Mẹ chồng nàng dâu trở thành đôi bạn học chung một lớp.

Bà Lâu Thị Ly (áo hồng) địu cả cháu, cùng con dâu tới lớp học mỗi tối. Ảnh: Thanh Tâm.
Khi đến lớp học xóa mù chữ, Thượng úy Chứ ngâm nga câu hát: “Mẹ chồng con dâu học chung một lớp, cây ổi sau nhà đã nở hoa”, thế là cả lớp ai cũng vui, cũng hào hứng học tập như những ngày hội bản.
Bà Lâu Thị Ly chia sẻ: “Chiều đi làm nương rẫy về, hai mẹ con nấu cơm sớm và cùng nhau đến lớp, dù một già một trẻ nhưng cứ đến lớp là say sưa nghe thầy giảng và được thầy giáo nắn nót từng chữ”.
“Ngày hai mẹ con cùng biết viết tên mình trên bảng, là ngày hạnh phúc nhất… khi về nhà mổ 1 con gà liên hoan” - bà Ly tâm sự.
Trở dạ sinh con sau đêm học xóa mù chữ
Trung tá Lê Thế Năng, Đội Phòng chống ma túy tội phạm, Đồn Biên phòng Quang Chiểu là người phụ trách giảng dạy. Nói về lớp học đặc biệt ở biên giới, Trung tá Năng cho biết lớp học được tổ chức từ tháng 11/2024, vào mỗi tối từ thứ 2 đến thứ 7, đa dạng các độ tuổi.
Khi màn đêm buông xuống, những người phụ nữ trong bản lại í ới gọi nhau đến lớp. Lớp học đặc biệt ở biên giới, sáng đèn mỗi khi trời tối, đa dạng các độ tuổi từ 18 đến 60.
Do nhiều người cao tuổi không biết nói Kinh, nên sau khi Trung tá Lê Thế Năng giảng bài thì thì Thượng úy Chứ phiên dịch lại cho bà con làm theo, từ đánh vần, viết bảng chữ cái và đọc các con số.
Sau 1 tháng, qua giao tiếp thầy trò hiểu nhau hơn thì Trung tá Năng một mình đứng lớp, nói một lần không hiểu thì cầm tay chỉ cho viết, vừa dùng ngôn ngữ nói và ngôn ngữ hình thể.
Trung tá Năng kể, lớp học duy trì như một thói quen của đồng bào Mông, hôm nào bận việc không đi học được, hôm sau sẽ chủ động xin thầy giảng lại bài hôm qua.
Chị Sung Thị Kía (SN 1990) tham gia lớp học khi đang mang bầu ở những tháng cuối. Dù bụng chửa vượt mặt, nhưng tối nào chị cũng cần mẫn tới lớp. Đến một hôm, khi điểm danh không có chị, thầy giáo Năng mới hỏi lớp trưởng, thì được biết chị đã trở dạ và sinh con sau buổi học tối qua.

Chị Sung Thị Kía sau sinh con không bỏ học giữa chừng, tối nào cũng địu con tới lớp học. Ảnh: Thanh Tâm.
Sau khi sinh con, chị Kía quay trở lại lớp học và nói “không đến lớp học nhớ con chữ lắm và nhớ cả mọi người trong lớp”. Tưởng như câu nói bình dị ấy lại khiến bao trái tim xúc động, bởi nghị lực của chị Kía quyết tâm học chữ để xóa mù.
Thế rồi, mỗi tối hai vợ chồng chị Kía lại dắt díu nhau đến lớp, trong khi chị Kía học thì anh chồng ngồi ngoài hiên lớp ẵm con, thầy giáo Năng chia sẻ.

Con của chị Sung Thị Kía ngủ say khi mẹ đang học bài. Ảnh: Thanh Tâm
Từ dò đường trong đêm mưa… trở thành Thượng úy
Câu chuyện xóa mù chữ cho những bản đồng bào Mông luôn là những cảm xúc đặc biệt nhất, bởi theo Thượng úy Chứ khi học xóa mù mình đọc, biết được nhiều hơn rồi mong được thoát nghèo, đến ước mơ trở thành chiến sĩ biên phòng giữ gìn biên cương Tổ quốc.
Sinh ra và lớn lên ở bản Mùa Xuân, xã Sơn Thủy (Quan Sơn), từ khi còn nhỏ, mẹ Thượng úy Chứ cũng không biết chữ, không viết được tên mình. Khi Bộ đội Biên phòng về mở lớp học xóa mù chữ thì tối nào mẹ Chứ cũng bế theo em gái, tay còn lại dắt Chứ tới lớp.
Chứ đi theo mẹ, bởi vì bản Mùa Xuân ngày ấy không có điện, đêm đến cả bản chìm trong bóng tối giữa núi rừng đến rợn người bởi thú hoang, rắn độc.
Nhiều hôm học xong, ba mẹ con Chứ trở về nhà thì trời mưa to, con đường đất vốn đã nhỏ đã tối lại trở nên trơn trượt. Cứ thế ba mẹ con Chứ dò đường trong đêm tối để về nhà.
Lúc đó, Chứ run lên vì lạnh, hai hàm răng cứ thế va vào nhau, đứa em gái cũng lạnh tái cả người, nhưng cả ba mẹ con Chứ đã vượt qua những khoảnh khắc khó khăn nhất của cuộc đời. Dù khó khăn, mẹ Chứ vẫn không nghỉ học, sau khi lớp học kết thúc, mẹ Chứ biết ghép vần, biết đọc, biết viết những từ cơ bản.

Lớp học say sưa nghe thầy giáo Chứ kể câu chuyện về mẹ vượt núi đi "tìm chữ". Ảnh: Thanh Tâm.
Câu chuyện chân thật ấy được thầy Chứ kể lại tại lớp học giữa đại ngàn vùng biên Pù Đứa, khiến bao trái tim rung động, cảm phục về hành trình tìm con chữ của mẹ thầy Chứ. Thầy Chứ kể, từ đêm ấy dò đường trong mưa đã khiến thầy ám ảnh và quyết tâm học con chữ để thoát nghèo, cho đến khi trở thành Thượng úy.
Hình ảnh về mẹ con thầy Chứ, khiến tôi ám ảnh mãi về hành trình tìm kiếm con chữ ở vùng cao thật gian nan, nhưng cũng đầy sự cảm phục, nỗ lực của đồng bào.

Thượng úy Chứ tận tâm luyện từng nét chữ cho những học trò đặc biệt. Ảnh: Thanh Tâm.
Trưởng bản Pù Đứa, Lâu Văn Pó dẫn chúng tôi tới thăm nhà anh Thao Văn Tông (SN 1978) là hộ gia đình vừa thoát nghèo đầu năm 2025 vừa qua. Gia đình anh Tông vừa động thổ để xây dựng một ngôi nhà bằng bê tông kiên cố.
Nói về việc cho vợ tham gia lớp học xóa mù chữ của Đồn biên phòng Quang Chiểu, anh Tông chia sẻ ban đầu vợ anh xấu hổ, nghĩ nhiều tuổi rồi nên không dám đăng ký đi học. Về nhà, mỗi bữa cơm anh đều khuyên vợ rằng, xã hội phát triển mình không thể cứ dậm chân tại chỗ mãi được. Rồi con cái đã trưởng thành, chuẩn bị đến tuổi lấy vợ, chẳng lẽ lại để thông gia biết mẹ không biết chữ.

Niềm vui nhân đôi với anh Thao Văn Tông khi sắp có nhà kiên cố và vợ biết chữ. Ảnh: Thanh Tâm.
Những người phụ nữ Mông, nhiều người cả cuộc đời chưa đi ra khỏi bản, nhưng hôm nay họ tự tin biết viết tên mình và cũng chính lớp học xóa mù giữa đại ngàn đã “truyền lửa” để họ vượt định kiến, tự ti vốn có mạnh dạn thay đổi để vươn lên làm chủ cuộc đời mình.