| Hotline: 0983.970.780

Điểm sáng vùng biên: [Bài 1] Vì sao chọn bản 'nhiều không'?

Thứ Bảy 03/05/2025 , 09:43 (GMT+7)

Thanh Hóa Nằm ở vùng biên giới huyện Mường Lát, nhiều bản làng từng chìm trong bóng tối hủ tục tang ma, tảo hôn, đẻ nhiều, đói nghèo… và lạc hậu nhưng cuộc sống của đồng bào nay đã khác nhờ chính sách của Đảng và Nhà nước.

LTS: Suốt  nhiều thập kỷ vừa qua, Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới bằng nhiều chính sách nhằm nâng cao đời sống của đồng bào. Trước những trăn trở làm thế nào để đồng bào các dân tộc ở miền núi nơi đây có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa cùng với Thường trực Tỉnh ủy đã triển khai mô hình điểm “Bản sáng vùng biên” ở 11 bản biên giới, bước đầu đã phát huy hiệu quả.

Từ bản "nhiều không"

Tà Cóm là bản đặc biệt khó khăn của xã Trung Lý, biệt lập với phần còn lại của huyện biên giới Mường Lát, với 100% đồng bào Mông di cư từ các tỉnh phía Bắc vào những năm 1990, mang theo nhiều hủ tục lạc hậu trong tang ma, tảo hôn, trong khi nơi đây một thời ma túy bao trùm khắp bản.

Không chỉ hủ tục, Tà Cóm từng được biết đến là bản không đường, không điện, không chữ, không trường, không sóng điện thoại và không có hộ thoát nghèo.

Đảng bộ và chính quyền huyện Mường Lát, Đồn Biên phòng Trung Lý đã lựa chọn Tà Cóm để thực hiện mô hình điểm “Bản sáng vùng biên”, mặc dù xác định đây là bài toán khó.

Thượng úy Sùng A Ư, Đồn Biên phòng Trung Lý vừa dẫn chúng tôi vào bản vừa kể rằng, nhiều năm trước đường vào bản Tà Cóm rất khó đi, trời mưa thì cán bộ chỉ còn cách bỏ xe ở đầu bản, rồi đi bộ vào bên trong và mỗi lần xuống bản phải ở lại hai ngày.

Đường xuống điểm trường Tiểu học Tà Cóm vào tháng 12/2024 vẫn là con đường đất. Ảnh: Thanh Tâm

Đường xuống điểm trường Tiểu học Tà Cóm vào tháng 12/2024 vẫn là con đường đất. Ảnh: Thanh Tâm

Vào Tà Cóm trong những ngày cuối năm 2024, con đường dốc ngược từ đường chính xuống điểm trường. Lúc ấy chỉ có dừng xe máy, để cuốc bộ xuống. Vậy mà nay đã có đường bê tông. Hỏi ra mới biết, tháng 1/2025 Đồn Biên phòng Trung Lý đã hỗ trợ đổ đường bê tông theo chương trình “Bản sáng vùng biên”.

Các thầy giáo ở điểm trường cho biết, nhờ có đường bê tông từ đường chính xuống, thầy trò đỡ khổ hơn. Trước đây, trời mưa, nhìn lũ trẻ kẹp dép vào nách, lội xuống nhìn thương lắm. Có đứa trượt ngã, quần áo lấm lem, run lên vì lạnh.

Đường bê tông giúp 'hành trình tìm chữ' đỡ gian nan hơn với những đứa trẻ người dân tộc Mông. Ảnh: Thanh Tâm.

Đường bê tông giúp "hành trình tìm chữ" đỡ gian nan hơn với những đứa trẻ người dân tộc Mông. Ảnh: Thanh Tâm.

Thượng úy Ư giới thiệu, điểm trường có thầy giáo Sùng A Chai là người ở Tà Cóm, sau khi học xong đại học thầy trở về cống hiến, gieo chữ cho bản làng nơi minh sinh ra. Tới phòng học lớp 3, tôi thấy thầy giáo Chai đang say sưa giảng bài. Chúng tôi nép sau cửa sổ, không nỡ ngắt quãng giờ học của thầy trò.

Thầy giáo Chai đang say sưa giảng bài. Ảnh: Thanh Tâm

Thầy giáo Chai đang say sưa giảng bài. Ảnh: Thanh Tâm

Giờ tan học, thầy Chai tâm sự gia đình có 9 anh chị em, Chai là con trai đầu. Năm 2014 Chai đi học khoa Sư phạm tiểu học của trường Đại học Hồng Đức. Cuộc sống xa vợ con, rời bản từ đó, vợ Chai ở nhà làm nương rẫy, tằn tiện nuôi con. Có những lần Chai về thăm nhà, trong nhà chỉ còn mấy chục nghìn vợ Chai đưa hết cho chồng đi đường. Chai cùng vợ đã vượt qua quãng thời gian khó khăn ấy.

Ra trường Chai về bám bản, gieo chữ trên mảnh đất quê hương. Dẫu biết rằng, chặng đường dạy chữ cho những đứa trẻ người Mông rất vất vả. Nhưng Chai tin bằng tình thương, tình đồng bào, Chai sẽ giúp những đứa trẻ dân tộc Mông đến lớp, không bỏ học giữa chừng.

Nhiều thầy cô ở nơi khác về cắm bản, được phân công dạy lớp 1, mà những đứa trẻ ấy đâu biết nói tiếng Kinh, Chai trở thành người phiên dịch trên hành trình “gieo mầm con chữ” ở vùng đất Tà Cóm.

Rũ bỏ “hủ tục” thoát nghèo

Thực hiện mô hình điểm “Bản sáng vùng biên” ở Tà Cóm, Đồn Biên phòng Trung Lý chọn gia đình Chai để hỗ trợ con giống. Đàn gà đen của Chai nay đã lớn, ăn khỏe, Chai nói sẽ nhân giống lên.

Được hỗ trợ gà giống, thầy giáo Chai đang cho nhân giống lên. Ảnh: Thanh Tâm.

Được hỗ trợ gà giống, thầy giáo Chai đang cho nhân giống lên. Ảnh: Thanh Tâm.

Gia đình Chai đang tôn cao nền đất, tới đây sẽ dựng ngôi nhà gỗ khang trang. Từ tiền lương giáo viên, Chai cùng vợ mua thêm trâu bò chăn thả trên rừng, mua lợn đen nuôi. Gia đình Chai cũng đã thoát nghèo được 2 năm, cuộc sống no đủ.

Để thí điểm mô hình thành công, Thượng úy Sùng A Ư cho biết, những người có uy tín trong bản rất quan trọng. Bởi, mỗi chương trình, chính sách triển khai, những người có uy tín nói đồng bào sẽ tin và làm theo như thầy Chai. Vì vậy, những người như thầy Chai chính là cánh tay nối dài, đưa chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đến đồng bào hiệu quả hơn.

Ông Thào A Sự, Trưởng bản Tà Cóm chia sẻ, mấy năm gần đây người Mông ở Tà Cóm không còn đói khi được nhà nước hỗ trợ gạo, điện lưới Quốc gia đã về đến từng nhà, trẻ em được đến trường. Nhiều gia đình trong bản đã thoát nghèo nhờ trồng sắn, trồng ngô và nuôi trâu bò … đời sống của người dân đã cải thiện, có gia đình thu hàng chục triệu đồng mỗi năm.

Trồng sắn đang giúp nhiều hộ ở Tà Cóm có nguồn thu ổn định. Ảnh: Thanh Tâm.

Trồng sắn đang giúp nhiều hộ ở Tà Cóm có nguồn thu ổn định. Ảnh: Thanh Tâm.

Ông Sự phấn khởi: “Sang năm đường bê tông sẽ vào đến bản, nông sản sẽ được giá, là dân cũng đỡ nghèo cả thôi! 33 năm trước Tà Cóm mỗi khi mặt trời lặn là bóng đêm bao trùm, giờ đã có ánh sáng đèn điện, có sóng điện thoại dân mừng lắm. Cảnh dùng mỡ lợn để thắp đèn giờ chỉ là ký ức, chiếc đèn được giữ lại làm kỷ niệm về một thời tối tăm". 

Bình yên trên Ón

Rời Tà Cóm, chúng tôi đến với bản Ón (Tam Chung, Mường Lát) nơi có hơn 20km đường biên giới với nước bạn Lào từng là trọng điểm về ma túy. Để đẩy lùi hủ tục, tệ nạn ma túy, các chiến sĩ Đồn Biên phòng luôn thực hiện chính sách “3 cùng” với đồng bào là cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc.

Đây cũng là một trong những bản nghèo nhất của huyện Mường Lát, bởi cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào nương rẫy, trong khi đất đai khô cằn và gió Lào, vì thế việc thay đổi nhận thức, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào là một thách thức không nhỏ.

Trung tá Nguyễn Văn Tâm, Đồn Biên phòng Tam Chung (người trực tiếp phụ trách bản Ón) kể, đường vào bản Ón đã không còn nơm nớp sợ sạt lở, đường bê tông đã vào tận khu tái định cư mới.

Bản Ón đã bình yên sau cơn bão ma túy tràn qua. Ảnh: Thanh Tâm.

Bản Ón đã bình yên sau cơn bão ma túy tràn qua. Ảnh: Thanh Tâm.

Anh Giàng A Chùa, Phó Bí thư Chi bộ bản Ón kể, nhiều năm trước gia đình nghèo lắm, chỉ có cơm trắng và ít rau cải thôi… nhưng nhờ sự hỗ trợ của Đồn Biên phòng Tam Chung qua mô hình “Bản sáng vùng biên”, anh Chùa đã và đang tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi vịt ở địa phương, xây được nhà kiên cố.

Được hỗ trợ vịt giống, Giàng A Chùa chăm sóc và sẽ nhân giống lên. Ảnh: Thanh Tâm.

Được hỗ trợ vịt giống, Giàng A Chùa chăm sóc và sẽ nhân giống lên. Ảnh: Thanh Tâm.

Khi chúng tôi hỏi về số hộ nghèo trong bản, Chùa im lặng đi lên gác 2 của nhà sàn rồi cầm xuống là chiếc máy tính trên tay. Chùa mở máy cho chúng tôi xem danh sách và nói chính xác về nguyên nhân của những hộ còn nghèo. Tôi ngạc nhiên, một chàng trai người Mông, lấy vợ từ rất sớm, quanh năm lên nương rẫy lại thành thạo máy tính đến thế.

Chùa kể từ khi được bổ nhiệm là Phó Bí thư Chi bộ bản Ón, mỗi lần đi họp thấy các chú biên phòng làm báo cáo rất cụ thể từng việc, rõ người. Thấy Chùa rất chăm chú đọc báo cáo sau mỗi lần họp, nên Thiếu tá Vi Xuân Thao đã chỉ dạy cho Chùa một số bước cơ bản dùng máy tính.

Chàng trai người dân tộc Mông, lấy vợ từ rất sớm nhưng lại thành thạo máy vi tính. Ảnh: Thanh Tâm.

Chàng trai người dân tộc Mông, lấy vợ từ rất sớm nhưng lại thành thạo máy vi tính. Ảnh: Thanh Tâm.

Chùa về nhà bàn với vợ bán bớt 1 con bê, mua chiếc máy tính cũ về tự mày mò học thêm ở nhà, đến nay các cuộc họp của bản Ón, Chùa đảm nhiệm ghi chép, viết biên bản, làm báo cáo khi UBND xã yêu cầu.

Khi chúng tôi đang trò chuyện, chị Vàng Thị Xua tới nhà Chùa để hỏi về chính sách mới của hộ cận nghèo. Chùa giới thiệu với chúng tôi chị Xua sinh năm 1993,  là hộ cận nghèo, được Đồn Biên phòng Tam Chung hỗ trợ 30 con vịt giống, hướng dẫn kỹ thuật, đến nay đàn vịt đã lớn, phát triển tốt. Dù bập bẹ tiếng Kinh, chị Xua nói: “May nhờ, có các chú bộ đội mới có vịt nuôi, vịt của bộ đội cho nên quý lắm, phải nhân giống lên, không ăn thịt đâu”.

Chị Vàng Thị Xua phấn khởi khi đàn vịt đã lớn, ăn khỏe. Ảnh: Thanh Tâm.

Chị Vàng Thị Xua phấn khởi khi đàn vịt đã lớn, ăn khỏe. Ảnh: Thanh Tâm.

Trên đường rời bản Ón, bắt gặp Giàng A Lờ đang thu hoạch rau, Lờ cho biết, ngoài trồng rau thì gia đình còn mua thêm xe ô tô tải 5 tấn để chạy nan nứa, nông sản và là hộ vừa thoát nghèo đầu năm 2025.

Hỏi ra mới biết, 7 năm trước, Lờ rời bản sang tỉnh Hòa Bình học lái xe, khi đã thi đậu, anh về bán 3 con bò, vay thêm ngân hàng quyết tâm đổi nghề.

Theo lời kể của Lờ, gần chục năm trước, thanh niên trong bản chẳng ai dám đi ra ngoài làm kinh tế. Thời điểm ấy, đường vào bản thì khúc khuỷu men theo sườn núi rất khó đi. Thế mà Lờ khăn gói đi học bằng lái xe tận tỉnh Hòa Bình, rồi người dân trong bản xì xào vì Lờ gan lớn dám bán bò, vay thêm ngân hàng mua xe. Thế mà giờ đây vợ chồng Lờ đã thoát nghèo, có nhà kiên cố để ở.

Thanh niên trong bản, nhìn gương của Lờ mạnh dạn vượt qua định kiến, vượt núi đi làm kinh tế. Những người như Giàng A Lờ là gương sáng điển hình, nhân lên phong trào vươn lên thoát nghèo ở địa phương.

Vượt định kiến, anh Giàng A Lờ vượt núi đi làm kinh tế, nay vợ chồng anh có nhà to đẹp để ở. Ảnh: Thanh Tâm.

Vượt định kiến, anh Giàng A Lờ vượt núi đi làm kinh tế, nay vợ chồng anh có nhà to đẹp để ở. Ảnh: Thanh Tâm.

Phó Bí thư Chi bộ bản Ón cho biết, năm 2023 bản Ón có 100% hộ nghèo và cận nghèo, thì đến nay đã giảm xuống, hiện đã có 21 hộ thoát nghèo.

Trao đổi với Báo Nông nghiệp và Môi trường, Bí thư Huyện ủy Mường Lát, Hà Văn Ca cho biết, việc chọn hai bản khó khăn nhất của huyện Mường Lát để thực hiện Mô hình điểm “Bản sáng vùng biên” được xem là quyết định mạnh dạn của lực lượng biên phòng. Nhiều mô hình chăn nuôi đã cho hiệu quả, hỗ trợ vật chất được người dân ghi nhận.

“Cần phải có chính sách “dài hơi”, tạo động lực nội sinh, trong đó quan trọng nhất là thay đổi tư duy, nhận thức, từ đó mới giảm nghèo bền vững. Ngoài ra phải nêu gương những người trẻ làm kinh tế giỏi, mạnh dạn vượt định kiến vươn lên thoát nghèo”, ông Ca trăn trở.

Xem thêm
Hướng dẫn ASEAN về chuyển đổi nông nghiệp sinh thái

Hướng dẫn cung cấp lộ trình giúp các quốc gia ASEAN thúc đẩy nông nghiệp sinh thái như một phương thức chuyển đổi hướng tới nền nông nghiệp và hệ thống lương thực bền vững.

Điểm sáng du lịch Đại Từ: [Bài 1] Homestay giữa đồi chè hấp dẫn khách Tây

THÁI NGUYÊN Homestay Mây Sườn Đông nằm giữa những đồi chè xanh ngát, hòa quyện với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp là điểm đến yêu thích của những đoàn du khách nước ngoài.

Sản phẩm tinh dầu của Yên Bái được đề xuất đạt OCOP 5 sao

YÊN BÁI Ba sản phẩm tinh dầu của tỉnh Yên Bái đang được đề xuất xét công nhận đạt chuẩn OCOP 5 sao cấp quốc gia.