Thứ Năm, 10/7/2025 0:9 (GMT +7)

| Hotline: 0983.970.780

Trưởng thôn trúng lớn nhờ chuyển đổi cây trồng

Thứ Năm 26/06/2025 , 09:29 (GMT+7)

Nhờ mạnh dạn tích tụ đất đai và chuyển đổi từ trồng luồng sang trồng cam, một trưởng thôn ở Thanh Hóa đã thu về 300 triệu đồng ngay trong vụ đầu tiên.

Trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ đang bộc lộ nhiều hạn chế, huyện Cẩm Thủy (tỉnh Thanh Hóa) đã xác định tích tụ đất đai là một trong những giải pháp trọng tâm nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững.

Tại xã Cẩm Thành, phong trào tích tụ đất đai đang từng bước lan tỏa, tạo nền tảng cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và thu nhập cho người dân.

Ông Đinh Văn Bê - Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Phâng Khánh, xã Cẩm Thành. Ảnh: Thu Thủy.

Ông Đinh Văn Bê - Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Phâng Khánh, xã Cẩm Thành. Ảnh: Thu Thủy.

Một trong những điển hình tiêu biểu là mô hình của ông Đinh Văn Bê, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Phâng Khánh, xã Cẩm Thành. Trước đây, diện tích đất sản xuất của ông Bê chủ yếu trồng luồng – loại cây gắn bó với người dân miền núi nhưng ngày càng kém hiệu quả, giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định. Được sự vận động, hỗ trợ từ chính quyền xã và cơ quan chuyên môn, ông Bê đã mạnh dạn đứng ra tích tụ 3,5 ha đất của các hộ dân trong thôn để chuyển sang trồng cây ăn quả.

Không chọn hướng đi dễ dãi, ông Bê đầu tư trồng hai giống cam chất lượng cao là cam Canh và cam Cao Phong. Giống cây được mua trực tiếp từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam, kết hợp với phương pháp canh tác hữu cơ – sử dụng phân bón vi sinh, phân chuồng hoai mục thay cho phân hóa học – giúp vườn cam sinh trưởng tốt, hạn chế sâu bệnh và cho quả đẹp, chất lượng cao.

Vườn cam rộng 3,5 ha được chuyển đổi một phần từ diện tích trồng luồng. Ảnh: Thu Thủy.

Vườn cam rộng 3,5 ha được chuyển đổi một phần từ diện tích trồng luồng. Ảnh: Thu Thủy.

Chỉ sau hơn hai năm, vụ thu hoạch đầu tiên của vườn cam đã mang lại kết quả vượt kỳ vọng. Ông Bê thu về khoảng 300 triệu đồng từ 3,5 ha cam. Trong đó, cam Canh bán với giá 28.000 đồng/kg, cam Cao Phong 15.000 đồng/kg. So với trồng luồng trước đây, thu nhập tăng gấp nhiều lần.

“Trước đây trồng luồng thu nhập chẳng được bao nhiêu, lại mất công chăm sóc. Giờ chuyển sang cam, cây hợp đất, hợp khí hậu, lại được tập huấn kỹ thuật nên phát triển tốt. Mỗi vụ thu được vài trăm triệu là điều mà trước kia không dám nghĩ tới,” ông Bê chia sẻ.

Không chỉ thay đổi đời sống kinh tế gia đình, mô hình của ông Bê còn trở thành hình mẫu để nhiều hộ dân khác trong xã học tập. Một số hộ đã bắt đầu tìm hiểu, liên kết cùng tích tụ đất đai và trồng các loại cây ăn theo hướng hữu cơ, từng bước xây dựng vùng sản xuất tập trung.

Ngay trong vụ đầu tiên, ông Bê đã thu về 300 triệu đồng từ việc trồng cam. Ảnh: Thu Thủy.

Ngay trong vụ đầu tiên, ông Bê đã thu về 300 triệu đồng từ việc trồng cam. Ảnh: Thu Thủy.

Theo ông Hà Văn Chung, Quyền Chủ tịch UBND xã Cẩm Thành, tích tụ đất đai không còn là khái niệm xa vời mà đang trở thành nhu cầu thực tiễn của người dân trong quá trình phát triển nông nghiệp hàng hóa. “Việc chuyển đổi từ đất trồng luồng manh mún sang trồng cây ăn quả theo mô hình tích tụ tập trung đã chứng minh hiệu quả rõ rệt, đặc biệt là mô hình cam của ông Đinh Văn Bê. Không chỉ thu nhập tăng lên mà còn tạo ra sản phẩm chất lượng, tương lai hướng tới tiêu chuẩn VietGAP, OCOP.”

Cũng theo ông Chung, xã đang tiếp tục vận động các hộ dân có đất manh mún sẵn sàng cho thuê, góp đất để hình thành các vùng sản xuất tập trung. Chính quyền sẽ hỗ trợ người dân về thủ tục tích tụ đất đai, kết nối kỹ thuật – giống cây trồng, giới thiệu các mô hình hiệu quả và kết nối đầu ra với doanh nghiệp, hợp tác xã.

Ngoài giống cây đảm bảo chất lượng, xã cũng khuyến khích người dân áp dụng quy trình canh tác thân thiện với môi trường, giảm thiểu sử dụng hóa chất độc hại, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc sinh học nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và nâng cao giá trị sản phẩm.

“Chúng tôi coi tích tụ đất đai là nền tảng để xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu và nhu cầu thị trường. Sắp tới, xã sẽ từng bước quy hoạch lại vùng sản xuất, định hướng chuyên canh cây ăn quả tại các khu đất ven đồi, đất lúa kém hiệu quả…,” ông Chung nhấn mạnh.

Xem thêm
Ổn định chỗ ở gắn với chuyển đổi nghề cho dân vùng sạt lở

Trà Vinh Hơn 100 hộ dân ở vùng sạt lở không chỉ được hỗ trợ chỗ ở mà còn được tạo điều kiện chuyển đổi công việc để ổn định cuộc sống.

OCOP Tây Ninh kết tinh văn hóa bản địa, phát triển du lịch

Sản phẩm OCOP Tây Ninh kết tinh từ văn hóa bản địa, đang trở thành cầu nối giữa nông thôn và du lịch, góp phần làm giàu sinh kế, bảo tồn giá trị truyền thống.

Bình luận mới nhất