| Hotline: 0983.970.780

Hợp tác xã tạo thu nhập cho hơn 500 người, sở hữu 3 sản phẩm OCOP

Thứ Sáu 04/07/2025 , 14:51 (GMT+7)

Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ Tân Thọ đang tạo việc làm cho hơn 500 lao động có thu nhập ổn định, đồng thời sở hữu 3 sản phẩm OCOP.

Khởi nghiệp trầy trật

Chị Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ Tân Thọ (xã Trung Chính, tỉnh Thanh Hóa) vốn làm nghề may mặc với thu nhập ổn định. Khi chính quyền địa phương phát động khôi phục nghề mây tre đan nhằm tạo việc làm cho người dân, chị Thắm cùng nhiều bà con tích cực theo học các lớp đào tạo nghề. Thế nhưng sau khóa học, sản phẩm làm ra lại khó tiêu thụ do thị trường hẹp, giá cả bấp bênh, khiến không ít người mất động lực, dần bỏ nghề.

Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ Tân Thọ tạo việc làm và thu nhập cho nhiều lao động địa phương. Ảnh: Quốc Toản.

Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ Tân Thọ tạo việc làm và thu nhập cho nhiều lao động địa phương. Ảnh: Quốc Toản.

Năm 2007, chị Thắm cùng nhiều người dân địa phương hào hứng tham gia chương trình nâng cao quyền tự chủ cho phụ nữ do một tổ chức phi chính phủ tài trợ. Chương trình hướng đến mục tiêu khôi phục nghề mây tre đan truyền thống, qua đó tạo việc làm và cải thiện thu nhập cho người dân nông thôn.

Chị Thắm cho biết, ban đầu, sản phẩm mây tre đan làm ra được cung cấp cho một đơn vị chuyên xuất khẩu, nhưng thu nhập mang lại rất thấp. Có thời điểm, ba chuyến hàng giao cho khách không bằng thu nhập của một ngày từ nghề may. Tháng đầu tiên, chị chỉ nhận được 72 nghìn đồng tiền công, trong khi chi phí xăng xe để chở hàng đi nhập còn cao hơn số tiền đó.

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Hợp tác xã được khách hàng trong nước và quốc tế ưa chuộng. Ảnh: Quốc Toản.

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Hợp tác xã được khách hàng trong nước và quốc tế ưa chuộng. Ảnh: Quốc Toản.

Khi nghề mây tre đan không mang lại hiệu quả kinh tế như kỳ vọng, lãnh đạo huyện Nông Cống (tên gọi cũ) đã chủ động tìm hướng đi mới bằng việc tổ chức cho người dân ra tỉnh Ninh Bình học nghề đan cói. Là học viên, chị Thắm không chỉ theo sát quá trình học nghề mà còn mời thợ lành nghề, giáo viên dạy nghề về tận cơ sở, lo nơi ăn chốn ở để họ yên tâm giảng dạy. Các sản phẩm làm ra đều được thu mua đúng hẹn. Giai đoạn này, dù thu nhập còn khiêm tốn nhưng đó là động lực để bà con bám nghề.

Tuy nhiên, theo chị Thắm, nghề thủ công mỹ nghệ cũng lắm nỗi gian truân, nhất là chuyện đầu ra lúc có, lúc không. “Mình chủ động làm ra sản phẩm, nhưng bán lại phụ thuộc vào người khác. Có lần họ vin đủ lý do để không nhận hàng, mình đành ôm nguyên cả lô. Hàng ế thì ế, nhưng tiền công trả cho bà con vẫn phải lo đủ. Có thời điểm, bà con trong hợp tác xã phải nghỉ cả tháng trời vì không có việc”, chị Thắm kể.

Thương bà con, chị Thắm lại lặn lội ngược xuôi tìm việc làm thay thế, từ việc khâu bóng thể thao cho đến nghề làm cơi trầu, sau cùng vẫn quay về với đan lát, cái nghề mà bà con đã quen tay, quen nếp.

Giỏ đựng tích trà là sản phẩm làm nên thương hiệu của Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ Tân Thọ. Ảnh: Quốc Toản.

Giỏ đựng tích trà là sản phẩm làm nên thương hiệu của Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ Tân Thọ. Ảnh: Quốc Toản.

Năm 2010, chị Thắm cùng bà con thành lập Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ Tân Thọ. Tuy nhiên, khác với giai đoạn mới vào nghề, để chắc chắn đầu ra, chị Thắm cùng bà con đã trực tiếp sản xuất và chào hàng tiếp thị mà không phụ thuộc vào đơn hàng của các đơn vị trung gian. Mặt hàng chủ lực của Hợp tác xã khi ấy là giỏ tích (giỏ đựng ấm trà).

Thành phẩm làm ra không để trong kho chờ người đến mua, chị tự mình mang từng mẻ hàng đi khắp các phiên chợ, hội chợ thủ công mỹ nghệ trong và ngoài tỉnh. Gặp ai, chị cũng kiên trì giới thiệu sản phẩm, giải thích về cách làm, chất liệu và công dụng từng chiếc giỏ, đồng thời đứng ra cam kết với đơn vị bán hàng: Nếu sản phẩm làm ra không bán được, Hợp tác xã sẽ thu lại, không để ai bị lỗ vốn hay mất công vô ích. Thời điểm đó, có ngày Hợp tác xã bán được hơn 30 triệu đồng tiền giỏ tích.

Không chỉ dừng lại ở sản phẩm giỏ tích, chị Thắm còn cùng bà con Hợp tác xã nghiên cứu, sáng tạo thêm nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ khác, phù hợp với nhu cầu thị trường và thị hiếu người tiêu dùng. Hợp tác xã cũng chủ động nhận mẫu đặt hàng từ các doanh nghiệp, linh hoạt thay đổi mẫu mã, kích thước, chất liệu để đáp ứng yêu cầu của đối tác.

Với sự kiên trì, nhạy bén và tâm huyết với nghề, chỉ sau một thời gian ngắn, cái tên “giỏ tích Tân Thọ” đã dần phủ sóng khắp cả nước, có thời điểm xuất đi hàng chục nghìn sản phẩm mỗi tháng.

Hợp tác xã là gia đình

Điểm đặc biệt làm nên Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ Tân Thọ không chỉ nằm ở những sản phẩm tinh xảo từ đôi bàn tay khéo léo, mà còn ở chính những con người nơi đây. Hợp tác xã có tới 80% là những người có tuổi, phụ nữ đơn thân, người khuyết tật...). Họ tìm đến nhau như những mảnh ghép nương tựa, cùng nhau dựng xây một mái nhà chung bằng tình thương, sự sẻ chia và lòng kiên cường trước nghịch cảnh.

Tại Hợp tác xã, mọi chi phí liên quan đến đào tạo, dạy nghề đều do Hợp tác xã đứng ra lo liệu. Với chị Thắm, một khi đã là thành viên của Hợp tác xã thì sẽ không ai bị bỏ lại phía sau. Nhiều lao động xem Hợp tác xã giống như một mái nhà thứ hai - nơi những người yếu thế tìm lại được chỗ đứng, được làm việc, được ghi nhận và có thu nhập ổn định từ chính đôi tay mình.

Nhiều thành viên xem Hợp tác xã như gia đình thứ 2 của họ. Ảnh: Quốc Toản.

Nhiều thành viên xem Hợp tác xã như gia đình thứ 2 của họ. Ảnh: Quốc Toản.

Chị Thắm nghẹn lời khi nhắc đến một trong những lao động đặc biệt nhất của Hợp tác xã mà bản thân chị cũng thấy cảm phục. Người phụ nữ ấy trong suy nghĩ của chị Thắm không chỉ có hoàn cảnh éo le mà còn có nghị lực sống phi thường.

"Chị Thơm là phụ nữ đơn thân, mang đôi chân khuyết tật bẩm sinh, thế nhưng lại là chỗ dựa duy nhất cho cả gia đình gồm mẹ già yếu, đứa cháu mồ côi và cậu con trai đang học đại học tận Hà Nội. Không than thân trách phận, chị mở một quán tạp hóa nhỏ ở đầu làng để kiếm đồng ra đồng vào. Rảnh rỗi, chị lại ra đồng bóc lá mía thuê, tối đến lặng lẽ ngồi đan lát từng sản phẩm mây tre đan để kiếm thêm thu nhập", chị Thắm kể.

Người phụ nữ khuyết tật ấy làm việc không biết mệt để kiếm tiền nuôi cả gia đình và để chứng minh rằng mình không phải là gánh nặng của xã hội, dù bản thân chịu thiệt thòi đủ đường. Và cũng chính Hợp tác xã là nơi đã dang tay đón lấy chị Thơm vào những ngày khó khăn nhất. Nhờ có nghề mây tre đan, mỗi tháng chị Thơm có thêm 4-5 triệu đồng. Với người khác có thể là nhỏ, nhưng với chị Thơm, đó là cả một tài sản lớn.

Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ được tạo nên từ những đôi bàn tay khéo léo. Ảnh: Quốc Toản. 

Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ được tạo nên từ những đôi bàn tay khéo léo. Ảnh: Quốc Toản. 

Sau nhiều năm gây dựng và phát triển, Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ Tân Thọ từ một cơ sở nhỏ lẻ ban đầu với vài chục lao động, đến nay đã vươn lên thành một thương hiệu có tiếng trong ngành hàng thủ công mỹ nghệ, tạo việc làm ổn định và thu nhập đều đặn cho hơn 500 lao động địa phương với mức thu nhập từ vài trăm nghìn đồng đến 7 triệu đồng/tháng.

Bình quân mỗi năm, Hợp tác xã xuất sang thị trường các nước cả triệu sản phẩm bắt mắt như bức tranh treo tường, túi xách, giỏ xách hoa quả, rổ rá, đĩa để đồ, thùng đựng đồ, thảm, dép… và đạt doanh số hàng chục tỷ đồng. Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ Tân Thọ sở hữu 3 sản phẩm OCOP 4 sao gồm: Đĩa cói, sọt cói, chậu cói. Các sản phẩm do Hợp tác xã làm ra đều xuất khẩu ra nước ngoài, chủ yếu là Mỹ, Đức và một số nước châu Á.

Chị Thắm cho biết, trong guồng quay của xã hội hiện đại, nghề thủ công mỹ nghệ vẫn còn đất sống vì nó gắn với đời sống, với văn hóa của người dân quê. Dù máy móc có hiện đại đến đâu thì những món đồ làm bằng tay vẫn có cái hồn riêng, mộc mạc, gần gũi mà không gì thay thế được. Với chị và các thành viên, giữ nghề không chỉ để có việc làm, có đồng ra đồng vào, mà còn để gìn giữ cái nghề cha ông để lại, để con cháu sau này còn biết đến.

Xem thêm
Ổn định chỗ ở gắn với chuyển đổi nghề cho dân vùng sạt lở

Trà Vinh Hơn 100 hộ dân ở vùng sạt lở không chỉ được hỗ trợ chỗ ở mà còn được tạo điều kiện chuyển đổi công việc để ổn định cuộc sống.

OCOP Tây Ninh kết tinh văn hóa bản địa, phát triển du lịch

Sản phẩm OCOP Tây Ninh kết tinh từ văn hóa bản địa, đang trở thành cầu nối giữa nông thôn và du lịch, góp phần làm giàu sinh kế, bảo tồn giá trị truyền thống.

Đọc nhiều nhất

Bình luận mới nhất