"Giấy thông hành" cho nông sản Việt
“Làm nông nghiệp giảm phát thải không phải để chạy theo chứng chỉ carbon mà nhằm xây dựng thương hiệu quốc gia và tạo hiệu quả kinh tế thực chất”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Hoàng Trung nhấn mạnh tại phiên họp chiều 28/7 nhằm chuẩn bị cho Hội nghị tham vấn Đề án sản xuất trồng trọt giảm phát thải sắp tới.

Thứ trưởng Hoàng Trung nhấn mạnh làm nông nghiệp giảm phát thải nhằm xây dựng thương hiệu quốc gia và tăng hiệu quả kinh tế. Ảnh: Bảo Thắng.
Theo Thứ trưởng Trung, mục tiêu then chốt của Đề án là tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về môi trường của thị trường nội địa và quốc tế. Trong đó, việc dán nhãn chứng nhận sản phẩm trồng trọt giảm phát thải là bước đi quan trọng giúp khẳng định thương hiệu nông sản Việt Nam.
Thị trường quốc tế, đặc biệt là châu Âu đang đưa ra ngày càng nhiều tiêu chuẩn liên quan đến phát thải trong chuỗi sản xuất nông nghiệp. "Nếu không có sự chuẩn bị từ bây giờ, chúng ta sẽ khó cạnh tranh”, Thứ trưởng Hoàng Trung ông nói, đồng thời yêu cầu việc tính toán quy trình giám sát, báo cáo, thẩm định phát thải (MRV) phải rõ ràng, có sự tham vấn quốc tế, phù hợp với thực tế Việt Nam.
Tại phiên họp, các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Môi trường đồng thuận cao với đề xuất đưa nội dung chứng nhận sản phẩm trồng trọt và phân bón giảm phát thải vào mục tiêu cụ thể của Đề án.
Ông Nguyễn Như Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ cho rằng, chứng nhận nông sản giảm phát thải sẽ sớm trở thành điều kiện bắt buộc với hàng hóa nếu muốn gia nhập những thị trường khó tính như EU. Vì vậy, xây dựng hệ thống MRV là nền tảng cần thiết để minh bạch hóa quy trình sản xuất và tạo niềm tin với đối tác.
Để thực hiện hoàn chỉnh khâu này, quy trình sản xuất phải thay đổi theo hướng giảm phát thải thực chất như tiết kiệm phân bón, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, quản lý nước hiệu quả và áp dụng mô hình canh tác bền vững. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để ngành trồng trọt Việt Nam tái cấu trúc theo hướng xanh hơn.
5 nhóm cây trồng cần ưu tiên chuyển đổi
TS Mai Văn Trịnh, Viện trưởng Viện Môi trường Nông nghiệp nhìn nhận, 5 cây trồng trong dự thảo Đề án gồm lúa, cà phê, chuối, sắn và mía là những đối tượng ưu tiên bởi diện tích canh tác lớn và có hệ số phát thải cao. Cụ thể, với cây trồng cạn, trung bình cứ 100 kg phân đạm sử dụng sẽ thải ra khoảng 1 kg khí N2O - một loại khí nhà kính có sức ảnh hưởng lớn hơn khoảng 300 lần so với CO2.
Đối với cây lúa - nguồn phát thải lớn nhất trong trồng trọt, ông Trịnh đề xuất 4 nhóm giải pháp giảm phát thải gồm chuyển đổi sang cây trồng cạn ở vùng kém hiệu quả, áp dụng mô hình lúa - tôm, sử dụng kỹ thuật tưới ngập - khô xen kẽ, đặc biệt là tận dụng phụ phẩm rơm rạ sau thu hoạch.
“Thay vì đốt bỏ, rơm rạ có thể luân canh trồng nấm, sản xuất phân compost hoặc than sinh học biochar bằng công nghệ nhiệt phân yếm khí. Đây là những mô hình không chỉ giảm phát thải mà còn tăng thu nhập cho nông dân”, TS Trịnh nhấn mạnh.
Theo TS Trịnh, Viện Môi trường Nông nghiệp đang triển khai hệ thống đo đếm khí nhà kính thực tế tại đồng ruộng để phục vụ kiểm kê quốc gia và chuẩn bị cho các hình thức ghi nhận, chứng nhận trong tương lai. Qua đó xác định một cách chính xác MRV cơ sở cho cây lúa.

Các ý kiến tại phiên họp thống nhất cao với định hướng dán nhãn giảm phát thải cho nông sản. Ảnh: Bảo Thắng.
Ghi nhận các ý kiến đóng góp, Thứ trưởng Hoàng Trung chỉ đạo phải làm rõ hiệu quả kinh tế của từng mô hình giảm phát thải. “Người dân chỉ thay đổi khi thấy lợi ích rõ ràng. Mỗi mô hình cần chứng minh rằng với cùng một diện tích đất, thu nhập sẽ tăng lên nhờ giảm chi phí đầu vào hoặc nhờ giá bán tốt hơn khi có chứng nhận”, ông nói.
Ngoài ra, Đề án cần được mở rộng tầm nhìn đến năm 2035, không giới hạn vùng địa lý hay loại cây trồng nhưng phải xác định rõ nhóm cây và khu vực ưu tiên. Thứ trưởng Hoàng Trung cũng yêu cầu Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật chỉnh sửa mục tiêu tổng quát cho gọn, rõ và bổ sung nội dung truyền thông để nâng cao nhận thức cộng đồng.
Tới đây, hội nghị vào ngày 30/7 sẽ dành thêm nhiều thời gian cho phần thảo luận, lấy ý kiến rộng rãi từ các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, nông dân, chuyên gia về nội dung này. Đồng thời, Bộ cũng yêu cầu Cục Biến đổi khí hậu phối hợp để cập nhật các chủ trương lớn về giảm phát thải và thị trường carbon giúp các bên liên quan chủ động hơn trong việc chuyển đổi, tái cơ cấu cây trồng.
“Chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang sản xuất có chứng nhận giảm phát thải là xu thế không thể đảo ngược. Vấn đề là chúng ta phải xây dựng được thương hiệu và làm một cách hiệu quả, thực chất để lan tỏa đến người dân”, Thứ trưởng Hoàng Trung kết luận.
Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thông tin, dự kiến 200 đại biểu sẽ dự trực tiếp Hội nghị tham vấn Đề án sản xuất trồng trọt giảm phát thải tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và Môi trường vào sáng 30/7. Trong khuôn khổ hội nghị, Ban tổ chức sẽ giới thiệu một số mô hình, kết quả giảm phát thải của các tổ chức quốc tế và các viện, trường, cơ sở nghiên cứu thuộc lĩnh vực trồng trọt.