| Hotline: 0983.970.780

Hà Nội hợp tác phát triển tín chỉ carbon từ canh tác lúa

Thứ Hai 21/07/2025 , 20:23 (GMT+7)

Hà Nội triển khai dự án ‘tưới khô ướt xen kẽ’ (AWD) nhằm giảm phát thải khí nhà kính, tạo tín chỉ carbon trong sản xuất lúa.

Chiều 21/7, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội và Công ty TNHH Faeger Việt Nam đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác thực hiện dự án “Khử carbon trong canh tác lúa bằng phương pháp tưới khô ướt xen kẽ (AWD)”.

Mục tiêu của dự án là thúc đẩy sản xuất lúa giảm phát thải khí nhà kính nhưng vẫn đảm bảo năng suất, chất lượng, đồng thời tạo ra tín chỉ carbon - một hướng đi mới nhằm tăng thu nhập cho nông dân và phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo ông Nguyễn Mạnh Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, cây lúa không chỉ giữ vai trò then chốt trong an ninh lương thực Thủ đô mà còn đảm bảo sinh kế cho hàng trăm nghìn nông dân. Tuy nhiên, canh tác lúa truyền thống là một trong những nguyên nhân phát thải khí nhà kính lớn, đặc biệt là khí mêtan (CH4), vốn sinh ra trong điều kiện ruộng ngập nước liên tục.

Ông Nguyễn Mạnh Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, nhấn mạnh, tầm quan trọng của việc giảm phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa, hướng tới nền nông nghiệp xanh và bền vững. Ảnh: Hoài Thơ.

Ông Nguyễn Mạnh Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, nhấn mạnh, tầm quan trọng của việc giảm phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa, hướng tới nền nông nghiệp xanh và bền vững. Ảnh: Hoài Thơ.

“Việc đưa phương pháp tưới khô ướt xen kẽ vào sản xuất là bước đi chiến lược nhằm cắt giảm khí mêtan, đồng thời giúp Hà Nội đạt được mục tiêu giảm phát thải quốc gia theo đúng cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26”, ông Phương chia sẻ.

Trong nhiều năm qua, Hà Nội đã đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến (SRI), kết hợp cơ giới hóa, giảm sử dụng phân bón hóa học và tăng cường kỹ thuật tiết kiệm nước.

Dự án hợp tác với Công ty TNHH Faeger Việt Nam sẽ bổ sung thêm một giải pháp công nghệ mới - kỹ thuật AWD nhằm tối ưu hiệu quả giảm phát thải mà không ảnh hưởng đến năng suất. Đặc biệt, dự án sẽ tạo ra tín chỉ carbon thông qua các hoạt động đo đạc, giám sát và đánh giá phát thải, mở ra cơ hội thương mại hóa tín chỉ và tạo nguồn thu nhập mới cho người nông dân.

Công ty Faeger Việt Nam là đơn vị có kinh nghiệm triển khai dự án AWD với diện tích lớn tại Nhật Bản. Tại Việt Nam, công ty đã tiến hành thử nghiệm xác minh kỹ thuật tại huyện Quốc Oai (tháng 3–6/2025) và hiện đang triển khai tiếp tại Ứng Hòa.

Ông Seiya Yoshida, Tổng Giám đốc Công ty cho biết, phương pháp AWD là quá trình tưới khô – ngập luân phiên, giúp cải thiện điều kiện đất, giảm phân huỷ yếm khí và từ đó giảm lượng khí mêtan phát thải. Phương pháp này mang lại hiệu quả cao, đã được quốc tế công nhận và có thể dễ dàng nhân rộng trong điều kiện sản xuất ở Việt Nam.

Ông Seiya Yoshida, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Faeger Việt Nam, cho biết, kỹ thuật tưới khô ướt xen kẽ (AWD) giúp giảm phát thải khí mêtan, tạo tín chỉ carbon trong canh tác lúa. Ảnh: Hoài Thơ.

Ông Seiya Yoshida, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Faeger Việt Nam, cho biết, kỹ thuật tưới khô ướt xen kẽ (AWD) giúp giảm phát thải khí mêtan, tạo tín chỉ carbon trong canh tác lúa. Ảnh: Hoài Thơ.

Dự kiến trong giai đoạn 2025 - 2030, dự án sẽ triển khai trên quy mô lớn tại Hà Nội. Cụ thể, năm 2025 sẽ hoàn thiện khung dữ liệu và đánh giá tại huyện Ứng Hòa, làm cơ sở xây dựng quy hoạch triển khai trên diện tích 200 ha vào năm 2026. Từ năm 2027 - 2030, chương trình sẽ mở rộng toàn diện, hướng tới mục tiêu 50.000 ha canh tác lúa áp dụng AWD, đăng ký cấp tín chỉ carbon và kết nối với các nguồn tài chính trong nước và quốc tế.

“Chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2030 có thể chuyển đổi toàn bộ chuỗi sản xuất lúa tại Hà Nội sang hướng phát thải thấp, tạo ra lợi ích kép cả về môi trường và kinh tế cho người dân”, ông Yoshida nhấn mạnh.

Theo nội dung hợp tác, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội đóng vai trò điều phối, hỗ trợ kỹ thuật và giám sát triển khai. Cụ thể, Sở sẽ xây dựng kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính, lựa chọn vùng triển khai thí điểm, hỗ trợ thủ tục pháp lý, tuyên truyền đến người dân, đồng thời giám sát và đánh giá hiệu quả của dự án.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội là đơn vị được giao trực tiếp phối hợp thực hiện với các địa phương. Về phía doanh nghiệp, Công ty Faeger chịu trách nhiệm đầu tư tài chính, chuyển giao công nghệ, thu thập dữ liệu đo đạc và thực hiện chi trả lợi ích tín chỉ carbon cho nông dân khi dự án đi vào vận hành chính thức.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội và Công ty TNHH Faeger Việt Nam ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai dự án giảm phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa. Ảnh: Hoài Thơ.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội và Công ty TNHH Faeger Việt Nam ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai dự án giảm phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa. Ảnh: Hoài Thơ.

Ngoài ra, hai bên cũng sẽ phối hợp tổ chức các hoạt động đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật, truyền thông cộng đồng và báo cáo định kỳ cho các cơ quan quản lý nhà nước. Dự án được kỳ vọng sẽ là mô hình điểm về chuyển đổi nông nghiệp xanh, thích ứng khí hậu và kết nối thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam trong giai đoạn tới.

Xem thêm
Vinachem hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 8%, đóng góp lớn từ ngành phân bón

KHÁNH HOÀ Ngày 18/7, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025.

VPS phát triển các giải pháp phòng trừ dịch bệnh tiên tiến cho cây trồng

Sáng ngày 18/7, Hội Nghiên cứu bệnh hại thực vật Việt Nam tổ chức hội thảo quốc gia bệnh hại thực vật Việt Nam tại Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam.

Mavin được vinh danh Top 10 Doanh nghiệp ESG Việt Nam Xanh 2025

Tập đoàn Mavin vào Top 10 ESG Việt Nam Xanh 2025 nhờ loạt sáng kiến xanh, chuyển đổi số và mô hình nông nghiệp tuần hoàn, bền vững.

Giải pháp ổn định môi trường nước và kiểm soát EHP trong nuôi tôm

ĐBSCL EHP (Enterocytozoon hepatopenaei) là bệnh nguy hiểm cho nghề nuôi tôm hiện nay, làm cho nhiều vụ nuôi phải thu hoạch sớm, hoặc mất trắng. 

Bình luận mới nhất