18 tỷ đồng sửa chữa 32 công trình thủy lợi
Đập Đầm Hà Động là công trình thủy lợi lớn nhất huyện Đầm Hà (tỉnh Quảng Ninh), có nhiệm vụ cung cấp nước sinh hoạt cho gần 30.000 người, nước tưới cho gần 3.500 ha đất canh tác trên địa bàn huyện; đồng thời ngăn lũ, góp phần cải tạo khí hậu vùng.
10 năm sau sự cố vỡ đập, đập Đầm Hà Động đã được kiên cố hơn; cùng với đó việc kiểm soát đảm bảo an toàn hồ đập luôn được địa phương, các ngành chức năng, đơn vị quản lý quan tâm. Lượng nước lòng hồ, lượng nước thấm qua thân đập, sự dịch chuyển của thân đập đều được đơn vị quản lý đo đạc, kiểm tra, giám sát 24/24h, nhất là thời điểm sắp vào mùa mưa lũ năm nay.

Đập Đầm Hà Động cung cấp nước sinh hoạt cho gần 30.000 người, cấp nước tưới cho gần 3.500 ha đất canh tác trên địa bàn huyện Đầm Hà. Ảnh: Vũ Cường.
Năm 2024, để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, UBND huyện Đầm Hà đã chỉ đạo Trung tâm Thủy lợi giao thông và Môi trường huyện phối hợp với Công ty TNHH MTV Thủy lợi miền Đông xây dựng lịch cấp nước theo mùa vụ. Nhờ đó, việc điều tiết nước được thực hiện kịp thời, phục vụ ổn định cho nhân dân trên địa bàn sản xuất vụ đông xuân năm 2024.
Bước vào vụ chiêm xuân năm 2025, thời điểm tháng 3 và tháng 4, cây lúa bước vào giai đoạn sinh trưởng và đẻ nhánh. Đây là thời điểm mực nước trong ruộng cần duy trì ổn định để tạo môi trường tốt nhất cho cây lúa phát triển. Tuy nhiên, tình trạng thiếu nước đã bắt đầu xuất hiện trên các cánh đồng. Nguy cơ làm ảnh hưởng đến trên 287 ha diện tích gieo trồng vụ chiêm xuân của xã nếu không được cung cấp nước tưới kịp thời.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng xuất hiện, mưa ít; tập tục, truyền thống sản xuất của nhân dân, việc xuống giống tại nhiều khu vực chưa đồng loạt...
Tiếp nhận kiến nghị cử tri về vấn đề này, UBND huyện Đầm Hà đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp tiến hành kiểm tra, rà soát các tuyến kênh mương để đảm bảo nước tưới nội đồng. Hiện tại, 2 đơn vị là Trung tâm Thủy lợi giao thông và Môi trường huyện, Công ty TNHH MTV Thủy lợi miền Đông đã có kế hoạch, phương án điều tiết nguồn nước cụ thể của đập Đầm Hà Động và hồ chứa nước Tân Bình, đảm bảo các khu vực tưới tiêu nội đồng được cấp nước kịp thời.
Đề nghị nhân dân đồng loạt ra quân để làm thủy lợi nội đồng
Bà Hoàng Thị Phương Thảo, Trưởng Phòng NN-MT huyện Đầm Hà, cho biết: Phòng đã tham mưu UBND huyện có văn bản chỉ đạo UBND các xã, thị trấn cần sớm có phương án bố trí, huy động hệ thống máy bơm để kịp thời cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất. Đề nghị nhân dân đồng loạt ra quân để làm thủy lợi nội đồng, tập trung phát dọn, gia cố các công trình thủy lợi...

Phần lớn kênh mương trên địa bàn huyện Đầm Hà đã được kiên cố hoá. Ảnh: Vũ Cường.
Cũng theo bà Thảo, thời gian qua, huyện Đầm Hà ưu tiên nguồn lực đầu tư, nâng cấp cải tạo các công trình thủy lợi, công trình dân sinh, đảm bảo an toàn cho người dân trong mưa bão. Năm 2023, từ Quỹ Phòng chống thiên tai của tỉnh, huyện đã sửa chữa, nâng cấp 32 công trình thủy lợi, tổng mức đầu tư gần 18 tỷ đồng.
Đặc biệt, để đảm bảo an toàn tuyến đê cấp V phục vụ phát triển kinh tế các xã vùng ven biển, huyện đang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án công trình đường giao thông phát triển sản xuất các thôn Bình Hải, Cái Giá, Tân Thành, Bình Nguyên (xã Tân Bình), có chiều dài 7,236km, tổng mức đầu tư 72 tỷ đồng từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia và ngân sách huyện, dự kiến hoàn thành tháng 9/2025.
Ông Trần Anh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà, cho biết Đầm Hà là huyện miền núi, ven biển, chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai và biến đổi khí hậu. Với mục tiêu cao nhất không để thiệt hại về người, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản của người dân, ngay từ đầu mùa mưa bão, huyện đã chủ động kiện toàn Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp; phân công chức năng, nhiệm vụ, địa bàn phụ trách cụ thể cho từng thành viên ban chỉ huy; tổ chức trực ban, trực bão theo quy định.