| Hotline: 0983.970.780

'Cuộc chiến' giữ rừng phòng hộ: [Bài 4] Nhân rộng diện tích rừng FSC

Thứ Bảy 03/05/2025 , 07:52 (GMT+7)

Đồng Nai Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc là đơn vị lâm nghiệp đầu tiên trong tỉnh Đồng Nai được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế FSC.  

Người dân hào hứng với chứng chỉ rừng FSC

Theo Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ Xuân Lộc, trong lâm phận thuộc BQL hiện có 3.600 ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế FSC (Forest Stewardship Council - Hội đồng Quản lý rừng quốc tế); trong đó rừng sản xuất là 3.227 ha và rừng phòng hộ 373 ha. Hàng năm, bình quân trên lâm phận đơn vị đã cung ứng ra thị trường trên 40 ngàn m3 gỗ nguyên liệu từ khai thác rừng trồng.

Hằng ngày, lực lượng tuần tra, bảo vệ rừng vẫn tổ chức giám sát tình trạng rừng nhằm duy trì tốt các tiêu chí, nguyên tắc của rừng chứng chỉ FSC. Ảnh: Minh Sáng.

Hằng ngày, lực lượng tuần tra, bảo vệ rừng vẫn tổ chức giám sát tình trạng rừng nhằm duy trì tốt các tiêu chí, nguyên tắc của rừng chứng chỉ FSC. Ảnh: Minh Sáng.

Dẫn chúng tôi đến khu rừng được cấp chứng chỉ FSC, anh Trần Đăng Quý, Trưởng phân trường Gia Huynh tâm sự: “Rừng được cấp chứng chỉ đã giúp nâng cao giá trị gỗ và phát triển rừng bền vững tại địa phương. Do đó, việc quản lý sử dụng hóa chất, đặc biệt là các sản phẩm không thân thiện với môi trường như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, đều phải tuân thủ nghiêm ngặt theo yêu cầu của FSC. Ngoài ra, công tác chăm sóc rừng sau khai thác cũng được Ban quản lý chỉ đạo cho các phân trường thực hiện thường xuyên để giúp bảo vệ sự phát triển rừng bền vững”.

Theo anh Quý, những hộ trồng rừng đạt chứng chỉ FSC ở đây luôn được hỗ trợ bảo vệ cây rừng, hướng dẫn áp dụng các phương pháp trồng và chăm sóc khoa học, như kiểm soát chất lượng đất, nước…nên luôn đảm bảo sự sinh trưởng ổn định, giúp duy trì tốt các tiêu chí của cây rừng đạt chứng chỉ bền vững.

Hiện, công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) đang được BQL ưu tiên thực hiện sớm trên những diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC. Tại tiểu khu 192, thuộc phân trường Gia Huynh, hộ bà Lê Thị Phi Yến nhận giao khoán 5 ha rừng keo lai đạt chứng chỉ FSC hiện đang phát triển rất tốt và được đánh giá là một mô hình tiêu biểu.

Công tác chăm sóc rừng đạt chứng chỉ FSC sau khai thác được thực hiện thường xuyên để giúp phát triển rừng bền vững. Ảnh: Minh Sáng.

Công tác chăm sóc rừng đạt chứng chỉ FSC sau khai thác được thực hiện thường xuyên để giúp phát triển rừng bền vững. Ảnh: Minh Sáng.

Đến nay cây rừng đạt chứng chỉ của hộ bà Yến đã được khoảng 2 năm tuổi, sinh trưởng đều, mật độ phù hợp, đảm bảo độ che phủ và duy trì đa dạng sinh học. “Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc theo đúng quy trình FSC, gia đình tôi không chỉ giữ được rừng mà còn nâng cao được hiệu quả kinh tế từ việc trồng rừng. Việc không dùng thuốc ngoài danh mục, thường xuyên làm vệ sinh rừng, chăm sóc đúng kỹ thuật giúp cây khỏe, ít sâu bệnh hơn hẳn”, bà Yến tâm sự.

Đang chạy máy cày PCCCR trong diện tích rừng trồng của mình, ông Hoàng Thanh Tú, tổ trưởng tổ lâm nghiệp cộng đồng, thuộc Phân trường Gia Huynh phấn khởi chia sẻ: “Gia đình tôi đã nhận khoán đất rừng để trồng keo lai hơn 10 năm nay. Trước đây, bán gỗ keo lai chủ yếu cho thương lái, giá cả rất bấp bênh, lúc được lúc không, nhưng từ khi có chương trình trồng rừng theo chuẩn FSC chúng tôi rất ủng hộ. Gỗ được chứng nhận nên bán được giá cao hơn, đầu ra cũng ổn định hơn, nhờ vậy mà thu nhập của bà con tăng lên, cuộc sống đỡ vất vả hơn trước rất nhiều”.

Người dân đang tích cực phối hợp với các phân trường ưu tiên xử lý thực bì trong những diện tích rừng đạt chứng chỉ FSC. Ảnh: Minh Sáng.

Người dân đang tích cực phối hợp với các phân trường ưu tiên xử lý thực bì trong những diện tích rừng đạt chứng chỉ FSC. Ảnh: Minh Sáng.

Theo ông Tú, gia đình ông đã tham gia nhận khoán bảo vệ và trồng rừng được 4 ha may mắn nằm trong diện tích rừng đạt chứng chỉ FSC. Từ khi rừng được cấp chứng chỉ khiến bà con rất vui và luôn chấp hành nghiêm các quy định về chăm sóc và bảo vệ rừng theo quy trình kỹ thuật FSC để duy trì được chứng chỉ rừng bền vững.

Hơn nữa, khi tham gia các lớp tập huấn và sinh hoạt cộng đồng trong tổ lâm nghiệp, ông Tú và bà con càng hiểu rõ hơn về quyền lợi của người dân trong mô hình rừng FSC, từ đó yên tâm gắn bó với rừng, vừa bảo vệ môi trường, vừa phát triển kinh tế gia đình một cách bền vững. 

Tăng cường bảo vệ, chăm sóc rừng FSC

Theo BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc, diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC hiện chủ yếu phân bố tại các khu vực rừng sản xuất trong lâm phận do đơn vị quản lý. Đây là những khu vực có điều kiện tự nhiên thuận lợi, địa hình bằng phẳng, đất đai màu mỡ, thuận tiện cho việc trồng và chăm sóc cây keo theo chuẩn FSC tại địa phương.

Ông Nguyễn Sỹ Lệnh, Phó trưởng Phòng Lâm nghiệp hào hứng nói: “Chúng tôi vẫn nỗ lực duy trì tất cả diện tích rừng đã được cấp chứng chỉ FSC và tiếp tục phấn đấu tăng thêm diện tích rừng theo tiêu chuẩn quốc tế trong thời gian tới. Vì chứng nhận này mang lại giá trị cho rừng rất cao, không chỉ về kinh tế mà còn có ý nghĩa bảo vệ môi trường, xã hội...”.

Người dân nhận khoán phối hợp với lực lượng bảo vệ rừng thường xuyên vệ sinh môi trường rừng FSC sạch sẽ thông thoáng. Ảnh: Minh Sáng.

Người dân nhận khoán phối hợp với lực lượng bảo vệ rừng thường xuyên vệ sinh môi trường rừng FSC sạch sẽ thông thoáng. Ảnh: Minh Sáng.

Đối với diện tích rừng đạt chứng chỉ FSC, luôn được BQL đặc biệt chú trọng triển khai các biện pháp tăng cường bảo vệ, chăm sóc và quản lý lâm sinh. Hơn nữa, hàng năm đơn vị FSC vẫn tiến hành kiểm tra, giám sát tình trạng rừng để đảm bảo các tiêu chí, nguyên tắc của chứng chỉ được duy trì tốt. Do đó, BQL đã luôn xác định cần phải đảm bảo tốt các nguyên tắc, tiêu chí của FSC đặt ra và giám sát mới duy trì việc cấp chứng chỉ.

Hiện người dân nhận khoán đất rừng trong các tổ lâm nghiệp cộng đồng cũng tích cực phối hợp với BQL trong việc áp dụng quy trình sản xuất lâm nghiệp bền vững, góp phần duy trì chất lượng rừng được cấp chứng chỉ. BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng hộ dân nhận khoán về tầm quan trọng của chứng chỉ FSC để họ hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình khi tham gia trồng rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC. Đồng thời, giúp người dân nắm vững quy trình trồng, chăm sóc và quản lý rừng đúng kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng.

Những khu vực rừng được cấp chứng chỉ FSC trong lâm phận của BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc. Ảnh: Minh Sáng.

Những khu vực rừng được cấp chứng chỉ FSC trong lâm phận của BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc. Ảnh: Minh Sáng.

Chia sẻ về công tác bảo vệ và quản lý rừng đạt chứng chỉ FSC, ông Nguyễn Duy Công, Phó Giám đốc BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc khẳng định: “Những khu vực rừng đã được cấp chứng chỉ FSC không chỉ là điểm nhấn về hiệu quả quản lý rừng bền vững, mà còn là cam kết quốc tế mà chúng tôi phải tuân thủ nghiêm ngặt. Chính vì vậy, công tác bảo vệ và chăm sóc tại các khu vực này luôn được thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật chuẩn mực của FSC”.

Với mục tiêu nâng tầm cho gỗ rừng trồng, chứng chỉ FSC sẽ giúp cho gỗ rừng trồng của người dân được ký kết bao tiêu cao hơn giá thị trường, các sản phẩm từ gỗ sau khi chế biến sẽ được xuất khẩu sang nước ngoài. Mô hình trồng rừng FSC không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm gỗ mà còn góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường, duy trì đa dạng sinh học và giúp người dân ổn định cuộc sống, gắn bó bền vững với rừng.

"Năm 2023, Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc là đơn vị lâm nghiệp đầu tiên trong tỉnh Đồng Nai hoàn thành hồ sơ chứng chỉ rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC. Đây là thành công lớn nhằm góp phần vào công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững của địa phương. Hiên, Ban quản lý vẫn tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí FSC, không chỉ giúp duy trì được chứng chỉ, nâng cao giá trị kinh tế từ rừng trồng mà còn góp phần tích cực vào công tác bảo vệ môi trường, chống xói mòn đất, cải thiện khí hậu và đảm bảo sinh kế lâu dài cho người dân nhận khoán", ông Nguyễn Duy Công chia sẻ.

Xem thêm
Nuôi 7.000 gà lấy trứng, nông dân lỗ gần 2 triệu đồng mỗi ngày

Giá trứng hiện quanh mốc 1.300 - 1.400 đồng/quả và theo dự đoán, sau dịp lễ 30/4 và 1/5, có thể tụt xuống 1.000 - 1.100 đồng/quả.

Nắng nóng gay gắt khiến cua nuôi chết rải rác

CÀ MAU Điều kiện khí hậu nắng nóng khắc nghiệt khiến tôm nuôi, cua nuôi bị chết rải rác, người nuôi lo lắng.

Bình Liêu 'khát nước' giữa mùa gieo cấy

Huyện Bình Liêu (tỉnh Quảng Ninh) đang trải qua đợt khô hạn nghiêm trọng. Những mảnh ruộng khô nứt, những dòng suối cạn trơ đáy khiến người dân lo lắng.

Đi giữa ngàn xanh

GIA LAI Khoát hơn nửa vòng tay, Rô Krik nói: ‘Giờ đây, xã Đất Bằng đã khoác lên mình một màu xanh bất tận, màu xanh của ấm no, đủ đầy và ngập tràn hạnh phúc".

Sống chung với khô hạn: [Bài 2] Tưới tiên tiến giảm áp lực nguồn nước

Những năm qua, người dân Ninh Thuận đua nhau lắp đặt các thiết bị tưới tiên tiến nhằm tiết kiệm nước, thích ứng với nắng nóng, khô hạn kéo dài.

Biến lá khóm thành tơ sợi

TIỀN GIANG Mỗi ngày, anh Nguyễn Ngọc Quyền ở Tiền Giang thu gom 2 tấn lá khóm để sản xuất 15kg tơ sợi cung ứng cho các nhà máy đánh bông, dệt vải.

Tôm giống tốt 'mở đường' thắng lợi cho vụ xuân hè

Hà Tĩnh Ngoài yếu tố vệ sinh ao hồ, chất lượng con giống là yêu cầu hàng đầu để quyết định thắng lợi hay thất bại vụ nuôi tôm xuân hè năm 2025.