Thứ Hai, 26/5/2025 2:44 (GMT +7)

| Hotline: 0983.970.780

Công viên miễn phí của anh thương nhân buôn lợn

Thứ Ba 22/03/2022 , 06:34 (GMT+7)

Trong cái công viên làng Ô Mễ rộng thênh thang với những tàng cây lớn, hết tốp học sinh này lại đến tốp học sinh khác vào mải mê ngắm các cảnh sắc lạ thường.

Học hết lớp 6 là đi buôn

Nào là bể cá koi hàng trăm con, bể cá hải tượng mỗi con nặng tới cả tạ, rồi bể bơi, tượng Thánh Gióng, tượng Nữ thần tự do, du thuyền khổng lồ… Trên hồ một đôi thiên nga trắng nhởn nhơ bơi, cách đó không xa là chuồng chim với mấy con công đang mải mê múa. Tôi để ý ở trung tâm công viên có đắp tượng một đàn lợn mạ vàng. Hỏi ra mới biết đó là góc tôn vinh nghề nghiệp, là lời cảm tạ của chủ nhân với con vật đã giúp mình làm giàu.

Tượng đàn lợn vàng trong công viên Ô Mễ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tượng đàn lợn vàng trong công viên Ô Mễ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nhờ chỗ thân tình giới thiệu, tôi mới gặp được anh Nguyễn Văn Chiến - chủ nhân của khu công viên thôn Ô Mễ (làng Mũ) ở xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương ấy. Anh sinh năm 1977, là con đầu trong một gia đình có mẹ làm nghề mổ lợn, bố làm nghề buôn lợn đường dài: “Trước đây tôi học cũng được nhưng chỉ thích nghỉ để đi chợ cùng mẹ. Bố đánh tôi lên bờ xuống ruộng nhiều lần rồi bảo: “Con phải học chứ họ hàng nhà mình không có ai học cao, hiểu rộng gì cả”. Tôi trả lời: “Con chỉ thích đi làm kinh tế thôi”. Còn mẹ khóc suốt ngày nhưng vẫn không thay đổi được quyết định của tôi.

Một năm tôi nghỉ học cả trăm ngày, cứ đi chơi suốt nên bố mẹ phải chấp nhận cho nghỉ. Học hết lớp 6 tôi đã đi chợ theo mẹ. Mỗi ngày mẹ mổ 1 con lợn chung với người chú rồi chia làm 2 phản thịt, bán ở ngay chợ làng. Lúc đầu tôi chỉ thu tiền hộ, rồi tiến tới nấu nước, cạo lông rồi sau 2 năm thì có thể trực tiếp mổ.

Anh Nguyễn Văn Chiến trong công viên miễn phí của mình. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Nguyễn Văn Chiến trong công viên miễn phí của mình. Ảnh: Dương Đình Tường.

14 tuổi tôi đã tự đi bắt lợn nhưng người nhỏ quá không ngồi lên được cái yên xe thồ mà phải “luồn chân chó” qua khung, nghiêng người mà đạp, chở con lợn nặng 60 - 70kg. Lớn hơn nữa thì tôi đi chiếc xe máy Min Khơ cũ để bắt lợn. Về sau thấy trực tiếp mổ lợn vất vả mà lời lãi chẳng được bao nhiêu, tôi mới chuyển sang buôn lợn.

Ban đầu tôi mua ở các làng, xã 5 - 7 con một lần rồi thuê xe bò chở về, gọi người khác đến bán lại. Xã hội tiến lên, các trại lớn mở ra mỗi lúc một nhiều, tôi lại mua lợn của các trại, công ty, tập đoàn chuyển đi lò mổ, các vùng miền rồi xuất cả sang Trung Quốc. Khi miền Nam thiếu thì tôi mua ở miền Bắc đẩy vào, khi miền Bắc thiếu thì tôi mua từ miền Nam đẩy ra. Người ta phải tính toán lãi đủ trên mỗi đầu lợn mới buôn còn tôi thì lấy số lượng làm lãi. Năm 2008, tôi đã buôn 500 con/ngày, giờ tăng lên 3.000 con/ngày...”.

Tuy có tiền, có cả một dàn siêu xe mạ vàng nhưng dân làng vẫn thấy anh Nguyễn Văn Chiến đi trên cái xe đạp điện sáng ra quán ăn bát phở 25.000 đồng, gặp ai cũng niềm nở hỏi, chào.

Một góc của công viên Ô Mễ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một góc của công viên Ô Mễ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Làm việc thiện nhưng không muốn ghi danh

Khi tôi hỏi về những việc đã làm cho làng, cho xã, lảng tránh nói về điều này anh Chiến chỉ cười, lấy cớ bận đi ký hợp đồng rồi xin kiếu. Bởi vậy, tôi đành phải hỏi vòng qua người khác. Ông Đặng Văn Suy - giáo viên làng đã nghỉ hưu, tuy không cùng họ hàng nhưng thân tình với anh Chiến như chú cháu. Ông kể: “Gia đình cháu Chiến vốn có truyền thống tham gia bộ đội. Nó vẫn thường bảo với tôi rằng cả một dân tộc phải kinh qua chiến tranh, hi sinh hàng triệu người, trong đó có bác ruột. Trước cháu còn nhỏ không có đóng góp gì, nay đã lớn, kiếm được ít tiền nên muốn làm cái gì đó cho quê hương bởi tiền khi chết cũng không thể đem đi được.

Đầu tiên chỉ là ủng hộ những kêu gọi trong làng, ngoài xã, sau đó thì tu bổ đền, miếu, tham gia các hạng mục thêm cho trạm y tế, trường học, rồi trải nhựa cho con đường của xã nối liền 2 thôn dài cỡ hơn 2km, lắp hệ thống bóng đèn cao áp… Quan điểm của cháu Chiến là làm bất kỳ cái gì đều không muốn nói chi tiết về tiền vì sợ người khác nghĩ sai, hiểu sai đi”...

Tượng Thánh Gióng trong công viên Ô Mễ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tượng Thánh Gióng trong công viên Ô Mễ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Còn về chuyện mở công viên, ông Suy bảo phần là lấy chỗ vui chơi cho dân vì làng cổ có tuổi đời hàng ngàn năm với trên 40 dòng họ, Ô Mễ đất chật, người đông, ao to, ao nhỏ đều phải lấp hết làm nhà; phần là góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. “Tỉnh Hải Dương có 2 xã Phạm Kha của huyện Thanh Miện và Hưng Đạo của huyện Tứ Kỳ dân nổi tiếng chăm chỉ, chuyên nghề trồng màu. Từ những năm 70 của thế kỷ trước nghề đó đã bắt đầu, hồi ấy thuốc sâu còn ít, chỉ sử dụng nhiều từ năm 2.000 trở về đây, khi chuyển hết từ lúa sang rau, dưa.

Bây giờ người đi buôn ai cũng phải thừa nhận dân Ô Mễ trồng su hào kỹ thuật giỏi nhất miền Bắc, thứ nhất là nhiều vụ, thứ hai là mã đẹp 10 củ như 10. Hết mấy vụ su hào là tiếp vụ dưa, cả năm không lúc nào đất làng được nghỉ”…

Ông Đặng Văn Suy bên khu chuồng nuôi chim, công. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Đặng Văn Suy bên khu chuồng nuôi chim, công. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cậu hàng xóm Nguyễn Văn Hoạt tiếp lời: “Từ bé em đã trồng su hào, đã phải vác bình thuốc sâu trên vai rồi. Nhà làm hơn 1 mẫu, ngày nào em cũng phun trung bình 10 bình thuốc sâu vì phải phun xoay vòng. 1 sào 3.000 cây, 3 vụ là 9.000 cây, tương đương khoảng 3 tấn, 1ha là 100 tấn, mà cả thôn có hàng trăm ha như vậy. Phun nhiều thuốc sâu, mấy năm trước em đi khám bác sĩ bảo tại sao thanh niên mà sức khỏe lại yếu thế? Vậy là em sợ quá mà bỏ, đi làm công ty may.

Người trẻ nay không ai muốn làm ruộng mà toàn trung tuổi với già làm bởi không thể đi công ty được. Nhà em với nhà anh Chiến cùng ở rìa làng, giáp cánh đồng, đáng được hưởng không khí trong lành thì toàn là hơi thuốc sâu. Buổi tối gió đông thổi vào còn không muốn ăn cơm nữa, phải đóng kín cửa lại”...

Giờ bà con đã dùng nhiều thuốc sinh học an toàn hơn nhưng hậu quả môi trường tồn tại từ xưa vẫn còn nặng nề. Làng lúc nào cũng có 7 - 10 người ung thư, dải đất nhỏ quanh đây thôi đã 5, 6 người chết. Có người tham gia trồng rau, có người không, nhưng đều hưởng chung một bầu không khí, nguồn nước đã nhiễm độc. Mới một hai tháng trước, một nông dân 52 tuổi đã lại ra đi. Bản thân bố anh Chiến có 5 anh em thì 2 bị dính ung thư.

Một góc của công viên Ô Mễ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một góc của công viên Ô Mễ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Dẫn tôi đi trong công viên vốn hình thành từ những mảnh ruộng cuối xóm, giáp với khu vực tha ma Tó của làng bên, ông Suy kể tiếp: “Trước đây chính quyền có ý muốn biến nơi đây thành khu dân cư nhưng bà con không đồng ý, tuy nhiên khi cháu Chiến đặt vấn đề làm công viên ai cũng đồng lòng. Khu chuyển đổi trồng cây lâu năm này đã được huyện phê duyệt, bắt đầu cải tạo cách đây 7 năm trên chính nền là những thửa ruộng trồng màu xưa phun toàn thuốc sâu, tổng diện tích 10.000m2.

Bên ngoài tuy không làm công viên nhưng cháu Chiến dành một diện tích trồng cây ăn quả để tạo hàng rào xanh, ngăn cách được một phần hơi thuốc sâu bay vào làng. Bản thân tôi đặt stent tim 5 năm nay, trước hay ốm vặt mà giờ khỏe mạnh nhờ môi trường sống trong lành hơn.  

Do dịch Covid-19 không hội họp được nên Tết vừa rồi anh đã cho mỗi xóm 1 - 2 con lợn để tự thịt, chia cho tất cả mọi người dân trong xã. Là người có nhiều việc thiện nguyện như thế, nhưng mỗi khi chúng tôi muốn thông báo lên loa hay cấp giấy khen, anh đều từ chối vì không muốn ghi danh gì cả”...

Một góc của công viên Ô Mễ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một góc của công viên Ô Mễ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Dân làng gọi đây là công viên Ô Mễ chứ cháu Chiến không có đặt tên. Từ khi có đường, có bóng điện cao áp chạy suốt 2 làng nơi đây trở thành chỗ vui chơi của nhiều người. Các cháu nhỏ đến tập hát, tập múa, các cụ già đến tập thể dục, các đôi đến chụp ảnh đám cưới thay cho phim trường. Người ta đồn nhau, ở xa cũng đến. Công viên hoàn toàn miễn phí, không có quản lý, bảo vệ mà chỉ có 4 công nhân dọn dẹp, chăm sóc cây, chim thú. Tất cả đều trông vào sự tự giác của khách, họ cứ việc mang đồ ăn, đồ uống đến nhưng miễn là để rác vào đúng chỗ.

Tứ Kỳ trước đây không có gì cả ngoài một tí đặc sản là rươi mà giờ công viên Ô Mễ đã trở thành niềm tự hào của người dân, những học sinh học ở xa cũng thường dẫn bạn về để khoe quê. Chúng tôi cũng cảm thấy vui lây”…

Anh Nguyễn Văn Chiến bên chiếc du thuyền đắp nổi giữa hồ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Nguyễn Văn Chiến bên chiếc du thuyền đắp nổi giữa hồ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Nguyễn Ngọc Khắc - Trưởng thôn Ô Mễ nhận xét: “Anh Chiến đi lên từ hai bàn tay trắng chứ bố mẹ khi xưa kinh tế cũng chỉ ở mức trung bình. Do cách làm khác biệt trong buôn bán mà anh dần phát triển. Sống ở làng nhưng anh rất hòa đồng, chân tình, không phân biệt giữa người có tiền với không có tiền”…

Còn ông Nguyễn Xuân Liễu - Phó Chủ tịch UBND xã thì không giấu nổi niềm tự hào: “Không phải nói khoe đường ở Hưng Đạo chúng tôi là nhất huyện Tứ Kỳ, trong làng, ngoài đồng đều được đổ bê tông, ô tô đi không phải quay đầu, do bà con hiến đất, đóng góp, trong đó có một phần công sức của anh Chiến. Anh là người có tâm, đóng góp cho địa phương rất nhiều, mới đây còn cho xây cổng làng, trên đó có khắc mấy chữ mạ vàng: “Làng Mũ” (thôn Ô Mễ) và đằng sau là “Nhớ về cội nguồn”.

Đề tài “Nghiên cứu ảnh hưởng của thuốc BVTV đến sức khỏe nông dân tại xã Hưng Đạo” do GS.TS Nguyễn Văn Song và cử nhân Vũ Thị Thanh Thủy của Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện giữa năm 2017 đã chỉ rõ: “Trong vòng ba năm 2014 - 2016, số người tử vong và nguyên nhân tử vong do mắc ung thư của xã Hưng Đạo tập trung lớn vào thôn Ô Mễ với 80 người chết (chiếm 41, 7%), 40,32% trong số đó là do mắc ung thư. Thôn Xuân Nẻo nơi cũng trồng nhiều rau có 62 người chết (chiếm 32,3%), 26 trường hợp trong đó là do ung thư. Nam mắc ung thư nhiều hơn nữ giới do thường tham gia sản xuất nông nghiệp là chính… Thôn Lạc Dục chủ lực là cấy lúa lại có tỷ lệ người chết và tử vong do ung thư thấp nhất.”. Giờ đây môi trường của xã đã có chuyển biến nhờ người dân có ý thức hơn.

Xem thêm
Nước sạch đổi màu, dân nghi ngờ chất lượng, công ty nói xả cặn

Trà Vinh Nhiều hộ dân cho biết nước sinh hoạt thường xuyên đổi màu, trong khi đại diện công ty cấp nước khẳng định nguyên nhân là do quá trình xả cặn định kỳ đường ống.