| Hotline: 0983.970.780

Chuyển đổi kinh tế tuần hoàn: Doanh nghiệp tiên phong, báo chí đồng hành

Thứ Ba 22/07/2025 , 16:36 (GMT+7)

Chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu. Doanh nghiệp giữ vai trò tiên phong hành động, báo chí đồng hành lan tỏa nhận thức, thúc đẩy phát triển bền vững.

Ngày 22/7, tại Hà Nội, Tạp chí Nông nghiệp và Môi trường tổ chức hội thảo với chủ đề “Mô hình kinh tế tuần hoàn: Hiệu quả cho doanh nghiệp và môi trường”. Tham dự có đại diện các cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Công Thương, các cơ quan chức năng, các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp.

Hướng đi tất yếu trong kỷ nguyên phát triển bền vững

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí Nông nghiệp và Môi trường, nhấn mạnh: “Kinh tế tuần hoàn không còn là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu tất yếu cho sự phát triển bền vững. Đây là giải pháp tối ưu để sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và thúc đẩy đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp”.

TS Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí Nông nghiệp và Môi trường khẳng định: Kinh tế tuần hoàn là  yêu cầu tất yếu cho sự phát triển bền vững. Ảnh:  Sỹ Tùng.

TS Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí Nông nghiệp và Môi trường khẳng định: Kinh tế tuần hoàn là  yêu cầu tất yếu cho sự phát triển bền vững. Ảnh: Sỹ Tùng.

Hội thảo được tổ chức nhằm tuyên truyền sâu rộng thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị vừa được ban hành về phát triển kinh tế tư nhân, đây là một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế tuần hoàn. Một trong những nội dung then chốt của Nghị quyết là phát triển tín dụng xanh, khuyến khích tổ chức tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào các dự án tuần hoàn và áp dụng bộ tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội, quản trị) – điều này không chỉ giúp doanh nghiệp chuyển đổi mô hình, mà còn nâng cao uy tín, tiếp cận thị trường toàn cầu.

TS. Đào Xuân Hưng khẳng định: “Báo chí đóng vai trò tiên phong trong việc nâng cao nhận thức xã hội, truyền cảm hứng kinh doanh xanh và cổ vũ những mô hình doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, báo chí góp phần lan tỏa tư tưởng, mô hình hay, cách làm mới, tạo nên sự thay đổi về tư duy về phát triển kinh tế tuần hoàn".

Hội thảo thu hút hơn 12 tham luận chuyên sâu, tập trung vào các chủ đề: Xu thế toàn cầu và chính sách hỗ trợ kinh tế tuần hoàn, kinh nghiệm quốc tế, phát triển khu công nghiệp sinh thái, ứng dụng công nghệ tái chế, tín dụng xanh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Kinh tế tuần hoàn: Cơ hội nâng tầm thủy sản Việt Nam trên thị trường toàn cầu

Ngành thủy sản Việt Nam, một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, cũng đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, từ cạn kiệt nguồn lợi tự nhiên, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, chất lượng con giống chưa ổn định, chi phí đầu vào cao, đến áp lực "thẻ vàng IUU" của EU và những yêu cầu khắt khe về môi trường, lao động từ các thị trường nhập khẩu.

Tại Hội thảo, đã có nhiều tham luận, ý kiến chia sẻ thông tin cập nhật cùng nhiều đề xuất thiết thực về kinh tế tuần hoàn. Ảnh:  Sỹ Tùng.

Tại Hội thảo, đã có nhiều tham luận, ý kiến chia sẻ thông tin cập nhật cùng nhiều đề xuất thiết thực về kinh tế tuần hoàn. Ảnh: Sỹ Tùng.

Bà Lê Hằng, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) chia sẻ, kinh tế tuần hoàn là giải pháp chiến lược để ngành thủy sản vượt qua những thách thức này, hướng tới phát triển bền vững và hội nhập toàn cầu.

Bà Hằng nhấn mạnh: "Kinh tế tuần hoàn giúp ngành thủy sản Việt Nam giảm phát thải, tiết kiệm tài nguyên, nâng cao giá trị sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng khả năng hội nhập thị trường toàn cầu".

Các mô hình và giải pháp kinh tế tuần hoàn đang được ngành thủy sản Việt Nam áp dụng như hệ thống tuần hoàn nước khép kín (RAS) giúp giảm ô nhiễm, tiết kiệm nước và kiểm soát môi trường nuôi sạch, an toàn, đặc biệt trong nuôi tôm thâm canh. Các mô hình như nuôi tôm - lúa, trong đó rơm rạ được tái chế thành phân bón cho lúa và thức ăn cho tôm, chất thải từ tôm được dùng làm phân bón cho lúa, tạo thành một chu trình khép kín.

Theo bà Lê Hằng, mặc dù tiềm năng lớn, việc phát triển kinh tế tuần hoàn trong ngành thủy sản còn đối mặt với nhiều thách thức. Hầu hết doanh nghiệp thủy sản tiếp cận tín dụng dựa trên uy tín, chứ không phải các chương trình ưu đãi hay tín dụng xanh, thiếu hành lang pháp lý đồng bộ và hiệu quả, cũng như hạ tầng để xử lý chất thải hoặc chuyển giao công nghệ tuần hoàn. Các doanh nghiệp Việt Nam còn nhỏ lẻ, chưa đầu tư mạnh vào công nghệ và kinh tế tuần hoàn như các doanh nghiệp nước ngoài.

"Để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, cần có một chiến lược rõ ràng, cùng với các cơ chế ưu đãi thuế và tín dụng xanh hiệu quả, tạo điều kiện đầu tư hạ tầng để xử lý chất thải và chuyển giao công nghệ tuần hoàn. Cần có sự đồng bộ hóa dữ liệu từ các bộ, ngành, doanh nghiệp và người dân, xây dựng nền tảng quốc gia để xác thực nguồn gốc sản phẩm, áp dụng công nghệ như blockchain để đảm bảo minh bạch và chống gian lận hiệu quả hơn", Bà Lê Hằng đề xuất.

Bài toán rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp

Một trong những thách thức lớn hiện nay là bài toán rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp. Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, mỗi ngày, cả nước phát sinh khoảng 67.000 tấn rác thải sinh hoạt.

Trong đó, phần lớn đang được xử lý theo phương pháp chôn lấp, vừa tốn diện tích, vừa gây ô nhiễm môi trường và hoàn toàn ngược lại với nguyên lý của mô hình kinh tế tuần hoàn. Trong khi đó, doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ xử lý rác gặp không ít rào cản.

TS Nguyễn Đình Trọng (Tập đoàn T-TECH Việt Nam) cho rằng, thực tế triển khai các dự án xử lý rác hiện nay còn nhiều rào cản. Ảnh: Sỹ Tùng.

TS Nguyễn Đình Trọng (Tập đoàn T-TECH Việt Nam) cho rằng, thực tế triển khai các dự án xử lý rác hiện nay còn nhiều rào cản. Ảnh: Sỹ Tùng.

TS Nguyễn Đình Trọng (Tập đoàn T-TECH Việt Nam) cho rằng, thực tế triển khai các dự án xử lý rác hiện nay còn nhiều rào cản, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong đầu tư, ứng dụng công nghệ và nhân rộng mô hình hiệu quả.

Rào cản lớn nhất đến từ thể chế, chính sách còn thiếu linh hoạt: Quy trình đấu thầu, phê duyệt đầu tư còn cứng nhắc, thiếu cơ chế thử nghiệm (pilot) cho công nghệ mới. Doanh nghiệp trong nước dễ bị loại nếu chưa có dự án tương tự quy mô lớn.

Vướng mắc còn nằm ở vòng luẩn quẩn "con gà - quả trứng": Không có mô hình mẫu, không được tham gia đấu thầu, nhưng nếu không được đầu tư thí điểm thì làm sao có mô hình để chứng minh hiệu quả. Trong khi nhiều quốc gia có chính sách "đặt hàng công nghệ", thúc đẩy doanh nghiệp nội, Việt Nam vẫn thiếu cơ chế trao cơ hội phù hợp, dù doanh nghiệp có năng lực tài chính và công nghệ.

Dù vậy, tiềm năng kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam rất lớn khi dân số gần 100 triệu, mục tiêu phát triển bền vững, giảm phát thải được đặt lên hàng đầu. Nhiều địa phương đã sẵn sàng xã hội hóa đầu tư, thúc đẩy hợp tác công - tư trong lĩnh vực môi trường.

Từ thực tiễn đó, TS Nguyễn Đình Trọng kiến nghị, cần sớm áp dụng cơ chế giao nhiệm vụ - đặt hàng doanh nghiệp nội theo đúng tinh thần các nghị quyết của Chính phủ; miễn tiền sử dụng đất, ưu đãi đầu tư theo luật hiện hành để thu hút nguồn lực vào lĩnh vực then chốt nhưng còn nhiều khó khăn. Đồng thời, hình thành cơ chế thử nghiệm chính sách trong xử lý chất thải và kinh tế tuần hoàn, cho phép mô hình tiên phong được triển khai thực tế, đánh giá hiệu quả trước khi nhân rộng.

Hội thảo cũng ghi nhận nhiều tham luận chuyên sâu về xu thế toàn cầu, chính sách hỗ trợ kinh tế tuần hoàn, tín dụng xanh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển khu công nghiệp sinh thái, kinh nghiệm quốc tế trong tái chế... Qua đó, các chuyên gia đề xuất nhiều khuyến nghị giá trị cho việc thúc đẩy kinh tế tuần hoàn gắn với đổi mới sáng tạo và chuyển đổi xanh ở Việt Nam.

Xem thêm
Khách hàng Thanh Hóa đổ xô 'săn' ưu đãi chưa từng có để lên đời xe điện VinFast

Những ngày cuối tuần 18-20/7, Quảng trường Lam Sơn (Thanh Hóa) sôi động hơn bao giờ hết với hàng nghìn người dân đổ về sự kiện 'Vi vu muôn ngả - Phủ xanh Việt Nam' do VinFast tổ chức.

Hành trình xanh của doanh nghiệp Việt

Nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đã và đang từng bước thể hiện vai trò tiên phong, hành động cụ thể, bền bỉ để lan tỏa hành trình xanh.

TP HCM gỡ vướng quản lý chất thải rắn sau sáp nhập hành chính

TP HCM cần phải thay đổi phương thức điều hành, kiểm tra, giám sát trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Nguyên nhân thời tiết khác biệt trong cùng hoàn lưu bão số 3

Sáng 22/7, dù cùng chịu ảnh hưởng của bão số 3 nhưng thời tiết các khu vực khác nhau lại khác biệt rõ rệt: Có nơi mưa to gió lớn, có nơi lại hửng nắng.

5 Luật mới định hình tương lai khoa học công nghệ Việt Nam

Quốc hội thông qua 5 đạo luật nhằm tháo gỡ điểm nghẽn trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Sơn La ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH

UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành quyết định quy định mức giá cụ thể, tối đa đối với một số công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh.

Bình luận mới nhất