Một báo cáo mới công bố của Viện Tiêu chuẩn Anh (BSI) phối hợp Viện Lãnh đạo Bền vững Cambridge (CISL) cho thấy 86% người tiêu dùng toàn cầu tin rằng kinh tế tuần hoàn nên được ưu tiên trong chính sách của doanh nghiệp và chính phủ. Báo cáo mang tên The Tipping Point: Building Trust in the Circular Economy (tạm dịch: "Điểm then chốt: Xây dựng niềm tin vào kinh tế tuần hoàn") nhấn mạnh vai trò của niềm tin trong thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ mô hình tuyến tính sang tiêu dùng xanh.

Báo cáo chỉ ra rằng mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống, khai thác tài nguyên, sản xuất, sử dụng ngắn hạn và thải bỏ, đang khiến lượng rác thải toàn cầu gia tăng nhanh chóng. Ảnh: Commbank.
Nghiên cứu này kết hợp khảo sát toàn cầu và phỏng vấn các bên liên quan, nhằm hiểu rõ các rào cản đối với việc xây dựng niềm tin, từ đó thúc đẩy thay đổi hành vi và định hướng chiến lược cho doanh nghiệp.
Báo cáo chỉ ra, mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống, khai thác tài nguyên, sản xuất, sử dụng ngắn hạn và thải bỏ, đang khiến lượng rác thải toàn cầu gia tăng nhanh chóng. Trong khi đó, kinh tế tuần hoàn mở ra hướng tiếp cận mang tính tái tạo và bền vững hơn.
Tuy nhiên, sự chuyển đổi này không dễ dàng, vì đòi hỏi thay đổi đáng kể từ cả phía doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng. Theo nhóm nghiên cứu, chỉ khi nào phát triển bền vững trở thành tiêu chuẩn phổ biến và hấp dẫn về mặt mô hình kinh doanh, xã hội mới đạt đến “điểm bùng phát” hướng tới tuần hoàn.
Giám đốc điều hành BSI - bà Susan Taylor Martin - thừa nhận, còn nhiều rào cản trong quá trình chuyển đổi. Bà cho biết, các doanh nghiệp gặp khó trong việc kéo dài tuổi thọ sản phẩm trong khi vẫn đảm bảo hiệu quả vận hành, kiểm soát chuỗi cung ứng và cân đối chi phí đầu tư.
Trong khi đó, người tiêu dùng dù có nhận thức cao về lợi ích môi trường nhưng vẫn lo ngại phải đánh đổi chất lượng hoặc độ an toàn. Thống kê cho thấy 56% người tiêu dùng coi lo ngại về chất lượng là một trở ngại chính khiến họ chưa sẵn sàng thay đổi hành vi.
Báo cáo kết luận: để tạo niềm tin, các sản phẩm tuần hoàn không chỉ cần thân thiện môi trường mà còn phải đạt hoặc vượt hiệu suất so với sản phẩm truyền thống. Đây là yếu tố then chốt để thu hẹp khoảng cách giữa kỳ vọng và hành động của người tiêu dùng.