Chiều 16/7, tại Hà Nội, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) tổ chức Diễn đàn nông nghiệp 2025: Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn nông nghiệp 2025, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, nông nghiệp tuần hoàn vừa là yêu cầu bắt buộc, vừa là động lực tiến tới nền nông nghiệp xanh, chi phí thấp, gia tăng chuỗi giá trị, thay đổi thói quen canh tác lạc hậu, hạn chế sử dụng tài nguyên, giảm phát thải nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường.

Diễn đàn Nông nghiệp 2025 với chủ đề "Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp”. Ảnh: Trung Dũng.
Trong đó, ngành nông nghiệp hiện đang áp dụng các giải pháp chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, chuyển từ tư duy kinh tế tuyến tính sang tư duy kinh tế tuần hoàn với mục tiêu nông nghiệp xanh, môi trường xanh trong nền kinh tế xanh…
Theo ông Hoàng Quang Phòng, việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp vẫn gặp những rào cản về đất đai, vốn cần sớm được tháo gỡ. Cụ thể, việc tiếp cận đất đai và quy hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã gặp nhiều hạn chế, yêu cầu tài sản thế chấp và thủ tục tiếp cận tín dụng còn phức tạp; tín dụng theo chuỗi nông nghiệp chưa được áp dụng phổ biến; khả năng xử lý rủi ro tín dụng thấp, chưa gắn với bảo hiểm nông nghiệp.
Bên cạnh đó, quy mô sản xuất nhỏ lẻ đang là “rào cản” cho việc áp dụng hình thức sản xuất khép kín, tập trung với diện tích canh tác lớn; người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng sản phẩm sản xuất hữu cơ; trình độ, năng lực tiếp cận khoa học và công nghệ còn nhiều hạn chế…
Tại Diễn đàn, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, vai trò then chốt của nông nghiệp trong đảm bảo an ninh lương thực và phát triển bền vững khu vực nông thôn Việt Nam.

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Ảnh: Trung Dũng.
Theo ông Thịnh, ngành nông nghiệp Việt Nam không chỉ là trụ đỡ quan trọng bảo đảm an ninh lương thực và thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, mà còn nổi tiếng với các mô hình sản xuất tuần hoàn đặc trưng như vườn - ao - chuồng, vườn - ao - rừng...
Trong đó, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là mô hình tổ chức sản xuất theo hướng khép kín, tái sử dụng tối đa tài nguyên, giảm phát thải và tổn thất, đồng thời gia tăng giá trị từ phụ phẩm, chất thải và năng lượng tái tạo trong toàn bộ chuỗi giá trị nông sản với các đặc trưng.
Ông Thịnh cho biết, mục tiêu chính trong định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, tổng thể đến 2030 – tầm nhìn 2050 phải tối ưu hóa sử dụng tài nguyên đầu vào, tuần hoàn phụ phẩm, chất thải, giảm phát thải khí nhà kín, tăng tỷ lệ tái chế, tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp (lên >70% - gấp đôi) trong các lĩnh vực có thế mạnh sản xuất như lúa gạo, cà phê, chăn nuôi...
Việc phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là cơ hội để Việt Nam từng bước hiện thực hóa chiến lược tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu. Để điều đó trở thành hiện thực, cần có sự vào cuộc đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, từ doanh nghiệp đến người nông dân.