KHUNG BẢN TIN TỐI |
HÌNH HIỆU CHƯƠNG TRÌNH |
#MC: Xin kính chào quý vị và các bạn, mời quý vị và các bạn theo dõi bản tin truyền hình nông nghiệp và môi trường ngày 15/07/2025. |
#MC: Thưa quý vị, Hôm nay (15/7), Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tổ chức Diễn đàn cấp cao liên khu vực về mô hình OCOP. Diễn đàn có sự tham dự của các Bộ trưởng Nông nghiệp và quan chức cấp cao của gần 20 quốc gia. Đây cũng là lần đầu diễn ra sự kiện trao đổi cấp cao giữa châu Phi - Việt Nam, các đối thoại xoay quanh các sản phẩm OCOP đã mở không gian hợp tác mới về nông nghiệp bền vững. DIỄN ĐÀN CẤP CAO LIÊN KHU VỰC VỀ MÔ HÌNH OCOP Thực hiện: QUANG DŨNG Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam nhấn mạnh, diễn đàn là kết quả cụ thể về sáng kiến của Tổng Giám đốc FAO Khuất Đông Ngọc, được khởi xướng trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 2/2025. Sáng kiến này đã kết nối các nỗ lực toàn cầu và khu vực nhằm nâng cao hiệu quả thực thi chương trình OCOP của Việt Nam, cũng như sáng kiến OCOP toàn cầu của FAO, hướng đến mục tiêu "Bốn tốt hơn": sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn và cuộc sống tốt hơn. Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp và môi trường, tầm nhìn của Việt Nam về OCOP là xây dựng chuỗi giá trị bền vững, cạnh tranh và bao trùm, nâng cao thu nhập và chất lượng sống cho người dân. OCOP không chỉ là thương hiệu mà là mô hình tích hợp giữa nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã và cộng đồng trong hệ sinh thái sáng tạo, nâng cao năng lực, kiểm soát chất lượng, xây dựng thương hiệu và kết nối thị trường. Từ thực tiễn triển khai hơn 7 năm triển khai, chương trình OCOP của Việt Nam không chỉ góp phần hiện thực hóa mục tiêu 'Bốn tốt hơn' mà còn xác định và phát huy lợi thế sản phẩm chiến lược của từng địa phương, từng quốc gia, trên cơ sở tôn trọng bản sắc, khai thác bền vững và tiếp cận thị trường toàn cầu. Trên cơ sở đó, Thứ trưởng nhấn mạnh việc thiết lập mạng lưới và cơ chế chia sẻ thông tin về chính sách, công nghệ và thị trường giữa các quốc gia để hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP một cách bền vững. Cũng trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu đã cùng thảo luận nhiều vấn đề như: đóng góp của OCOP cho Chuyển đổi hệ thống nông nghiệp và lương thực thực phẩm theo hướng bền vững, có khả năng chống chịu; tăng cường áp dụng khoa học, công nghệ và các sáng kiến cho chuyển đổi hệ thống nông nghiệp và lương thực thực phẩm… |
CÔNG BỐ CHƯƠNG TRÌNH BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC KHU VỰC TRUNG TRƯỜNG SƠN Thực hiện: VÕ DŨNG #MC: Chiều 15/7, UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam tổ chức Hội nghị “Công bố Chiến lược bảo tồn Trung Trường Sơn của WWF - Việt Nam” giai đoạn 2026–2030. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Quốc Trị đồng chủ trì hội nghị. Hình: Trung Trường Sơn kèo dài từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng là nơi hội tụ đa dạng sinh học cao, hiện diện của nhiều loài nguy cấp, đặc hữu như sao la, mang lớn, mang Trường Sơn, thỏ vằn Trường Sơn..., và là một trong 200 khu vực sinh thái có tầm quan trọng toàn cầu. Do đó, khu vực này được WWF ưu tiên chiến lược bảo tồn các hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học; nhấn mạnh vai trò trung tâm của con người và cộng đồng trong các giải pháp, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội hài hòa với thiên nhiên. Thỏa thuận giữa Quảng Trị và WWF tạo khuôn khổ cho việc triển khai sáu chương trình trọng điểm về quản lý và phát triển rừng bền vững; bảo tồn đa dạng sinh học và động thực vật hoang dã; năng lượng bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo tồn biển và giảm rác thải nhựa; thúc đẩy hệ thống lương thực thực phẩm bền vững; và bảo vệ tài nguyên nước và các hệ sinh thái nước ngọt. Sau gần 2 năm, WWF đã phối hợp triển khai dự án; huy động thành công 1 chương trình lớn, được tỉnh Quảng Trị phê duyệt, nâng tổng số dự án thực hiện tại địa phương là 14 dự án, ngân sách lên tới 163 tỷ đồng (tương đương 6,6 triệu USD). Các sáng kiến nổi bật bao gồm: Chuyển đổi cà phê độc canh sang mô hình nông lâm kết hợp gắn với phục hồi rừng tự nhiên, bảo tồn sao la, hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương sản xuất lâm sản ngoài gỗ bền vững và chương trình giảm thiểu rác thải nhựa... Đặc biệt, chương trình “Giải pháp thuận thiên trong lâm nghiệp và môi trường” giai đoạn 2025–2030 với ngân sách hơn 114,8 tỷ đồng kỳ vọng sẽ đóng góp lớn vào nỗ lực bảo vệ rừng và sinh kế cộng đồng trên toàn tỉnh. |
TIN DỰ PHÒNG MC: Chiều nay (15/7), Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát triển nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành dự và phát biểu. PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG GẮN VỚI BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG Thực hiện: XUÂN VŨ – ĐOÀN PHÒNG - VIẾT DŨNG Ngày 15/7, tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Thường trực Ủy Ban khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức Hội thảo ‘Phát triển nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường’. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng đoàn Giám sát chuyên đề chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường của Quốc hội Lê Minh Hoan dự chỉ đạo Hội thảo. Cùng tham dự chỉ đạo Hội nghị có Thứ trưởng Bộ NN& MT Lê Công Thành, ông Lê Quang Huy, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban KH- CN & MT của Quốc hội. Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Quang Huy khẳng định, phát triển nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường không chỉ là yêu cầu phát triển bền vững mà còn là căn cứ để hoàn thiện chính sách, pháp luật, góp phần thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Theo ông Huy, bảo vệ môi trường không còn là xu hướng riêng lẻ mà trở thành yêu cầu xuyên suốt trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây cũng là chủ đề trọng tâm của đợt giám sát chuyên đề do Quốc hội thực hiện, nhằm đánh giá hiệu quả thực thi Luật Bảo vệ môi trường 2020 trong thực tế. “Hội thảo lần này chính là cơ hội để lắng nghe, tổng hợp và phân tích các khó khăn, vướng mắc, hạn chế trong thực tiễn, từ đó đề xuất các kiến nghị chính sách hoàn chỉnh hơn”- ông Huy chia sẻ. Hội thảo chiều 15/7 đã nêu bật yêu cầu cấp bách về tái cấu trúc nền nông nghiệp theo hướng xanh, sinh thái và tuần hoàn. Đặc biệt, hội thảo đã đề xuất nhiều giải pháp cụ thể như hoàn thiện hành lang pháp lý, hỗ trợ tài chính, nâng cao năng lực cho nông dân và khuyến khích hợp tác công - tư. Một số mô hình thực tiễn như lúa - tôm, VAC, sản xuất hữu cơ - vi sinh, canh tác bảo tồn đất và hệ thống nuôi tuần hoàn RAS được chia sẻ như minh chứng cho hướng đi hiệu quả. Ghi nhận những đóng góp của các đại biểu tham dự tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&MT Lê Công Thành bày tỏ cám ơn lãnh đạo Quốc hội và Ủy ban KH-CN&MT đã tổ chức hội thảo. Thứ trưởng cho biết thêm: Sau 4 năm thực hiện Luật Bảo vệ Môi trường 2020 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Bộ xác định tiếp tục thúc đẩy các hoạt động để đạt được hiệu quả cao trong bảo vệ môi trường trong lĩnh vực nông nghiệp. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực bảo vệ môi trường. Cam kết đồng hành để xây dựng nền nông nghiệp xanh. |
TĂNG CƯỜNG HỢP TÁC NHÂN DÂN VIỆT NAM - BRAZIL Thực hiện: THANH THỦY #MC: Sáng nay (15/7), tại Hà Nội, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp dự Đại hội lần thứ III Hội hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Braxin, nhiệm \kỳ 2025–2030. Đại hội đánh giá kết quả nhiệm kỳ trước và đề ra phương hướng tăng cường hợp tác toàn diện giữa nhân dân 2 nước. Trong nhiệm kỳ 2016–2025, III Hội hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Braxin đã đạt nhiều kết quả nổi bật như: tổ chức các hoạt động giao lưu nhân dân nhân kỷ niệm 30 và 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Braxin; hoàn thành công trình Từ điển chủ đề Bồ – Việt; xúc tiến thành lập Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam – Braxin và kết nối với nhiều tổ chức, viện nghiên cứu, doanh nghiệp của nước bạn. Hội cũng tích cực hỗ trợ công tác đối ngoại nhân dân, thông tin tuyên truyền, và phối hợp hiệu quả với các cơ quan trong nước và đối tác Braxin. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội nhiệm kỳ 2025-2030. Phát biểu tại Đại hội, Thứ trưởng khẳng định chưa bao giờ quan hệ hữu nghị Việt Nam – Braxin tốt đẹp như hiện nay. Đặc biệt, sau chuyến thăm của Tổng thống Lula da Silva, 2 nước đã ký kết nhiều văn kiện quan trọng, trong đó hợp tác nông nghiệp là trọng tâm. Nhiệm kỳ mới, Hội sẽ đẩy mạnh giao lưu không chỉ văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, mở rộng hợp tác doanh nghiệp và thúc đẩy xuất khẩu sang Braxin, góp phần đưa quan hệ Việt Nam – Braxin phát triển thực chất, hiệu quả và toàn diện. |
|
GẠT BẢN TIN |
MC: Một số thông tin đáng chú ý khác sẽ tiếp nối bản tin tối nay! |
BỘ TÀI CHÍNH ĐỀ XUẤT GIẢM CHI PHÍ CHUYỂN ĐỔI ĐẤT NÔNG NGHIỆP Thực hiện: THÙY LINH Bộ Tài chính đề xuất cho phép người dân chuyển đổi đất nông nghiệp liền kề nhà ở, như đất vườn, ao cùng thửa trước năm 2004 sang đất ở theo cách tính tiền sử dụng đất cũ. Theo đề xuất, phần đất trong hạn mức sẽ thu 30% chênh lệch giữa giá đất ở và đất nông nghiệp; phần vượt hạn mức thu 50%. Cách tính này từng áp dụng nhiều năm trước và được đề nghị khôi phục nhằm giảm áp lực tài chính cho người dân. Sau khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ 1/7, chi phí chuyển đổi đất tăng mạnh do bảng giá đất sát với giá thị trường. Người dân hiện phải nộp toàn bộ phần chênh lệch, khiến chi phí cao, đặc biệt ở khu vực đô thị, vùng ven. Bộ Tài chính cho rằng, áp dụng lại cơ chế cũ sẽ giúp giảm gánh nặng, đồng thời thuận lợi hơn cho địa phương khi triển khai. Tuy nhiên, đề xuất chỉ áp dụng với một số trường hợp cụ thể, không đại trà. Bộ cũng đề nghị bổ sung cơ chế này vào Luật Đất đai để đảm bảo rõ ràng. |
GẠT CHÙM TIN |
RA MẮT ‘CÁNH ĐỒNG CÔNG NGHỆ’ TRONG CANH TÁC LÚA Thực hiện: ĐINH MƯỜI Sáng nay (15/7), tại xã Việt Khê, TP Hải Phòng, Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp cùng Công ty Cổ phần Đại Thành tổ chức Hội nghị đầu bờ mô hình "Cánh đồng công nghệ" trong sản xuất lúa giảm phát thải nhà kính, gắn với tăng trưởng xanh. Nhiều thiết bị hiện đại đã được triển khai như: máy san phẳng mặt ruộng bằng công nghệ định vị vệ tinh (GPS) giúp tối ưu hóa việc tưới tiêu; thiết bị dẫn đường tự động lắp trên máy kéo, máy cấy giúp canh tác chính xác đến từng centimet. Đặc biệt, máy bay không người lái được sử dụng để phun thuốc, bón phân một cách đồng đều, giảm lượng hóa chất và bảo vệ sức khỏe người lao động. Toàn bộ rơm rạ sau thu hoạch được thu gom bằng máy cuộn chuyên dụng, chấm dứt tình trạng đốt đồng gây ô nhiễm. Lượng rơm này sẽ được tái chế làm phân hữu cơ hoặc thức ăn chăn nuôi. Thời gian tới, Hải Phòng sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình công nghệ cao, tăng cường đầu tư hạ tầng nông nghiệp số và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất thông minh. |
GẠT CHÙM TIN |
LÚA GIẢM PHÁT THẢI VỤ HÈ THU ĐẠT NĂNG SUẤT GẦN 9 TẤN/HA Thực hiện: VĂN VŨ Vụ hè thu 2025, tại xã Định Mỹ và Bình Hòa, Trung tâm Khuyến nông An Giang phối hợp cùng người dân và doanh nghiệp triển khai mô hình canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải với diện tích 1 ha. Theo đó, mô hình sử dụng giống OM 5451 kết hợp áp dụng quy trình “1 phải 5 giảm” và quản lý dịch hại tổng hợp, giảm sâu bệnh, cây cứng, không bị đổ ngã. Kết quả cho thấy năng suất trung bình đạt 8,9 tấn/ha với lợi nhuận 16,5 triệu đồng/ha, cao hơn ruộng thông thường 4 triệu đồng/ha. Trung tâm Khuyến nông An Giang cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này sang các địa phương khác, nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu thực hiện thành công Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL đến năm 2030 mà Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang triển khai tại địa phương. |
MC: Phần cuối của bản tin ngày hôm nay sẽ là một số thông tin đáng chú ý về dự báo thời tiết trong ngày mai. Xin kính chào và hẹn gặp lại! |
DỰ BÁO THỜI TIẾT (Theo thông tin 7 vùng Cục Khí tượng thủy văn cung cấp) |