1.
Năm lớp ba, tôi nhìn bố tôi lắp bóng đèn điện quang đầu tiên trên gian nhà giữa của ông bà, nơi cả nhà ăn cơm trước bàn thờ tổ tiên. Con đường chúng tôi đi ở quê tối mịt, nhưng dần mọc lên các cột đèn sáng từ xóm này sang xóm khác.
Điện đến với quê tôi qua từng năm, mỗi hộ gia đình ngày càng tiện nghi hơn: có đèn huỳnh quang và tủ lạnh; thay bếp củi bằng bếp ga, rồi đến bếp điện. Ông bà vẫn quen lấy nước giếng, hứng nước mưa, nhưng dần cũng chuyển sang dùng máy bơm nước, lọc nước sạch sinh hoạt cho gia đình.

Lê Mạnh Linh (bên trái) chụp ảnh lưu nhiệm cùng ông Kamal Malhotra - cựu Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam, trong chuyến thăm của ông đến Đại học Harvard. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Tôi lớn lên khi đất nước bước vào thời kỳ đầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Kết thúc trung học, tôi đã nắm được cơ bản các định nghĩa về chỉ số GDP bình quân đầu người. Tôi được dạy về khái niệm “tỷ lệ vàng” trong dân số học, nghe những câu chuyện về thành tích của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế, và thấy những toà nhà chọc trời mọc lên dọc tuyến đường đi học hàng ngày.
Ở quê tôi, những dấu hiệu của đổi mới giản dị hơn, như việc có mạng viễn thông đến từng nhà đã là dấu mốc lịch sử. Những cách mà tiến bộ khoa học đến được với quê tôi, dẫu có chậm hơn nơi đô thị, lại làm cho tôi cảm thấy rõ rệt nhất giá trị của quyền tiếp cận điện với đời sống người dân.
Nếu điện là hàng hoá tư nhân, thì cơ sở hạ tầng để củng cố mạng lưới điện là hàng hoá công cộng. Tất cả mọi người đều hưởng lợi từ việc tiếp cận điện: trẻ em được học hành, gia đình tiện nghi, trạm xá có đủ vật dụng y tế…
2.
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, đến năm 2019, Việt Nam có 99,4% dân số được sử dụng điện; 0,6% còn lại không có điện thuộc các hộ gia đình ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa và rất xa so với hệ thống lưới điện. Mạng lưới điện đang phủ rộng khắp cả nước với tỷ lệ điện khí hóa nông thôn và đấu nối lưới điện đến hộ gia đình rất cao.
Tiêu thụ điện ở Việt Nam dựa vào nguồn nhiên liệu hóa thạch. Nhiên liệu hóa thạch như than, dầu, khí và diesel chiếm 43,42% tổng công suất điện được sản xuất, trong năng lượng tái tạo như chiếm 26,94% vào năm 2021.
Các nguồn nhiên liệu hóa thạch đã làm thế giới thay đổi nhanh chóng, nhưng đang dần cạn kiệt sau hàng trăm năm khai thác. Không chỉ vậy, khí đốt tạo ra hàng chục tỷ tấn CO2 mỗi năm, gây hiệu quả thay đổi khí hậu.
Ngoài CO2, đốt nhiên liệu hóa thạch cũng tạo ra các chất ô nhiễm không khí khác như NO2, SO2, và kim loại nặng. Những chất này ngấm vào đất và nước, trở thành mối nguy cho sức khỏe cộng đồng, dễ gây ung thư, thay đổi môi trường phát triển cho vi sinh vật.
Để phát triển nông thôn bền vững, chúng ta cần chuyển đổi từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo.

Ngày nay, mạng lưới điện phủ rộng khắp cả nước với tỷ lệ đấu nối lưới điện đến hộ gia đình rất cao. Ảnh: Tùng Đinh.
3.
Trước và trong thời kỳ chuyển giao thiên niên kỷ, câu chuyện của làng quê tôi cũng giống như bao ngôi làng Việt khác. Đó là tính kiên cường và chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau. Bố mẹ chúng tôi chuyền tay nhau những bộ quần áo cũ, những cuốn sách giáo khoa đã sờn gáy, rách bìa. Thế giới của ông bà càng vất vả hơn vì vừa chăm lo các con, vừa tham gia sản xuất và kháng chiến.
Thế giới mà tôi trưởng thành, trong một giai đoạn đất nước ngày càng thịnh vượng hơn. Tôi luôn nhớ về cảm xúc khi lần đầu tiên điện về đến quê mình. Đó không chỉ là niềm tự hào về sự phát triển của đất nước, mà đi kèm đó là mơ ước về tương lai, rằng mọi ngôi làng đều có điện.
Trong bối cảnh dân số gia tăng và đô thị hóa nhanh chóng, chúng ta đối diện với hai thực tế mới. Thứ nhất, việc tiếp cận điện đã trở thành một quyền cơ bản của người dân trong xã hội hiện đại, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục và thông tin.
Thứ hai, các vùng miền ở Việt Nam có mức độ tiếp cận đổi mới cũng như khả năng chống chịu thiên tai rất khác nhau; trong đó, phụ nữ, trẻ em ở khu vực nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số là những nhóm chịu thiệt thòi và rủi ro nhiều nhất.
Do vậy, tôi tin rằng chúng ta cần thúc đẩy việc đưa năng lượng tái tạo đến các vùng sâu, vùng xa, từ đó đảm bảo quyền tiếp cận điện công bằng trên khắp mọi miền đất nước. Theo tôi, đây chính là nền tảng để đảm bảo sự phát triển bền vững cho Việt Nam.
Nông thôn Việt Nam, với những con người chịu thương, chịu khó, sẽ được hưởng lợi và trở nên tự tin hơn nếu được tiếp cận những đổi mới sáng tạo, để họ có cuộc sống sung túc, tốt đẹp hơn.
4.
Khi nghĩ về những cách dung hòa giữa hệ sinh thái đô thị - nơi được quy hoạch để đáp ứng nhu cầu sinh sống và làm việc - với hệ sinh thái tự nhiên mà ông bà đã nuôi dưỡng tôi thuở nhỏ, tôi không khỏi trăn trở về mối quan hệ mà xã hội hiện đại cần thiết lập với thiên nhiên.
Thiên nhiên vẫn hiện diện trong lòng thành phố, nhưng phần lớn chỉ tồn tại dưới dạng những công viên, mặt hồ nhân tạo nhằm điểm tô cảnh quan, hơn là để duy trì sự sống tự nhiên vốn có.
Ở khía cạnh này, cư dân đô thị còn nhiều điều cần học hỏi từ cộng đồng nông dân tham gia trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Trải qua bao thế hệ sống gắn bó với thiên nhiên, họ đã tích lũy những bài học sâu sắc về cách chung sống bền vững. Như ở Cà Mau, người dân Năm Căn nuôi tôm sú dưới tán rừng, vừa góp phần bảo vệ rừng phòng hộ ven biển, vừa tham gia phát triển kinh tế địa phương.
Trước cơ hội hiện đại hóa không ngừng, xã hội Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển đổi. Chúng ta đã không còn tư duy “sắp đặt thiên nhiên theo ý mình”, rồi tìm cách khắc phục khi hậu quả đã trở nên rõ rệt.

Đưa năng lượng tái tạo đến các vùng sâu, vùng xa chính là nền tảng để Việt Nam phát triển bền vững. Ảnh: Gia Hân.
Thay vào đó, Việt Nam đã và đang chủ động xây dựng những đô thị, những vùng nông thôn hài hòa với cây cối và muông thú, để thiên nhiên có thể cùng nhịp thở với đời sống con người.
Ý tưởng “quy hoạch đồng cư” giữa người và thiên nhiên không phải là điều quá mới mẻ, cũng không phải là thách thức riêng của Việt Nam. Tuy nhiên, để hiện thực hóa điều đó, chúng ta cần có nhận thức chung: Một xã hội văn minh, phát triển bền vững sẽ phụ thuộc vào việc gìn giữ, bảo tồn tài nguyên tự nhiên.
Còn đối với bài toán năng lượng, việc cải thiện mạng lưới điện quốc gia và thúc đẩy chuyển giao năng lượng tái tạo có thể song hành lẫn nhau.
Kinh nghiệm nhiều quốc gia cho thấy, việc phủ rộng hệ thống điện mặt trời tại các đô thị lớn có thể đi đôi với phát triển mô hình lưới điện vi mô, giúp các hộ gia đình ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận nguồn điện ổn định và bền vững. Điều này không chỉ tận dụng hiệu quả lợi thế về lượng bức xạ mặt trời dồi dào vốn có của Việt Nam, mà còn tạo ra công ăn việc làm cho cộng đồng địa phương.
Con đường mới đang mở ra trong kỷ nguyên đổi mới, nơi ánh sáng có thể len lỏi đến từng mái nhà, kể cả những nơi xa xôi nhất.