| Hotline: 0983.970.780

Chuyện đất công, đất tư và kinh tế tư nhân

Thứ Năm 15/05/2025 , 11:29 (GMT+7)

Đọc loạt bài 'Nỗi đau của đất' trên Báo Nông nghiệp và Môi trường, GS Đặng Hùng Võ ngẫm ngợi: Suy cho cùng những nhọc nhằn từ đất là do pháp luật còn khoảng trống.

GS Đặng Hùng Võ. Ảnh: NVCC.

GS Đặng Hùng Võ. Ảnh: NVCC.

Là một chuyên gia luôn trăn trở với các vấn đề đất đai, đặc biệt là câu chuyện đất nông lâm trường, cho nên khi theo dõi loạt bài Nỗi đau của đất đăng tải trên Báo Nông nghiệp và Môi trường, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) ngẫm ngợi: Suy cho cùng những nhọc nhằn từ đất đai hiện nay đều do pháp luật còn nhiều khoảng trống, khoảng chồng chéo, khoảng xung đột…

GS Đặng Hùng Võ kiến giải, thực tiễn đó đã gây ra những khó khăn trong vấn đề tiếp cận đất đai và kể cả khi đã tiếp cận được rồi cũng khó sử dụng nguồn lực này để có thể mang lại giá trị lợi ích cao.

“Tôi nhớ ông Út Huy (Võ Quan Huy), một người nông dân luôn tìm cách sử dụng đất vượt hạn điền rất nhiều để trồng chuối xuất khẩu, từng nghe ông nói câu đại ý thế này: Hỡi những nhà xây dựng pháp luật đất đai, hãy về làm ruộng trước khi ngồi viết luật.

Cá nhân tôi đồng tình với cách tư duy đề cao thực tiễn như vậy. Thực tế khoảng hơn 20 năm trước, khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An kêu gọi cần phải đẩy mạnh việc đưa pháp luật vào cuộc sống, tôi cũng phân tích trên nhiều cơ quan báo chí rằng muốn đưa được pháp luật vào cuộc sống thì trước tiên chúng ta phải làm thật tốt việc đưa cuộc sống vào pháp luật”, GS Đặng Hùng Võ chia sẻ.

Trang trại chuối ở Bời Lời của 'vua chuối' Võ Quan Huy đang bị cưỡng chế thu hồi đất. Ảnh: Hoàng Anh.

Trang trại chuối ở Bời Lời của "vua chuối" Võ Quan Huy đang bị cưỡng chế thu hồi đất. Ảnh: Hoàng Anh.

Mù mờ đất công – đất tư

Trước hết bàn về câu chuyện pháp luật đất đai gắn liền với các chủ trương, định hướng phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước, GS Đặng Hùng Võ phân tích: Tôi lấy luôn ví dụ câu chuyện thời sự nhất hiện nay là Ban Chấp hành Trung ương Đảng vừa mới ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.

Rõ ràng, với vai trò, vị thế đang là một thành phần kinh tế chiếm phần lớn tỷ trọng GDP của đất nước, có thể nói kinh tế tư nhân sẽ là động lực quan trọng nhất để phát triển đúng như Nghị quyết số 68 của Đảng đã định hướng đến năm 2030.

Vậy thì quá trình thực hiện Nghị quyết mới này, chúng ta nên đặt vấn đề đất đai trong mối quan hệ với phát triển kinh tế tư nhân như thế nào?

Nhìn vào lịch sử phát triển kinh tế Việt Nam từ sau Đổi Mới, mỗi kỳ Đại hội Đảng chúng ta đều khẳng định vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân. Thể hiện trong các Văn kiện Đại hội và tiếp theo là các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương hoặc của Bộ Chính trị về vai trò cũng như các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển.

Có thể kể tới Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 5/4/1988 về Đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp của Bộ Chính trị tại kỳ Đại hội lần thứ VI đã xác định hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ, từ đó đổi mới cơ bản cách thức quản lý hợp tác xã nông nghiệp; Nghị quyết Hội nghị Trung ương tại Đại hội IX về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích, tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân; Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…

Đặc biệt, với Nghị quyết số 68-NQ/TW của ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành ngày 4/5/2025, có thể nói đã mang đến những thay đổi rất cơ bản về vai trò của kinh tế tư nhân đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế. Mục tiêu để đến năm 2030 đất nước ta hoàn thành cơ bản quá trình công nghiệp hóa và đến năm 2045 trở thành quốc gia phát triển, người dân có mức thu nhập cao.

Điều tôi tâm đắc nhất là Nghị quyết 68 định hướng kinh tế tư nhân từ chỗ “có vai trò quan trọng” chuyển sang định hướng “kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng nhất”. Dù chỉ khác nhau một chữ nhất thôi nhưng quả là sự khác biệt vô cùng to lớn. Theo suy nghĩ của tôi, sự khác nhau này chắc chắn sẽ đưa đất nước ta phát triển rất mạnh trong thời gian tới vì định hướng phù hợp với mô hình kinh tế thị trường.

Tất nhiên, khi nói đến kinh tế tư nhân chúng ta phải kể đến một số yếu tố có vai trò đặc biệt quan trọng trong định hướng phát triển. Một là lực lượng lao động thuộc về khu vực tư nhân, hai là vốn đầu tư thuộc về khu vực tư nhân, ba là tư liệu sản xuất cũng thuộc về khu vực tư nhân.

Tư liệu sản xuất ở đây hiểu theo nghĩa bao gồm cả đất đai và khi nói đến kinh tế tư nhân, kinh tế nông nghiệp, đất đai chính là tư liệu sản xuất quan trọng nhất. Kể cả khi đặt cạnh kinh tế phi nông nghiệp để so sánh, đất đai cũng là địa bàn để phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất và cung cấp dịch vụ, cũng là một loại vốn để đầu tư phát triển kinh tế.

Nhưng cá nhân tôi thấy rằng: Từ trước đến nay mặc dù pháp luật của chúng ta chưa định nghĩa rõ ràng các khái niệm “đất sử dụng cho mục đích công” và “đất sử dụng cho mục đích tư”, cho dù trong khẩu ngữ hằng ngày vẫn thường nói đến từ “đất công” và “đất tư”, kể cả trên báo chí hay tại các cuộc hội nghị, hội thảo, các cuộc họp bàn quan trọng... Sự mù mờ về định nghĩa, khái niệm “đất công” và “đất tư” như vậy đã làm nảy sinh rất nhiều cách hiểu sai về bản chất của vấn đề đất đai sử dụng trong kinh tế tư nhân.

Ông Võ Quan Huy và những người bạn khai hoang có chung nỗi đau của đất ở Bời Lời, thị xã Trảng Bàng. Ảnh: Kiên Trung.

Ông Võ Quan Huy và những người bạn khai hoang có chung nỗi đau của đất ở Bời Lời, thị xã Trảng Bàng. Ảnh: Kiên Trung.

Rõ ràng khi nhìn nhận vấn đề đất đai trong kinh tế nông nghiệp, từ trước đến nay Luật Đất đai của chúng ta thời kỳ nào cũng có ý đặt ra nhiều quy định mang tính ràng buộc về đất nông nghiệp. Mục đích là để phòng tránh việc hình thành tầng lớp địa chủ mới. Ví dụ như quy định bó hẹp thời hạn sử dụng đất, quy định về hạn điền, quy định không cho phép doanh nghiệp phi nông nghiệp tham gia đầu tư vào trồng lúa... Nghịch lý ở chỗ, chúng ta chỉ e ngại việc hình thành tầng lớp địa chủ mới trong nông nghiệp mà không có quy định gì để đề phòng việc hình thành tầng lớp địa chủ phi nông nghiệp.

Vì vậy, tình trạng đầu cơ đất phi nông nghiệp đã tràn lan ở khắp mọi nơi. Để rồi khi nhìn vào thực tiễn chúng ta hoàn toàn có thể thấy lớp địa chủ phi nông nghiệp đã và đang được tự do hình thành.

Sự lẫn lộn và nghịch lý này đã làm cho vấn đề sử dụng đất nông nghiệp bị bó buộc rất nhiều và gây ra những khó khăn, rào cản đối với nền kinh tế đất nước. Đặc biệt trong bối cảnh xuất khẩu nông sản vẫn đóng vai trò chủ đạo, giữ vai trò quan trọng đối với nền kinh tế và nông nghiệp là trụ đỡ an ninh lương thực, an sinh xã hội của quốc gia.

Tôi nghiên cứu và nhận thấy ở nhiều quốc gia họ chấp nhận chế độ sở hữu tư nhân về đất đai và pháp luật của họ cũng quy định rất rõ khái niệm “đất công” và “đất tư”.

Có thể hiểu nôm na “đất công” là đất thuộc sở hữu công và “đất tư” là đất thuộc sở hữu tư. Người ta xác định rất rạch ròi, ít nhất là về khái niệm như vậy để làm nền tảng, cơ sở xây dựng pháp luật đất đai có quy định, chế tài quản lý “đất công” và “đất tư” có sự khác biệt rất lớn.

Nhọc nhằn đất công ở Tây Ninh. Ảnh: Hoàng Anh.

Nhọc nhằn đất công ở Tây Ninh. Ảnh: Hoàng Anh.

Ở nước ta, đất đai thuộc sở hữu toàn dân và nhà nước thay mặt toàn dân thực hiện các quyền năng đối với đất đai. Cách quan niệm này có thể hiểu là tương đương với chế độ “đất đai thuộc sở hữu của Nhà nước”. Điều đó dẫn đến tất cả các Luật Đất đai của nước ta được ban hành qua các thời kỳ đều không xác định khái niệm “đất sử dụng công” và “đất sử dụng tư”.

Hay nói cách khác, vấn đề sử dụng đất của chúng ta đều nhất loạt coi là đất công. Tôi cho rằng với tư duy và nhận thức quản lý mãi như thế sẽ không thể tạo ra sự ổn định, lâu dài cho phát triển kinh tế tư nhân được. Sự mù mờ trong khái niệm đất công và đất tư trong vấn đề sử dụng đất sẽ không trợ giúp gì, thậm chí còn là rào cản đối với phát triển kinh tế tư nhân.

Với vai trò là chuyên gia về đất đai của Ngân hàng Thế giới, mỗi lần chúng ta dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, tôi đều soạn thảo các bản khuyến nghị về chính sách đất đai để Ngân hàng Thế giới gửi Chính phủ Việt Nam. Trong đó có kiến nghị rất rõ quy định về “đất công” và “đất do tư nhân sử dụng”. 

Nhân đây, một lần nữa tôi lại kiến nghị: Để kinh tế tư nhân thực sự đóng vai trò quan trọng nhất, tạo động lực chủ yếu nhất cho phát triển kinh tế đất nước thì khái niệm “đất công” và “đất do tư nhân sử dụng” cần được quy định thật rành mạch trong Luật Đất đai, trong các Nghị định, quy định về quản lý đất đai.

Tôi nghĩ rằng, điều đó không chỉ góp phần khơi thông nguồn lực đất đai mà còn góp phần ngăn chặn khả năng lợi dụng sự “mù mờ” về khái niệm để làm trái tinh thần, quy định pháp luật về đất đai.

Khu vực đất trồng chuối của ông Võ Quan Huy và đất bỏ hoang bên cạnh. Ảnh: Kiên Trung.

Khu vực đất trồng chuối của ông Võ Quan Huy và đất bỏ hoang bên cạnh. Ảnh: Kiên Trung.

Lợi ích nhằng nhịt, rắc rối và khó gỡ

Suy nghĩ về vấn đề đất đai và phát triển kinh tế, tôi nhớ rằng với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng năm 1986 đã xác định phải đổi mới tư duy. Trước hết là tư duy về kinh tế và đề ra phương hướng trọng tâm phát triển, thực hiện tốt 3 chương trình kinh tế lớn gồm: lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu.

Lịch sử phát triển kinh tế đất nước từ bấy đến nay cho thấy, chương trình đảm bảo lương thực thực phẩm đã mang lại kết quả cao nhất, góp phần đưa nước ta từ tình trạng “đứt bữa” trở thành nước xuất khẩu gạo thuộc tốp đầu thế giới. Chúng ta vừa đảm bảo được đầy đủ lương thực cho nhân dân, vừa tạo ra hàng hóa xuất khẩu, đóng góp rất lớn vào sự phát triển nền kinh tế.

Thành tựu đó, tôi cho rằng phần lớn là nhờ chính sách giao đất của hợp tác xã nông nghiệp cho các hộ gia đình nông dân, qua đó giải phóng được lực lượng sản xuất, giải phóng được nguồn lực đất đai. Nói cách khác, chúng ta đã chuyển mô hình kinh tế tập thể sang mô hình kinh tế tư nhân và mang lại hiệu quả rõ rệt.

Một lát cắt cho thấy thành công lớn của chính sách đất đai. Mặc dù vậy vẫn còn tồn tại là khá nhiều diện tích đất nông nghiệp, điển hình như đất công ích 5% ở nhiều nơi do các hợp tác xã quản lý chưa được giải phóng. Dù đã những chủ trương đổi mới mô hình hợp tác xã nông nghiệp nhưng thực tế chưa thay đổi được gì nhiều, đất đai vẫn dần tiêu biến dưới nhiều cách thức khác nhau... Giải pháp ở một số địa phương như Lâm Đồng, Sơn La là thành lập các hợp tác xã cung cấp dịch vụ để giúp kinh tế hộ gia đình có điều kiện phát triển và có nhiều mô hình đã thành công, tuy nhiên so với thực tiễn vẫn còn quá ít.

Đối với vấn đề đất lâm nghiệp, đất rừng do các lâm trường quốc doanh nắm giữ, quản lý lại đi theo xu hướng khác. Chủ trương của Đảng và Nhà nước lúc này là đổi mới và phát triển các nông, lâm trường quốc doanh, chứ không chuyển sang kinh tế tư nhân, chưa giải phóng nguồn lực đất đai như tôi đã nêu ở trên.

Thực tế đã có rất nhiều quyết sách lớn và quy định của pháp luật liên quan vấn đề này, tuy nhiên điểm nghẽn lớn nhất dường như vẫn chưa được khơi thông. Ví dụ Dự thảo Luật Đất đai 2003, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 26-NQ-TW ngày 12/3/2003 về việc tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, và Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày16/6/2003 về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh.

Đến Dự thảo Luật Đất đai 2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31/10/2012 về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.

Dự thảo Luật Đất đai 2024, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 về việc tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, bao gồm cả nội dung về đổi mới và phát triển các lâm trường quốc doanh và công ty lâm nghiệp.

Liệt kê lại các chủ trương, quyết sách của Đảng và luật pháp liên quan câu chuyện đất nông lâm trường để thấy việc ban hành định hướng chính sách, quy định của pháp luật đối với vấn đề này cũng đầy khó khăn, phức tạp.

Thực trạng mà về nguyên tắc có thể dễ dàng nhận thấy thay đổi mô hình quan hệ sản xuất hợp tác xã theo kiểu cũ sang mô hình kiểu mới là đúng, nhưng vì lý do nào đó mà chúng ta vẫn phải bảo vệ mô hình quan hệ sản xuất của các công ty quốc doanh. Thực tiễn đã cho thấy có rất nhiều mối quan hệ lợi ích rất nhằng nhịt, rắc rối, tháo gỡ rất khó khăn. Những người có quyền vẫn đảm bảo được lợi ích cho mình trong các mối quan hệ lợi ích đan xen nhằng nhịt, còn người lao động trực tiếp sản xuất trong các nông lâm trường quốc doanh thì thua thiệt đủ đường.

Như câu chuyện Báo Nông nghiệp và Môi trường nêu ở tỉnh Tây Ninh là một lát cắt. Tôi nghĩ rằng thực trạng đó vẫn đang còn diễn ra ở nhiều địa phương hiện nay.

Nông dân tỉnh Tây Ninh đang làm việc cho trang trại chuối của ông Võ Quan Huy. Ảnh: Kiên Trung. 

Nông dân tỉnh Tây Ninh đang làm việc cho trang trại chuối của ông Võ Quan Huy. Ảnh: Kiên Trung. 

Đất còn nhọc nhằn, pháp luật còn khoảng trống 

Trở lại vấn đề đất đai và phát triển kinh tế. Đảng và Nhà nước ta đã quyết định áp dụng cơ chế thị trường vào năm 1991, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng. Và cũng từ đó chúng ta bắt đầu thực hiện quá trình công nghiệp hóa đất nước.

Gần 25 năm, kinh tế nông nghiệp vẫn đóng vai trò chủ đạo và hết sức quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế đất nước. Minh chứng là đến năm 2024 – 2025 này, xét yếu tố hàng hóa xuất khẩu của chúng ta do dân ta làm ra thì chủ yếu vẫn là hàng nông sản. Trong khi đó, nhìn sang các loại hàng hóa công nghiệp xuất khẩu thì đa phần đều từ đầu tư trực tiếp của nước ngoài.

Trước đây chúng ta còn xuất khẩu được một số mặt hàng thủ công nghiệp như giày da, may mặc... nhưng đến giai đoạn hiện nay những mặt hàng đó đang gặp phải nhiều khó khăn do giá thành sản phẩm đắt hơn hàng hóa làm ra ở nhiều nước khác. Và điều đáng buồn là một trong những nguyên nhân lớn nhất sản phẩm của chúng ta khó cạnh tranh cũng là do chi phí đất đai ở đầu vào tăng lên ngày càng cao.

So sánh như vậy để kiến nghị giải pháp tháo gỡ rào cản, điểm nghẽn của đất đai nhằm khơi thông và phát huy hết nguồn lực đất đai có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế. Nhất là đối với vấn đề tiếp cận đất nông nghiệp.

Bởi vì như chúng ta thấy, mặc dù chính sách đất đai liên quan đến kinh tế nông nghiệp đã được tháo gỡ khá nhiều trong Luật Đất đai năm 2024, nhưng theo tôi vẫn cần phải có những quyết định chính sách mạnh mẽ hơn nữa. Nhất là rào cản về mặt tư duy như tôi đã phân tích ở trên. Chúng ta cần phải thay đổi tâm lý lo sợ sẽ hình thành lớp địa chủ mới trong nông nghiệp nên vẫn lo lắng giữ quy định về hạn điền đất nông nghiệp... khi thực tiễn đòi hỏi cần phải xây dựng nền nông nghiệp quy mô lớn, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hiện đại.

Đất còn nhọc nhằn, pháp luật còn khoảng trống. Ảnh: Minh Sáng.

Đất còn nhọc nhằn, pháp luật còn khoảng trống. Ảnh: Minh Sáng.

Chúng ta đừng lo sợ những điều mơ hồ nữa mà hãy nhìn vào thực tiễn, lo lắng thực tế đã hiện hữu như lớp “địa chủ mới” phi nông nghiệp đã được hình thành tự do thông qua đầu cơ đất đai.

Tựu trung lại, tôi nghĩ rằng những nhọc nhằn từ đất đai như hiện nay đều do pháp luật của chúng ta còn nhiều khoảng trống, khoảng chồng chéo, khoảng xung đột, dẫn đến thực trạng khó tiếp cận và kể cả khi tiếp cận được rồi cũng khó sử dụng để có thể mang lại giá trị cao.

"Muốn đất đai bớt nhọc nhằn thì các quy định của pháp luật phải phù hợp hơn nữa với thực tiễn của cuộc sống”, GS Đặng Hùng Võ khẳng định.

----

Nỗi đau của đất: [Bài 1] Án tử Bời Lời

Nỗi đau của đất: [Bài 2] 'Chết đứng' ở Tân Đông

Nỗi đau của đất: [Bài 3] Có đắng cay tên…“đất nhà nước”

Nỗi đau của đất: [Bài 4] Những chủ đất "Hồn Chương Ba da hàng thịt"

 

(thực hiện)

Xem thêm
Hiệu quả từ xóa nhà tạm, dột nát ở huyện vùng cao Quảng Ngãi

Các địa phương vùng cao ở Quảng Ngãi đã có cách làm hay, sáng tạo, vừa ngăn được tình trạng phá rừng làm nhà, vừa sớm về đích xóa nhà tạm.