Nỗi đau của đất: [Bài 4] Những chủ đất 'hồn Trương Ba, da hàng thịt'!?

Xuyên suốt câu chuyện đất nông trường ở Tây Ninh, pháp nhân giữ vai trò chủ đất đều là các công ty TNHH MTV vừa được thành lập mới. Tại Trảng Bàng, nguyên đơn khởi kiện ra tòa đòi lại đất nông trường cao su Bời Lời khi xưa là Công ty TNHH MTV 30-4 Tây Ninh. Tại Tân Châu, Công ty TNHH MTV Cao su 1-5 Tây Ninh là chủ đất đang quản lý hàng ngàn ha đất nông nghiệp.

Tuy nhiên, hợp đồng thuê đất nông nghiệp hay hợp đồng liên doanh liên kết trồng cây cao su của nhiều hộ nông dân lại được ký kết với các nông trường, xí nghiệp…

Đầu những năm 1990, các ông Võ Văn Phủ (Hai Phủ), Phạm Văn Thơ (Hai Thơ), Nguyễn Văn Chí (Chín Chí); Võ Quan Huy (Út Huy)… ký hợp đồng thuê đất nông trường cao su Bời Lời do ông Hà Minh Đỏ (Hai Đỏ) làm giám đốc; Lý Thành Sâm giữ vai trò kế toán trưởng.

Riêng diện tích thuê đất của 4 cá nhân này trên hợp đồng lên tới gần 200ha. Đi ngược lịch sử sẽ thấy được vai trò, pháp lý của các đơn vị nông - lâm trường một thời đại diện Nhà nước đứng ra quản lý đất đai và hiệu quả sử dụng đất của họ không được như kỳ vọng.

Như vậy, có thể hiểu, Công ty Cao su 30-4 Tây Ninh (sau đó là Công ty TNHH MTV Cao su Tây Ninh) và Nông trường Bời Lời là hai pháp nhân độc lập. Tòa án Nhân dân 2 cấp của tỉnh Tây Ninh trong các phiên xét xử chưa có nội dung nào thể hiện, làm rõ diện tích đất đai của Nông trường Bời Lời được chuyển giao cho công ty Cao su quản lý hay không, và chuyển giao thời điểm nào?

Trong trường hợp chuyển giao đất (từ Nông trường Bời Lời sang Công ty Cao su) - pháp nhân mới quản lý, cần thực hiện bước thu hồi, thanh lý các hợp đồng mà Nông trường Bời Lời đã ký với các cá nhân cho thuê đất, từ đó ký tiếp hoặc chấm dứt tính pháp lý của những hợp đồng này.

Từ đơn khởi kiện lần thứ 3 của Công ty TNHH MTV Cao su 30-4 Tây Ninh, tại Bản án sơ thẩm số 120 ngày 19/10/2022, Tòa án Nhân dân thị xã Trảng Bàng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Ông Võ Quan Huy kháng cáo toàn bộ Bản án. Ngoài ra, ông Huy có Đơn đề nghị thu thập chứng cứ yêu cầu Toà án thu thập chứng cứ liên quan đến pháp lý của Nông trường Cao su Bời Lời trước năm 1992 vì không thể tự mình thu thập được. Tuy nhiên, khi Đơn đề nghị của ông Huy chưa được trả lời, ngày 13/10/2022, vụ án vẫn được đưa ra xét xử.

Luật sư Trương Thị Minh Thơ (từng giữ vai trò Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao tại TP. Hồ Chí Minh, nay đã nghỉ hưu, bào chữa cho ông Võ Quan Huy) phân tích: Công ty Cao su 30-4 Tây Ninh cũng như Nông trường Bời Lời không có quyền cho thuê đất.

Dẫn chứng lập luận, bà Thơ cho rằng, thời điểm Luật Đất đai 1987 có hiệu lực, tại Điều 1: "Nhà nước giao đất cho các nông trường, lâm trường, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, xí nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và cá nhân để sử dụng ổn định, lâu dài"; Điều 49 quy định: người sử dụng đất không có quyền cho thuê lại phần đất Nhà nước đã giao.

Khi Luật Đất đai 1993 có hiệu lực (ngày 1/1/1993), Điều 1, Điều 30 quy định: trường hợp được Nhà nước giao đất không được chuyển quyền sử dụng đất; Đất giao cho các tổ chức mà pháp luật quy định không được chuyển quyền sử dụng"; tại Điều 4 Pháp lệnh số 37-PL/CTN (ngày 25/10/1994) quy định: Doanh nghiệp Nhà nước được Nhà nước giao đất để sử dụng vào mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối không có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê quyền sử dụng đất.

Cho đến ngày 13/4/1999, Nghị định 17/1999 có hiệu lực, tại khoản 2 Điều 19 mới quy định việc tổ chức kinh tế được cho thuê lại đất: "Tổ chức kinh tế được cho thuê lại quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây: Đất do Nhà nước cho thuê mà đã trả tiền thuê đất cho cả thời gian thuê hoặc đã trả trước tiền thuê đất cho nhiều năm mà thời hạn thuê đất đã được trả tiền còn lại ít nhất là 05 năm; Đất cho thuê lại đã có đầu tư theo dự án".

Luật sư Thơ cũng cho rằng, chưa chứng minh được Nông trường Bời Lời được thành lập vào thời điểm nào nên không xác định được Nông trường Bời Lời có tư cách pháp nhân để cho ông Huy thuê đất hay không. Nếu Nông trường Bời Lời có tư cách pháp nhân thì cũng không có quyền cho ông Huy thuê lại đất. Do đó, các Hợp đồng kinh tế Nông trường Bời Lời cho các hộ dân thuê đất đều không có giá trị pháp lý.

Đối với diện tích đất này, ông Huy đã thực hiện việc đóng thuế đầy đủ cho Nhà nước. Đến năm 2007, Công ty TNHH MTV Cao su 30-4 Tây Ninh khởi kiện đòi đất thì ông Huy mới ngừng đóng thuế. Ông Huy đã quản lý, sử dụng, canh tác trước ngày 15/10/1993, căn cứ Điều 101 Luật Đất đai 2013 thì quyền, lợi ích hợp pháp của ông Huy cần được đảm bảo.

Trường hợp Nông trường Bời Lời có quyền cho thuê lại đất: Các pháp nhân Công ty Cao su 30-4 Tây Ninh và Công ty TNHH MTV Cao su 30-4 Tây Ninh, Nông trường Bời Lời là các chủ thể độc lập. Việc ông Huy chỉ giao dịch với Nông trường Bời Lời do đó không liên quan tới 2 pháp nhân còn lại (Công ty Cao su 30-4 Tây Ninh, sau này là Công ty TNHH MTV Cao su Tây Ninh).

Sau khi Nông trường Bời Lời không hoạt động nữa, ông Huy cũng không nhận được thông báo gì liên quan đến việc chuyển giao quyền nghĩa vụ của Nông trường Bời Lời cho bất cứ một chủ thể nào khác. Nguyên đơn cho rằng được kế thừa quyền nghĩa vụ của Nông trường Bời Lời để đòi lại đất là không có cơ sở.

Theo tài liệu Luật sư Trương Thị Minh Thơ thu thập: ngày 13/1/1997, UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Quyết định số 417 có nội dung sáp nhập Nông trường cao su Bời Lời vào Công ty Cao su 30-4 Tây Ninh. Tuy nhiên, sau khi sáp nhập, Nông trường Bời Lời vẫn tồn tại và hoạt động song song với Công ty Cao su 30-4 Tây Ninh.

Về việc Văn phòng Tỉnh ủy Tây Ninh ra Quyết định số 90 (ngày 13/5/2004) chuyển đổi Công ty Cao su 30-4 Tây Ninh thành Công ty TNHH MTV Cao su 30-4 Tây Ninh, dù đã áp dụng Nghị định 63/2001 nhưng theo luật sư Thơ vẫn là trái pháp luật.

Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 2, khoản 1 Điều 10, điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 63/2001, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh là người có thẩm quyền quyết định danh sách và kế hoạch chuyển đổi và là người có thẩm quyền ký Quyết định chuyển đổi đối với Công ty Cao su 30-4 Tây Ninh. UBND tỉnh Tây Ninh là đại diện chủ sở hữu của Công ty sau khi được chuyển đổi.

Công ty Cao su 30-4 Tây Ninh do UBND tỉnh thành lập không liên quan đến Tỉnh ủy Tây Ninh. Việc Văn phòng Tỉnh ủy Tây Ninh ra quyết định số 90 chuyển đổi Công ty Cao su 30-4 Tây Ninh thành Công ty TNHH MTV Cao su 30-4 Tây Ninh do đó không có giá trị pháp lý.

Luật Đất đai cũng không có quy định nào cho phép Tỉnh ủy, Thành ủy là cơ quan có quyền quản lý về đất đai. Văn phòng Tỉnh ủy Tây Ninh chỉ là một bộ phận nằm trong Tỉnh ủy ra quyết định chuyển đổi Công ty Cao su 30-4 Tây Ninh thành Công ty TNHH MTV Cao su 30-4 Tây Ninh là lạm quyền, vi phạm pháp luật nghiêm trọng, vi phạm Hiến pháp 1992, Luật Đất đai 2003, và Nghị định 63/2001.

Trong khi đó, khi Công ty TNHH MTV Cao su 30-4 Tây Ninh ra đời, Công ty Cao su 30-4 Tây Ninh vẫn tồn tại và hoạt động song song với Công ty TNHH MTV Cao su 30-4 Tây Ninh đến năm 2008 mới đóng mã số thuế, chấm dứt hoạt động.

Ngày 21/5/2010, Tòa án Nhân dân Tối cao ra Quyết định giám đốc thẩm số 217 về vụ án Đòi lại quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là Công ty TNHH MTV cao su 30-4 Tây Ninh, bị đơn là ông Võ Quan Huy.

Hội đồng Giám đốc thẩm yêu cầu hủy bản án dân sự phúc thẩm và hủy bản án dân sự sơ thẩm để thu thập, xác minh diện tích đất ông Huy đang sử dụng là bao nhiêu (tăng hay giảm so với diện tích đất thuê). Nếu diện tích đất tăng thì cần xác minh, làm rõ về diện tích đất tăng (do khai mở thêm hay khi giao đất không đo đạc cụ thể) để có cơ sở giải quyết theo quy định của pháp luật.

Sau khi Tòa Tối cao có Quyết định Giám đốc thẩm, Tòa án Nhân dân thị xã Trảng Bàng đã mở phiên xét xử (ngày 19/10/2022) buộc các bị đơn tháo dỡ, di dời tài sản trên đất, trả lại cho Công ty cao su 30-4; Tòa án Nhân dân tỉnh Tây Ninh xét xử phúc thẩm (ngày 22/3/2023) không chấp nhận kháng cáo của ông Võ Quan Huy, giữ nguyên bản án sơ thẩm của Tòa án Nhân dân Thị xã Trảng Bàng đã tuyên.

Các bị đơn tiếp tục có đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm. Tại Quyết định số 313 ngày 14/11/2023, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao nhận định: “Diện tích đất thuê hiện do ông Huy sử dụng, hợp đồng thuê đất chưa được giải quyết đúng pháp luật và các tài sản trên đất của ông Huy tại thời điểm tranh chấp có giá trị lớn nhưng UBND các cấp ra nhiều quyết định thu hồi là không đúng pháp luật… Bản án của tòa Trảng Bàng và Tây Ninh quyết định bị đơn và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có nghĩa vụ đập bỏ, tháo dỡ, di dời cây trồng và các loại tài sản khác gây thiệt hại cho đương sự.

Chính vì vậy, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao quyết định Kháng nghị đối với bản án phúc thẩm số 109 ngày 22/3/2023 của Tòa án Nhân dân tỉnh Tây Ninh theo thủ tục giám đốc thẩm; đề nghị Ủy ban Thẩm phán Tòa án Nhân dân cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh xét xử giám đốc thẩm; hủy toàn bộ Bản án phúc thẩm số 109 và Bản án số 120; tạm đình chỉ thi hành Bản án số 109 của Tòa án Nhân dân tỉnh Tây Ninh cho tới khi có Quyết định giám đốc thẩm.

Ông Võ Quan Huy cho biết: Sau khi có Quyết định Kháng nghị bản án, tôi đã làm đơn trình bày nguyện vọng kết thúc vụ kiện Bời Lời gửi Thường trực Tỉnh ủy Tây Ninh nhưng không được xem xét.

Trong đơn, tôi nêu rõ: Tôi sẵn sàng giao đất thực hiện dự án bất cứ lúc nào dự án cần triển khai, chỉ xin thương lượng được Nhà nước đền bù tài sản trên đất và hỗ trợ của nhà đầu tư cho công bằng như bao nhiêu người dân khác trong vùng dự án. Tôi vẫn miệt mài chờ đợi, hằng ngày vẫn tạo ra công ăn việc làm cho hơn 300 lao động địa phương tại 2 vườn chuối Bời Lời (xã Đôn Thuận) và Tân Đông (xã Tân Đông).

Tuy nhiên, trong lúc ông Huy mong muốn thỏa thuận với tỉnh tây Ninh để “kết thúc vụ Bời Lời” thì tháng 2 và tháng 3 năm 2025, Viện Kiểm sát Nhân dân cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh bất ngờ ra 2 Quyết định rút toàn bộ Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm.

Lý do rút Kháng nghị được nêu trong quyết định gửi đến đương sự: Để phục vụ tình hình chính trị tại địa phương, bảo đảm dự án Khu liên hợp Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Phước Đông - Bời Lời thực hiện đúng tiến độ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Điều đó có nghĩa, Bản án thẩm 109/2023 DS-PT ngày 22/3/2023 của Tòa án Nhân dân tỉnh Tây Ninh mặc dù “gây thiệt hại cho đương sự” như nhận định của Viện Kiểm sát Nhân dân cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh, nhưng vẫn tiếp tục có hiệu lực.

Hiện cơ quan thi hành án đang gấp rút tổ chức thực hiện di dời trang trại chuối. Vì vậy, ông Võ Quan Huy tiếp tục khiếu nại lên lãnh đạo Trung ương.

Trong khi đó, tại huyện biên giới Tân Châu, trong số hơn 2.520ha đất của Công ty Cao su 1-5 Tây Ninh quản lý có khoảng 2.069ha là diện tích giao khoán, cho mượn theo hợp đồng. Đến thời điểm rà soát vẫn còn hơn 1.853ha của 263 hợp đồng các loại chưa thu hồi. Bà Mai Thị Kim Thanh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Tân Châu, thừa nhận, sau khi tỉnh thu hồi đất có nhiều người dân gửi đơn thư đến huyện, đơn kiện ra tòa nhưng đều bị bác hết.

Trao đổi với PV Báo Nông nghiệp và Môi trường, ông Nguyễn Đình Xuân (Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Tây Ninh) cho biết: Quá trình phát triển của tỉnh Tây Ninh trong giai đoạn hòa bình lập lại, đất đai bị hoang hóa rất nhiều. Bom mìn, chất độc da cam, đường sá đi lại khó khăn, hệ thống thủy lợi không có, điện cũng không có, phương tiện khai thác cày bừa cũng hết sức hạn chế.

Giai đoạn đó, Đảng và Nhà nước có chủ trương di dân đi làm kinh tế mới, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, mở ra các nông lâm trường quốc doanh, khai thác quỹ đất đưa vào sản xuất. Tuy nhiên, trong giai đoạn phát triển kinh tế thị trường đến nay, kinh tế nông lâm trường kiểu cũ bộc lộ rất nhiều hạn chế. Hiệu quả sản xuất của các công ty so với vốn Nhà nước bỏ ra bao nhiêu năm qua không tương xứng. Chưa kể để xảy ra một số vấn đề về tiêu cực. Quản lý đất đai không tốt, cho mượn, cho thuê, bị lấn chiếm, bị tranh chấp…

Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước đã có những chỉ đạo chấn chỉnh, thay đổi cách làm.

Tinh thần Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị và các Chỉ thị, văn bản chỉ đạo về cơ bản phải đưa đất đai vào sử dụng đúng theo quy định của pháp luật. Đất của Nhà nước giao phải được sử dụng đúng, khai thác đúng, phát huy được vai trò của đất. Không được lấn chiếm, cho thuê, cho mượn, hưởng chênh lệch địa tô bất hợp pháp.

Trả lời câu hỏi địa phương làm gì với đất trả lại, ông Nguyễn Đình Xuân cho biết: Phần lớn đất trả về các địa phương đang có 1 ông chủ trên đấy. Có thể là lấn chiếm, cho mượn, cho thuê; có thể hợp pháp, hợp pháp 1 phần hoặc không hợp pháp. Đất giao về địa phương có trách nhiệm xây dựng phương án sử dụng, tuy nhiên phần lớn còn lúng túng.

Một số đất diện tích lớn, tương đối tập trung thì địa phương thu hồi sau đó kêu gọi đầu tư. Để có được những cánh đồng mẫu lớn, có những nông trường mới, công nghệ cao, hoặc đầu tư vào phát triển chăn nuôi, làm giống… nhằm nâng cao giá trị, hiệu quả đất tăng lên.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Tây Ninh cũng giải thích, đối với các trường hợp muốn được giao đất (sau khi tỉnh thu hồi bàn giao về cho địa phương quản lý) phải đang không có đất, có nhu cầu trực tiếp sản xuất và phải tuân thủ pháp luật đất đai, thực hiện đủ nghĩa vụ tài chính…

“Có nhiều khó khăn nên trong thời gian qua Tây Ninh khá thận trọng, hạn chế giao đất cho các tổ chức. Khi thu hồi, người dân muốn tiếp tục làm, một số hộ dân khiếu nại, yêu cầu bồi thường công khai phá, tài sản trên đất của họ”, ông Nguyễn Đình Xuân nói.

Về trường hợp cụ thể của ông Võ Quan Huy mà chúng tôi đề cập, ông Nguyễn Đình Xuân nói ông tôn trọng phán quyết của tòa.

(Còn nữa)

Hoàng Anh - Kiên Trung - Minh Sáng
Tiến Thành

Nỗi đau của đất: [Bài 1] Án tử Bời Lời

Nỗi đau của đất: [Bài 2] 'Chết đứng' ở Tân Đông

Nỗi đau của đất: [Bài 3] Có đắng cay tên…“đất nhà nước”