Nỗi đau của đất: [Bài 3] Đắng cay tên…'đất nhà nước'

Đất nhà nước. Tôi đã nghe cái cụm từ ấy cả nghìn lần trong những ngày rong ruổi để tìm hiểu về câu chuyện đất nông trường ở xã Đôn Thuận, thị xã Trảng Bàng và 2 xã biên giới Tân Đông và Suối Dây thuộc huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh.

Nghe trong cuộc trò chuyện ngắn ngủi với ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tây Ninh, với hy vọng sẽ tìm thấy chút đồng cảm số phận những cuộc đời dấn thân vào nông nghiệp.

Nghe khi gặp gỡ bà Mai Thị Kim Thanh, người luôn theo sát chiến dịch thu hồi đất Công ty cao su 1 - 5 Tây Ninh từ những ngày đầu.

Dù có thoáng chút ngập ngừng và dường như có ít nhiều trắc ẩn: “Đúng là người dân có thiệt thòi thật”. Nhưng cuối cùng vị Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Tân Châu vẫn quả quyết: “Đất của Nhà nước từ ngày xưa tới giờ. Hơn 2.520ha đất đó là của Công ty Cao su 1-5 Tây Ninh, được UBND tỉnh Tây Ninh thu hồi và giao UBND huyện Tân Châu quản lý. Thành thử nói công khai hoang hay gì thì đất người dân đang canh tác cũng vẫn nằm trong diện tích đất Công ty Cao su 1-5 Tây Ninh, không có nằm ngoài. Bây giờ Nhà nước phải thu hồi lại”, bà Mai Thị Kim Thanh nói.

Quan điểm của chính quyền là vậy. Đồng nhất và quyết liệt. Bảo sao, với những cuộc đời của đất như Út Huy (Võ Quan Huy), Hai Thơ (Phạm Văn Thơ), Mười Trừ (Nguyễn Văn Trừ) và vô vàn phận đời khai hoang khác ở tỉnh Tây Ninh, cái cụm từ “đất nhà nước” giờ đây thật chua xót, đắng cay và ám ảnh.

Bà Mai Thị Kim Thanh cung cấp cho chúng tôi Quyết định thu hồi hơn 2.520ha đất ở 2 xã Tân Đông và Suối Dây của huyện Tân Châu. Cùng với đó là Quyết định phê duyệt Phương án sử dụng quỹ đất thu từ công ty cao su để bàn giao về huyện Tân Châu quản lý.

Tại các văn bản này của UBND tỉnh Tây Ninh thể hiện: Trong số hơn 2.520ha đất của Công ty Cao su 1-5 Tây Ninh quản lý, có khoảng 2.069ha là diện tích giao khoán, cho mượn theo hợp đồng. Đến thời điểm rà soát vẫn còn hơn 1.853ha của 263 hợp đồng các loại chưa thu hồi.

Đối tượng hợp đồng có hai dạng giao vườn cây liên kết trồng, khai thác cao su và khoán đất trồng cao su. Các hợp đồng hầu hết có ghi thời hạn từ 25 - 50 năm hoặc ghi chu kỳ cây cao su kèm theo thời hạn. Cá biệt có 9 hợp đồng với diện tích 57,7ha không xác định thời hạn hợp đồng.

Nhìn chung các hợp đồng không có sự thống nhất theo một khuôn mẫu nhất định nên tính phức tạp rất cao, khó áp dụng chính sách khi thu hồi sắp xếp sử dụng đất bàn giao về địa phương…

“Rõ ràng, tỉnh nắm rất rõ bản chất của các hợp đồng giao khoán và thời hạn của rất nhiều hợp đồng là 50 năm, từ năm 1996 đến năm 2046 mới hết hạn. Vậy tại sao chưa đến 30 năm đã thu hồi rồi? Làm như vậy liệu có phải là "đánh úp" dân hay không?”. Nguyễn Như Tuyên (40 tuổi), một trong số “263 hợp đồng các loại”, tuôn một tràng dài. Câu nào cũng thấy hỏi, bức xúc như bị dồn nén từ lâu.

"Nhưng năm nay anh mới có 40. Có phải người trực tiếp ký hợp đồng đâu mà thắc mắc?", tôi hỏi lại.

"Hợp đồng giao khoán là của bố mẹ tôi trực tiếp ký. Bây giờ một người đã già yếu còn người kia mất rồi. Tôi nhận thừa ủy quyền từ bố mẹ mình. Không làm thì ai?"

Có lẽ chúng tôi cứ hỏi đi hỏi lại nhau mãi như vậy nếu ông Trần Văn Trừ, Hoàng Văn Lâm và mấy người khác không kịp thời chạy tới.

Vừa ngồi xuống, Mười Trừ vội cắt ngang: Nếu nói hợp đồng của Công ty Cao su 1-5 Tây Ninh với người nhận khoán phải phân ra nhiều loại. Loại thứ nhất là hai bên ký trực tiếp với nhau, đất thật, người thật, làm thật. Loại thứ hai là dân tự bỏ công khai hoang đất, nhưng gặp giai đoạn đầu khó khăn quá, không có tiền để đầu tư nên buộc phải nhờ công ty dựng giúp hợp đồng, nhằm vay vốn ngân hàng. Loại thứ ba là các hợp đồng ủy quyền, cha mẹ già yếu để lại cho con cái, người này sang nhượng lại người kia…

"Hợp đồng nào tỉnh cũng thu hồi hết, không có đền bù gì hay sao?", tôi lại hỏi. Cả Mười Trừ lẫn anh Tuyên, anh Lâm đồng thanh: Thu hồi sạch sẽ. Chúng tôi cũng chỉ nhận được giấy thông báo ghi rất chung chung từ huyện. Một tờ A4 như trên trời rơi xuống. Ụp lên đầu người dân. Ai cũng bàng hoàng, điêu đứng.

Nguyễn Như Tuyên kể tiếp: Tui chạy lên xã hỏi bà Chủ tịch Nguyễn Thị Nhung. Tại sao đất của gia đình đang canh tác ổn định, hằng năm đều thực hiện nghĩa vụ với Công ty Cao su 1-5, cớ sao bây giờ thu hồi mà tôi không biết? Tui còn mách bà Chủ tịch xã là đất của mình hiện đang có người khác nhảy vào cày, yêu cầu xã ra lập biên bản. Chủ tịch xã trả lời, đất ấy đã giao Ban chỉ huy quân sự huyện Tân Châu quản lý để chống tái canh.

Lại chạy lên huyện hỏi. Nghe được thông tin đúng là có một số diện tích thu về từ Công ty Cao su 1-5 tỉnh đã bàn giao cho huyện. Tiếp nhận một thời gian huyện Tân Châu mang ra đấu giá cho người khác trồng mì. Họ nói làm thế để đất đỡ lãng phí. Trời ơi. Đất gia đình tui đang yên ổn canh tác bao nhiêu năm rồi, có phải bỏ hoang vô chủ đâu mà lãng phí hả trời?

Thảng thốt xong, Tuyên vội kéo tôi ngồi sau xe, nổ máy chạy ra đồng. Đồng rộng mênh mông bát ngát, loang lổ như một tấm da báo khổng lồ. Chỗ bên này đất mới thu hồi, đang bỏ không. Bạc phếch. Chỗ bên kia mấy hộ như ông Mười Trừ, ông Thanh đang trồng mì, trồng chuối. Xanh um.

"Đất này nông dân phải mất nhiều năm cải tạo, dày công chăm bón mới được như vầy", vừa chậm rãi chạy xe, Tuyên ngậm ngùi. Dường như với những người thuộc thế hệ thứ hai ở Tân Đông như anh, ai cũng biết ơn công khai hoang của người đi trước. Càng biết nghĩ lại càng đau, càng tiếc.

"Nhà báo xem. Toàn bộ khu này vốn của gia đình tui và gia đình anh Hoàng Văn Lâm đang canh tác. Nhưng giờ bỗng dưng thành đất của người khác. Họ cũng đang trồng mì. Thử hỏi như thế có đau xót hay không?", Tuyên lại hỏi.

Xe chạy qua trang trại chuối của Mười Trừ. Sau cơn mưa hồi sáng, bạt ngàn chuối đang lên xanh mơn mởn. Trái ngược với lòng người đang héo úa.

"Càng nghĩ tui càng thấy như có ai đó đã đeo sẵn vòng kim cô trên đầu mình tự hồi nào rồi", Mười Trừ nuốt nghẹn.

Cái hồi Luật Đất đai 2024 chuẩn bị ra đời, nông dân tụi tui hy vọng nhiều lắm. Công ty đã giải thể từ lâu, nhiều năm trời lại nay đất là mình canh tác, hy vọng chính quyền xem xét, có phải nộp thêm tiền vào mà được tiếp tục sản xuất cũng là mừng. Vậy mà, trong tất cả các buổi chính quyền mời lên làm việc, họ đều nói quy định của hợp đồng giao khoán là không được sang nhượng, không được chuyển đổi cơ cấu cây trồng…

Họ lấy đó làm cớ để cho rằng người nhận khoán đang vi phạm. Còn vấn đề quan trọng nhất là thời hạn hợp đồng, từ 50 năm vì sao thành 30 năm, chúng tôi lại không hề hay biết.

"Thông báo thu hồi đất của chính quyền giống như câu thần chú vậy", Mười Trừ thở dài. "Đọc xong, nông dân chỉ mỗi việc đứng lên, phủi tay rời đi mà không hiểu vì sao".

Cùng thời điểm nông dân Tân Đông đang tá hỏa với những tờ thông báo thu hồi đất thì ở xã Đôn Thuận (thị xã Trảng Bàng), câu chuyện đất đai đang đi đến hồi cuối. Đau đớn nhất là những nông dân đi làm thuê, làm mướn cho các trang trại trồng chuối, theo thời gian giờ đã bén hơi đất Bời Lời, nguyện lấy Bời Lời làm quê hương. Đã từng mang hy vọng có thể gắn bó hết cuộc đời với mảnh đất này. 

Giờ đây, hơn ai hết, họ đang gặm nhấm nỗi đau mang tên đất nhà nước.

Trong ngôi nhà cấp 4 tuềnh toàng, bà Nguyễn Thị Kim Huê (SN 1977) rầu rĩ nhìn vườn cao su già cỗi trong vườn nhà, cái nhìn như thể van lạy hàng cây mau ra mủ. Vườn cao su mới trồng hơn chục năm, không hiểu lý do vì sao năm nay cạn mủ. Những vết cạo chằng chịt khắp thân cây nhưng chiếc bát hứng nhựa dưới gốc vẫn khô coong, không có lấy một giọt mủ rơi xuống.

“Năm ngoái còn mót được một ít mủ, cả vườn cao su gần 100 gốc bán được vài ba triệu tiền mủ nhưng năm nay thì chưa được giọt nào”, bà Huê rầu rĩ.

Vườn cao su cằn cỗi này là một trong những nguồn thu chủ yếu của gia đình bà Huê. Gần 20 năm trước, vợ chồng bà tay trắng lên Bời Lời, được Út Huy (ông Võ Quan Huy - chủ trang trại chuối Huy Long An) nhận làm công nhân, lại được xắn cho một góc đất dựng nhà, làm vườn nên mới trồng xen ít cao su để có thêm thu nhập. Cuối năm 2024, chồng bà - ông Nguyễn Sơn Hải - chết vì bạo bệnh, để lại cho bà đứa con gái Nguyễn Thị T.T (sinh năm 2001) bị chất độc da cam, tâm thần, 25 tuổi mà ngô nghê như trẻ lên 10. Mỗi tháng, Nhà nước hỗ trợ T. 540 ngàn đồng - chế độ dành cho người khuyết tật.

Lại thêm nỗi éo le: Dù không được như người bình thường nhưng có đám mai mối, con gái bà Huê cũng có một tấm chồng. Như hiểu được nỗi băn khoăn của chúng tôi về câu chuyện này, bà Huê phân trần: “Cha mẹ nào chả mong con mình một lần được hưởng niềm hạnh phúc của một con người, rồi giời thương cho đứa con thì mai này, vợ chồng tôi có chết đi, nó vẫn có chỗ mà trông dựa…”.

Gạt nước mắt, mua âu lo, ông bà cho đứa con tật nguyền đi lấy chồng, chấp nhận canh bạc, để con mình kiếm được một chỗ dựa…

Ơn giời, T. cũng hạ sinh được một đứa trẻ. Khi đứa nhỏ lên 2 thì bố mẹ chồng chết, thằng chồng ruồng bỏ đứa vợ khuyết tật, hai mẹ con T. lại bồng bế về nhà mẹ đẻ, mang thêm cho chị Huê một gánh nặng: nuôi con tật nguyền, nuôi cháu đỏ hỏn...

Quệt nước mắt, bà Huê vào nhà lục tìm mảnh giấy xác nhận tình trạng khuyết tật của con, có chữ ký của ông Chủ tịch xã Đôn Thuận Bùi Văn Nhung từ năm 2013, đóng cái dấu đỏ chót cho chúng tôi xem làm bằng, cùng cuốn sổ nhật trình các tháng T. nhận tiền trợ cấp, mỗi tháng 540 ngàn đồng. Đấy là “nguồn thu” ổn định nhất của một đứa trẻ tàn tật!

“Giờ chồng tôi chết rồi, cao su cằn cỗi không ra mủ, vườn chuối của Út Huy tới đây nếu bị thu hồi sẽ có rất nhiều người trong đó có tôi mất việc. 3 mẹ con, bà cháu bây giờ chỉ biết trông vào mấy con bò nuôi thả…”, bà Huê ầng ậc nước mắt khi kể câu chuyện.

Người con gái tật nguyền ôm đứa trẻ trong lòng, nhìn mẹ khóc chỉ biết dỗ dành: “Mẹ, mẹ đừng khóc đi mẹ…”.

 

 

Nhưng, vẫn chưa hết những ai oán trong câu chuyện của mẹ con bà Huê. Tại ấp Bến Kinh (xã Đôn Thuận), trong số hàng trăm hộ dân sử dụng đất có nguồn gốc từ đất nông trường, khi bị thu hồi họ vẫn được hỗ trợ đền bù, có những hộ còn được tái định cư nơi ở mới. Chỉ duy nhất 2 trường bị thu hồi trắng, éo le thay lại rơi đúng vào gia đình bà Huê và gia đình người anh chồng - ông Nguyễn Chí Trung, nhà sát vách.

Gia đình bà Huê, ông Trung đều làm thuê cho trại chuối, được Út Huy cho mượn đất dựng nhà, làm vườn. Trong vụ án khởi kiện thu hồi đất trồng chuối của Công ty TNHH MTV cao su 30/4 với ông Võ Quan Huy, phần diện tích này nằm trong khu đất tranh chấp nên chịu chung bản án mà TAND 2 cấp ở Tây Ninh tuyên xử.

Trong khi đó, cũng sử dụng đất có nguồn gốc đất nông trường bằng hình thức thuê, mượn, sang nhượng…, cũng cùng thời điểm những năm 1990, khi bị Tây Ninh thu hồi phục vụ dự án Khu liên hợp Công nghiệp Phước Đông - Bời Lời… thì các hộ này lại được nhận đền bù, nhiều hộ được bố trí tái định cư nơi ở mới…, hoặc chí ít cũng được hỗ trợ tài sản trên đất.

Điển hình như trường hợp gia đình ông Lê Văn Nhẫn - bà Châu Thị Mai. Năm 1992, vợ chồng ông Nhẫn xin ông Nguyễn Văn Chí (Chín Chí) khoảnh đất rộng 1.728m2 đất để làm nhà ở và trồng cây, sau đó xây dựng công trình kiên cố, sống trên 30 năm trên thửa đất này.

Tương tự, vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Dũng, bà Trần Thị Hương mua 1.026m2 đất của ông Hồ Công Huy (nguồn gốc đất cũng thuộc phần diện tích đất ông Chí thuê của Nông trường). Sau khi Công ty TNHH MTV Cao su 30/4 khởi kiện ông Chí ra tòa đòi lại đất, tại bản án phúc thẩm số 264 ngày 15/9/2006, TAND tỉnh Tây Ninh đã chấp thuận cho các ông bà Lê Văn Nhân - Châu Thị Mai; Nguyễn Ngọc Dũng - Trần Thị Hương được quyền sử dụng đất đối với 2 thửa đất này sau khi thực hiện nghĩa vụ thanh toán một phần không đáng kể tiền sử dụng đất.

Những nghịch lý ấy khiến tôi cảm thấy day dứt suốt thời gian đi tìm nghe câu chuyện về nỗi đau của đất Bời Lời. Như thể trong sự vô lý ấy có lỗi của chính mình. Khi rời khỏi Trảng Bàng, tin nhắn bà Huê đuổi theo chúng tôi ra mãi ngoài Hà Nội: thông báo cưỡng chế, thu hồi đất của Chi cục thi hành án thị xã Trảng Bàng chuẩn bị thực hiện trên mảnh đất của gia đình bà... 

“Giờ thêm cả cái phí trả cho đoàn tháo dỡ, cưỡng chế thì mẹ con, bà cháu tôi biết sống làm sao”, hình như bà Huê khóc qua điện thoại.

Gia đình bà Huê, ông Trung cũng từng được nhận quyết định chế độ hỗ trợ tài sản trên đất (gồm nhà cửa, chuồng trại, cây cối hoa màu…) đối với trường hợp bị thu hồi lấy mặt bằng cho Khu liên hiệp Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Phước Đông - Bời Lời. Ngày 6/6/2024, Thị xã Trảng Bàng ban hành quyết định đền bù, hỗ trợ tài sản trên đất số tiền hơn 417 triệu đồng (đối với gia đình bà Huê); hơn 980 triệu đồng đối với gia đình ông Trung. Ngày 16/7/2024, Trung tâm phát triển quỹ đất Thị xã Trảng Bàng gửi Thông báo cho 2 gia đình lên UBND xã Đôn Thuận nhận tiền hỗ trợ.

Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, cho tới nay, hai hộ dân này vẫn chưa được nhận và cũng không có bất kỳ thông báo giải thích nào từ chính quyền tỉnh Tây Ninh.

Theo giấy mời, 14h ngày 18/7/2024, công dân sẽ lên xã để lãnh tiền, nhưng khoảng 11h trưa ngày hôm đó, một người điện thoại cho bà Huê nói rằng không phải lên xã ký nhận nữa. Từ đó tới nay, chúng tôi cũng không biết số phận gia đình mình như thế nào. "Trong khi đó, Chi cục Thi hành án Thị xã Trảng Bàng vừa gửi Thông báo sẽ tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ nhà cửa. Mẹ con, bà cháu tôi còn chưa biết ở đâu, không có tiền sinh sống hằng ngày nói chi đến tiền chi trả cho lực lượng cưỡng chế”, bà Huê tức tưởi.

Cách đó một bờ rào, hoàn cảnh gia đình ông Nguyễn Chí Trung cũng tương tự.

Theo tìm hiểu của PV Báo Nông nghiệp và Môi trường, tại ấp Bến Kinh (xã Đôn Thuận, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh), giai đoạn 3 của dự án Khu liên hợp Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Phước Đông - Bời Lời có hàng trăm hộ dân bị thu hồi đất; nguồn gốc đất bị thu hồi cũng là đất Nông trường Cao su Bời Lời, thời điểm sử dụng đất cũng giống nhau (giai đoạn đầu những năm 1990) nhưng vẫn được nhận tiền đền bù đất, tài sản, hoa màu trên đất; nhiều hộ còn được bố trí tái định cư.

Vì sao cùng một tính chất như nhau lại có những trường hợp bị thu hồi trắng, không xem xét đền bù, hoặc đã có phương án đền bù, hỗ trợ một phần (tài sản trên đất) nhưng cuối cùng lại bị bỏ lửng như trường hợp của hộ dân Nguyễn Thị Kim Huê, Nguyễn Chí Trung?

Câu hỏi này, rõ ràng Tây Ninh cần có câu trả lời thấu đáo!!!

Trong những câu chuyện rất dài về đất nông trường cao su 30/4, cao su 1/5 ở Tây Ninh, từ Đôn Thuận (thị xã Trảng Bàng) cho tới Tân Đông, Suối Dây (huyện Tân Thuận), chúng tôi gặp rất nhiều gương mặt, nghe nhắc tới nhiều cái tên bởi có nhiều người đến nay đã không còn có mặt trên cuộc đời này…

Những câu chuyện, những nỗi niềm, những hoang mang, khắc khoải của những người làm thật, sống chết với đất từ những thuở ban đầu. Đến một ngày, họ bẽ bàng trở thành bị đơn trong những vụ kiện đòi lại “đất nhà nước”, và kéo dài, dai dẳng suốt gần 20 năm qua.

Ông Phạm Văn Thơ (Hai Thơ), 75 tuổi, xã An Tịnh, thị xã Trảng Bàng, là một trong những người đầu tiên có mặt tại Nông trường Quốc doanh Bời Lời (đơn vị được thành lập từ thập niên những năm 1970 về trước).

“Sau tất cả, tụi tui đều mắc vào cái vòng luẩn quẩn thu hồi đất, không có tư liệu sản xuất. Mấy chục năm vật lộn vất vả, sau rồi phủi quần, vỗ tay một cái ra đi”, lão nông Hai Thơ chép miệng.

Giai đoạn những năm 1980, Nông trường Bời Lời do ông Nguyễn Văn Lũy (Sáu Lũy) làm giám đốc, đất đai mênh mông mà không có người khai khẩn, không có lực đầu tư. Sáu Lũy kêu gọi những người có “máu liều”, có đam mê nông nghiệp về khai khẩn, canh tác. Lớp đầu có Hai Thơ, Hai Phủ (ông Võ Quốc Phủ, nay đã mất)… Sau giám đốc Sáu Luỹ, tới thời ông Hà Minh Đỏ làm giám đốc, đất vẫn hoang vu, lứa Út Huy, Chín Chí… là lớp thứ 2.

Trồng mía một thời gian không hiệu quả vì không có đầu ra, không có nhà máy chế biến. Mía đường bên Thái Lan năng suất gấp 3 mía mình trong khi giá thành chỉ bằng 1/3, sao cạnh tranh được. Cây mía lụi. Vậy là chuyển sang trồng chuối, trồng mì… để có thu nhập, có tiền nuôi đất.

Khi Tây Ninh triển khai dự án xây dựng Khu di tích lịch sử Bời Lời, vùng đất canh tác 60ha của ông Hai Thơ nằm trong dự án, bị thu hồi toàn bộ. “Công trình trọng điểm có ý nghĩa lịch sử của tỉnh nên tui chấp thuận chủ trương, bàn giao trả đất cho chính quyền không được một cắc hỗ trợ công sức san ủi, cải tạo đất, chỉ được khoản hỗ trợ đền bù tài sản, cây cối trên đất đâu đó gần 1 tỷ đồng.

Người nông dân yêu đất, yêu lao động, ngưng tay là không chịu được. Tui mang số tiền đó qua Campuchia mướn đất tiếp tục  trồng chuối, trồng mì, làm được mấy vụ thì xảy ra dịch Covid, lại bỏ dở về tránh dịch. Rẫy bỏ không, không người trông coi, chăm sóc. Hết dịch trở lại, cả khu rẫy tan hoang bởi dân địa phương thả trâu bò vào phá hết. Thế là lại trắng tay, lại vỗ tay một cái rồi về”.

Chặng hành trình dài, mệt mỏi, lão nông Hai Thơ chỉ gói gọn trong bốn từ “vỗ tay rồi về” mà nghe nặng hơn cả tảng núi.

Xác nhận câu chuyện của Hai Thơ, ông Nguyễn Văn Đớt (65 tuổi), cán bộ kỹ thuật thế hệ đầu tiên của Nông trường Quốc doanh Bời Lời, nay đã nghỉ hưu, chia sẻ: Khi thành lập nông trường, mục tiêu là trồng cây cao su làm kinh tế nhưng khi đó, thứ mà nông trường sẵn nhất đó là đất, còn lại cái gì cũng thiếu: nhân lực, vật lực, nguồn nước… Do đó, khi cá nhân nào có ý định mướn đất để khai khẩn, canh tác, diện tích bao nhiêu cũng được chấp thuận. Bởi nhẽ, khi dự án cao su đổ bể, nông trường chuyển qua trồng điều. Cây điều là cây dễ trồng, dễ sống nhất mà cũng không chịu được, thế là bỏ đất hoang.

Nhiều năm, Nông trường cầm cự bằng tiền cho các hộ cá nhân thuê đất trồng mía, có những bữa cuối năm, anh Sáu Lũy phải đôn đáo chạy vạy, mượn tiền, vàng… của người thuê khoán đất mới có tiền trả lương, trả Tết cho cán bộ, công nhân. Nếu không linh động cho thuê đất trong thời gian đó, chắc chắn không có bộ mặt đất đai canh tác quy củ như ngày nay, mà cũng không chắc có giữ được đất bởi người ta vào khai phá, lấn chiếm tự phát…

Cùng câu chuyện của ông Hai Thơ, ông Nguyễn Văn Chí (Chín Chí) cũng ký hợp đồng thuê 6,4ha đất Nông trường Cao su Bời Lời từ tháng 9/1992 để sản xuất nông nghiệp. Quá trình sử dụng đất, Chín Chí đã khai phá, mở rộng thêm hơn 3ha nên thực tế sử dụng gần 10ha. Sau đó, ông cũng bị Công ty TNHH MTV Cao su 30/4 khởi kiện ra tòa thu hồi đất mà không đền bù, hỗ trợ. Hơn 20 năm, ông Chí kiên trì thưa kiện, kháng cáo… và đề đạt nguyện vọng xin tiếp tục được thuê để trồng mì, trồng chuối…, ngổn ngang đến tận bây giờ.

Những người như Hai Thơ, Chín Chí… là những người làm ăn quy củ, làm lớn, làm lâu dài.

Không riêng các hộ cá thể sử dụng đất nông trường cao su làm nhà ở, những người làm ăn lớn, quy củ, có hợp đồng thuê đất vài chục ha trở lên, khi bị thu hồi cũng vẫn được nhận đền bù, hỗ trợ công sức khai phá từ đó làm gia tăng giá trị đất đai ở Bời Lời.

Theo tài liệu chúng tôi thu thập, xác minh được cho thấy, gia đình bà Trần Thị Lài (vợ của ông Võ Quốc Phủ (Hai Phủ), người đầu tiên thuê đất nông trường cao su Bời Lời từ giai đoạn những năm đầu 1990 để làm nông nghiệp trồng mía, chuối, mì, nay ông Hai Phủ đã mất) - đang sử dụng phần diện tích gần 59ha tại Đôn Thuận, trong đó phần diện tích tự khai phá là hơn 18,8ha.

Năm 2018, khi Tây Ninh triển khai dự án Khu công nghiệp Phước Đông - Bời Lời (giai đoạn 1), chủ đầu tư đã thỏa thuận đền bù, hỗ trợ cho gia đình bà đối với phần diện tích 34,5ha (Biên bản thỏa thuận ngày 10/9/2018); tiếp đó, ngày 4/11/2021, tiếp tục thống nhất thỏa thuận nhận đền bù đối với phần diện tích 4ha, đơn giá 300 triệu đồng/ha.

Mới đây nhất, ông Võ Quốc Quân (con trai ông Hai Phủ) cho biết, gia đình đã bàn giao toàn bộ đất nông nghiệp (theo HĐ thuê đất với Công ty cao su Bời Lời), thống nhất phương án hỗ trợ 300 triệu đồng/ha.

Vì sao có sự khác biệt đối với các hợp đồng cùng thuê đất nông trường, cùng cải tạo, khai khẩn, cùng bị thu hồi để phục vụ dự án khu công nghiệp… nhưng có hộ được hỗ trợ, đền bù như gia đình ông Hai Phủ, bà Phạm Thị Lài, nhưng lại có nhiều trường hợp thu hồi trắng, không đền bù như các ông Hai Thơ, Chín Chí, Út Huy? Sự khác biệt này có lẽ cũng thêm nguồn cơn khiến câu chuyện đất nông trường Bời Lời thêm dai dẳng.

Rốt cuộc, những nông dân mất đất bị gián đoạn công cuộc đầu tư sản xuất nông nghiệp; dự án khu công nghiệp - niềm hy vọng của tỉnh Tây Ninh nhằm tạo cú hích đột phá để phát triển, thu hút đầu tư bị chậm tiến độ; chính quyền, các cơ quan tố tụng, người dân liên quan dai dẳng trong cuộc hành trình giải quyết câu chuyện đất đai theo con đường tố tụng…

Để giải quyết dứt điểm câu chuyện kéo dài nhiều năm và hài hòa lợi ích các bên, rõ ràng Tây Ninh cần có một đường hướng phù hợp hơn thay vì con đường tố tụng!

(Còn nữa)

Hoàng Anh - Kiên Trung - Minh Sáng
Tiến Thành

Nỗi đau của đất: [Bài 1] Án tử Bời Lời

Nỗi đau của đất: [Bài 2] 'Chết đứng' ở Tân Đông