



Bời Lời vốn là tên của một vùng đất nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Tây Ninh. Sau ngày giải phóng miền Nam được lấy để đặt tên cho một nông trường ở Trảng Bàng. Trải qua gần nửa thế kỷ, lớp lớp đất Bời Lời gian khó thuở xưa nay đã trở thành miền xanh cây trái bạt ngàn.
Chỉ có điều, lẩn khuất dưới màu xanh tưởng như bình yên và trù phú ấy dường như đang có một Bời Lời khác, chất chứa nhiều nỗi đau nhức nhối, ngay trên đồng đất.
Trang trại trồng chuối của ông Võ Quan Huy trải dài trên đồng đất mênh mông ở xã Đôn Thuận (thị xã Trảng Bàng). Rộng vượt quá một tầm mắt. Hơn 80 mẫu Nam bộ, trồng mỗi giống chuối già Nam Mỹ. Mùa này chuối đang thu hoạch. Đứng xa đã có thể nghe tiếng rì rầm của hệ thống cáp treo, ròng rọc tự động. Lời thì thầm của đất chăng? Lại thấy chuối từng buồng sau khi cắt xuống được khoác lên mình túi nilon, hàng nối hàng như có đoàn người khoác áo mưa đi vào nhà xưởng sơ chế.

Ông Huy bảo, mỗi tuần trang trại thu khoảng 3.500 đến 4.000 buồng chuối, đạt sản lượng tầm 50-60 tấn, mang thương hiệu Fohla xuất khẩu đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Malaysia... Người ta gọi nơi này là trang trại chuối triệu đô, thu hoạch lần đầu năm 2016. Toàn bộ hệ thống cáp treo, hệ thống chống đổ ngã, tưới tự động và phun bằng máy bay.
Tụi Hàn Quốc, Nhật Bản sang đây cũng phải nể. Giọng ông Huy thủng thẳng. Cũng dữ dằn chớ bộ. Cái tên Huy chuối, vua chuối người ta đặt cho tui xuất phát từ đây. Nào ngờ số phận trang trại hiện giờ còn tính bằng ngày. Như một tên tử tù đang bị áp giải ra pháp trường vậy đó. Ánh mắt ông Huy chợt chùng xuống. Có nằm mơ cũng không nghĩ hơn 30 năm trời gầy dựng trang trại, đầu tư công sức, tiền của vào nông nghiệp, giờ phủi tay đứng dậy sạch trơn. Chẳng còn gì.
Người Nam bộ, nhất là dân nông nghiệp có lẽ không mấy ai xa lạ với Út Huy. Một người say đất. 17 tuổi rời quê nhà Long An với hành trang là chiếc máy cày đi khẩn hoang. Đến giờ, ở tuổi 70 nhìn thoáng qua thôi đã dễ dàng cảm nhận, ông là một cuộc đời của đất. Màu đất lấp lánh trên làn da đen cháy, chất phác trong lối trò chuyện dân dã. Và dường như đến cả hơi thở trong thân hình cao lớn này cũng là hơi thở của đất.
Nông dân mà, không yêu đất sao được. Tui mê đất lắm. Giọng Út Huy nhẹ bẫng, thoáng tươi sau tiếng thở dài.
Ông kể về đất bằng vẻ say sưa. Hơn nửa thế kỷ qua, một nửa đời người với ông là hành trình đằng đẵng hòa mình cùng đất. Ông lái máy cày lên Bắc Tân Uyên (tỉnh Sông Bé cũ) khai hoang, trở thành Huy mía. Cởi trần trùng trục lao xuống cải tạo vùng nhiễm phèn Đồng Tháp Mười biến thành Huy đất. Xuống Sóc Trăng, Cà Mau thành Huy tôm. Về Long An, Tây Ninh trở thành Huy ớt, Huy mì, Huy bò rồi vua chuối…
Có thời điểm người ta làm phép cộng cho kết quả, Út Huy đang sản xuất hơn 1.000ha đất. Hầu hết trong số đó là đất khai hoang, phục hóa. Hết trồng trọt, chăn nuôi lại nuôi trồng thủy sản. Út Huy giống như vua Midas trong ngành nông nghiệp vậy. Chạm tay vào đất, đất biến thành vàng. Đất nâng bước ông lên bục nhận danh hiệu Nông dân xuất sắc 2 lần. Đất theo ông lên chuyên cơ ngồi cùng Thủ tướng, Bộ trưởng bay ra nước ngoài quảng bá nông sản. Sinh thời GS Võ Tòng Xuân từng suy tôn Út Huy là Nông dân số 1 Việt Nam…
Vậy mà bây giờ…


Trong lá đơn gửi nhiều cơ quan từ Trung ương đến địa phương, gửi đến cả Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh trước đó, ông Huy giãi bày thân phận của đất thật đắng cay. Đất như trứng treo đầu gậy, như sợi chỉ treo mành. Nhất là vào những ngày này, khi nguyện vọng hoãn thi hành án của vợ chồng ông gửi đến cơ quan thi hành án vừa mới có kết quả: Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Trảng Bàng bác bỏ. “Án tử” đã ban rồi. Trang trại chuối triệu đô này nhất quyết sẽ bị xóa sổ.
Nhà nước thu thì mình buộc phải chịu. Nông dân tụi tui nào dám cãi gì. Nhưng còn công lao khai khẩn... Ông Huy buông lửng câu, đưa ánh nhìn về phía ông Phạm Văn Thơ (Hai Thơ) đang ngồi đó với mấy người bạn khai hoang khác. Ai nấy đều bó gối trầm tư và lặng im như đất. Những gương mặt đen cháy, vết tích mưa nắng của phận đời vỡ hoang.
Út Huy, tao xin lỗi nghen mậy. Giọng ông Hai Thơ buông nghèn nghẹn. Mắt nhìn xa xăm như đang trôi về miền ký ức của những ngày nghe tiếng hô hào lên đường khai khẩn, trôi về những ngày đầu tiên họ đặt chân đến đất Bời Lời.
Rồi Hai Thơ mới kể: Gốc gác tui vốn ở Trảng Bàng này. Thời trẻ cũng làm mía đường với Út Huy bên Bình Dương. Làm theo kiểu công ty cấp tiền cho người có sức đi tìm đất trồng mía. Hết Bình Dương, Tây Ninh rồi lại lộn về dưới Đồng Tháp Mười. Có đất nào ở xứ này mà tụi tui chưa đặt chân đến? Bằng niềm tin sắt đá, người yêu đất, đất sẽ chẳng phụ người.
Một lần về quê gặp ông Hai Đỏ, Giám đốc nông trường Bời Lời, ông ấy bàn tui: Đất Bời Lời mênh mông cần người khai phá, mầy coi có ai dẫn về giúp tụi tao cái coi.
Hai Thơ gật. Bụng nghĩ ngay đến người bạn sức vóc đang vỡ hoang đất trồng mía ở Bình Dương.


Bời Lời ngày ấy quả thật hoang vu lắm. Nguồn gốc đất nghe kể lại là những năm tháng trước nông trường đã khai hoang để làm dự án trồng cao su với các nước Đông Âu. Nhưng sau không thực hiện được. Đất bị hoang hóa trở lại như thuở ban đầu.
Ông Nguyễn Văn Đớt (62 tuổi), nguyên cán bộ Nông trường cao su Bời Lời nhớ lại: Trước năm 1990, mục đích thành lập nông trường là để đưa dân lên khai hoang, hợp tác trồng cao su, trồng điều với các nước xã hội chủ nghĩa. Không may đúng thời điểm “anh bạn” bên Đông Âu sắp sụp đổ, dự án cũng tan theo. Chừng 20 cán bộ công nhân nông trường hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn nộp sản phẩm của người thuê đất. Thành thử tiếng là nông trường cao su nhưng diện tích phần nhiều là trồng mía, sau này là mì, cây ăn quả... Dân lên khai hoang muốn làm bao nhiêu thì làm.
Nghe Hai Thơ thuật lại lời ông Hai Đỏ, Út Huy lập tức dẫn người lên Bời Lời. Thoáng nhìn đất bạt ngàn thật, nhưng tứ phía toàn hố bom, cỏ dại ken đặc như rừng. Một vài chỗ là rừng chồi đang tái sinh, ụ mối đùn lên từng đống như mồ mả.
Chỗ này xương, máy cày sao vào được? Út Huy thắc mắc với Hai Thơ nhưng vẫn bảo anh em khác dựng lán, đi tìm nguồn nước để tính kế lâu dài. Mỗi người đi một hướng, Hai Thơ mò mẫm mãi mới thấy một cái giếng bỏ hoang. Nhặt hòn sỏi ném thử xuống rồi quay gót. Đi mấy bước mới nghe tiếng hòn sỏi chạm đáy vọng lên. Nước ngầm sâu quá. Không khéo lại phải bó tay với đất này. Nhưng Út Huy bảo anh em mình phải cố. Đất đang cần bàn tay của chúng ta.
Vừa khẩn hoang vừa đào kênh dẫn nước về và mất gần 2 năm Bời Lời mới có thể canh tác. May thay lúc ấy cũng đã có hệ thống nước tưới của Kênh Đông hồ Dầu Tiếng dẫn nước về. Đám người khẩn hoang dốc sức cải tạo, san lấp các mặt bằng theo hình thức “da beo” là “hố bom, ổ mối, bờ gom” để mở thêm diện tích sản xuất.
Khi nhóm Út Huy khuất phục được gần 90 ha đất cũng là lúc Hợp đồng kinh tế về việc nhận đất trồng mía được ký ngay trên đồng.
Bàn tay thô ráp của ông Huy lần dở hai bản hợp đồng, đã nhuốm màu thời gian, vỏn vẹn trong một tờ A4. Mực in cũ nhòe, giấy cũng đã ố vàng. Người đại diện nông trường, bên A tên Hà Minh Đỏ (Hai Đỏ) nghe bảo đã ra người thiên cổ từ lâu. Nhưng ngày tháng, số liệu và điều khoản vẫn còn khá rõ. Chiếu theo giấy tờ, diện tích 2 hợp đồng thuê đất vừa tròn 70ha, ký từ năm 1992 và 1993.
Ngoài 70ha trong hợp đồng tui còn khai hoang chừng 12ha nữa. Ông Huy tiếp. Đúng như Năm Đớt nói. Đất bạt ngàn, lại cần người nữa. Ai muốn làm bao nhiêu thì làm, mất công đo đạc làm gì. Quan trọng mỗi năm phải nộp thuế nông nghiệp và phí quản lý cho nông trường 6 tấn mía có 10 chữ đường trên một ha canh tác. Nộp bằng tiền đầu vụ thu, tương ứng với từng vụ thu hoạch. Nếu không sản xuất cũng phải nộp thuế và phí quản lý cho nông trường.
Hai hợp đồng của ông Võ Quan Huy ghi rất rõ: Sau khi hết hạn hợp đồng được ưu tiên ký tiếp.
Đó là điều khoản mà Út Huy cho rằng là một sự bảo đảm chắc chắn để tập trung hết mọi nguồn lực, thuê thêm 25 nhân công lên khai phá đất Bời Lời. Mỗi giọt mồ hôi dân khẩn hoang thấm vào đất mang theo cả khát vọng, niềm tin đưa vùng đất này trở thành điển hình sản xuất nông nghiệp của Tây Ninh. Nhưng đoạn trường của Út Huy và bạn bè khai hoang cũng bắt đầu từ đó.

Út Huy nghèn nghẹn: Theo hợp đồng thì thời gian sử dụng đất để canh tác cây trồng hàng năm là 11 năm và được giao tiếp nếu có nhu cầu. Đến khi hợp đồng hết hạn, tôi có đề nghị được thuê tiếp, còn nếu thu hồi thì trả công khai phá cho tôi, nhưng phía nông trường không chịu và kéo tôi ra tòa.
Từ năm 2004 nông trường Bời Lời đã đòi đất. Liền sau đó, không biết sáp nhập kiểu gì mà đến năm 2008, ông Võ Quan Huy và một số người khác lại thành bị đơn trong vụ kiện của Công ty TNHH một thành viên cao su 30-4 Tây Ninh. Mở đầu “kỳ án vườn chuối” và dẫn đến số phận hơn 80ha đất trang trại trồng chuối hiện nay của “nông dân số 1 Việt Nam” rơi vào thảm cảnh “bị áp giải đi ra pháp trường”.
Ở mấy phiên tòa trước, những người bạn khai hoang của Út Huy đã chán nản và bỏ cuộc. Nông dân mà. Nói chuyện làm sao để phát huy giá trị của đất còn rành, chứ đụng đến pháp lý có mấy ai nắm rõ? Mất đất là mất sạch trơn. Ông Phạm Văn Chí sau khi bị tòa xử thu hồi đất và tài sản trên đất cũng không được bồi thường đồng nào, thành ra người quen với chán nản. Mỗi bận nhắc đến cứ ngồi lặng im, giấu hết bức xúc vào trong. Ông Phạm Văn Thơ phẫn chí. Lệnh thu hồi đất giáng xuống, ông bình thản đứng dậy phủi tay khăn gói rời khỏi Bời Lời sang Campuchia thuê đất tiếp tục làm nông nghiệp. Không may gặp dịp Covid-19 mất trắng, giờ lại quay về tìm đất thuê trồng mì.
Riêng ông Huy, tiếc công sức, tiền bạc là một nhẽ, lại còn đèo bòng số phận hàng trăm con người đi theo mình đã mấy chục năm nay, giờ họ bơ vơ như gà lạc mẹ, nếu bỏ cuộc e là không ổn. Ông quyết phải khiếu nại, kêu cứu. Dù phải trả bất cứ giá nào.
Nhiều người bảo tui thưa kiện đi. Nhưng tui chưa. Bởi còn tin sự thật sẽ không thể nào thay đổi được. Út Huy phân trần. Tui cũng nói rõ luôn là không giữ đất nữa. Bất cứ lúc nào cũng sẵn sàng trả lại cho tỉnh Tây Ninh, ủng hộ tỉnh phát triển khu công nghiệp. Chỉ mong được xem xét bồi thường công khai hoang, phục hóa, công lao mấy chục năm nâng cao giá trị của đất. Không phải xem xét cho mình tui mà còn biết bao người.
Có điều, nguyện vọng đó của ông vua chuối đã hơn một lần bị cơ quan xét xử tỉnh Tây Ninh cự tuyệt. Kỳ án trang trại chuối triệu đô trở thành mớ bòng bong rắc rối khi các cấp tòa không có được sự thống nhất quan điểm. Hai vụ kiện trên cùng một diện tích đất biến Út Huy từ một người mê đất, có công khai hoang giờ đây đang ngày đêm day dứt, khổ đau vì đất.


Ở vụ kiện lần một từ năm 2007 -2008, kết quả mấy phiên xử đều tuyên buộc gia đình ông Võ Quan Huy trả đất và tháo dỡ toàn bộ tài sản trên đất. Phán quyết của tòa cũng bác kháng cáo của ông Huy yêu cầu thanh toán công khai hoang, phục hóa, san lấp, gìn giữ đất, cải tạo làm tăng độ phì của đất…
Mỗi lần nhận trát của tòa, Út Huy như chết lặng: Đất nhà nước thu hồi thì mình phải trả lại thôi. Nhưng tuyên thế này thì công lao của bao nhiêu người trong mấy chục năm qua coi như bỏ. Cảm giác như thể mọi người đang ngồi ăn cơm, gặp một cơn gió bụi lùa qua, mâm cơm đành phải vứt đi.
Sau nhiều đêm suy nghĩ, không can tâm với phán quyết của cơ quan xét xử huyện Trảng Bàng và Tây Ninh, vua chuối bèn khiếu nại lên Tòa án Nhân dân Tối cao. Và tia sáng hy vọng lại lóe lên đôi chút.
Ngày 21/5/2010, tại quyết định giám đốc thẩm, Hội đồng Giám đốc thẩm tòa dân sự Tòa án Nhân dân Tối cao xét thấy: Cần hủy bản án dân sự phúc thẩm và hủy bản án dân sự sơ thẩm của 2 cấp tòa Trảng Bàng và Tây Ninh để thu thập, xác minh thêm vụ việc liên quan đến đất nông trường Bời Lời.
Xin được trích dẫn nhận định của tòa tối cao về vụ việc: “Nếu diện tích đất tăng thì cần xác minh, làm rõ về diện tích đất tăng (do khai phá mở mang thêm hay khi giao đất không đo đạc cụ thể) để có cơ sở giải quyết theo quy định của pháp luật”.
Và: “Ngoài ra, cũng cần xem xét đến chính sách miễn, giảm thuế đất nông nghiệp của Nhà nước để làm căn cứ giải quyết vụ án theo Nghị quyết số 15/2003/QH11 ngày 17/6/2003 của Quốc hội là thiếu sót; chưa làm rõ diện tích đất khi ông Huy nhận thuê của Nông trường cao su Bời Lời là đất như thế nào, ông Huy đã phải cải tạo, đầu tư gì hay không để xem xét công sức cho ông Huy. Công ty lấy lại đất là để Công ty trực tiếp canh tác hay cho người khác thuê để đảm bảo thứ tự ưu tiên cho ông Huy thuê lại theo thỏa thuận của hợp đồng đã ký giữa hai bên”…
Từ những luận cứ nêu trên, Tòa án Nhân dân Tối cao quyết định hủy các bản án của Tòa án Nhân dân huyện Trảng Bàng và Tòa án Nhân dân tỉnh Tây Ninh về vụ đòi đất ông Võ Quan Huy.
Tiếp đó, ngày 6/7/2010, Tòa án Nhân dân huyện Trảng Bàng thụ lý lại vụ án mà Tòa án Nhân dân Tối cao đã tuyên hủy. Đến ngày 14/5/2014 tòa tiếp tục đình chỉ vụ án do nguyên đơn rút đơn kiện vì đất đã bị thu hồi theo Quyết định số 2027/QĐ- UBND ngày 30/9/2009 của UBND tỉnh Tây Ninh để thực hiện dự án Khu liên hiệp Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Phước Đông - Bời Lời. Tiếp đó năm 2018, Công ty cao su 30-4 Tây Ninh lại khởi kiện, nhưng tòa không thụ lý với lý do không đủ điều kiện.
Những diễn biến của vụ kiện lần thứ nhất khiến Út Huy suy nghĩ, phải chăng công lý đã được thực thi, số phận vườn chuối sẽ được cứu rỗi. Nhưng không. Đoạn trường lại bắt đầu.


Hồ sơ vụ án thể hiện: Ngày 29/4/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh có ký hợp đồng cho Công ty cao su 30-4 Tây Ninh thuê 136ha đất với mục đích “để khai thác cây cao su” và trang trại chuối của gia đình ông Võ Quan Huy lại tiếp tục vào vòng lao lý. Tòa án Nhân dân tỉnh Tây Ninh thụ lý và xét xử vụ kiện lần thứ hai, tiếp tục đòi đất trang trại chuối. Án tuyên của tòa buộc vợ chồng ông Võ Quan Huy phải trả lại đất. Trang trại chuối của nông dân xuất sắc Út Huy một lần nữa chịu án tử.
Ông Huy lại khiếu nại và lại có hy vọng. Tháng 11 năm 2023 khi Viện Kiểm sát Nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh có quyết định kháng nghị đối với bản án của Tòa án Nhân dân tỉnh Tây Ninh theo thủ tục giám đốc thẩm.
Cụ thể, sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ việc, cơ quan này có một số nhận định như sau: “Diện tích đất thuê hiện do ông Huy sử dụng, hợp đồng thuê đất chưa được giải quyết đúng pháp luật và các tài sản trên đất của ông Huy tại thời điểm tranh chấp có giá trị lớn nhưng UBND các cấp ra nhiều quyết định thu hồi là không đúng pháp luật”.
“Bản án của tòa Trảng Bàng và Tây Ninh quyết định bị đơn và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có nghĩa vụ đập bỏ, tháo dỡ, di dời cây trồng và các loại tài sản khác gây thiệt hại cho đương sự”.
Vì lẽ đó, Viện Kiểm sát Nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng quyết định kháng nghị giám đốc thẩm là có căn cứ. Đồng thời Viện đề nghị Ủy ban Thẩm phán Tòa án Nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử giám đốc thẩm. Tạm đình chỉ thi hành bản án của Tòa án Nhân dân tỉnh Tây Ninh.
Ai cũng tưởng lần này sẽ rõ. Nhưng mới đây nhất, hồi tháng 2 và tháng 3 năm 2025, Viện Kiểm sát Nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh bất ngờ ra Quyết định rút toàn bộ Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm nêu trên.
Lý do được nêu trong quyết định gửi đến đương sự: Để phục vụ tình hình chính trị tại địa phương, bảo đảm dự án Khu liên hợp Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Phước Đông - Bời Lời thực hiện đúng tiến độ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, Viện Kiểm sát Nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh thấy cần rút Quyết định kháng nghị. Đồng nghĩa, bản án của Tòa án Nhân dân tỉnh Tây Ninh tiếp tục có hiệu lực thi hành toàn bộ.
Út Huy ngậm ngùi: Tui là nông dân. Làm sao hiểu hết quy trình tố tụng. Tui cũng mong và ủng hộ tỉnh Tây Ninh có nhiều dự án phát triển kinh tế và sẵn sàng chịu thiệt thòi. Ví dụ chuyện đồng ý làm đường, lấy đất tới đâu giao tới đó như lần tỉnh thu hồi hơn 16ha giai đoạn 2 mà đến nay vẫn chưa đền bù. Tui vẫn chờ đợi mà không một lời ca thán. Và tui cũng tin pháp luật luôn được bảo đảm công bằng.
Giọng vua chuối chùng hẳn xuống. Một tiếng khóc nấc bật ra từ người phụ nữ, xóa vỡ bầu không khí nặng nề.


Người phụ nữ ấy là Nguyễn Thị Kim Huê, vợ của Nguyễn Sơn Hải. Hai vợ chồng họ cùng với gia đình ông anh trai Nguyễn Chí Trung và Phạm Thị Mỹ Lang theo ông Út Huy hết đi trồng mía, trồng mì lại trồng chuối đã mấy chục năm nay.
Cứ nghĩ sẽ gắn bó mãi với đất Bời Lời, họ luôn mong mỏi có được mảnh đất cắm dùi, cất nhà lấy chỗ chui ra chui vào. Cả 4 người gom góp mãi mới cất được hai ngôi nhà trên đất nông trường Bời Lời cũ. Giờ phán quyết của tòa là đập bỏ hết. Chị Huê khóc: Năm ngoái chồng tui chết, bỏ lại hai mẹ con. Đứa con gái nhiễm chất độc da cam, lại thêm đứa cháu ngoại đang còn nhỏ. Giờ nhà cửa bị đập, đất đai bị thu, thử hỏi sao tui sống hả trời?
Út Huy vỗ về: Tụi tao sống thì mày sống. Sự thật chắc chắn sẽ không thể nào thay đổi.
Chẳng rõ ông vua chuối đã nhắc đi nhắc lại câu “sự thật không thể thay đổi” lần thứ bao nhiêu.
Ông Huy lại tiếp tục ngồi viết đơn thư gửi đến các cơ quan chức năng và cá nhân lãnh đạo Trung ương, địa phương.
Vẫn là mạch nguồn tự sự của một người yêu đất. Út Huy giãi bày: Cuối năm ngoái, sau khi dự đối thoại của Thủ tướng, tui nhớ mình nêu nhiều vấn đề về khai thông nguồn lực đất nông lâm trường và trân trọng mời Thủ tướng vi hành tới các nông lâm trường để hiểu hơn về thực trạng hiện nay.
Trong phần kết luận, đề cập đến vấn đề tui nêu, Thủ tướng đã giao Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) chủ trì lập “tổ công tác đặc biệt” của Thủ tướng để kiểm tra, rà soát hiện trạng thực tế đất đai tại các nông lâm trường như kiến nghị, để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kịp thời ban hành các chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển sản xuất nông lâm nghiệp.
Giờ này tui đang tha thiết mong Thủ tướng chỉ đạo cơ quan, ban, ngành chuyên môn xem xét giải quyết nguyện vọng chính đáng của bản thân. Tui sẵn sàng giao đất cho địa phương để thực hiện dự án, nhưng đồng thời xin được xem xét bồi thường, hỗ trợ như bao người nông dân khác trong vùng dự án theo quy định của địa phương.
Nếu không có phương án thỏa đáng, thì rất nhiều tài sản như chuối đang thu hoạch, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất sẽ phải phá hủy và di dời, gây lãng phí và thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Tài sản đó đối với người nông dân ngoài công sức, tiền bạc, còn là cả cuộc đời.
(Còn nữa)