



Một buổi sáng ở Bời Lời (xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh), khi Út Huy đang phăm phăm trên con đường đầy đá sỏi nằm lọt thỏm giữa trang trại chuối bạt ngàn thì có đoàn công tác đến kiểm kê. Ai đó bắn tiếng: "Đất này vốn dĩ là đất Nhà nước. Anh em các ông “ăn” mấy chục năm nay chưa đủ hay sao? Giờ các ông phải trả lại cho Nhà nước".
"Nghe xong tui muốn khuỵu luôn, trời!", giọng Út Huy như có lửa. Lúc ấy, dù ngoài mặt cố giữ vẻ điềm tĩnh nhưng trong lòng thực sự héo như tàu lá, gãy đổ như cây chuối bị ai đó phạt ngang thân. Chắc chắn không thể ở đất Bời Lời này được nữa. Út Huy nghĩ bụng và lập tức phóng chiếc bán tải lên Tân Đông. Nơi ấy cách Bời Lời gần 3 giờ chạy xe, là xã biên giới của huyện Tân Châu.
Từ nhiều năm trước, Út Huy đã thường xuyên qua lại với những người bạn khai hoang ở Tân Đông. Họ, mê đất như nhau, mang chí hướng và khát vọng làm giàu từ đất như nhau. Nghe Út Huy kể chuyện Bời Lời có nguy cơ "thất thủ", Mười Trừ (Nguyễn Văn Trừ) khoát tay: "Thôi bỏ. Mày mang chuối lên trên này với tụi tao. Đất mênh mông, ngày trước trồng cao su mà giờ đang bỏ hoang. Tiếc lắm. Tụi mình cho cái đất biên giới này thành trang trại chuối số 1 Việt Nam luôn!".
Nghe lời bạn. Và dường như linh cảm được, không chóng thì chầy, đất chuối Bời Lời sẽ "thất thủ". Tháng 3/2019, Út Huy mở đường lên vùng biên Tân Đông tìm chỗ đứng cho giống chuối già mà mình đang canh tác.
“Chỗ đứng” ở đây hoàn toàn theo nghĩa đen. Nghĩa là đi tìm đất để cây chuối yên vị chứ không phải cuộc gian nan đi tìm thương hiệu, bởi danh tiếng “vua chuối Long An” Út Huy đã vang khắp nước.

Từ đây, qua cửa khẩu Kà Tum, cửa khẩu Tống Lê Chân hơn chục km là đặt chân sang đất bạn Campuchia. Tại hai xã Tân Đông, Suối Dây, Công ty cao su 1-5 Tây Ninh từ lâu đóng chốt, quản lý diện tích lên tới hơn 2.600ha.
Lần ngược thời gian: Năm 1989, huyện mới Tân Châu được thành lập trên cơ sở gộp 8 xã Tân Đông, Tân Hiệp, Tân Hội, Tân Hưng, Tân Phú, Tân Thạnh, Thạnh Đông, Thạnh Nghĩa (huyện Tân Biên) và 2 xã Tân Thành, Suối Dây của huyện Dương Minh Châu. Sau đó không lâu, Liên hiệp Xí nghiệp cao su Tây Ninh được thành lập trên huyện mới cũng với mục tiêu làm kinh tế, trồng cây cao su. Quãng ấy, đất Đôn Thuận (huyện Trảng Bàng) đã hoang hóa, thưa người thì đất Tân Đông, Suối Dây còn hoang vu hơn bội phần.
Mảnh đất vùng biên vừa qua cơn binh biến, dư âm cuộc chiến xâm lược biên giới Tây Nam của tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary vẫn còn hoảng loạn trong ký ức của người dân bản địa. Để phủ xanh mảnh đất vùng biên, Đảng, Nhà nước chủ trương đưa dân vào vùng kinh tế mới, khai hoang phục hóa...
Giai đoạn khởi đầu gian nan này, như hầu hết các nông - lâm trường khác, Xí nghiệp cao su 1-5 Tây Ninh cũng không đủ lực để khai thác quỹ đất rộng hàng ngàn ha, phải hợp đồng giao khoán cho các hộ dân theo mô hình liên kết: Xí nghiệp cho vay vốn, giống, hướng dẫn kỹ thuật; người dân cải tạo đất, trồng, chăm sóc cây cao su và trả bằng mủ, sau khi khấu trừ hết vốn vay sẽ ăn chia theo tỷ lệ % khai thác mủ. Thời gian giao khoán đất dài hạn lên tới 50 năm.
Theo thời gian, đơn vị chủ đất thay đổi tên gọi, cơ cấu tổ chức, từ Xí nghiệp cao su 1-5 Tây Ninh chuyển thành Công ty Cổ phần Cao su 1-5, tiếp đó là Công ty TNHH MTV Cao su 1-5 Tây Ninh. Tháng 5/2018, Tây Ninh chủ trương giải thể Công ty Cổ phần cao su 1-5 do cây cao su đã hết khả năng gia tăng giá trị kinh tế, để chuyển sang mô hình nông nghiệp công nghệ cao.
Đấy cũng là lý do mà Út Huy cất công tìm hiểu nguồn gốc đất Tân Đông!


Đầu năm 2019, vườn chuối công nghệ cao đầu tiên ở xã Tân Đông (huyện Tân Châu) thành hình. Mười Trừ là người đầu tiên ở Tân Đông bắt tay với Út Huy, “góp cổ phần” bằng gần chục ha đất trồng chuối.
“Ý định của tui, đó là mở rộng vùng trồng chuối sạch ở Tân Đông để các hộ dân trong xã có đất cùng tham gia sản xuất. Tui hướng dẫn kỹ thuật, lo đầu ra, bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Nó là bài toán “muốn đi xa thì phải đi cùng nhau” như anh Sáu Hoan (nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Phó Chủ tịch Quốc Hội Lê Minh Hoan) vẫn nói, và cũng là kế sách giúp người nông dân làm giàu, gia tăng giá trị nông nghiệp.
Bao năm cây cao su khốn khó, cây mì bấp bênh vì giá thu mua lên xuống, không ổn định. Muốn thay đổi đời sống người dân vùng biên phải có một cây trồng bền vững. Ở Tây Ninh, đó là cây chuối”, Út Huy chậm rãi.
Trong kế hoạch, Út Huy còn tính chuyện đường dài, là bày cho nông dân Tân Đông thành lập Hợp tác xã công nghệ cao trồng chuối sạch, chuối hữu cơ. Ông sẽ nhận làm “bà đỡ” trong những ngày đầu bỡ ngỡ.
Tháng 12/2019, vụ chuối đầu tiên cho thu hoạch. Những buồng chuối thành phẩm lũ lượt về xưởng sơ chế, được kỳ cọ, làm sạch, phân loại rồi đóng hộp xuất khẩu. Nông dân ấp Đông Lợi mừng khôn xiết. Nó giống như một cơn mưa mát lành trên vùng đất bấy lâu khô hạn.
Người vui nhất khi đó có lẽ là ông Mười Trừ!


Gia đình Mười Trừ có 2 hợp đồng giao khoán đất trồng cao su với Công ty cao su 1-5 Tây Ninh từ năm 1996. Một hợp đồng do ông đứng tên với diện tích 5,62 ha. Cái còn lại là vợ ông, bà Lê Thị Gái, với 4,78 ha.
Hơn 30 năm trước, vợ chồng, con cái dắt díu nhau từ dưới xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng (nay là thị xã Trảng Bàng) lên với đất này. Biên giới Tân Đông khi ấy chỉ là toàn rừng le. Một màu bạc phếch. Bà Gái nhìn đất chán chê xong quay ra ngán ngẩm, tha thiết khuyên chồng con quay về.
Nhưng Mười Trừ còn sức vóc, nói với vợ con: Lỡ đi rồi giờ sao quay lại? Thôi má con tụi bây cứ xem như cha bị đi tù. “Mức án” là 5 năm. Ba sẽ theo mọi người đi vào nhận đất của công ty để trồng cao su. Gắng chừng 5 năm nữa, đến chu kỳ cao su cho khai thác, may ra cả nhà mình mới có cái ăn.
Vào gặp công ty mới biết, họ cũng đang cần người làm. Hình thức là công ty giao đất, cho hộ nhận khoán vay tiền và hai bên cùng cải tạo đất, trồng cao su. Đến giai đoạn cây cao su có mủ, người nhận khoán trả quyền lợi cho công ty hằng năm, từ tiền thuê đất, tiền đầu tư hạ tầng, tiền bảo vệ… Thời hạn giao khoán theo hợp đồng là 50 năm, nghĩa là kéo dài đến năm 2046.
“Tui tính đến lúc hết hợp đồng chắc mình còn sống nên càng cố sức làm. Hy vọng để lại cho vợ con chút đỉnh. Vậy mà giờ lại thành kẻ trắng tay”, Mười Trừ ngắt quãng.
Trên diện tích xấp xỉ chục mẫu, vợ chồng Mười Trừ trồng cao su đến năm 2017. Cũng có thể coi là đủ nuôi mấy miệng ăn. Nhưng từ năm ấy, sóng gió bỗng từ đâu ập tới. Tự dưng không thấy công ty hoạt động gì nữa. Mủ cạo ra không biết bán cho ai. Công ty cũng không nói rõ là thực hiện tiếp hợp đồng như thế nào. Hỏi một vài người nghe nói, giá mủ xuống quá, chắc công ty phá sản, giờ người nhận khoán muốn làm gì thì làm. Bà con lần lượt phá bỏ cao su, chuyển sang trồng mì, trồng chuối…
Thanh lý vườn cao su xong mấy anh em tui gọi Út Huy lên gầy dựng trang trại chuối này. Mười Trừ khoát tay vẽ hình cánh cung. Phía xa chỉ thấy một màu xanh của chuối.
Cho nên, thành quả mà Mười Trừ nhìn thấy, nó cho ông niềm tin, hy vọng!


Út Huy là người trông xa, nhìn rộng. Tháng 5/2020, nhận ủy quyền từ các hộ có hợp đồng liên kết với Công ty cao su 1-5, hầu hết là những người tuổi cao sức yếu, không còn đủ sức khỏe, năng lực sản xuất. Hiệp đồng bằng “Giấy thỏa thuận chuyển giao quyền lợi, nghĩa vụ thực hiện giao khoán”, Út Huy tiếp tục quyền sử dụng gần 68ha vẫn còn thời hạn, có những khế ước giao khoán, thời hạn tới… năm 2045.
Với kinh nghiệm gây dựng hàng chục farm trồng chuối công nghệ cao, từ Long An cho tới Bình Dương, Đồng Nai, Trảng Bàng (Tây Ninh), Củ Chi (TP.HCM)…, thêm một farm chuối trên đất Tân Châu, với Út Huy không khó. Đó là sở trường, và cũng là đam mê.

Có thêm hơn 20 ha do các hộ cá thể cùng liên kết góp vốn bằng đất, Út Huy bỏ vốn, quy hoạch cải tạo lại đất. Công nhân kinh nghiệm từ các farm khác được tăng cường về Tân Đông. Lắp đặt hệ thống tưới tự động, giàn chống, hệ thống ròng rọc dài vài chục km dọc ngang vườn; cất mới 4 nhà xưởng sơ chế chuối sau thu hoạch… Chi phí trên 1ha là 650 triệu đồng.
Tính cả vùng chuối tròm trèm 90ha, kinh phí đầu tư Út Huy bỏ ra lên tới 50 - 60 tỷ đồng. Một số tiền khổng lồ! Bỏ ngần ấy tiền, đương nhiên không ai làm chơi. Đó là một cuộc dốc vốn lâu dài!
Người hiểu Út Huy cũng sẽ nhận ra, đó là phương án phòng xa của ông. Trong tình huống farm chuối Bời Lời bị thu hồi để thực hiện dự án khu công nghiệp, Tân Châu sẽ là vùng gối đầu, thay thế trên đất Tây Ninh, vừa duy trì ổn định vùng trồng, vừa giữ chữ tín với các đối tác đã ký kết hợp đồng tiêu thụ…
Hồ Thị Nguyền, cô kỹ sư nông nghiệp trẻ quê Cà Mau, sinh năm 1994, tốt nghiệp loại giỏi khoa Trồng trọt của trường Đại học Cần Thơ, vừa ra trường đã xin “đầu quân” cho Công ty Huy Long An, theo “Út” - cách xưng hô đầy yêu thương, trìu mến mà cô dành cho ông Võ Quan Huy, tới nay đã sang năm thứ 9.
Ngày đầu tiên đưa giống chuối già lên vùng biên giới, cô có mặt.


“Khi Út mới lên, Tân Đông cũng đã có người trồng chuối nhưng quy mô nhỏ, phân tán, chưa bài bản. Nông dân chưa có vốn, chưa có kinh nghiệm nên chất lượng chuối chưa cao, giá bán vì thế rất thấp nên không mấy ai mặn mà. Farm Tân Đông của Út là farm đầu tiên, bài bản và lớn nhất ở Tân Châu”, Nguyền nói.
Có đất, Út Huy tiến hành trồng chuối đại trà. Được mấy tháng thì xảy ra Covid. Sản xuất nông nghiệp giữa mùa dịch. Những ai sống trong thời khắc này đều biết khó khăn nhường nào. Tổ 970 (tổ công tác đặc biệt của Bộ NN-PTNT tại Nam bộ) thời kỳ dịch đã góp phần không nhỏ để duy trì sản xuất cho nhiều nông trại, trong đó có farm chuối của Út Huy.
Út Huy họp bàn một số đơn vị đang làm kinh tế trên đất Tây Ninh, nói: “Phải chung tay cùng tỉnh chống dịch, đứng ngoài cuộc không có được!”.
Đóng góp tiền, hỗ trợ hàng thiết yếu cho địa phương, hỗ trợ người dân. Tỉnh cấp vacxin về chích ngừa cho công nhân đủ liều lượng theo quy định. Công nhân trồng chuối cách ly tại chỗ, ngày đi làm mỗi người phụ trách một khu. Đêm về, ai ở phòng đó, tự giãn cách, không ai tiếp xúc ai. Tuân thủ quy chế chống dịch mà sản xuất vẫn duy trì, không đứt gãy.
Đại dịch qua đi thì tới thiên tai, địch họa. Một cơn bão lớn đổ bộ vào Tân Châu bẻ gãy 4.000 cây chuối đang tuổi sung, sắp cho buồng. Chuối đổ như ngả rạ. Lại huy động công nhân từ các farm Bời Lời, Đức Huệ… lên hỗ trợ, dọn dẹp, trồng mới, trồng dặm. Thiệt hại không kiểm xiết.


Tiếp đến là những khó khăn do chưa hiểu hết, biết hết về đất mới, chưa thông thổ nhưỡng, địa hình đất Tân Đông. Công nhân tuyển mới chưa có kinh nghiệm, đào rãnh thoát nước giữa các hàng trồng không đủ độ sâu. Mưa lớn, nước ngập, rừng chuối ngâm mình trong nước quá gốc. Hệ lụy của ngập úng khiến chuối bị úng. Thối rễ, sâu bệnh lây lan hoàng loạt.
Bệnh phổ biến nhất trên cây chuối là bệnh Panama do nấm fusarium gây ra. Thân chuối nứt dọc. Một thời gian cây vàng lá, chết hàng loạt.
“Không triệt dứt điểm bởi tới nay vẫn chưa có thuốc trị. Cách xử lý duy nhất, đó là trồng mới, và phải chọn giống chuối có khả năng kháng bệnh để thay thế”, Kỹ sư phụ trách kỹ thuật farm chuối Tân Đông, cô Hồ Thị Nguyền khẳng định.
Lại mất thêm cả năm trời. Sang năm 2024, vườn chuối Tân Đông mới bắt đầu ổn định, đi vào nề nếp. Vụ chuối đang thu hoạch thời điểm chúng tôi có mặt là những trái ngọt đầu tiên!
Tính toán sơ bộ của kỹ sư Nguyền: farm chuối Tân Đông mỗi ngày đang cho thu hoạch từ 400 - 600 buồng, mỗi buồng đạt gần 30kg đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Rộ vụ tháng 9 tới đây, sản lượng cho 700 - 800 buồng/ngày, ước tính 1 năm đạt khoảng 5.400 tấn chuối quả. Đủ tin tưởng, cây chuối của Út Huy tự tin đứng chân trên đất Tân Châu.
Điều đó minh chứng rằng, đầu tư vào nông nghiệp, thuần dưỡng được đất, đó không chỉ là công sức, tiền của, mà còn một ý chí sắt đá cùng thời gian!


Những tưởng đã đến lúc được thở thì một khúc cua mới lại bất ngờ vẽ ra trước mặt Út Huy, khiến ông chết đứng: UBND huyện Tân Châu ra thông báo thu hồi toàn bộ 90ha đất chuối Tân Đông mà ông vừa dày công gây dựng. Mà thu hồi trắng, không đền bù, không biết người ta bỏ công sức khai phá đất, bỏ 5 - 6 chục tỷ đồng đầu tư cho cây chuối đứng lên!
Quyết định mang số 3479 của UBND tỉnh Tây Ninh với nội dung: “Phê duyệt Phương án sử dụng quỹ đất Công ty TNHH MTV Cao su 1-5 Tây Ninh, bàn giao về địa phương quản lý”. 5/11 xã thuộc Tân Châu nằm trong diện thu hồi. Kèm theo Quyết định này là thực trạng quản lý, sử dụng quỹ đất do nhà nước giao của Công ty cổ phần Cao su 1-5 Tây Ninh.
Theo đó, Công ty cao su 1-5 đang trực tiếp quản lý, sử dụng gần 740ha, gồm hơn 675ha đất nông nghiệp. Hơn 63ha đất phi nông nghiệp, có lẽ là phần diện tích xây dựng hạ tầng, nhà xưởng, công trình trên đất.
Đất giao cho Công ty 1-5 nhưng công ty không trực tiếp quản lý, sử dụng, cũng không thuộc các hợp đồng giao khoán là 57,6ha, gồm 21,3ha đất vườn cao su Phạm Môn tại xã Trường Hòa, thị xã Hòa Thành; 33,2ha đất có cây rừng, chủ yếu là cây dầu tại xã Tân Đông; 3ha đất bị lấn chiếm tại xã Suối Dây.
Đất Công ty hợp đồng giao khoán, cho mượn là hơn 2.069ha. Trong đó, diện tích lớn nhất là hợp đồng liên doanh liên kết (105 hợp đồng tương ứng 1.068,5ha); 18 trường hợp cho mượn đất (144,6ha). Đối tượng hợp đồng có hai dạng: giao vườn cây liên kết trồng, khai thác cao su và khoán đất trồng cao su. Các hợp đồng hầu hết ghi thời hạn từ 25 - 50 năm hoặc ghi chu kỳ cao su kèm theo thời hạn. Có 9 hợp đồng với diện tích 57,7ha không xác định thời hạn.
Cũng tại Quyết định 3479, ghi: Hợp đồng liên kết trồng và khai thác cao su (liên doanh - liên kết), tổng số có 130 hợp đồng, diện tích hơn 1.272ha. 105/130 hợp đồng chưa thanh lý, trả đất cho công ty cao su chiếm diện tích 1.068,5ha, vườn cây hầu hết đã già cỗi, không còn hiệu quả kinh tế. Thời hạn hợp đồng ghi nhận từ 40 - 50 năm. Tính đến thời điểm ban hành quyết định phê duyệt phương án sử dụng đất trồng cao su của Công ty cao su 1-5, nhiều hợp đồng còn thời hạn từ 5 - 10 năm (42 hợp đồng); 10 - 15 năm (58 hợp đồng); trên 15 năm có 3 hợp đồng và 2 hợp đồng không xác định thời hạn.
Khi xem những nội dung này, Út Huy lặng thinh, không nói. Ông nhìn ra rừng chuối xanh ngút tầm mắt mà mình vừa gây dựng trong vòng 5 năm, tính từ thời điểm 2019, giờ đã trải dài tưởng như đến tận chân trời. Tiếc. Trong khi những người làm thật khát đất, thì đất được giao cho các đơn vị như Công ty cao su 1-5 bỏ phí. Ngần ấy năm trời, Cao su 1-5 mới chỉ sử dụng, khai thác 675/2.865ha, chưa đầy 1/4 quỹ đất.
Điều đó có thể được hiểu, phần diện tích đất mà Cao su 1-5 liên doanh liên kết (hình thức giao vườn cây liên kết trồng, khai thác cao su và khoán đất trồng cao su), hiệu suất, hiệu quả lớn hơn nhiều so với pháp nhân Nhà nước vận hành.
Trong số này có phần diện tích gần 10ha của vợ chồng ông Mười Trừ đang canh tác, và có gần chục trường hợp khác liên doanh liên kết ủy quyền cho Út Huy thừa kế, tiếp tục khai thác quyền sử dụng đất cho tới khi hết thời hạn trong hợp đồng. Út Huy đã biến nó thành những rừng chuối xanh ngút ngàn ở vùng biên giới Tân Đông.
Nhưng, mục đích thu hồi để làm gì, đó mới là câu trả lời quan trọng nhất!


Sau Quyết định 3479, ngày 22/4/2022, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Trần Văn Chiến ban hành QĐ 940 thu hồi hơn 2.520ha đất của Cao su 1-5 tại hai xã Tân Đông, Suối Dây. Không có một từ nào nhắc những người dân đã gắn bó với đồng đất Tân Đông, Suối Dây suốt mấy chục năm qua.
Mười Trừ chua xót: tỉnh Tây Ninh nói đất thuộc quyền sử dụng của Công ty Cổ phần cao su 1-5 Tây Ninh. Ừ thì đúng. Nhưng 30 năm qua chúng tôi là người khai hoang, phục hóa, cải tạo đất. Công ty chỉ quản lý đất trên danh nghĩa, còn lại dân làm hết. Cớ sao giờ thu hồi mà không bồi thường cho dân được một đồng nào?
Xanh mướt mắt dưới ánh nắng mai đầu hạ. Những tàu chuối xanh thẫm, ngửa tênh hênh như bàn tay vẫy. Nhờ Út Huy đưa giống, phân bón, khoa học kỹ thuật vào cải tạo mới được như vầy. Vụ chuối đầu tiên xuất khẩu liền, mỗi ha lãi lời hơn trăm triệu, bằng mấy chục năm cao su cộng lại. Mười Trừ từng thoáng vui. Nhưng niềm vui ngắn ngủi, như mắc nghẹn.


"Tui đi lên huyện, hỏi đất đang còn thời hạn hợp đồng, người dân đang sống tốt sao lại thu hồi? Nghe trả lời đất này là của công ty cao su, tức là đất Nhà nước, giờ Nhà nước thu hồi để bàn giao về cho huyện Tân Châu quản lý. Hỏi cán bộ phụ trách thì nói rằng để quy hoạch phát triển khu nông nghiệp công nghệ cao và giao cho người dân có nhu cầu sản xuất. Thì chúng tôi cũng là dân. Cũng đang làm nông nghiệp công nghệ cao còn gì", Mười Trừ thắc mắc.
Nhưng lệnh thu hồi đất đã ban. Mười Trừ không cam lòng, tiếp tục khiếu nại. Kết quả là quyết định xử phạt hành chính về hành vi chiếm đất, mức phạt 85 triệu đồng.
Đau đớn như Hoàng Văn Lâm, một nông dân quê mãi ngoài Phú Thọ vào tìm đất xây dựng kinh tế mới. Công ty hết hợp đồng, anh Lâm nhận sang nhượng lại của mấy người lớn tuổi. Vừa trồng cao su, trồng chuối, trồng mì. Giờ tỉnh thu hồi thành ra người tay trắng.
Hay như trường hợp của Nguyễn Như Tuyên, hợp đồng nhận khoán do bố mẹ cho kế thừa, đang trực tiếp canh tác trên 5,36ha. Giữa năm rồi đang chuẩn bị trồng mì thì bỗng nhiên nhận được thông báo thu hồi đất, cả anh Lâm và anh Tuyên đều tá hỏa. Chạy ra rẫy xem đã thấy người khác lái máy cày vào làm đất để chuẩn bị trồng mì.
“Đời người nông dân, đau đớn nhất là nhìn người khác canh tác trên đất của mình dày công khai mở”, giọng Tuyên tức nghẹn.


Từ người trực tiếp ký hợp đồng giao khoán, người sang nhượng, thừa kế đất từ khế ước với Công ty cao su 1-5 Tây Ninh, không một ai là ngoại lệ.
Út Huy cũng chết đứng trong số ngần ấy con người đang sử dụng đất của Cao su 1-5, đang khai thác hiệu quả từ sản xuất nông nghiệp, đang đi đúng, mà còn đi trước đường hướng “phát triển nông nghiệp công nghệ cao” mà Tây Ninh vừa vạch đường.
Nhớ lại cuộc trao đổi của PV Báo Nông nghiệp Môi trường với Giám đốc Sở Nông nghiệp Môi trường tỉnh Tây Ninh, ông Nguyễn Đình Xuân nói: “Ông ấy (Võ Quan Huy - PV) phải bước một chân lên trước, đưa một cái tay ra trước thì mới có thể tìm được hướng giải quyết (trong câu chuyện thu hồi đất nông - lâm trường) này được”.
Đấy là khi vụ việc đất Bời Lời tại Trảng Bàng của Út Huy vẫn đang bế tắc. Công ty TNHH MTV 30-4 do Văn phòng Tỉnh ủy Tây Ninh thành lập, đang nhân danh Nhà nước khởi kiện những người mượn đất của Nông trường cao su Bời Lời khi xưa ra tòa để đòi lại đất.
Đấy là khi, Tây Ninh thu hồi hơn 2.600ha đất nông nghiệp mà Cao su 1-5 làm chủ suốt hơn 40 năm không hiệu quả, trong khi những người thuê mượn, hợp đồng sử dụng đất lại đang canh tác hiệu quả, thuần dưỡng để đất trả vàng.
Và, mục đích thu hồi đất tại huyện Tân Châu, là để quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao - thứ mà “vua chuối” Võ Quan Huy đã và đang thực hiện từ rất lâu.
Khi chúng tôi đặt câu hỏi này, đại diện Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Tân Châu bối rối: “Huyện đang trình phương án lên UBND tỉnh để xin ý kiến chỉ đạo”.
Còn Út Huy, ông “chết đứng” trước một quyết định thu hồi, dù nó không phải là bản án mà cơ quan tố tụng tỉnh Tây Ninh đã tuyên như với đất nông trường Bời Lời mà ông đang đeo đuổi.
“Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế. Nhưng ở địa phương, trụ đỡ ấy có đúng hay không, tôi không có rành”, Út Huy nói.
“Mấy năm nay, Út lo nhiều công chuyện, Út già đi nhiều, tóc bạc trắng tới độ không thể trắng hơn”. Chợt nhớ lời của cô kỹ sư trẻ Hồ Thị Nguyền, khi một cơn gió bất chợt ập đến giữa buổi trưa chang nắng vùng biên Tân Châu. Cơn gió khiến những tàu lá chuối lật ngửa, như những bàn tay vẫy!
(Còn nữa)