Trong khi đó, chợ đầu mối thủy hải sản xây xong lại bỏ hoang...
Ông Bùi Thanh Hùng ở số nhà 194/4, khóm Phó Quế, phường Mỹ Long, cho biết người dân hết sức bức xúc do ô nhiễm môi trường của nước thối cá biển, cá sông đủ loại. Chợ tạm cá tôm mọc lên giữa khu dân cư đông đúc này từ đầu năm 2014, do dời chợ ở sân vận động An Giang về đây.
Ông Hùng chỉ tay ra mặt đường, cống thoát nước bị hư hỏng, nói thêm: Hạ tầng hư hết, chợ lại ở trước cửa nhà nên không ăn ngủ gì được. Chúng tôi đã gửi đơn kêu cứu khắp nơi.
Gần 100 tiểu thương ở chợ tạm cũng bức xúc, cho biết chợ đầu mối thủy hải sản xây dựng xong nhưng chưa được di dời. Một số tiểu thương đã nhận lô trong chợ đầu mối, bỏ thêm tiền làm gian hàng, có người hơn 100 triệu đồng mà “vốn chôn ở đó, buôn bán tạm ở đây”.
Đầu tư chợ đầu mối thủy hải sản thành phố Long Xuyên là Cty TNHH Châu Việt Long cũng đang khiếu nại về việc không cho dời các tiểu thương buôn bán về đây.
Giám đốc Cty Châu Việt Long cho biết, hưởng ứng lời kêu gọi đầu tư của địa phương, từ đầu năm 2015, ông gom tiền của người thân, đầu tư hơn 20 tỷ trên khu đất rộng gần 6.000 m2, ở phường Bình Khánh cách chợ tạm chừng 4 km. Chợ đầu mối nằm bên sông Hậu, có 7 cầu tàu đón ghe thuyền, bãi xe tải và hệ thống xử lý nước thải hoàn chỉnh.
“Chính quyền liên tục đốc thúc hoàn thành nhưng khi chúng tôi hoàn thành lại không cho tiểu thương vào đây hoạt động”, ông Long nói.
UBND tỉnh An Giang cũng có nhiều công văn đốc thúc xây dựng chợ đầu mối. Ngày 23/10/2015, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, ông Võ Anh Kiệt chỉ đạo di dời chậm nhất là ngày 10/11/2015. Nay qua thời hạn đó đã lâu.
Một vị lãnh đạo UBND thành phố Long Xuyên giải thích, công tác di dời chuẩn bị xong thì ngày 9/11, Chủ tịch UBND tỉnh Vương Bình Thạnh chủ trì cuộc họp, yêu cầu dừng việc di dời chợ tạm.
Văn phòng UBND tỉnh An Giang cho biết, sau khi Cty TNHH Châu Việt Long khởi công xây dựng chợ đầu mối thủy hải sản, ngày 16/6/2015, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh chỉ đạo cho Cty TNHH Đầu tư và Chế biến Lương thực Thiên Ngọc xây dựng khu thương mại dịch vụ dân cư phường Mỹ Thới gần đó. Trong đó có chợ đầu mối nông sản kết hợp một phần thủy hải sản.
Chủ trương này trái với “Quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại tỉnh An Giang đến năm 2020”, do chính ông Vương Bình Thạnh ký ngày 25/11/2008, chỉ có một chợ đầu mối thủy hải sản.
Nhưng vì sự điều chỉnh “ngang hông” mà chợ đầu mối ở phường Bình Khánh xây dựng xong chưa được dời chợ cá tôm tạm ở phường Mỹ Long vào hoạt động, để chờ chợ ở phường Mỹ Thới xây xong cùng lôi kéo tiểu thương.
Giám đốc Cty TNHH Châu Việt Long lo lắng rằng, chính quyền bất nhất như thế thì đầu tư sẽ thiệt hại lớn.
Ông nói thêm, chợ đầu mối của doanh nghiệp ông ở phường Bình Khánh đúng quy hoạch nhưng do Phó chủ tịch tỉnh Võ Anh Kiệt chỉ đạo, còn chợ ở phường Bình Thới do Chủ tịch tỉnh Vương Bình Thạnh cho mở thêm, nên dẫn tới thực trạng xây dựng xong vẫn phải chờ như hiện nay.
“Từ nay đến năm 2020, tổng số chợ trên địa bàn tỉnh An Giang sẽ tăng thêm 34 chợ (xây mới 81 chợ; di dời, giải toả 47 chợ). Hình thành 3 chợ đầu mối chuyên doanh bao gồm 1 chợ đầu mối lúa gạo, 1 chợ đầu mối thuỷ sản và 1 chợ đầu mối rau, đậu.
Các chợ đầu mối bán buôn nông sản sẽ trở thành trung tâm thúc đẩy các loại hình bán lẻ nông sản khác như các cửa hàng tiện lợi, chợ bán lẻ, siêu thị”, Quyết định ngày 25/11/2008 của UBND tỉnh An Giang.