| Hotline: 0983.970.780

Cảnh báo nắng nóng ảnh hưởng sức khỏe thủy sản nuôi

Thứ Tư 21/05/2025 , 17:21 (GMT+7)

Khánh Hòa Tỉnh Khánh Hòa đang xảy ra nắng nóng khiến nhiệt độ nước tăng, thủy sản nuôi dễ bị sốc, giảm sức đề kháng và mắc bệnh.

Nắng nóng ảnh hưởng thủy sản nuôi

Những ngày này, ông Lê Minh Chính, người nuôi tôm thẻ chân trắng ở xã Ninh Phú (thị xã Ninh Hòa) luôn túc trực kiểm tra nguồn nước ao để ứng phó thời tiết nắng nóng bất lợi.

Thời tiết nắng nóng sẽ ảnh hưởng sức khỏe thủy sản nuôi. Ảnh: KS.

Thời tiết nắng nóng sẽ ảnh hưởng sức khỏe thủy sản nuôi. Ảnh: KS.

Ông Chính cho biết, khi thời tiết nắng nóng sẽ khiến nhiệt độ nước tăng, tảo, vi khuẩn sinh trưởng mạnh. Điều này khiến tôm nuôi dễ bị sốc, giảm sức đề kháng và phát sinh bệnh, nhất là bệnh phân trắng. Đây là bệnh thường xảy ra vào giai đoạn nuôi tôm từ 2 tháng trở lên, có thể làm giảm năng suất 20-30%.

Theo kinh nghiệm của ông Chính, để phòng bệnh phân trắng thì việc thường xuyên kiểm tra và thay nguồn nước ao nuôi, cũng như diệt khuẩn định kỳ là rất cần thiết. Cùng với đó, duy trì mực nước ao nuôi từ 1,2m trở lên và chạy quạt tạo oxy đáy liên tục để hạn chế phân tầng nhiệt độ…

Còn ông Nguyễn Xuân Hòa, ở thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh) cho biết, vào mùa này thời tiết nắng nóng cũng ảnh hưởng sức khỏe thủy sản nuôi lồng bè trên biển. Theo đó, tôm hùm, cá biển nuôi dễ bị stress và mắc bệnh do nhiễm khuẩn, nấm, ký sinh trùng. Mới đây, một số bà con thả nuôi cá chim cũng bị hao hụt nhiều, trong đó có nguyên nhân sốc nhiệt do nắng nóng.

Nuôi cá biển trên vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh. Ảnh: KS.

Nuôi cá biển trên vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh. Ảnh: KS.

Tại các bè nuôi tôm hùm, cá biển của gia đình, ông Hòa sử dụng lưới che chắn trên mặt lồng; đồng thời tăng cường bổ sung vitamin, khoáng chất cho thủy sản nuôi để tăng sức đề kháng. Ngoài ra, ông còn chủ động cung cấp oxy cho tôm, cá nuôi.

Giải pháp

Theo dự báo, từ tháng 5-7, nắng nóng có khả năng xuất hiện trên phạm vi toàn quốc. Riêng khu vực Trung bộ, trong đó có Khánh Hòa, nắng nóng kéo dài cho đến tháng 8, với cường độ tương đương trung bình nhiều năm.

Trước tình hình trên, mới đây, Chi cục Thủy sản, Biển và Hải đảo tỉnh Khánh Hòa đã có công văn gửi Phòng Nông nghiệp và Môi trường các địa phương ven biển cảnh báo tình trạng nắng nóng và thời tiết giao mùa có thể ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản.

Che lưới trên mặt lồng để hạn chế nắng nóng ảnh hưởng thủy sản nuôi. Ảnh: KS.

Che lưới trên mặt lồng để hạn chế nắng nóng ảnh hưởng thủy sản nuôi. Ảnh: KS.

Trong đó, Chi cục đề nghị các địa phương, tổ chức thông báo, phổ biến đến người nuôi thủy sản một số biện pháp dưới đây để hạn chế rủi ro và đảm bảo kế hoạch sản xuất.

Cụ thể, đối với nuôi tôm nuôi nước lợ, người nuôi cần theo dõi thường xuyên nhiệt độ nước ao nuôi và màu tảo. Vì khi nắng nóng, tảo có thể phát triển quá mức. Tuy nhiên biện pháp cắt tảo có thể thực hiện như pha loãng nước, sử dụng vôi vào ban đêm, men vi sinh, enzym...

Bên cạnh đó, tăng thời gian quạt nước, nhằm ổn định nhiệt độ nước ao nuôi, nhất là từ 22 giờ đến 5 giờ hôm sau để tăng hàm lượng oxy hòa tan, đặc biệt là oxy đáy ao.

Sử dụng mái che lưới lan vào thời điểm nắng nóng, nâng cao độ sâu mực nước ao nuôi hơn 1,4m; giảm lượng thức ăn từ 20-30% khi trời nắng nóng, ngừng cho ăn khi có nắng gay gắt, chỉ nên cho ăn vào lúc sáng sớm hoặc khi chiều mát.

Ngoài ra, người nuôi cần bổ sung vitamin, khoáng, men tiêu hóa, thảo dược vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho tôm.

Cơ quan chuyên môn khuyến cáo duy trì mực nước trong ao để tránh thủy sản nuôi bị sốc nhiệt. Ảnh: KS.

Cơ quan chuyên môn khuyến cáo duy trì mực nước trong ao để tránh thủy sản nuôi bị sốc nhiệt. Ảnh: KS.

Đối với tôm hùm nuôi lồng, người nuôi cần san thưa mật độ. Nơi đặt lồng bè phải có mực nước sâu tối thiểu khi triều thấp là 4m đối với nuôi lồng găm, 6m đối với nuôi lồng chìm và 8m đối với nuôi lồng nổi. Thực hiện che lưới lan để giảm ánh nắng trực tiếp; khi trời oi, đứng gió hoặc khi có mưa dông cần bổ sung oxy hòa tan kịp thời; chủ động theo dõi môi trường xung quanh lồng và màu nước, từ đó tiến hành ngay việc chuyển tôm nuôi hoặc lồng bè nuôi đến nơi an toàn. Ngoài ra, người nuôi cũng cần bổ sung dinh dưỡng để tăng sức đề kháng và theo dõi sát tình trạng tôm nuôi để kịp thời ứng phó…

Xem thêm
Người nuôi heo có lời nhưng vẫn dè dặt tái đàn

ĐBSCL Giá heo hơi tại ĐBSCL tăng mạnh, giúp nhiều hộ nuôi có lãi khá, tuy nhiên, lo ngại dịch bệnh và chi phí cao khiến nhiều người không dám mạnh dạn tái đàn.

Chuyện thú y cơ sở: [Bài cuối] Lo lắng vẫn còn

QUẢNG BÌNH Lượng thú y cơ sở tại Quảng Bình mới được tái lập chưa tròn một năm, nay đứng trước những thách thức mới khi chủ trương bỏ cấp huyện được triển khai trên toàn quốc.

Lúa xuân đồng bằng sông Hồng hứa hẹn thắng lợi

Với nhiều tín hiệu tích cực, vụ xuân 2025 ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng hứa hẹn thắng lợi nhưng cần bám sát ruộng đồng để phòng trừ dịch hại cuối vụ như rầy nâu, đạo ôn.

Hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ canh tác sầu riêng

ĐẮK LẮK Chiều 12/5, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên và Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk ký hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong canh tác sầu riêng.

Tối ưu vận hành liên hồ chứa bằng công nghệ và dữ liệu

Khi tài nguyên nước trở nên khan hiếm và biến động khó lường, ngành thủy lợi chủ động tái cấu trúc cách thức quản lý dựa trên nền tảng công nghệ và dữ liệu.

Những giống cây trồng biến bất lợi thành lợi thế

Trong bối cảnh nông nghiệp Nam Trung bộ đang gặp bất lợi do biến đổi khí hậu, ASISOV đã chọn tạo nhiều giống cây trồng thích ứng, biến bất lợi thành lợi thế.

Trồng đưng ở đầm ngập mặn

Đầm ngập mặn ở Phổ Thạnh đang dần được phủ xanh bởi những cây đưng, giúp bảo vệ đất, tạo ra môi trường thuận lợi để sản xuất muối sạch, chất lượng cao.