| Hotline: 0983.970.780

Trồng đưng ở đầm ngập mặn

Thứ Tư 21/05/2025 , 10:20 (GMT+7)

Đầm ngập mặn ở Phổ Thạnh đang dần được phủ xanh bởi những cây đưng, giúp bảo vệ đất, tạo ra môi trường thuận lợi để sản xuất muối sạch, chất lượng cao.

Sáng sớm, khi thủy triều chưa lên, ông Lê Thành Công và các thành viên của Tổ trồng cây đã có mặt tại đầm ngập mặn Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) để chăm sóc những cây đưng non mới trồng. Tất cả đều tự nguyện.

Sinh ra và lớn lên ở Sa Huỳnh, ông Công am hiểu từng con nước. Mỗi đợt thủy triều lên, xuống đều ảnh hưởng đến quá trình trồng cây đưng. Bởi vậy, ông luôn chủ động sắp xếp lịch trồng sao cho đúng thời điểm, đảm bảo cây có thể bám rễ và phát triển mạnh mẽ.

Vườn ươm cây đưng. Ảnh: Võ Hà.

Vườn ươm cây đưng. Ảnh: Võ Hà.

“Từ năm 1997, tôi đã làm đội trưởng đội sản xuất ở đây, nước lên xuống lúc nào, mùa nào nước ngọt, mùa nào nước mặn tôi đều biết. Bởi vậy có đợt anh em phải cầm đèn pin để đi trồng từ 5 giờ sáng. Nếu trễ hơn, nước lên là không trồng được”, ông Công nói.

Gần nửa năm nay, ông Công kiên trì trồng và chăm sóc cây đưng. Tất cả các công đoạn, từ lúc lấy đất vô bầu, khoanh vườn ươm, cho đến khi mang ra trồng, cắm bảng… đều có bàn tay đóng góp của ông.

Ở vùng ngập mặn Sa Huỳnh, đưng là loài cây đặc biệt, giúp bảo vệ đất khỏi xói mòn, tạo ra môi trường thuận lợi để sản xuất muối sạch, chất lượng cao. Đặc biệt, trồng đưng còn tạo “nhà” cho tôm, cá cư trú, tạo thêm nguồn sống cho người dân Phổ Thạnh.

Ông Lê Thành Công là một trong những diêm dân tích cực tham gia trồng đưng ở đầm ngập mặn. Ảnh: Võ Hà.

Ông Lê Thành Công là một trong những diêm dân tích cực tham gia trồng đưng ở đầm ngập mặn. Ảnh: Võ Hà.

Vùng làm muối Sa Huỳnh rộng khoảng 115 ha, là nguồn sống quan trọng của hơn 500 hộ dân trong vùng. Nơi đây đã được công nhận là sản phẩm văn hóa phi vật thể quốc gia, là động lực để bà con diêm dân phát triển nghề theo hướng bền vững.

Tại nơi này, Dự án "Bảo tồn đồng muối truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng" đang được triển khai với nhiều hoạt động khác nhau, trong đó có trồng đưng nhằm cải thiện hệ sinh thái đồng muối.

Dự án được thực hiện với tổng kinh phí hơn 1,9 tỷ đồng. Trong đó, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ - Quỹ môi trường toàn cầu (UNDP/GEF SGP) tài trợ hơn 1,1 tỷ đồng; phần còn lại từ nguồn vốn lồng ghép và đối ứng; giao cho Hội Nông dân phường Phổ Thạnh làm chủ dự án.

Qua sự hỗ trợ, hướng dẫn của chuyên gia dự án, ông Công cùng các thành viên tổ trồng cây đã tự tay ươm giống cây đưng ở địa phương. Quá trình ươm đòi hỏi sự kiên nhẫn và tỉ mỉ, bởi cây đưng dễ sống nhưng cần môi trường phù hợp và sự chăm sóc đều đặn trong giai đoạn đầu.

Cây đưng có vai trò quan trọng trong đời sống và môi trường khu vực ven biển. Ảnh: Võ Hà.

Cây đưng có vai trò quan trọng trong đời sống và môi trường khu vực ven biển. Ảnh: Võ Hà.

Sau gần nửa năm được trồng thí điểm quanh đầm ngập mặn Phổ Thạnh, hơn 1.000 cây đưng đang phát triển tốt. Mỗi cây đưng đối với người dân nơi đây là một phần của di sản, là trách nhiệm để bảo tồn nghề muối truyền thống lâu đời của quê hương.

Đầm ngập mặn Phổ Thạnh rộng hơn 200 ha, từng là nơi có nhiều cây đưng mọc tự nhiên, tạo thành "phòng tuyến" bảo vệ bờ biển, duy trì nguồn nước sạch cho đồng muối và nuôi sống nhiều loài thủy sản.

Tuy nhiên, theo thời gian, do nhiều nguyên nhân, cây đưng đã dần biến mất. Ông Công và những diêm dân ở Sa Huỳnh hiện đang nỗ lực để một ngày không xa rừng đưng sẽ trở lại.

Ông Thái Thuận Lăng, Chủ tịch Hội Nông dân phường Phổ Thạnh cho biết: “Cây đưng được ươm từ giống bản địa, sau một thời gian trồng, cây phát triển tốt, phù hợp với khí hậu địa phương. Hội tuyên truyền vận động người dân chung tay bảo vệ, chăm sóc rừng cây này”.

Xem thêm
Người nuôi heo có lời nhưng vẫn dè dặt tái đàn

ĐBSCL Giá heo hơi tại ĐBSCL tăng mạnh, giúp nhiều hộ nuôi có lãi khá, tuy nhiên, lo ngại dịch bệnh và chi phí cao khiến nhiều người không dám mạnh dạn tái đàn.

Chi hơn 144 tỷ đồng phòng, chống dịch bệnh động vật

HẢI PHÒNG Từ năm 2015 đến nay, Hải Phòng đã ban hành tới 27 văn bản để cụ thể hóa Luật Thú y 2015 và dành hàng trăm tỷ đồng để phòng, chống dịch bệnh hàng năm.

Thiết lập 'hàng rào xanh' xuất khẩu sầu riêng: Hoàn thiện hệ thống giám sát

ĐBSCL Các địa phương sản xuất sầu riêng cần phối hợp tốt hơn với các cơ quan trung ương để hoàn thiện hệ thống truy xuất, giám sát và phản hồi khi có vi phạm.

Hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ canh tác sầu riêng

ĐẮK LẮK Chiều 12/5, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên và Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk ký hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong canh tác sầu riêng.

Tối ưu vận hành liên hồ chứa bằng công nghệ và dữ liệu

Khi tài nguyên nước trở nên khan hiếm và biến động khó lường, ngành thủy lợi chủ động tái cấu trúc cách thức quản lý dựa trên nền tảng công nghệ và dữ liệu.

Những giống cây trồng biến bất lợi thành lợi thế

Trong bối cảnh nông nghiệp Nam Trung bộ đang gặp bất lợi do biến đổi khí hậu, ASISOV đã chọn tạo nhiều giống cây trồng thích ứng, biến bất lợi thành lợi thế.

Nuôi biển tiên tiến - xu hướng tất yếu: [Bài 3] Tạo động lực từ chính sách

Để nuôi biển bằng công nghệ tiên tiến vùng biển xa phát triển thì rất cần cơ chế chính sách để người người dân, doanh nghiệp an tâm đầu tư.