Đó là lời khẳng định của ông Nguyễn Duy Công, Phó Giám đốc Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ Xuân Lộc trong buổi lễ phát động trồng rừng năm 2025 vừa diễn ra trên địa bàn lâm phận thuộc BQL, ngày 17/5.

Khu vực triển khai trồng 1.000 cây xanh để hồi sinh những cánh rừng từng khô cằn sau đợt hạn kéo dài khốc liệt nhất tại Đông Nam bộ trong nhiều năm qua. Ảnh: Minh Sáng.
Hòa chung không khí thiêng liêng kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) đã tổ chức Lễ phát động trồng rừng năm 2025. Sự kiện thu hút sự tham gia tích cực của lực lượng kiểm lâm, đại diện chính quyền địa phương và đông đảo hộ dân nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng trên toàn lâm phận.

Lực lượng cán bộ của Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc phát tờ rơi tuyên truyền về việc trồng, chăm sóc và bảo về rừng cho người dân nhận khoán trong lâm phận. Ảnh: Minh Sáng.
Theo ông Nguyễn Duy Công, lễ trồng cây không chỉ là nét đẹp truyền thống, mà còn là dịp để tuyên truyền, vận động cộng đồng nâng cao ý thức giữ gìn tài nguyên rừng - lá phổi xanh của vùng đất Xuân Lộc.
Thông qua hoạt động thiết thực này, BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong trong nỗ lực phục hồi và phát triển rừng bền vững, góp phần quan trọng trong bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Những cây keo lai giống được chọn lọc kỹ lưỡng từ vườn ươm của Ban quản lý để trồng mới trên những diện tích rừng bị ảnh hưởng bởi hạn hán mùa khô. Ảnh: Minh Sáng.
Ngay sau lễ phát động, tại tiểu khu 203, phân trường Lán Cát, khoảng 1.000 cây keo lai giống dòng AH7 có nguồn gốc rõ ràng và được chọn lọc kỹ lưỡng từ vườn ươm của BQL đã được trồng mới trên những diện tích rừng bị ảnh hưởng bởi hạn hán. Việc trồng rừng tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật với mật độ 2.220 cây/ha, khoảng cách 3 mét giữa các hàng và 1,5 mét giữa các cây, nhằm đảm bảo tỷ lệ sống cao và phát triển ổn định.

Việc trồng rừng tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật với mật độ 2.220 cây/ha, khoảng cách 3 mét giữa các hàng và 1,5 mét giữa các cây, nhằm đảm bảo tỷ lệ sống cao và phát triển ổn định. Ảnh: Minh Sáng.
Hoạt động này đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các hộ dân nhận khoán trên toàn lâm phận. Ông Nguyễn Thành Ban (90 tuổi), ngụ ấp 1, xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc, chia sẻ: “Nhà nước đã phát động dự án trồng 1 tỷ cây xanh, nên chương trình trồng rừng của Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc rất có ý nghĩa. Đây cũng là trách nhiệm của mỗi chúng ta, cần nêu cao hơn nữa ý thức trồng và bảo vệ rừng, tăng mảng xanh trên một đơn vị diện tích. Đặc biệt, cần nhân rộng những diện tích rừng đạt chứng chỉ FSC, để nâng cao giá trị bền vững của rừng và giúp đời sống bà con ngày càng khá hơn”.

Người dân nhận khoán rất tích cực tham gia các đợt phát động trồng rừng, do Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc tổ chức. Ảnh: Minh Sáng.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Dũng, hộ nhận khoán rừng tại ấp 2, xã Xuân Hưng mong muốn BQL và các phân trường tiếp tục tăng cường hỗ trợ kỹ thuật cho người dân, hướng dẫn cụ thể về các giống cây rừng phù hợp với từng vùng đất, cũng như loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nào nên dùng, để việc trồng rừng đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.
Thay mặt các hộ dân trồng rừng, bà Nguyễn Thị Thảo, tổ 10, ấp Gia Ui, xã Xuân Tâm, bày tỏ: “Chúng tôi mong cấp trên tổ chức thường xuyên các đợt trồng cây gây rừng để phủ xanh những khoảng trống do rừng bị thiệt hại trong mùa khô. Bên cạnh đó, cần xem xét chuyển đổi một số khu vực từ rừng phòng hộ sang rừng sản xuất nếu đủ điều kiện, để bà con có thể khai thác hợp pháp cây mình đã trồng, vừa ổn định cuộc sống, vừa có động lực gắn bó và bảo vệ rừng lâu dài”.

Mỗi cây xanh được trồng xuống hôm nay không chỉ là mầm xanh của sự sống, mà còn giúp bảo vệ đất đai, nguồn nước trước biến đổi khí hậu. Ảnh: Minh Sáng.
Phát biểu tại lễ phát động, ông Hoàng Văn Trường, đại diện Hạt Kiểm lâm liên huyện Xuân Lộc - TP. Long Khánh đánh giá cao những nỗ lực trong công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng của BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc trong thời gian qua. “Việc phục hồi và phát triển rừng không thể là trách nhiệm riêng của ngành lâm nghiệp, mà cần sự chung tay của toàn xã hội. Từ mỗi buổi lễ trồng cây, niềm tin về một tương lai xanh lại được gieo xuống cùng những mầm non hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu”.

Việc phục hồi và phát triển rừng không thể là trách nhiệm riêng của ngành lâm nghiệp, mà cần sự chung tay của toàn xã hội. Ảnh: Minh Sáng.
Theo ông Trường, những năm gần đây, việc trồng rừng và bảo vệ rừng trong toàn lâm phận được thực hiện tốt, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận nhỏ hộ dân nhận khoán nhận thức còn hạn chế, dẫn đến các hành vi vi phạm trong khai thác rừng, đặc biệt là tại khu vực phân trường Trản Táo. Điều này đòi hỏi Ban quản lý và các cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức pháp luật, đồng thời tăng cường giám sát, xử lý nghiêm các hành vi xâm hại tài nguyên rừng.
"Mỗi cây được trồng xuống hôm nay không chỉ là mầm xanh của sự sống, mà còn giúp bảo vệ đất đai, nguồn nước và hơn thế nữa còn là lời cam kết trách nhiệm của chúng ta trước biến đổi khí hậu. Chúng tôi không chỉ trồng rừng cho hôm nay, mà còn gieo hy vọng cho thế hệ mai sau – nơi rừng và người cùng phát triển trong sự hài hòa và bền vững. Và chúng tôi tin rằng, chỉ khi người dân được hưởng lợi từ rừng một cách chính đáng, cánh rừng mới thực sự được gìn giữ lâu dài", ông Nguyễn Duy Công, Phó Giám đốc BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc, nhấn mạnh.
"