| Hotline: 0983.970.780

‘Ông lớn’ cá hồi số 2 thế giới tiết lộ cách tối đa hóa lợi nhuận

Thứ Tư 21/05/2025 , 13:25 (GMT+7)

Không để lãng phí bất kỳ phần nào của cá hồi, áp dụng công nghệ hiện đại và mở rộng thị trường ngách là những chiến lược giúp SalMar chinh phục thị trường toàn cầu.

Trong cuộc trò chuyện với Báo Nông nghiệp và Môi trường, ông Christian Valland Sivertsen, Giám đốc SalMar Việt Nam, chia sẻ những góc nhìn thực tiễn về hành trình phát triển bền vững của SalMar, từ việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng, tối ưu hóa chuỗi giá trị, cho đến xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng tại các thị trường trọng điểm như Việt Nam.

Ông Christian Valland Sivertsen, Giám đốc SalMar Việt Nam cho biết, tại Na Uy, tất cả đơn vị nuôi cá hồi đều có nghĩa vụ theo dõi đáy biển bên dưới các lồng nuôi nhằm đảm bảo điều kiện môi trường tốt và hạn chế tối đa ô nhiễm từ hoạt động nuôi trồng. Ảnh: HT. 

Ông Christian Valland Sivertsen, Giám đốc SalMar Việt Nam cho biết, tại Na Uy, tất cả đơn vị nuôi cá hồi đều có nghĩa vụ theo dõi đáy biển bên dưới các lồng nuôi nhằm đảm bảo điều kiện môi trường tốt và hạn chế tối đa ô nhiễm từ hoạt động nuôi trồng. Ảnh: HT

Nuôi cá hồi phải theo dõi đáy biển bên dưới các lồng nuôi

Ông có thể cho biết, hiện nay SalMar đang áp dụng công nghệ như thế nào tại các trại nuôi cá hồi để đảm bảo an toàn, hiệu quả trong điều kiện biển khắc nghiệt và ô nhiễm môi trường biển ngày càng gia tăng?

“Chúng tôi luôn đặt mục tiêu không gây lãng phí trong bất kỳ khâu nào của hoạt động sản xuất, từ con cá đến quy trình và thủ tục vận hành”, Giám đốc SalMar Việt Nam Christian Valland Sivertsen cho hay.

Ocean Farm 1 là trang trại nuôi cá ngoài khơi đầu tiên trên thế giới khi SalMar đưa vào hoạt động năm 2017. Trang trại này kết hợp giữa kiến thức nuôi cá gần bờ truyền thống và ngành công nghiệp dầu khí ngoài khơi Na Uy - ngành đã đối mặt với điều kiện khắc nghiệt của biển Bắc từ những năm 1970.

Việc áp dụng kinh nghiệm từ các công trình lớn trên biển Bắc giúp trang trại ngoài khơi của SalMar được trang bị tốt để chống chọi với sóng gió của đại dương, đồng thời đảm bảo điều kiện an toàn cho đội ngũ công nhân và cá hồi nuôi ở đó.

Tại Na Uy, tất cả đơn vị nuôi cá hồi đều có nghĩa vụ theo dõi đáy biển bên dưới các lồng nuôi nhằm đảm bảo điều kiện môi trường tốt và hạn chế tối đa ô nhiễm từ hoạt động nuôi trồng, theo các tiêu chuẩn do Tổng cục Thủy sản Na Uy đặt ra. Kết quả giám sát cho thấy, điều kiện đáy biển dưới các trang trại của chúng tôi vẫn ổn định và duy trì tốt, ngay cả khi sản lượng đã tăng gấp đôi trong thập kỷ qua.

Thưa ông, SalMar đã thực hiện những biện pháp nào để tăng cường giá trị sản phẩm và tối ưu hóa lợi nhuận trong chuỗi cung ứng toàn cầu?

Chìa khóa để tối đa hóa lợi nhuận là đảm bảo không để bất kỳ phần nào của sản phẩm bị lãng phí. Chúng tôi sử dụng toàn bộ con cá và hiện có những khách hàng chuyên đặt mua từng bộ phận hay từng dòng sản phẩm được chế biến từ cá hồi của chúng tôi.

Ocean Farm 1 là trang trại nuôi cá ngoài khơi đầu tiên trên thế giới khi SalMar đưa vào hoạt động năm 2017. Ảnh: HT.

Ocean Farm 1 là trang trại nuôi cá ngoài khơi đầu tiên trên thế giới khi SalMar đưa vào hoạt động năm 2017. Ảnh: HT.

Tại Việt Nam, sản phẩm chính mà chúng tôi cung cấp là cá hồi nguyên con loại lớn, cao cấp, tươi sống, chủ yếu được tiêu thụ dưới dạng sashimi. Tuy nhiên, cũng có nhu cầu đáng kể đối với phần lườn cá hồi, một sản phẩm phụ từ quá trình sản xuất fillet ở Na Uy. Đầu và xương cá được sử dụng trong các món lẩu và súp, trong khi vây cá có thể được nướng hoặc chiên giòn.

Vui khi bắt gặp các thùng đựng cá của SalMar ở Việt Nam

Tại thị trường châu Á và Việt Nam nói riêng, SalMar đã xây dựng chiến lược gì để phát triển thị phần và gia tăng nhận diện thương hiệu?

Chúng tôi tự hào khi nói rằng, đến nay hoạt động của mình đã đạt được nhiều thành công. Tuy nhiên, mỗi ngày chúng tôi vẫn không ngừng nỗ lực để gia tăng thị phần và quan trọng hơn nữa là phát triển chính các thị trường mà chúng tôi đang phân phối sản phẩm.

SalMar là nhà sản xuất cá hồi Đại Tây Dương lớn thứ hai thế giới, với hệ thống trang trại nuôi trồng phân bố dọc theo bờ biển Na Uy. 

Nếu chúng tôi có thể giúp khách hàng của mình tìm ra các thị trường ngách mới cho các sản phẩm thì chúng tôi không chỉ có thể tăng thị phần của mình mà còn có thể mở rộng thị trường chung. Tôi thực sự tin rằng Việt Nam là một thị trường như vậy, nơi có rất nhiều tiềm năng để gia tăng nhu cầu đối với sản phẩm của chúng tôi.

Về mức độ nhận diện thương hiệu, tôi luôn rất vui khi bắt gặp các thùng đựng cá của SalMar sau xe máy hoặc trong các khu chợ ở Việt Nam. Tôi còn lưu cả một album đầy ảnh trong điện thoại của mình.

Nói vui là vậy thôi, nhưng thực tế thì chiến lược nhận diện của chúng tôi không đặt trọng tâm vào người tiêu dùng cuối cùng tại siêu thị hay nhà hàng, mà hướng nhiều hơn đến các nhà bán lẻ và chuỗi nhà hàng. Chúng tôi muốn - cùng với khách hàng - trở thành lựa chọn hàng đầu khi họ quyết định đưa loại cá nào lên thực đơn hoặc lên kệ hàng.

Ưu tiên cho con cá hồi

Theo ông, đâu là những yếu tố then chốt để phát triển thành công ngành nuôi cá hồi bền vững tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam?

Đối với tôi, xây dựng một ngành nuôi trồng thủy sản bền vững đồng nghĩa với việc thiết lập mối liên kết chặt chẽ giữa nhà cung cấp và khách hàng, giữa các nhà sản xuất hiện tại với những công nghệ mới, đồng thời sử dụng có ý thức các nguồn lực từ môi trường xung quanh.

Sản phẩm cá hồi của SalMar được bán tại siêu thị ở Hà Nội. Ảnh: HT.

Sản phẩm cá hồi của SalMar được bán tại siêu thị ở Hà Nội. Ảnh: HT.

Năm ngoái, SalMar đã công bố sáng kiến mang tên Salmon Living Lab với tổng vốn đầu tư 50 triệu USD, nhằm cải thiện toàn diện ngành nuôi cá hồi. Chúng tôi mời gọi các nhà nghiên cứu, nhà cung cấp, giới phê bình và nhiều bên liên quan khác cùng tham gia vào nỗ lực này để giúp việc nuôi cá hồi trở nên tốt hơn cho chính những con cá đang sống trong lồng nuôi của chúng tôi.

Tại SalMar, chúng tôi luôn nói rằng, mọi việc đều phải dựa trên “Ưu tiên cho cá hồi”. Điều đó nghĩa là, chỉ khi cá hồi được nuôi trong môi trường tối ưu, nơi chúng có thể khỏe mạnh và phát triển tốt thì sản phẩm cuối cùng mới thực sự đạt chất lượng cao nhất.

Ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm thực tiễn trong đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng năng lực kỹ thuật và chuyển giao công nghệ cho các đối tác quốc tế?

Một nhiệm vụ quan trọng của các văn phòng chi nhánh quốc tế của chúng tôi là chia sẻ kiến thức về sản phẩm và hoạt động của mình. Không gì khiến chúng tôi hào hứng hơn việc được giới thiệu với khách hàng quy trình nuôi cá hồi tại SalMar. Chúng tôi luôn sẵn sàng đón tiếp và rất trân trọng khi có những vị khách dành thời gian đến tận nơi tham quan cơ sở của chúng tôi.

Tại Na Uy, chúng tôi còn xây dựng các trung tâm đón tiếp gần nhà máy, mời cộng đồng địa phương đến tìm hiểu về ngành công nghiệp nuôi trồng thủy sản và về SalMar.

Ocean Farm 1 là mô hình nuôi cá hồi ngoài khơi đầu tiên trên thế giới khi được đưa vào vận hành, sau đó, nhiều đơn vị khác đã nối bước. Năm ngoái, chúng tôi cam kết đầu tư vào nghiên cứu nhằm cải thiện sức khỏe cá nuôi. Tại một số trang trại, chúng tôi còn ứng dụng công nghệ sử dụng tia laser để loại bỏ sinh vật có hại trên lưng cá hồi.

Xin cảm ơn ông!

(Thực hiện)

Xem thêm
Người nuôi heo có lời nhưng vẫn dè dặt tái đàn

ĐBSCL Giá heo hơi tại ĐBSCL tăng mạnh, giúp nhiều hộ nuôi có lãi khá, tuy nhiên, lo ngại dịch bệnh và chi phí cao khiến nhiều người không dám mạnh dạn tái đàn.

Chi hơn 144 tỷ đồng phòng, chống dịch bệnh động vật

HẢI PHÒNG Từ năm 2015 đến nay, Hải Phòng đã ban hành tới 27 văn bản để cụ thể hóa Luật Thú y 2015 và dành hàng trăm tỷ đồng để phòng, chống dịch bệnh hàng năm.

Thiết lập 'hàng rào xanh' xuất khẩu sầu riêng: Hoàn thiện hệ thống giám sát

ĐBSCL Các địa phương sản xuất sầu riêng cần phối hợp tốt hơn với các cơ quan trung ương để hoàn thiện hệ thống truy xuất, giám sát và phản hồi khi có vi phạm.

Hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ canh tác sầu riêng

ĐẮK LẮK Chiều 12/5, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên và Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk ký hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong canh tác sầu riêng.

Tối ưu vận hành liên hồ chứa bằng công nghệ và dữ liệu

Khi tài nguyên nước trở nên khan hiếm và biến động khó lường, ngành thủy lợi chủ động tái cấu trúc cách thức quản lý dựa trên nền tảng công nghệ và dữ liệu.

Những giống cây trồng biến bất lợi thành lợi thế

Trong bối cảnh nông nghiệp Nam Trung bộ đang gặp bất lợi do biến đổi khí hậu, ASISOV đã chọn tạo nhiều giống cây trồng thích ứng, biến bất lợi thành lợi thế.

Trồng đưng ở đầm ngập mặn

Đầm ngập mặn ở Phổ Thạnh đang dần được phủ xanh bởi những cây đưng, giúp bảo vệ đất, tạo ra môi trường thuận lợi để sản xuất muối sạch, chất lượng cao.