| Hotline: 0983.970.780

Độc đáo sản phẩm 'Cua lột Xứ Dừa'

Thứ Tư 14/05/2025 , 15:56 (GMT+7)

Nhờ kiên trì, một 'thầy giáo nông dân' quê ở Bến Tre đã sáng tạo ra quy trình nuôi cua lột tự nhiên, mang đến sản phẩm độc đáo, giá trị cao.

Thu nhập chắc nhờ nuôi cua lột

Anh Đào Phước Xoàn (ở xã An Thạnh, huyện Thạnh Phú, Bến Tre) là người tiên phong của địa phương phát triển mô hình nuôi cua biển lột với nhãn hiệu “Cua lột Xứ Dừa” rất độc đáo, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nếu cua tươi vừa mới lột có giá 600.000-800.000 đồng/kg, cua đã qua cấp đông giá mềm hơn từ 400.000-500.000 đồng/kg. Cá biệt, dịp Tết cổ truyền, nhiều người mua làm quà biếu, giá cua lột lên đến 1,2 triệu đồng/kg nhưng sản lượng cua khan hiếm vì đa số người nuôi bán cua thịt cũng rất được giá.

Nói về ưu điểm của sản phẩm cua lột Xứ Dừa, anh Xoàn cho hay: “Cua được nuôi quy trình khép kín, kiểm soát chất lượng cả quá trình nuôi từ cua giống đến cua lột thành phẩm. Cua lột tự nhiên, thịt thơm mềm, thịt ngọt tự nhiên so với cua của nhiều vùng khác. Cua Thạnh Phú có vỏ không dày, thịt không có xớ to”.

Sản phẩm cua biển lột có giá trị cao. Ảnh: Minh Đảm.

Sản phẩm cua biển lột có giá trị cao. Ảnh: Minh Đảm.

Theo chia sẻ, anh Xoàn là thầy giáo dạy môn Tin học tại một trường học của địa  phương. Năm 2020, dịch bệnh Covid-19 hoành hành, trong những ngày rảnh rỗi khi thực hiện giãn cách xã hội, anh có thời gian mày mò thử nghiệm nuôi vỗ béo cua “ốp” (cua đã lột khá lâu nên ít thịt, vỏ cứng) thành cua chắc thịt. Sau “vỗ béo” giá trị con cua thịt chắc có giá 200.000 đồng/kg, tăng 70.000-80.000 đồng/kg so với giá bán cua ốp.

Cơ duyên để anh phát triển mô hình độc đáo này đến từ trong lần quên bán những con cua thịt, để chúng tự lột vỏ. Thấy cua lột rất ngon, dễ ăn nên nhiều người hỏi mua. Những khách hàng đầu tiên của anh là các bé trong độ tuổi mới biết ăn, đi mẫu giáo. Nhiều bé thích ăn cua lột rang me, nấu súp, chiên bột hơn là cua thịt được các mẹ lột sẵn.

Ban đầu, anh làm thử có quy mô khoảng 60-70 thùng nuôi cua lột. Dần dà, thị trường hút khách anh về xã An Qui, huyện Thạnh Phú mở rộng quy mô đến vài trăm thùng một lần như hiện nay.

Dù giá bán khá cao nhưng sản phẩm của anh Xoàn vẫn rất hút khách, cua lột sản xuất ra không đủ bán. Trung bình, anh xuất bán 300-400 kg/tháng, 2-3 tấn/năm. Anh chia sẻ, trừ hết chi phí thu nhập khoảng 1 tỷ đồng, rất “chắc” so với mức sống ở khu vực nông thôn hiện nay.

“Mặc dù con tôm thẻ có lợi nhuận nhưng không chắc bằng con cua nếu mình biết sử dụng linh hoạt”, anh Xoàn khẳng định.

Anh Đào Phước Xoàn (trái) kiểm tra cua chuẩn bị lột, được nuôi trong các thùng nhựa. Ảnh: Minh Đảm.

Anh Đào Phước Xoàn (trái) kiểm tra cua chuẩn bị lột, được nuôi trong các thùng nhựa. Ảnh: Minh Đảm.

Nắm chắc quy trình sau 4 lần thất bại

Lúc ban đầu, anh Xoàn nói làm vỗ béo cua, cũng như làm cua lột cũng trật vuột lắm. Như lần đầu tiên, anh mua cua thịt về nuôi lên cua lột, mà nhầm phải những con cua bị thương lái bóp dập mình, nuôi không lớn. Sau lần đó, lô kế tiếp anh mua phải thức ăn cho cua bị tẩm hóa chất, ao cua chết trắng trong một đêm. Rồi lần thứ ba, thấy cua nuôi đóng rong, anh lấy thuốc Clo diệt rong cũng làm ao cua thiệt hại. Chưa hết, có đợt anh mua phải cua nhiễm bệnh về thả chung, cả bầy cua khỏe cũng mắc bệnh theo.

Sau nhiều lần thất bại, anh chiêm nghiệm rút ra các nguyên nhân rồi đúc kết xây dựng lại quy trình nuôi hoàn chỉnh. Hiện nay, anh nuôi cua từ nhỏ đến lớn và sử dụng thức ăn là cá rô phi tự nuôi trong ao riêng nên hoàn toàn kiểm soát được mầm bệnh, đảm bảo cua sạch cung cấp vào các nhà hàng, siêu thị.

Quy trình nuôi gồm 4 giai đoạn. Đầu tiên, cua nhướng (cua giống) được nuôi riêng trong một ao trong khoảng thời gian chừng 20 ngày. Đến khi to bằng hột me, chúng sẽ được di chuyển sang ao thứ hai. Khi cua đạt trọng lượng khoảng 70 g sẽ tiếp tục được vớt sang nuôi ở ao thứ ba. Đến khi đạt trọng lượng từ 100-170 g, những con cua chắc thịt, mình đen, nứt hai mé bên hông (cua cốm) thì sẽ được vớt lên nuôi riêng trong thùng nhựa. Chừng 5-7 ngày, cua sẽ lột vỏ.

“Năm đầu tiên phải nói là mình rất bực bội vì vừa tốn tiền, tốn công, rồi cua lột ban đêm phải thức canh nữa. Bởi cua lột trong 2-3 giờ vỏ nó sẽ cứng lại, nên khi lột phải canh vỏ nó hơi cứng xíu là bắt ra ngay. Sau một năm mày mò, mình mới thành công,  mới có khách hàng mua. Bây giờ, mình cứ làm xoay chuyền tới tới vậy đó.”, anh Xoàn nói.

Anh Xoàn kiểm tra thức ăn cho cua. Ảnh: Minh Đảm.

Anh Xoàn kiểm tra thức ăn cho cua. Ảnh: Minh Đảm.

Hiện tại, UBND xã An Thạnh đang hướng dẫn anh Đào Phước Xoàn hoàn thiện quy trình, hồ sơ để được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Ngoài ra, anh Xoàn cũng đăng ký với Sở Khoa học và Công nghệ Bến Tre sản phẩm đạt tiêu chuẩn hải sản tươi sống.

Ông Nguyễn Văn Trường, Chủ tịch UBND xã An Thạnh, huyện Thạnh Phú: “Theo tôi biết, mô hình nuôi cua lột tự nhiên của anh Đào Phước Xoàn là mô hình tiên phong ở huyện Thạnh Phú. Sản phẩm cua lột có giá trị rất cao, gấp 2-3 lần sản phẩm bình thường. Hiện nay, xã đang đề xuất UBND huyện hỗ trợ một phần kinh phí để làm sản phẩm OCOP Cua lột Xứ Dừa để anh Xoàn mở rộng thị trường, liên kết với bà con nông dân phát triển diện tích, quy mô nuôi cua”.

Tỉnh Bến Tre có diện tích nuôi thủy sản tiềm năng lên đến 50.000 ha, hiện nay diện tích nuôi đã đạt khoảng 47.800 ha; trong đó khoảng 36.000 ha tôm nước lợ. Phần lớn diện tích nuôi tôm chủ yếu là quảng canh, tôm - cua kết hợp. Mô hình nuôi cua lột của anh Đào Phước Xoàn thành công mở ra hướng mới trong việc gia tăng giá trị con cua của Bến Tre, đồng thời giúp thúc đẩy sự hợp tác giữa các hộ nuôi trong chia sẻ kinh nghiệm và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Xem thêm
Chăn nuôi Thái Nguyên nổi bật nhờ công nghệ: [Bài 2] Xây dựng chuỗi liên kết sâu

THÁI NGUYÊN Chăn nuôi theo chuỗi liên kết sâu không chỉ quản lý chặt chẽ con giống, dịch bệnh đến khi xuất chuồng mà còn giúp người dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật hiện đại.

Người đàn ông tử vong sau hai lần bị chó cắn

BÀ RỊA - VŨNG TÀU Một người đàn ông 48 tuổi ở thành phố Phú Mỹ tử vong với các dấu hiệu nghi mắc bệnh dại, sau hai lần bị chó cắn nhưng không tiêm phòng.

Giải pháp canh tác sầu riêng kiểm soát tồn dư hóa chất

Việc quản lý đất đai, tưới nước và sử dụng phân bón không hợp lý, khoa học đều có thể dẫn đến sự tích tụ kim loại nặng trong sản phẩm sầu riêng.

Hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ canh tác sầu riêng

ĐẮK LẮK Chiều 12/5, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên và Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk ký hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong canh tác sầu riêng.

Tối ưu vận hành liên hồ chứa bằng công nghệ và dữ liệu

Khi tài nguyên nước trở nên khan hiếm và biến động khó lường, ngành thủy lợi chủ động tái cấu trúc cách thức quản lý dựa trên nền tảng công nghệ và dữ liệu.

Đồng Tháp tập huấn về AI cho cán bộ và người dân

Đồng Tháp tổ chức tập huấn AI nhằm nâng cao nhận thức chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân trên địa bàn tỉnh.

Cứu hộ cá thể gấu ngựa gần 20 tuổi

HẢI PHÒNG Vừa qua, Tổ chức Động vật Châu Á và Chi cục Trồng trọt và Kiểm lâm Hải Phòng cứu hộ thành công một cá thể gấu ngựa gần 20 tuổi do người dân nuôi.