| Hotline: 0983.970.780

Cẩn trọng với thông tin ăn nhiều thịt gà có thể tăng nguy cơ ung thư

Thứ Ba 29/04/2025 , 21:52 (GMT+7)

Các nhà phản biện cho rằng, cần phân biệt thịt gia cầm tươi và sản phẩm chế biến, đồng thời chỉ rõ phương pháp nấu nướng trong khảo sát.

Tạp chí Nutrients số ra ngày 17/4 vừa đăng một công trình nghiên cứu có tiêu đề: "Tiêu thụ gia cầm có làm tăng nguy cơ tử vong do ung thư đường tiêu hóa không? Phân tích rủi ro cạnh tranh sơ bộ?".

Trong đó, nhóm tác giả đứng đầu Caterina Bonfiglio, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc gia Italia về Tiêu hóa đã theo dõi 4.869 người trưởng thành ở Naples, miền Nam Italia từ năm 2006 đến 2024 để đánh giá mối liên hệ giữa việc ăn thịt gia cầm với nguy cơ tử vong do ung thư đường tiêu hóa, cũng như tử vong do mọi nguyên nhân.​

Thịt gà, nếu được nướng ở nhiệt độ cao, có thể sinh các chất gây ung thư. Ảnh: iStock.

Thịt gà, nếu được nướng ở nhiệt độ cao, có thể sinh các chất gây ung thư. Ảnh: iStock.

Sau gần 20 năm, các nhà khoa học nhận thấy: Những người tiêu thụ hơn 300g thịt gia cầm mỗi tuần có nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân cao hơn 27% so với những người tiêu thụ dưới 100g mỗi tuần. Nguy cơ tử vong do ung thư đường tiêu hóa tăng lên 2,27 lần ở nhóm tiêu thụ hơn 300g thịt gia cầm mỗi tuần, và tăng lên 2,61 lần đối với nam giới trong nhóm này.

Đây là một kết quả gây sốc với nhiều người, nhất là tại những quốc gia mà mức tiêu thụ thịt gia cầm trên đầu người có xu hướng tăng như Việt Nam.

Tuy nhiên, chính Caterina Bonfiglio cùng các cộng sự cũng thông tin, rằng nghiên cứu chỉ cho thấy mối liên hệ, không phải là nguyên nhân. Họ cũng thừa nhận, cần có thêm các nghiên cứu để xác nhận những phát hiện đã nêu và tìm hiểu thêm về tác động của thịt gia cầm chế biến.

Ngay sau khi bài báo được công bố, Hội đồng Gà Quốc gia Hoa Kỳ (NCC) đã lên tiếng phản đối kết luận của nghiên cứu. Tổ chức này cho rằng, kết quả của nhóm không phù hợp với phần lớn các nghiên cứu trước đó, vốn không tìm thấy mối liên hệ giữa tiêu thụ thịt gia cầm và nguy cơ ung thư.​

Các nhà khoa học Italia cũng không phân biệt rõ thịt gia cầm đã qua chế biến (như xúc xích, gà rán) với thịt tươi, đồng thời bỏ qua các phương pháp nấu nướng khác nhau.​ Các dữ liệu liên quan tới mức độ hoạt động thể chất của người tham gia - yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể và nguy cơ tử vong - cũng không được nhắc đến.

Phương pháp nấu thịt gia cầm (ví dụ nướng ở nhiệt độ cao có thể tạo ra các hợp chất gây ung thư như Heterocyclic amines), mức độ chế biến của thịt và lối sống tổng thể (chế độ ăn uống, hoạt động thể chất) cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả, theo NCC.

Về kết quả, tổ chức này bình luận, số lượng ca tử vong do ung thư đường tiêu hóa là 108 trong gần 20 năm. Đây là con số tương đối thấp, khiến kết luận có thể không ổn định và dễ bị ảnh hưởng bởi yếu tố ngẫu nhiên.

Hoa Kỳ, nước tiêu thụ thịt gia cầm trên đầu người tốp đầu thế giới, thường dùng thực phẩm này dưới dạng đồ ăn nhanh. Ảnh: Shutterstock.

Hoa Kỳ, nước tiêu thụ thịt gia cầm trên đầu người tốp đầu thế giới, thường dùng thực phẩm này dưới dạng đồ ăn nhanh. Ảnh: Shutterstock.

Theresa Gentile, Học viện Dinh dưỡng và Chế độ ăn Hoa Kỳ, đồng tình với quan điểm của NCC. Bà chia sẻ, đã có nhiều nghiên cứu về việc thịt gia cầm (và một số loại thực phẩm khác) khi nấu ở nhiệt độ cao, như nướng hoặc chiên, có thể tạo ra các hợp chất gây ung thư. Tuy nhiên, nhóm của các tác giả Italia lại thiếu dữ liệu quan trọng này.

Trên quan điểm của một chuyên gia dinh dưỡng, bà khuyên nên tiêu thụ thịt gia cầm ở mức độ vừa phải, ưu tiên các phương pháp nấu nướng lành mạnh như hấp hoặc nướng ở nhiệt độ thấp, kết hợp với các nguồn protein khác như cá và thực phẩm có nguồn gốc thực vật. ​

Đến nay, chưa có công trình nghiên cứu nào được cộng đồng khoa học công nhận rộng rãi xác nhận mối liên hệ trực tiếp giữa việc tiêu thụ thịt gia cầm và nguy cơ ung thư. Phần lớn các nghiên cứu chỉ ra rằng, tiêu thụ thịt gia cầm không liên quan đáng kể đến nguy cơ mắc các loại ung thư phổ biến.

Một trong những nghiên cứu nổi tiếng là "Meta-analysis", được công bố năm 2015, đã phân tích dữ liệu từ 27 công trình liên quan, với tổng số 23.703 ca ung thư tuyến tiền liệt và 469.986 người không mắc bệnh. Kết quả cho thấy, không có mối liên hệ đáng kể giữa việc tiêu thụ thịt gia cầm và nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.

Trước nữa, nghiên cứu Chế độ ăn uống và Sức khỏe NIH-AARP đã theo dõi hơn 492.000 người trưởng thành tại Hoa Kỳ và phát hiện, rằng việc tăng tiêu thụ thịt gia cầm có liên quan đến giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư như ung thư gan, thực quản và thanh quản ở phụ nữ.

Tuy nhiên, ở nam giới, việc tiêu thụ thịt gia cầm lại liên quan đến tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp và ung thư vú nam giới.

Hiện các nhà khoa học trên thế giới đều nhất trí, con người không cần quá lo lắng nếu tiêu thụ thịt gia cầm ở mức độ vừa phải, đặc biệt khi chọn thịt không qua chế biến, hoặc nấu bằng phương pháp lành mạnh như hấp hoặc luộc. 

Xem thêm
'Tường lửa' nhân cách có tồn tại trên mạng xã hội?

'Tường lửa' nhân cách trở thành câu chuyện cần thiết khi tham gia mạng xã hội, bởi mỗi người đều phải hướng hành vi theo tiêu chuẩn cộng đồng văn minh.

Phút giây lạc lòng giữa những chuyến hoạt động từ thiện

Phút giây lạc lòng đôi khi chỉ mang tính gặp gỡ tình cờ, nằm ngoài khả năng kiểm soát của cá nhân, nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ đổ vỡ hạnh phúc gia đình.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Những điều người bệnh đái tháo đường cần lưu ý để phòng ngừa biến chứng

Bệnh đái tháo đường đang tăng nhanh, đặc biệt tại các nước khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao.

117 gian hàng kết nối tinh hoa đông y Việt Nam và quốc tế

Với 117 gian hàng là cơ hội để khách tham quan gặp gỡ chuyên gia, tìm hiểu sâu về giá trị của y học cổ truyền, khám phá giải pháp giúp sức khỏe lành mạnh.