Đây được là bước tiến quan trọng nhằm ngăn chặn việc Malaysia trở thành điểm đến của hàng trăm nghìn tấn rác nhựa từ Mỹ, châu Âu và các quốc gia phát triển khác mỗi năm. Tuy nhiên, họ cũng kêu gọi Malaysia tăng cường thực thi pháp luật để ngăn chặn nhập lậu và tình trạng thông đồng tại cửa khẩu.

Trong năm 2024, Malaysia đã nhập khẩu hơn 433.000 tấn rác nhựa trị giá khoảng 167 triệu USD, chủ yếu từ các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Đức và Anh. Ảnh:Thepeninsulaqatar.
Theo luật sửa đổi vừa có hiệu lực, Malaysia cấm nhập khẩu rác thải nhựa nếu không có sự chấp thuận từ Cơ quan giám sát tiêu chuẩn quốc gia. Một điểm then chốt là chỉ các quốc gia đã phê chuẩn Công ước Basel năm 1989, công ước quốc tế hạn chế vận chuyển chất thải nguy hại xuyên biên giới, mới đủ điều kiện xuất khẩu rác nhựa vào Malaysia. Quy định này đồng nghĩa với việc Mỹ, quốc gia chưa phê chuẩn công ước, bị loại khỏi danh sách.
Trong năm 2024, Malaysia đã nhập khẩu hơn 433.000 tấn rác nhựa trị giá khoảng 167 triệu USD, chủ yếu từ các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Đức và Anh. Số lượng này đủ để lấp đầy khoảng 173 bể bơi chuẩn Olympic. Nhựa phế thải được xử lý thành hạt nhựa và xuất khẩu, chủ yếu sang Trung Quốc, để sử dụng trong sản xuất thảm và các sản phẩm tiêu dùng khác.
Từ sau khi Trung Quốc ngừng nhập khẩu rác nhựa vào năm 2018, nhiều doanh nghiệp tái chế Trung Quốc đã chuyển sang Malaysia, dẫn đến làn sóng rác thải ồ ạt đổ về mà không qua kiểm soát. Tổ chức Friends of the Earth Malaysia cảnh báo hiện vẫn còn lỗ hổng trong thực thi luật, như tình trạng buôn lậu và khai sai hàng hóa để qua mặt hải quan, thậm chí có biểu hiện hối lộ và móc nối với cán bộ kiểm soát tại cửa khẩu.
Chủ tịch tổ chức này, bà Meenakshi Raman, cho biết các doanh nghiệp tái chế tại Malaysia vẫn chuộng nhựa nhập khẩu vì “sạch hơn” so với rác thải nhựa trong nước, khiến nhu cầu nhập vẫn cao. Trong khi đó, theo Greenpeace Malaysia, chỉ dựa vào tái chế là không đủ để giải quyết khủng hoảng rác thải toàn cầu, và các quốc gia phát triển cần chịu trách nhiệm thay vì đẩy gánh nặng môi trường cho các nước nghèo hơn.
Chính quyền Malaysia tuyên bố sẽ xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm, đặc biệt là các doanh nghiệp cố tình né tránh kiểm soát nhập khẩu hoặc tham gia buôn bán chất thải trái phép.