Thông tin này được đưa ra sau khi Văn phòng Sáng chế châu Âu (EPO) công bố báo cáo của Đài quan sát Sáng chế và Công nghệ hồi tháng 5/2025.
Báo cáo phân tích xu hướng công nghệ trong lĩnh vực quản lý rác thải nhựa trong 50 năm qua, dựa trên 12.924 sáng chế độc lập liên quan đến hai nhóm chính: thu hồi (phân tách và tinh chế) và tái chế (chuyển đổi thành vật liệu mới). Đây là những công nghệ nền tảng trong quá trình chuyển dịch sang nền kinh tế tuần hoàn.

Châu Âu dẫn đầu trong nỗ lực đổi mới sáng tạo về quản lý rác thải nhựa. Ảnh: Shutterstock.
Đáng chú ý, số lượng sáng chế trong lĩnh vực quản lý rác thải nhựa trên thế giới đã tăng gấp 18 lần từ năm 1990 đến 2023, với tốc độ tăng trưởng tăng vọt kể từ năm 2015. Quản lý rác thải nhựa hiện là một trong những lĩnh vực đổi mới sáng tạo phát triển nhanh nhất trên toàn cầu.
Trên hành trình này, châu Âu đang dẫn đầu thế giới về quản lý rác thải nhựa. Cụ thể, theo số liệu từ báo cáo, có tới 8 trong số 20 tổ chức có số lượng sáng chế nhiều nhất về tái chế rác thải nhựa đến từ châu Âu.
Ở lĩnh vực thu hồi rác, con số này là 10/20, chiếm 50%. Các doanh nghiệp chuyên về tái chế và thu hồi đến từ châu Âu như Erema (Đức), Carbios (Pháp) và Tomra (Na Uy) cũng góp mặt trong bảng xếp hạng các đơn vị dẫn đầu nỗ lực quản lý rác thải nhựa toàn cầu.
Không chỉ dẫn đầu về số lượng sáng chế, châu Âu còn chiếm ưu thế trong hai lĩnh vực công nghệ then chốt: Loại bỏ nhựa khỏi môi trường nước và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong xử lý rác thải – yếu tố quyết định cho tính bền vững và khả năng cạnh tranh trong tương lai.
Xếp sau châu Âu là châu Á và Bắc Mỹ. Mỗi khu vực hiện chiếm gần 30% tổng số nhóm bằng sáng chế quốc tế (IPF) trong lĩnh vực này. Khoảng một nửa trong số các tổ chức sáng chế hàng đầu thế giới hiện hoạt động trong ngành hóa chất hoặc sản xuất lốp xe, bên cạnh các ngành bao bì, ô tô, điện tử, in ấn và hàng tiêu dùng.