Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tổng lượng phế, phụ phẩm nông nghiệp của Việt Nam ước tính khoảng 160 triệu tấn mỗi năm. Trong đó, ngành thủy sản chiếm 0,6% với khoảng 1 triệu tấn, chủ yếu là vỏ tôm, cua, da cá, xương, nội tạng, vây, vảy và vỏ giáp xác hoặc nhuyễn thể hai mảnh.
Phế, phụ phẩm thủy sản tồn tại ở nhiều dạng rắn, lỏng, khí… trong đó dạng rắn chiếm hơn 90%. Trừ vỏ nhuyễn thể hai mảnh, hầu hết các phụ phẩm còn lại dễ phân hủy, thối rữa nhanh trong điều kiện nhiệt độ khoảng 27°C và độ ẩm 80%, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nếu không được xử lý đúng cách. Tuy nhiên, nếu được chế biến hợp lý, những phế phẩm này có thể mang lại nguồn lợi kinh tế đáng kể.

Hải sản vừa cập bến ở cảng Tân Phước (xã Long Hải, TP.HCM) với nhiều loại cá tạp, phế phụ phẩm giá trị thấp vài ngàn đồng mỗi kg. Ảnh: Lê Bình.
Phế, phụ phẩm thủy sản chứa nhiều thành phần dinh dưỡng và khoáng chất quý giá, là nguồn nguyên liệu tiềm năng cho nhiều ngành công nghiệp. Đầu, xương, da, vây, vảy, và vỏ giáp xác có thể được sử dụng để sản xuất bột cá, bột tôm làm thức ăn chăn nuôi, sản xuất phân bón hữu cơ, phân vi sinh. Thậm chí, phế phụ phẩm có thể được chế biến sâu thành dầu cá, collagen, gelatin phục vụ ngành dược phẩm và mỹ phẩm hoặc chiết xuất chitin và chitosan từ vỏ tôm, cua - những nguyên liệu giá trị cao trong y học và nông nghiệp.
Tuy nhiên, tiềm năng này chưa được khai thác triệt để. Hiện nay, ngành chế biến phế, phụ phẩm thủy sản tại Việt Nam chỉ đạt giá trị khoảng 275 triệu USD mỗi năm, trong khi nếu được đầu tư đúng mức, con số này có thể đạt 4-5 tỷ USD.
Xét riêng hai sản phẩm chủ lực là tôm nước lợ và cá tra, tiềm năng từ phế, phụ phẩm càng rõ rệt. Trong ngành chế biến tôm, phụ phẩm như đầu và vỏ tôm chiếm 35-45% tổng khối lượng nguyên liệu đầu vào, chứa nhiều dưỡng chất có thể tạo ra sản phẩm giá trị cao. Còn cá tra chủ yếu xuất khẩu phi lê nên phụ phẩm chiếm 60-70% tổng khối lượng.
Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ năm 2025 phấn đấu đạt 10 tỷ USD, tương ứng với hơn 400.000 tấn phụ phẩm. Đến năm 2030, sản lượng tôm nước lợ đạt 1,3 triệu tấn và cá tra đạt 2 triệu tấn. Khi đó, phế phụ phẩm tôm nước lợ ước tính 650.000 tấn, với giá trị 1.950-2.600 tỷ đồng (78-104 triệu USD) nếu bán giá 3-4 triệu đồng/tấn. Phế phụ phẩm cá tra đạt 1,3 triệu tấn, với giá trị 10.400-13.000 tỷ đồng (416-520 triệu USD) nếu bán giá 8-10 triệu đồng/tấn. Những con số này cho thấy tiềm năng kinh tế to lớn nếu ngành chế biến phụ phẩm được đầu tư bài bản.
Việc ứng dụng công nghệ hiện đại như công nghệ enzyme, vi sinh vật, hoặc công nghệ sinh học phân tử đang mở ra những hướng đi mới cho ngành thủy sản theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Hiện có khoảng 30-40 doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư chế biến bột cá, bột tôm, collagen, dầu cá từ phế, phụ phẩm thủy sản, kỳ vọng gia tăng 15-25% giá trị cho chuỗi sản xuất.

Phế, phụ phẩm sau chế biến, xuất khẩu thủy sản vẫn còn nhiều dư địa và tiềm năng kinh tế lớn nếu được nhìn nhận, đầu tư bài bản. Ảnh: Lê Bình.
Công ty TNHH Phúc Lộc (phường Tân Hải, TP.HCM) có hơn 25 năm trong nghề sản xuất bột cá làm thức ăn cho gia súc trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Công ty cũng đã tận dụng triệt để các phế, phụ phẩm trong ngành thủy sản để sản xuất bột cá.
Ông Nguyễn Thành Lộc, Giám đốc công ty cho biết, mỗi ngày tại Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) có khoảng 60 tấn phế phẩm từ cá, ghẹ, ốc thải ra từ các tàu cá và nhà máy chế biến. Phúc Lộc đã đầu tư máy ép để tách thịt từ phế phẩm, sau đó sấy khô thành bột cá với độ đạm 52-54%. Hiện mỗi năm, công ty sản xuất 4.000-5.000 tấn bột cá, đạt doanh thu 72-90 tỷ đồng với giá bán khoảng 18.000 đồng/kg.
Dù tiềm năng lớn, ngành chế biến phế, phụ phẩm tôm và cá tra nói riêng và thủy sản nói chung còn đối mặt nhiều thách thức. Ngoài khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, quy mô sản xuất tôm, cá tra ở nhiều địa phương khác còn nhỏ lẻ, chưa hình thành ngành công nghiệp hiện đại. Cơ sở hạ tầng logistics phục vụ sản xuất, chế biến và phân phối phế phụ phẩm còn thiếu và yếu, dẫn đến chi phí cao, hao hụt lớn và chất lượng giảm nhanh.
Các cơ sở chế biến phần lớn có quy mô nhỏ và vừa, nguồn vốn hạn hẹp, công nghệ và nhân lực còn yếu, hạn chế khả năng cạnh tranh và chuyển đổi cơ cấu sản phẩm. Thiếu chiến lược phát triển dài hạn cũng khiến đầu tư dàn trải, kém hiệu quả.
Ông Lộc chia sẻ, do chính quyền địa phương chưa có một quy hoạch ngành thủy sản hoàn thiện nên doanh nghiệp chưa dám đầu tư mạnh vào công nghệ, tiến bộ khoa học kĩ thuật để phát triển quy mô công ty và chất lượng sản phẩm.

Do thiếu công nghệ sản xuất nên việc chế biến bột cá từ phế, phụ phẩm chưa đạt được kỳ vọng về chất lượng và sản lượng. Ảnh: LB.
“Hy vọng sau khi sáp nhập, TP.HCM mới sẽ có một đề án quy hoạch chi tiết và hoàn thiện phát triển ngành thủy sản. Khi có được quy hoạch ổn định, Phúc Lộc sẽ đầu tư thêm máy móc dây chuyền công nghệ cao để nâng độ đạm trong bột cá lên 60%, thậm chí 64%, giá bán theo đó cũng tăng lên 10-15 ngàn đồng/kg. Chứ hiện nay ngành thức ăn chăn nuôi còn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu bột cá nhập khẩu với khoảng 140 ngàn tấn/năm”, ông Lộc cho biết.
Bà Phạm Thị Na, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP.HCM, nhận định, việc tận dụng phế, phụ phẩm thủy sản không chỉ mang lại giá trị kinh tế hàng chục tỷ đồng mỗi năm mà còn góp phần bảo vệ môi trường và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, hướng tới một nền nông nghiệp xanh, bền vững.
“Những giải pháp này không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn nâng cao uy tín ngành thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế, đồng thời tạo việc làm và cải thiện sinh kế cho người lao động địa phương”, bà Na cho hay.