“Luôn bị động”
Công việc của các Manager: Lên kế hoạch về lịch trình làm việc một ngày của diễn viên; tư vấn các vấn đề liên quan tới chuyên môn, vạch ra các kế hoạch dài hạn và xem xét các quyết định cá nhân ảnh hưởng tới sự nghiệp của diễn viên mà họ quản lý... Ở những nước phát triển, việc diễn viên tìm đến các nhà quản lý là lẽ đương nhiên. Nhà quản lý có vai trò quan trọng trong việc thành hay bại của một diễn viên. Việt Nam, những năm gần đây cũng đã bắt đầu hình thành lực lượng Manager nhưng mới chỉ dừng lại ở lĩnh vực âm nhạc. Nhờ công nghệ lăng xê của những Manager mà nhiều sao đã tìm được vị trí trong lòng công chúng như: Đan Trường, Ưng Hoàng Phúc, Cẩm Ly....
Song Manager trong lĩnh vực điện ảnh dường còn quá mới mẻ. Điều đó chứng tỏ, điện ảnh của chúng ta thiếu chuyên nghiệp.
NSND Như Quỳnh tâm sự: Ở Việt Nam đặc biệt là Hà Nội chưa có lực lượng Manager. Chị thèm có một Cty quản lý, lo cho mọi công việc bên lề như: Chuẩn bị trang phục, tìm kiếm vai diễn, thương thảo hợp đồng, sắp xếp lịch để được toàn tâm toàn ý cho từng vai diễn.
Đạo diễn Hoàng Lâm (Hãng phim VFC) thừa nhận: Mỗi lần dựng phim là một lần đau đầu. Một bộ phim gây được hiệu ứng trong lòng khán giả thì ngoài yếu tố kịch bản thì diễn viên cũng không kém phần quan trọng. Thực tế chúng tôi không có dàn diễn viên trong tay nên luôn bị động. Trong khi lực lượng diễn viên tự do không ít, có những phim muốn cũng không thể mời bởi không biết tìm họ ở đâu. Mặc dù có bạn cũng rất yêu phim trường. “Rõ ràng, nếu có đội ngũ Manager chuyên nghiệp thì những đạo diễn phim truyền hình như chúng tôi cũng đỡ vất vả hơn nhiều” - đạo diễn Hoàng Lâm nói.
Mời những người cũ
Một số diễn viên hoạt động độc lập, cũng đã tự tìm cách tiếp cận với đạo diễn. Họ sẵn sàng đi xin vai. Sẵn sàng tiếp thị bản thân mình. Nhưng không phải đạo diễn nào cũng dám mạo hiểm giao vai cho những diễn viên chẳng tiếng tăm, vì thế giải pháp an toàn với các đạo diễn là mời những người đã từng cộng tác. Cho dù là diễn viên có nghề hay mới chập chững vào nghề thì việc tự nhận vai, tự thương thảo cát - xê cho vai diễn, lo phục trang, giờ giấc quay cũng làm cho họ sao nhãng chuyên môn. Có lẽ vì thế mà các nhân vật do một diễn viên đóng cứ na ná nhau, đơn điệu, nhàm chán. Chuyện cơm chẳng lành canh chẳng ngọt giữa diễn viên và đạo diễn vì... cát xê cũng không phải hiếm.
Mỗi năm, có hàng trăm diễn viên tốt nghiệp từ chính quy dài hạn cho đến những lớp đào tạo ngắn hạn. Rất ít trong số đó được nhận về các đoàn kịch, nhà hát. Số còn lại trở thành diễn viên tự do. Không ít người đam mê gắn bó với phim trường nhưng đầy gian truân, vất vả. Họ tự mày mò, tự tìm kiếm cơ hội cho mình.
Dẫu biết rằng, cát - xê cho một vai diễn chính trong phim truyền hình chỉ 1-1,5 triệu/ tập là quá ít ỏi để diễn viên có thể thuê một người quản lý. Nhưng trong thời gian tới, việc hội nhập và giao lưu sẽ buộc phải hình thành những Cty quản lý diễn viên chuyên nghiệp, có như vậy, chúng ta mới hy vọng phim nội không thua trên chính sân nhà.