Không thể phát triển khi nền móng yếu
Phát triển kinh tế tư nhân là một nhiệm vụ chiến lược, lâu dài và có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Nhưng để các doanh nghiệp nông nghiệp thực sự “lớn mạnh và phát triển hiệu quả, bền vững”, cần phải tháo gỡ điểm nghẽn về đất đai, tín dụng, khoa học kỹ thuật…
Hiện nay, trong lĩnh vực nông nghiệp, phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Không ít doanh nghiệp muốn làm nông nghiệp bài bản nhưng vấp ngay từ khâu đầu tiên - đất đai manh mún.

Những mô hình như trồng dưa lưới trong nhà màng cho hiệu quả kinh tế cao nhưng cần nhiều vốn đầu tư ban đầu. Ảnh: Đinh Mười.
Ngay cả những "cánh chim đầu đàn" trong nông nghiệp như Tập đoàn Lộc Trời cũng chưa tìm ra lời giải cho bài toán tích tụ đất đai. Họ không thể sở hữu trực tiếp đất mà chỉ liên kết với hàng chục nghìn hộ nông dân tại Đồng bằng sông Cửu Long thông qua hợp đồng bao tiêu. Phương thức này đặt doanh nghiệp vào thế bị động: Không thể đầu tư dài hạn vào cơ giới hóa, canh tác hữu cơ, hay điều phối vùng trồng khi người dân “xé rào” bán sản phẩm ra ngoài hoặc bỏ mô hình giữa chừng.
Vụ lúa hè thu 2023 tại An Giang, doanh nghiệp đã đầu tư chi phí vật tư đầu vào cho nông dân qua hệ thống liên kết. Tuy nhiên, đến kỳ thu hoạch, giá lúa ngoài thị trường tăng đột biến, nhiều hộ không giao sản phẩm đúng cam kết. Điều này khiến Lộc Trời không đủ sản lượng để hoàn tất hợp đồng xuất khẩu sang EU, dù đã đạt chứng nhận SRP (sản xuất bền vững). Nếu doanh nghiệp có thể tích tụ và quản lý trực tiếp đất, câu chuyện đã khác.
Nhưng đất đai không phải là rào cản duy nhất. Để khu vực kinh tế tư nhân thực sự phát triển mạnh mẽ, doanh nghiệp nông nghiệp còn cần được tiếp sức từ các gói tín dụng ưu đãi. Nguyên nhân bởi ngân hàng thường yêu cầu tài sản thế chấp có giá trị cao, trong khi phần lớn đất nông nghiệp doanh nghiệp thuê từ người dân hoặc nhà nước lại không đủ điều kiện đảm bảo tín dụng.
Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc lập dự án, chứng minh hiệu quả sản xuất, chuẩn bị hồ sơ tài chính bài bản cũng là điều gần như không thể, đặc biệt với những người nông dân một nắng hai sương. Họ luôn gặp khó khăn trong việc tiêp cận thông tin thị trường, hạch toán kinh tế.

Ông Ngô Xuân Nam tại Phiên họp thứ 92 của Ủy ban SPS/WTO vừa diễn ra cuối tháng 6/2025 tại Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: SPS Vietnam.
bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp làm nông nghiệp hữu cơ, dù sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu nhưng vẫn chưa tiếp cận được thị trường cao cấp do chưa xây dựng được thương hiệu, thiếu chiến lược truyền thông và đội ngũ chuyên trách.
Họ thiếu kênh chính thống để tiếp cận thông tin cảnh báo thị trường, các hàng rào SPS, TBT hay biến động chính sách thuế, kiểm dịch từ các nước nhập khẩu. Hệ quả là nhiều doanh nghiệp phải thông qua trung gian, bị ép giá hoặc bị động trong giao dịch quốc tế.
Ông Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam từng chia sẻ về việc nhiều doanh nghiệp nhỏ, khi đăng ký trên cổng thông tin CIFER của Tổng cục Hải quan Trung Quốc mắc những lỗi sơ đẳng. Chẳng hạn, viết thiếu một chữ “e” trong tên đường (Street), hoặc thừa những dấu chấm khi đánh số điện thoại (điều không được phép, theo yêu cầu của Trung Quốc). Và từ những sơ suất ấy cho thấy, doanh nghiệp nông nghiệp chưa thật chủ động tiếp cận những cái mới từ thị trường, đặc biệt là thị trường quốc tế.
Tạo hệ sinh thái bền vững cho kinh tế tư nhân
Tháo gỡ những rào cản về đất đai, tín dụng, thông tin thị trường... không thể chỉ dừng ở nhận diện vấn đề. Điều quan trọng hơn là thiết kế một hệ sinh thái chính sách cởi mở, thực tiễn, và đủ linh hoạt để khu vực kinh tế tư nhân thực sự “cắm rễ” và phát triển lâu dài trong nông nghiệp.
Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ 1/1/2025, là cơ sở pháp lý quan trọng để gỡ vướng. Việc bỏ hạn điền, mở rộng quyền chuyển nhượng, cho thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp và khuyến khích hình thành thị trường quyền sử dụng đất sẽ tạo hành lang pháp lý rõ ràng hơn cho doanh nghiệp. Một số địa phương như Đồng Tháp, Hải Phòng đã thí điểm thành công mô hình “cánh đồng lớn”, hợp đồng thuê đất tập trung qua HTX, là những kinh nghiệm quý báu cần nhân rộng.
Hệ thống cảnh báo sớm rào cản SPS, TBT và thông tin xuất nhập khẩu nông sản hiện đã có bước phát triển. Văn phòng SPS Việt Nam thời gian qua đã tích cực phối hợp với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp để phổ biến quy định kỹ thuật từ các thị trường như EU, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản.
Việc nâng cấp cổng thông tin SPS thành nền tảng đa ngôn ngữ, thân thiện với doanh nghiệp nhỏ, đang được Văn phòng tích cực phối hợp với Cục Chuyển đổi số (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) là một hướng đi cần đẩy nhanh.

Nhiều chương trình tín dụng ưu đãi được thiết kế riêng cho khu vực doanh nghiệp nông nghiệp. Ảnh: NNMT.
Cuối tháng 6 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định số 174/2025/NĐ-CP về Kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân. Trong đó, quy định áp dụng thuế suất 0% VAT đối với một số hàng hoá, dịch vụ do doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cung cấp.
Chính sách này không chỉ giúp giảm chi phí đầu vào, mà còn tạo sức bật cạnh tranh về giá - yếu tố vốn là điểm yếu cố hữu của doanh nghiệp tư nhân khi so với các tập đoàn lớn có lợi thế quy mô. Bộ Tài chính cũng cam kết phối hợp rà soát toàn bộ hệ thống phí và lệ phí liên quan đến hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, theo hướng đơn giản hóa, giảm mức thu và mở rộng đối tượng miễn, nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn.
Nhằm giải quyết bài toán mặt bằng sản xuất, một trong những rào cản lớn đối với doanh nghiệp tư nhân, Nghị định 174 /2025/NĐ-CP đã yêu cầu các địa phương dành tối thiểu 5% tổng quỹ đất trong các cụm công nghiệp hoặc tối thiểu 20 ha để bố trí cho doanh nghiệp vừa, nhỏ, doanh nghiệp công nghệ cao và khởi nghiệp sáng tạo thuê. Đây là bước điều chỉnh mang tính “chia lại không gian sản xuất”, giúp khu vực tư nhân có điều kiện tiếp cận đất đai một cách công bằng và hiệu quả hơn.
Đóng vai trò điều tiết vốn cho nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước không đứng ngoài cuộc chơi “trợ lực” cho kinh tế tư nhân, khi đang thúc đẩy xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ định giá đất nông nghiệp, tài sản trên đất để làm cơ sở cấp tín dụng. Một số ngân hàng thương mại như Agribank, BIDV... đã ký kết chương trình tín dụng đặc thù cho doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị.
Mặc dù Nhà nước đã có những động thái tháo gỡ những điểm nghẽn cho doanh nghiệp nhưng điều khu vực tư nhân cần không chỉ là từng giải pháp kỹ thuật rời rạc, mà là một hệ sinh thái tài chính - thể chế được thiết kế trọng vẹn, nơi rủi ro được chia sẻ công bằng, và các công cụ tài chính nông nghiệp, từ bảo hiểm rủi ro, quỹ ổn định thu nhập… được vận hành hiệu quả. Khi nền tảng này được thiết lập vững chắc, kinh tế tư nhân trong lĩnh vực nông nghiệp mới có thể bứt phá mạnh mẽ.