| Hotline: 0983.970.780

Nhà nước có thể góp tới 70% vốn vào dự án khoa học công nghệ

Thứ Năm 03/07/2025 , 06:14 (GMT+7)

Luật mới cho phép tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia vào các dự án PPP tăng lên tới 70%, tập trung ưu tiên cho lĩnh vực khoa học công nghệ, chuyển đổi số.

Tại buổi Họp báo Bộ Tài chính quý II chiều 2/7, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, cơ chế hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số sẽ được điều chỉnh theo hướng mở, linh hoạt và ưu đãi hơn đáng kể so với trước.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi chủ trì buổi họp báo. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi chủ trì buổi họp báo. Ảnh: Bảo Thắng.

Ông Phạm Thy Hùng, Phó cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu bổ sung, điểm đáng chú ý nhất là tỷ lệ vốn nhà nước có thể lên tới 70% trong các dự án PPP thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ. Ngoài ra, Chính phủ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp bù lỗ doanh thu trong ba năm đầu vận hành và đơn giản hóa đáng kể thủ tục đầu tư.

Đây là nội dung trọng tâm trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PPP và Luật Đấu thầu vừa được Quốc hội thông qua, cùng với Nghị định về PPP trong lĩnh vực khoa học công nghệ có hiệu lực từ ngày 1/7.

Luật và nghị định mới không chỉ tăng tỷ lệ góp vốn nhà nước, mà còn gỡ bỏ hàng loạt rào cản với nhà đầu tư tư nhân. Cụ thể, doanh nghiệp thực hiện dự án PPP không bắt buộc phải lập pháp nhân riêng, được phép kinh doanh ngành nghề ngoài hợp đồng dự án, và có thể được chỉ định nếu sở hữu công nghệ nằm trong danh mục ưu tiên quốc gia.

Các thủ tục đầu tư cũng được rút gọn tối đa. Quyền phê duyệt chủ trương đầu tư được phân cấp từ Thủ tướng xuống Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các cấp. Đối với dự án nhỏ và vừa, thủ tục thẩm định được tinh giản, đồng thời linh hoạt hơn trong điều kiện lựa chọn nhà đầu tư.

Cơ chế đặt hàng, giao thầu, hay sử dụng tài sản công, kể cả dữ liệu và bản quyền công nghệ, đều được cho phép trong mô hình PPP mới. Theo ông Hùng, điều này sẽ tạo điều kiện để xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo, phòng thí nghiệm dùng chung và các nền tảng số quốc gia.

Bên cạnh cơ chế linh hoạt, một nội dung quan trọng nữa vừa được ban hành, là quy định cụ thể vai trò của từng bên trong chuỗi hợp tác công - tư - viện - trường.

Phía Nhà nước chịu trách nhiệm xác định mục tiêu chiến lược, công bố các “bài toán lớn” để cộng đồng khoa học giải quyết, và đầu tư cơ sở hạ tầng ban đầu như phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu. Đồng thời, hỗ trợ vốn ngân sách theo các tiêu chí rõ ràng.

Viện nghiên cứu, trường đại học có trách nhiệm tổ chức nghiên cứu, phát triển công nghệ, cung cấp tri thức và chuyên gia, đồng thời giải quyết các yêu cầu kỹ thuật của doanh nghiệp và địa phương. Trong khi đó, khu vực tư nhân đóng vai trò là nhà đầu tư, tổ chức thực hiện sản xuất, thương mại hóa kết quả nghiên cứu và vận hành hạ tầng.

Theo ông Hùng, trước đây, việc hợp tác ba bên còn mờ nhạt về trách nhiệm, khiến nhiều dự án đình trệ. Nghị định lần này quy định rõ ràng vai trò của từng đối tác, giảm xung đột và tăng hiệu quả thực thi.

Ông Phạm Thy Hùng, Phó cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu. Ảnh: Bảo Thắng.

Ông Phạm Thy Hùng, Phó cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu. Ảnh: Bảo Thắng.

Ngoài nguồn lực hỗ trợ vốn, các doanh nghiệp công nghệ còn được hưởng nhiều ưu đãi thuế. Chi phí cho nghiên cứu và phát triển được trừ tới 200% khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Đồng thời, các quỹ hỗ trợ khoa học công nghệ, quỹ rủi ro và cơ chế sở hữu kết quả nghiên cứu cũng được quy định cụ thể.

Việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, sử dụng và chuyển giao kết quả nghiên cứu cũng được "gỡ" theo hướng mở hơn, góp phần quan trọng để doanh nghiệp yên tâm đầu tư và triển khai dự án.

Theo Bộ Tài chính, trong quá trình xây dựng chính sách, cơ quan này đã tổ chức lấy ý kiến từ nhiều tập đoàn công nghệ, viện nghiên cứu và các bộ, ngành liên quan. “Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục đồng hành để các dự án PPP trong lĩnh vực công nghệ thực sự đi vào cuộc sống”, Phó Cục trưởng Hùng khẳng định.

Tại họp báo, bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể cho biết, trong tháng 6/2025, hơn 24.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới - mức cao nhất từ trước tới nay, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ 2021-2024.

Tổng cộng 6 tháng đầu năm, cả nước có hơn 91.000 doanh nghiệp mới và 61.000 doanh nghiệp quay lại hoạt động, vượt xa số rút lui khỏi thị trường. Vốn bổ sung của doanh nghiệp đang hoạt động tăng hơn 170% so với cùng kỳ, cho thấy niềm tin và kỳ vọng lớn vào triển vọng phục hồi kinh tế.

Xem thêm
Xuất khẩu viên nén Việt Nam gặp lực cản kép

Ngành viên nén đối mặt nguy cơ chững lại do chính sách siết của Nhật Bản và giá đầu ra bấp bênh từ Hàn Quốc, trong khi nội lực về nguyên liệu chưa ổn định.

[Bài 3]: Sàn giao dịch việc làm - ‘cầu nối’ vững chắc

HUẾ Sàn giao dịch việc làm tại TP Huế đang hoạt động hiệu quả, minh bạch, góp phần quan trọng giúp nhiều người có thêm cơ hội, niềm tin để trở lại thị trường lao động.

Thu thuế thương mại điện tử tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ 2024

5 tháng đầu năm, thuế thu từ kinh tế số đạt gần 75.000 tỷ đồng, mức cao kỷ lục, phản ánh chuyển động mạnh trong giám sát dòng tiền trực tuyến.

Bộ Tài chính sẽ điều chỉnh lại bậc lũy tiến thuế thu nhập cá nhân

Biểu thuế lũy tiến, giảm trừ gia cảnh và cách tính thu nhập chịu thuế sẽ được Bộ Tài chính sửa đổi toàn diện, sao cho phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Đọc nhiều nhất

Bình luận mới nhất